LỜI CHÚA

Chúa nhật II Thường Niên, năm B: "LỜI GIẢNG CHUYỂN TIẾP" (Minh An)

tác giả Tin Mừng Gioan rất tài tình khi trình bày cho độc giả biết cách lưu truyền, hay chuyển tiếp lời rao giảng về Đức Kitô mà không cần phải để cho Đức Kitô truyền bá về danh tính của mình; Gioan Tẩy giả loan truyền Đức Giêsu cho các môn đệ, các môn đệ loan truyền về Chúa Giêsu cho người khác nữa. Đúng là: “Hữu xạ tự nhiên hương”.

 

Ga 1, 35- 42

 

"LỜI GIẢNG CHUYỂN TIẾP"

 

Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên, năm B, hôm nay, có thể được gọi là Chúa Nhật của những lời rao giảng chuyển tiếp: ông Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ, và các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Thầy mình, loan báo về Đức Giêsu cho anh em khác nhận biết và đi theo. Đó cũng chính là sứ vụ của Giáo Hội phải lưu truyền từ đời nọ đến đời kia về Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người, mọi thế hệ được đón nhận ơn cứu độ của Người.

Thật vậy, bắt đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, tác giả Tin Mừng thứ tư, giới thiệu cho chúng ta biết trước khuôn mặt của vị Gioan Tiên hô luôn làm chứng cho Chúa Giêsu một cách rất trung thực. Trong bài Tin Mừng này, Gioan Tiền hô đã rao giảng cho hai môn đệ của mình biết về Đức Giêsu, không những ông chỉ nói cho các môn đệ biết về Đức Giêsu, nhưng ông còn muốn các đệ tử của mình đi theo và làm chứng cho Đức Giêsu nữa: “Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1, 36-37).

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy giả cho các môn đệ của mình biết về “Chiên Thiên Chúa” là nhằm giúp các đệ tử của ông nhận ra rõ ràng về vai trò và sứ vụ của vị Cứu Tinh phải chịu như thế nào để cứu độ nhân loại; nghĩa là Con Chiên bị sát tế để dâng lên Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu phải hy sinh phận mình để cứu chuộc nhân loại theo thánh ý Cha, được ví như Con Chiên Thiên Chúa. Các môn đệ quyết định theo Chúa Giêsu thì cũng phải chấp nhận thân phận của Chúa như là dấu chỉ để đón nhận con đường mình đi.

Nhờ lời loan báo của sư phụ Gioan tiền hô mà Chúa Giêsu đã kêu gọi Tông đồ Anrê và một người bạn khác của ông đi theo Người vào giờ thứ mười: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, lập tức Anrê và một người bạn đã đi theo Đức Giêsu (x.Ga 1,37). Và chính Anrê cũng là người đã giới thiệu Chúa Giêsu cho em mình là Phêrô và được Chúa đón nhận Phêrô vào hàng ngũ các Tông đồ.

Ta thấy, tác giả Tin Mừng Gioan rất tài tình khi trình bày cho độc giả biết cách lưu truyền, hay chuyển tiếp lời rao giảng về Đức Kitô mà không cần phải để cho Đức Kitô truyền bá về danh tính của mình; Gioan Tẩy giả loan truyền Đức Giêsu cho các môn đệ, các môn đệ loan truyền về Chúa Giêsu cho người khác nữa. Đúng là: “Hữu xạ tự nhiên hương”.

Có thể nói được rằng, Anrê là người đầu tiên loan báo Tin Mừng về Đấng Mê-si-a: “chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Ông đã loan báo Đấng Mê-si-a cho em mình là Phêrô và cũng nhờ lời loan báo này mà Anrê đã đưa được Phêrô đến với Chúa, đưa được Phêrô từ một ngư phủ nghèo nàn, quanh quẩn bên biển hồ Galilê, thành Tông đồ trưởng, đứng đầu trong các anh em Tông đồ của mình: “Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu” (Ga 1,41-42a). Ơn gọi đến với thánh Anrê thật đơn giản nhưng cũng đầy trách nhiệm. Anrê vừa đáp lại tiếng gọi của Chúa cũng phải vừa loan báo Tin Mừng cho Chúa. Ông đã gặp em mình là Phêrô để giới thiệu Chúa cho em. Đó là dấu chỉ để xét đến ơn gọi của mỗi chúng ta. Khi lãnh bí tích Thanh Tẩy, chúng ta trở thành con cái của Chúa, chúng ta trở nên môn đệ của Đức Giêsu, nên ta phải có nhiệm vụ loan báo về Đấng Mê-si-a cho mọi người biết và đón nhận, để họ cũng được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Khi đáp lại tiếng Chúa mời gọi làm tông đồ cho Người là chúng ta bước vào một khúc quanh mới của cuộc đời và từ đó bản thân được đổi khác. Khi lắng nghe và tìm biết ý Chúa qua các biến cố, qua các sự kiện trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng là ta có dám đáp trả lời mời gọi của Người hay không? Có nhiều khi con người bịt tai, ngoảnh mặt làm ngơ như không hề nghe thấy tiếng Chúa, để khỏi phải đáp trả, khỏi phải từ bỏ, vì có lẽ họ còn quá nhiều những sợi dây vấn vương quấn chặt lấy cuộc đời, khiến họ không dễ gì tháo gỡ, không dễ gì để hy sinh từ bỏ mà đáp lại lời mời gọi làm Tông đồ cho  Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa không hiện ra trực tiếp để kêu gọi chúng ta hay truyền dạy chúng ta phải làm điều nọ, điều kia, nhưng tiếng Chúa vẫn âm thầm gởi đến với chúng ta qua các sự kiện, qua các biến cố của cuộc đời. Mà những biến cố, những sự kiện đó chính là một dấu chỉ của thánh ý Chúa. Mỗi sự việc là một bài toán mà đáp số là sứ điệp Chúa muốn chúng ta đón nhận để làm cho nên trọn. Vì thế, ta cần phải tỉnh thức để nhận ra ý Chúa và sứ điệp của Ngài muốn nơi chúng ta. Để từ đó, chúng ta chuyển tiếp sứ điệp của Chúa cho mọi người, qua mọi thế hệ.

 

Minh An 

Thiết kế Web : Châu Á