LỜI CHÚA

Chú giải Lời Chúa CN XXVI TN, A: «ĐƯỜNG SỰ SỐNG»

Sự vâng phục chân thật là sự vâng phục trong đức tin đối với mọi sự việc xảy ra trong đời sống mà nhiều khi tâm trí con người không thể hoặc chưa được hiểu thấu. Sự vâng phục này chỉ có thể thực hiện bằng một quá trình hoán cải không ngừng, để khiêm nhường đặt mình trong chương trình của Thiên Chúa, hầu sẽ được Người nâng dậy bằng tình yêu thương xót của Người. Đó là con đường duy nhất dẫn đến sự sống, như chính Đức Kitô đã trải qua và đã được Thiên Chúa tôn vinh trên hết mọi loài.

 

 

«ĐƯỜNG SỰ SỐNG»

(Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32)

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc 1: Hoán cải - lối về sự sống

 

Với chương 18, sau phần dẫn nhập từ câu 1-4, Êdêkiel tiếp tục nêu ra những trách nhiệm cá nhân của người công chính và kẻ gian ác. Trái lại, ở phần bài đọc hôm nay, ngôn sứ cho thấy sự biển đổi trái chiều trong cách sống của mỗi người, để vào giây phút chung cục mỗi người sẽ được cứu độ hay không là tùy vào sự hoán cải cá nhân.

 

Vì phải gánh chịu những đau thương trong cảnh lưu đày do tội lỗi của các thế hệ trước, nên dân Israel bấy giờ đã truyền tai nhau câu ngạn ngữ: «Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ghê răng» (18, 2). Tuy nhiên, Êdêkiel đã cho họ thấy rằng không còn cái thời mà ông Noê có khả năng cứu các con cháu mình (St 7,7), nhưng bây giờ chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã lật sang một trang mới. Vì thế, ngôn sứ loan báo một thời kỳ mới, thời mà mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm, còn Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống, Người không hề thiên tư bất kỳ ai: «Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy hãy trở lại và hãy sống» (Ed 18,32).

 

Chúng ta đừng quên rằng đây là những lời mà Êdêkiel nói với những người tự cho mình hiểu biết được chương trình cứu độ của Thiên Chúa, họ chính là «số sót», là những người thừa kế lời hứa mà Thiên Chúa đã giao ước với Abraham và Đavít. Tuy nhiên, theo ngôn sứ, họ sẽ không thể được hưởng ơn cứu độ bằng một lối sống thụ động; họ không được cậy dựa vào sức mạnh của tập thể, nhưng phải bằng nỗ lực cá nhân trong việc hoán cải để trở về với Thiên Chúa: «Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết» (cc. 27-28).

 

2. Bài Tin Mừng: Đi làm vườn nho - bước vào sự sống

 

Đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần trong bộ ba dụ ngôn nói về sự từ chối Đức Kitô của những người có nhiệm vụ phải đón nhận Người, đó là: Dụ ngôn Hai người con (21,28-32) hôm nay, dụ ngôn Những tá điền sát nhân (21,33-43), và dụ ngôn Tiệc cưới hoàng gia (22,1-14). Thật vậy, trong các đoạn tiếp theo, Thánh sử cho thấy các người Pharisêu và các Kinh sư cấu kết với nhau để chống đối Đức Giêsu rất mạnh mẽ.

 

Đoạn văn hôm nay được xây dựng theo dạng thức một dụ ngôn (cc. 28-30) dựa trên 2 cách sống khác nhau (cc. 31-32). Hình ảnh người cha đại diện cho Thiên Chúa, trong khi hai người con là chính những người Do Thái thời Đức Giêsu: những người bị xem là «tội lỗi» vì không tuân giữ các lề luật, còn những người «công chính» luôn giữ tỉ mỉ từng điều luật cách công khai, nghĩa là những người đứng đầu trong dân.

 

Ý nghĩa của đoạn văn nằm ngay tại động từ «làm», nghĩa là «vâng phục», nó xác định giá trị của hai cách sống trái chiều cách chân thực nhất. Với người con thứ nhất, bị xem là kẻ tội lỗi, là kẻ chối bỏ Thiên Chúa, nhưng sau đó nó đã hối hận và đi «làm» vườn nho cho cha; còn người con thứ hai, được xem là người tốt lành, nhưng ở vào giây phút quyết định thì nó lại quay lưng lại chối bỏ Thiên Chúa, không chịu đi «làm» vườn nho cho Người. Ai sẽ được cứu?

 

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy lần nữa rằng thi hành ý muốn của Thiên Chúa là một bổn phận không thể tránh né, là thái độ của con người khi đối diện với Đức Kitô và Nước Trời. Trong câu 31, chứa đựng một ngữ cú chung của Tân Ước «Thi hành ý Cha». Với ngữ cảnh của dụ ngôn, người Cha chính là Thiên Chúa. Vì thế, chỉ những ai thi hành ý Thiên Chúa mới được vào làm vườn nho cho Người, nghĩa là phải tin và hoán cải thì mới được sống.

 

3. Bài đọc II: Bắt chước Đức Kitô - lãnh nhận sự sống

 

Để hiểu được ý nghĩa của đoạn văn này, chúng ta cần phải phân ra làm hai phần: phần 1 (cc. 1-5) và phần 2 (cc. 6-11), bởi chúng có đặc điểm hoàn toàn khác nhau.

 

Phần 1, là một lời khuyến dụ sống khiêm nhường trong Đức Kitô. Ở đây, Phaolô trình bày một sự thật mà chính các tín hữu Philipphê hiểu rất rõ. Thánh tông đồ dựa vào kinh nghiệm của cộng đoàn để khuyến khích họ sống hoàn thiện hơn. Trọng tâm và động lực của lời khuyến dụ này chính là Đức Kitô. Kinh nghiệm về Đức Kitô có giá trị khách quan làm cho họ can đảm sống bác ái, vị tha, hiệp nhất trong cùng một tâm hồn và một lòng mến: «Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như Đức Kitô» (cc. 20-21).

 

Phần 2, là bài thánh ca nổi tiếng về chiều kích Kitô học, Thánh tông đồ hướng các tín hữu Philipphê đến Đức Kitô là mẫu gương về sự tự hủy mình: «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa … nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân» (cc. 6-7). Điều này cho thấy rằng Đức Kitô đã thực sự đi vào lịch sử của nhân loại, để ở đó Người có thể đồng cảm và đồng hành với con người trong những tình cảnh hèn kém nhất, thậm chí là chấp nhận cái chết như mọi người: «Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết» (c. 8).

 

Tuy nhiên, ở phần cuối, bài thánh ca đã cho thấy kết cục hoàn toàn khác, là «Thiên Chúa đã tôn vinh Người» (c. 9). Thật ra, không hề có bất kỳ mối tương quan nào giữa thập giá của Đức Kitô và việc Người được tôn vinh; điều này hoàn toàn do ý muốn và ân sủng của Thiên Chúa, như Kinh Thánh thường nói đến việc «Thiên Chúa nâng cao những người khiêm nhu» (Lc 1,48; 14,11; 18,14; Mt 23,12.20.26). Đó là chương trình đời đời và không hề thay đổi của Thiên Chúa. Chính điều này, Phaolô khuyên dạy các tín hữu phải ngẫm nghĩ về cách sống của mình và áp dụng trong các mối tương quan với anh chị em và nhất là đối với Thiên Chúa.

 

4. Suy niệm

 

+ Thi hành ý Cha

Với dụ ngôn Hai người con, Đức Giêsu đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc «Thi hành ý Thiên Chúa». Hình ảnh người cha dưới đất gợi nhắc cho chúng ta về người Cha trên trời, Đấng ban cho mỗi người những khả năng và công việc cụ thể, đồng thời cũng đòi hỏi nơi mỗi người sự đáp trả mỹ mãn ở đoạn cuối của hành trình. Một điều chắc chắn là đối với Thiên Chúa, việc đáp trả bao giờ cũng phải là những việc làm cụ thể, như có lần Đức Giêsu từng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi» (Mt 7,21).

 

Cách sống duy nhất của con người có giá trị trước mặt Thiên Chúa chính là thi hành ý muốn của Người, và đón nhận mọi biến cố xảy ra hằng ngày trong sự khiêm nhường và tâm tình hoán cải. Trong sự đòi hỏi này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi làm vườn nho không phải chỉ cho Người, mà còn với Người, vì «không có Thầy, anh em không thể làm được gì» (Ga 15,5). Không có Đức Giêsu, mọi nỗ lực của chúng ta sẽ vô ích. Chính Người là mẫu gương và là Thầy dạy chúng ta cách sống để thi hành ý Cha.

 

+ Đường sự sống

Hình ảnh hai người con trong dụ ngôn gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ liên quan đến đời sống mình. Việc thi hành ý Thiên Chúa, hay việc đón nhận Đức Giêsu, không hệ tại ở những lời kinh, tham dự thánh lễ, hay những lời sáo ngữ với anh chị em…; nhưng đó phải là sự tuyên xưng đức tin phát xuất từ con tim chân thành, là một sự vâng phục hoàn toàn Thánh ý Thiên Chúa.

 

Sự vâng phục chân thật là sự vâng phục trong đức tin đối với mọi sự việc xảy ra trong đời sống mà nhiều khi tâm trí con người không thể hoặc chưa được hiểu thấu. Sự vâng phục này chỉ có thể thực hiện bằng một quá trình hoán cải không ngừng, để khiêm nhường đặt mình trong chương trình của Thiên Chúa, hầu sẽ được Người nâng dậy bằng tình yêu thương xót của Người. Đó là con đường duy nhất dẫn đến sự sống, như chính Đức Kitô đã trải qua và đã được Thiên Chúa tôn vinh trên hết mọi loài. Thế mới hay, mọi sự đều tốt đẹp cho những ai yêu mến và thi hành Thánh ý của Thiên Chúa theo gương Đức Giêsu Kitô, vì «quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người, và cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa» (2Cr 1,20).

 

 

Thiết kế Web : Châu Á