LỜI CHÚA

Chúa nhật II Mùa Chay năm B - "Hiến lễ" - Quốc Vũ

Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng tâm hồn hướng về Ngài trong Mùa Chay này, xin cho con mở rộng bàn tay để đến với anh chị em mình với cả lòng quảng đại trao ban, xin cho con hân hoan dâng hiến cuộc đời cho Chúa như của lễ đẹp ý Chúa.

Chúa nhật II Mùa Chay, năm B

«HIẾN LỄ»

 

 

 

 

Bài đọc 1: Sáng Thế  22, 1-2.9a.10-13.15-18

Bài đọc 2: Rôma8, 31b-34

Tin Mừng: Marcô 9, 2-10

1. Bài đọc I: Hiến lễ của Tổ phụ Abraham

Sau khi đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, Tổ phụ Abraham đã bỏ lại quê nhà để ra đi đến một nơi chưa hề biết trước, nơi mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông làm cơ nghiệp (St 12, 1). Ông cất bước lên đường với một niềm tin và hy vọng rằng sẽ có một dòng dõi đông như sao trên trời, nhiều như cát bãi biển (St 12, 2).

Quyết định này, đã đặt Abraham vào một hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ, ông đã phải bước đi ngang qua những gian nan và thử thách. Vì tin vào lời hứa của Thiên Chúa, ông đã bỏ lại tất cả; và việc hiến tế Isaac, như đoạn sách hôm nay thuật lại cho chúng ta, là đỉnh điểm chứng minh cho lòng tin của Abraham thật tuyệt vời. Chính nơi Isaac, Abraham đã cho thấy sự xác tín của ông nơi lời hứa có vẻ như không thể thực hiện nếu xét theo khía cạnh con người (x. St 18, 11; 21, 1-7).

Chính Thiên Chúa đã dùng Isaac để thanh luyện lòng tin của Abraham. Abraham đã vượt qua được thử thách, đã đi trọn vẹn con đường đức tin, ngang qua những đau khổ, dằn vặt, bằng một niềm xác tin và phó thác vào Lời Hứa. Chính nơi đó, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông rằng Người chính là một Thiên Chúa hoàn toàn khác các thần của dân ngoại. Người không muốn con người phải chết, nhưng là Thiên Chúa làm cho sống và sống dồi dào.

Hiến lễ của Isaac đã được các Giáo phụ, phụng vụ và nghệ thuật thánh giải thích, sánh ví và dùng làm biểu tượng cho hiến lễ của Đức Kitô, Đấng bị treo trên thập giá trên đồi Calvê (Ga 19, 17). Và việc Thiên Chúa can thiệp để cứu Isaac, lại là hình ảnh biểu trưng cho sự sống lại của Đức Kitô sau này (Ga 8, 56).

Tuy nhiên, Đức Kitô, hoàn toàn khác Isaac, không phải là một cuộc sát tế biểu trưng, mà Người đã chịu sát tế thực sự trên cây gỗ, nhưng đến ngày thứ 3 Người đã sống lại, và bước vào cõi sống vĩnh cửu cùng với Thiên Chúa.

2. Bài Tin Mừng: Đây là con Ta yêu dấu

Đây là đoạn tiếp theo sau việc tuyên tín của Phêrô về Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia (x. Mc 8, 27-30). Tuy nhiên, Đấng Mêsia mà Phêrô cùng các môn đệ quan niệm lúc bấy giờ không hoàn toàn là Đấng Mêsia mà Đức Kitô muốn mạc khải. Chính vì thế, Người đã phải giải thích thêm cho các ông hiểu rằng Đấng Mêsia của Thiên Chúa phải trải qua nhiều đau khổ, bị loại bỏ, bị sát tế, giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại (x. Mc 8, 31). Để minh họa cho lời dạy của mình, Đức Giêsu đã đưa các môn đệ lên núi, hầu cho các ông thấy và hiểu rõ hơn sứ mạng của Người sẽ thực hiện sau này.

Chính từ trên núi, Phêrô và các môn đệ đã được chứng kiến vinh quang của thầy mình: «Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông, y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh» (c. 3), và còn được nghe tiếng của Chúa Cha xác quyết: «Đây là con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người» (c. 7). Lời này của Chúa Cha đã làm mới lại lời chứng tại sông Giordan ngày nào, khi Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan; qua đó xác minh rằng Người chính là vị Tôi Trung của Giavê (Is 42, 1) bị đánh đập và tra tấn vì tội lỗi của tất cả chúng ta (Is 53, 6tt).

3. Bài đọc II: Thiên Chúa đã không tha chính Con Một Mình

Trong bức thư này, Thánh Phaolô giới thiệu cho các tín hữu thành Roma về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thực hiện ngang qua việc đón nhận Tin Mừng bằng lòng tin. Tin Mừng đó không là gì khác ngoài Đức Kitô.

Quả thật, với thánh Phaolô, Tin Mừng chính là Đức Kitô, để những ai đón nhận Tin Mừng là đón nhận ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện và ban tặng cho mọi người (Rm 8, 31-39).

Trong đoạn thư hôm nay, thánh Phaolô đưa các tín hữu thành Roma đến trước sự phán xét của Thiên Chúa. Bằng một loạt những câu hỏi, Ngài đặt các tín hữu vào sự chất vấn nội tâm, về sự trung tín trong ơn gọi là người Kitô hữu. Đồng thời, thánh Phaolô còn giúp họ xác tín cách chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn trung thành, Người luôn yêu thương, bênh đỡ và bảo vệ họ khỏi những thế lực chống đối và bách hại (c. 33). Thiên Chúa là vị thẩm phán tối cao, Người không kết án và buộc tội bất cứ ai, nhưng lại ban chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô, chết thay cho mọi người (c. 34), hầu giải thoát chúng ta khỏi mọi sự kết án.

Đó là sự xác tín của thánh Phaolô, và cũng là niềm tin của cả cộng đoàn. Sự xác tín đó hoàn toàn vững chắc bởi dựa trên nền tảng là tất cả chương trình của Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ.

4. Suy niệm:

Mùa Chay, phụng vụ hướng chúng ta về ba yếu tố chính trong việc sống đạo, là ăn chay, cầu nguyện và bố thí; đồng thời cũng giúp chúng ta xét mình theo ba bình diện: với chính mình, với Thiên Chúa và với tha nhân. Với chính mình, ta cần chay tịnh để bớt đi những đam mê, dụng vọng, hầu giúp tâm hồn thanh thản, an bình hơn. Với tha nhân, ta cần mở rộng lòng bác ái từ tâm, biết lưu tâm đến những nhu cầu tinh thần và thể chất của anh chị em sống quanh mình. Và với Thiên Chúa, ta cần giành nhiều thời gian đến với Người, để cầu nguyện và dâng lên những hy lễ tôn thờ và ca tụng tình yêu bao dung của Người. Mà hy lễ cao trọng hơn cả không gì khác hơn cả cuộc đời chúng ta, vì: «Hy tế và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa chẳng thích,… này con đây, con đến để thực thi ý Ngài» (Dt 10, 8-9).

 

Cũng như tổ phụ Abraham ngày xưa dâng chính con mình là Isaac cho Thiên Chúa như hiến lễ kết ước, bằng tất cả niềm tin và sự phó thác, người Kitô hữu ngày nay cũng được mời gọi đặt trọn niềm tin của mình vào Thiên Chúa, dám dâng trao cuộc đời mình trong tay Người.

Từ lời gọi của Thiên Chúa, tổ phụ Abraham đã đáp trả bằng tất sự tín thác: “này con đây!”. Trong lời đáp trả đơn sơ này, gói trọn cả cuộc đời của đấng tổ phụ, đó là lời đáp trả của người tôi tớ trung thành, để rồi được Thiên Chúa nâng lên hàng tâm phúc. Lời đáp trả của Abraham căn cứ vào Lời Hứa của Thiên Chúa, và hành trình đáp trả được thực hiện trong niềm tin trọn vẹn. Tin, là chấp nhận bước đi trong gian nan và thử thách; Tin, là dám từ bỏ mọi sự, từ bỏ cơ nghiệp để lên đường đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ; và tin, là dám sát tế chính con một mình, đồng nghĩa với việc “sát tế” cả dòng dõi của tiên tổ bao đời. Abraham đã tin và đã đánh đổi tất cả chỉ vì một Lời Hứa. Ông đã tin và nhất là đã sống niềm tin ấy cách chân thực và trọn vẹn nhất. Để rồi, qua muôn thế hệ, người ta đã xem là tổ phụ của những người tin.

Những người ấy tin là ai? Là chúng ta, là các Kitô qua bao thế hệ nối tiếp nhau như hệ quả của Lời Hứa mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời (x. St 15, 5). Dòng dõi ấy đã được Thiên Chúa dẫn đưa qua những chặng đường gian nan, được thứ tha biết bao lỗi lầm, được yêu thương và cứu độ, một ân ban phải trả bằng máu của chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô. Trong đức Kitô, dòng dõi ấy được trở nên hoàn thiện, được thánh hiến nên hy lễ dâng cho Thiên Chúa, và nên đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng tâm hồn hướng về Ngài trong Mùa Chay này, xin cho con mở rộng bàn tay để đến với anh chị em mình với cả lòng quảng đại trao ban, xin cho con hân hoan dâng hiến cuộc đời cho Chúa như của lễ đẹp ý Chúa.

                                 Quốc Vũ  

~*~

 

 

Thiết kế Web : Châu Á