LỜI CHÚA

Chú giải Lời Chúa CN I Mùa Vọng, B: «MÙA VỌNG – MÙA CANH THỨC»

Khi nói Mùa Vọng là mùa canh thức, Giáo hội hướng chúng ta vào bên trong, vào nội tại của chính mình. Nghĩa là mỗi Kitô hữu, trước tiên phải nhìn vào chính mình, để nhận diện mình dưới ánh sáng Tin Mừng, hầu giúp chúng ta canh tân đời sống cá nhân, đồng thời hòa nhập và thúc đẩy sự canh tân đời sống của tập thể, của cộng đoàn và của những người sống quanh mình… để có thể cùng nhau bước vào mùa xuân cứu độ.

 

 

«MÙA VỌNG – MÙA CANH THỨC»

(Is 63,16-17; 64,2-7; 1 Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I: Thiên Chúa là Cha và Đấng Cứu Độ từ bi và giàu lòng thương xót

 

Đoạn sách Isaia hôm nay là một phần của lời nguyện dài từ chương 63,7-64,11. Đó là một bài ai ca được cất lên từ miệng của những người Israel trở về từ chốn lưu đầy để tái thiết lại đền thờ Giêrusalem.

 

Trong lời cầu nguyện này, họ gọi Thiên Chúa là cha (63,16-17) bằng tâm tình con thảo hằng hướng lên Người để kêu xin như những đứa con mong được vòng tay yêu thương và ấp ủ của cha mình.

 

- Nhưng Thiên Chúa không chỉ là cha, mà còn là Đấng Cứu Độ. Người đã bao phen chở che, và cứu giúp dân Người, trong khi những người cha khác không thể cứu giúp (c. 16). Chính vì thế, dân Israel đã nhận biết Người là Cha và là Đấng Cứu Độ duy nhất với tất cả tình yêu và niềm tin tuyệt đối: «Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở» (63,16).

 

- Thiên Chúa là Đấng luôn thứ tha và chúc phúc cho dân Người. Người là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Người yêu thích những người sống công chính (64,4a) và nhẫn nại với những người tội lỗi hối cải ăn năn (64,4b). Thậm chí, sự nổi giận của Người cũng chỉ là lời cảnh báo cho kẻ tội lỗi trở về. Bởi Người là Cha và là người thợ gốm làm ra dân Người: «Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con» (64,7).

 

2. Bài Tin Mừng: Tỉnh thức đợi chờ sự mạc khải của Đức Kitô

 

- Tỉnh thức: «Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ» (c. 36). Đây là mệnh lệnh của ông chủ. Ngày nay, Nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta, vì thế, tỉnh thức có nghĩa là biết đọc bững biến cố xảy ra trong cuộc sống để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực tế, chúng ta thường bị mê hoặc, và lơ đễnh bởi những sự thế gian lôi cuốn, vì thế chúng ta phải biết chú tâm để khám phá ra những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đang hình thành và sắp xảy đến.

 

- «Người lính canh». Sự tỉnh thức là thái độ cần có của một người lính canh. Thái độ ấy ông chủ đòi hỏi mọi người đều phải có: «Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức» (c. 37). Tuy nhiên, đó là bổn phận đặc biệt của những người được Đức Giêsu trao trách nhiệm trên Giáo hội của Người. Bởi lẽ, như trong dụ ngôn của thánh sử Marcô, chúng ta thấy hình ảnh «người lính canh» luôn tỉnh thức, trong khi những người khác thì lo làm việc, điều này giúp chúng ta nghĩ đến trách nhiệm của thánh Phêrô, của những người kế vị Ngài, và của các vị mục tử trong cộng đoàn Giáo hội. Họ phải chú tâm đặc biệt đến những dấu chỉ của «Nước Thiên Chúa» (x. Mc 13,14-32), họ phải biết đọc ý nghĩa của những biến cố mà Thiên Chúa đang can thiệp trong thế giới và hiểu được ý muốn của Người.

 

3. Bài đọc II: Thiên Chúa ban ân sủng của Người cho chúng ta trong khi chúng ta đợi chờ Đức Kitô đến mạc khải vinh quang của Người

 

Đây là đoạn thư chứa đựng một lời chào và một lời nguyện tạ ơn của thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô, trong khi đợi chờ ngày quang lâm của Đức Kitô.

 

- Lời chào: «Thưa anh em, xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Đức Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an» (c. 3). Đây là một lời chào cùng với lời cầu chúc bình an. Ân sủng (kháris) là tình cha của Thiên Chúa thông ban cho các Kitô hữu; là lòng nhân từ của Thiên Chúa cùng với ân huệ của Đức Giêsu Kitô đổ xuống trên con người. Bình an (Shâlôm) là sự giao hòa với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu; là niềm hạnh phúc nội tại do ân huệ của Thánh Thần (Gl 5,22) và là hoa quả của sự công chính nhờ tin (Rm 5,1). Ân sủng và bình an là hai điều thiện không do con người làm ra, nhưng do ân ban từ Thiên Chúa.

 

- Lời nguyện tạ ơn: «Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em trong Đức Kitô Giêsu. Quả thế, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em» (cc. 4-6). Đây là một kiểu mẫu cầu nguyện mà thánh tông đồ muốn mọi Kitô hữu, cách riêng cho các tín hữu Côrintô, phải học hỏi và áp dụng trong đời sống đạo đối với Thiên Chúa. Đó là một lời nguyện tạ ơn tuyệt vời trước những ân sủng và công trình Thiên Chúa đã làm cho mọi người và cho từng người. Từ đó, củng cố thêm lòng tin và biết sống đáp trả cách hữu hiệu hơn trong đời sống cụ thể của mỗi cộng đoàn, của mỗi gia đình và của toàn Giáo hội.

 

- Trong khi đợi chờ ngày quang lâm của Đức Kitô: «Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô» (cc. 7-8). Chính ân sủng của Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta vững mạnh và sẵn sàng trong Ngày Đức Kitô ngự đến trong vinh quang. Thiên Chúa sẽ nối kết chúng ta với Con của Người, hầu làm cho chúng ta trở nên Thân Thể của Người trong nhiệm cục cứu độ.

 

4. Suy niệm

+ Mùa Vọng - Mùa tỉnh thức

 

Trong Tin Mừng hôm nay, có tới bốn lần Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ phải canh thức: «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức và cầu nguyện (c. 33), «ông chủ đi xa, ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức» (c. 34), «vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến» (c. 35), và «anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần» (c. 36). Lời kêu gọi này càng tha thiết hơn nữa khi nó được nói với chúng ta trong khung cảnh của ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm nay, ngày mở đầu cho một Năm Phụng Vụ mới của Hội thánh.

 

Khi nói Mùa Vọng là mùa canh thức, làm chúng ta nghĩ ngay đến hình ảnh những người lính gác, miệt mài đêm ngày canh phòng cẩn mật vì an sinh xã hội, vì an ninh tổ quốc, hay vì lợi ích của một tổ chức, một nhóm người,… Một trong những đòi hỏi nơi người lính gác là mắt phải sáng và luôn hướng nhìn về phía trước, nhìn ra xung quanh để nhận diện được những điều xấu có thể xảy ra, hầu tìm cách giải quyết theo khả năng mình. Tuy nhiên, khi nói Mùa Vọng là mùa canh thức, thì Giáo hội lại hướng chúng ta vào bên trong, vào nội tại của chính mình. Nghĩa là mỗi Kitô hữu, trước tiên phải nhìn vào chính mình, để nhận diện mình dưới ánh sáng Tin Mừng, hầu giúp chúng ta canh tân đời sống cá nhân, đồng thời hòa nhập và thúc đẩy sự canh tân đời sống của tập thể, của cộng đoàn và của những người sống quanh mình… để có thể cùng nhau bước vào mùa xuân cứu độ.

 

+ Mùa Vọng – Mùa cứu độ

Khi nói Mùa Vọng là mùa xuân cứu độ, là ý nói đó là thời gian giúp ta hướng đến ngày Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Đó là thời gian để các tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa xuống thế lần thứ nhất. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ Giáo hội hướng lòng trí các tín hữu trông đợi Đấng Cứu Thế sẽ đến lần thứ hai trong ngày Quang Lâm. Hiểu như thế, thì Mùa Vọng chẳng những là mùa mong đợi, nhưng còn phải là mùa nuôi dưỡng nơi ta lòng khát vọng Chúa. Như vậy, Mùa Vọng còn muốn đưa cái nhìn chúng ta đi xa hơn hiện tại, giúp chúng ta biết nghĩ về cùng đích đời người, đồng thời phải chuẩn bị cho mình hanh trang để sẵn sàng đón Chúa và lên đường với Người. Hành trang đó không gì khác hơn là sự tỉnh thức và cầu nguyện: «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức và cầu nguyện, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng» (Mc 13,33.35).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á