LỜI CHÚA

CHIA SẺ TIN MỪNG CHÚA NHẬT III, MÙA VỌNG, NĂM C: "ĐÓN NHẬN LỜI MỜI GỌI…" (Minh An)

Trước hết và trên hết, người mở đường phải là người biết đường, nghĩa là chính mình phải là người sám hối, canh tân đổi mới để đón nhận ơn cứu độ của Chúa đã rồi mới có thể chỉ cho người khác đến với Chúa.

 

Lc 3, 10-18

 

"ĐÓN NHẬN LỜI MỜI GỌI…"

Minh An

Chúa Nhật thứ III, Mùa Vọng, được gọi là Chúa Nhật của niềm vui, hay còn gọi là Chúa Nhật Hồng. Vui, vì chúng ta đã đi được nửa mùa đón chờ con Thiên Chúa Giáng Thế; vui, vì sắp được đón nhận ơn cứu độ nơi Người chan chứa. Thánh Phaolô đã kêu mời mọi người hãy vui lên: “ anh chị em hay vui luôn trong tình yêu của Chúa. Tôi nhắc lại:  vui lên anh chị em! Sao cho mọi người thấy anh chị em sống hiền hòa, rộng rãi, Chúa đã gần đến” ( Pl 4, 4-5). Quả đúng là xứng đáng để vui!

 Nhưng có lẽ điều vui tươi hớn hở hơn hết chính là mở lòng đón Chúa đến bằng sự sám hối ăn năn theo lời mời gọi của thánh Gioan tiền hô trong bài Tin Mừng được trích từ thánh sử Luca 3, 10-18, nghĩa là phải nghe theo lời kêu gọi của ông Gioan, để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa qua những việc làm cụ thể là:

 

*Lời gọi sống bác ái và công bằng

Đám đông kéo đến với vị Tiên hô Gioan, không phải chỉ tò mò để biết thực tế cuộc sống của ông, nhưng muốn biết rõ thực tế của những việc phải làm một cách cụ thể để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Có lẽ họ đã được nghe lời kêu gọi sám hối của ông và đã đánh động được tâm hồn của họ, nên họ đã tìm đến ông để biết rõ phải làm gì: “ Chúng tôi phải làm gì” (Lc 3,10). Đặt ra được câu hỏi như thế là họ đã thành tâm sám hối để biến đổi đời sống và muốn đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Đáp lại câu hỏi của đám đông, vị Tiền hô đã đưa ra một số nguyên tắc rất căn bản trong đời sống làm người và làm con Chúa, đó là có lòng bác ái và sống công bằng với những thực tại đang có: Người có thì hãy chia sớt cho kẻ không có. Người đang sống bằng những thu nhập bất công thì hãy cố gắng sống công bình hơn. Kẻ đang áp bức người khác thì chấm dứt ngay những việc làm hà hiếp của mình. Hãy sống công minh, chính trực trước thiên nhan Chúa:“Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng:Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì? Gioan đáp:Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi. Các quân nhân cũng hỏi: Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì? Ông đáp: Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình” ( Lc 3, 10-14).

Lời mời gọi sống bác ái, công bình chính trực của Gioan Tiền hô, không chỉ nhằm vào một số ít người, nhưng tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, chức vụ…đều phải thi hành để ơn hóan cải được thành tòan. Thánh sử Luca ghi rõ thêm các người thu thuế, các binh lính là những trường hợp cụ thể để cho thấy cuộc hóan cải mang tính khẩn thiết là khước từ những hành động bất chính, thay thế vào sự công minh chính trực.

Sự đòi hỏi của Gioan không vượt quá hay ở bên ngoài cuộc sống của con người. Nhưng ông chỉ đòi hỏi người ta sống đúng với thực trạng của một con người trong xã hội, tức là sống ngay chính, quảng đại và có tình liên đới với đồng loại của mình. Đó chính là cách hóan cải đầy ý nghĩa và xứng đáng với ơn gọi làm con Chúa, làm người giữa thực tại nhất.

Thật ra, đám đông dân chúng đến gặp Gioan tiền hô, được thánh sử Luca xem như là những mẫu gương cho các kitô hữu chúng ta luôn khao khát ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chính sự khao khát ơn cứu độ đó mà chúng ta đã quyết tâm hóan cải, canh tân đời sống để trở về với Thiên Chúa của lòng mình và xứng đáng nhận ơn cứu độ. Nên, thay vì chúng ta chỉ chú tâm vào những lời nói suông, những nghi lễ rầm rộ bề ngoài thì hãy noi gương những người Do thái xưa, tự đặt ra câu hỏi: “ tôi phải làm gì?” rồi tự đưa ra câu trả lời cho chính mình theo ý muốn của Thiên Chúa và Giáo Hội.

 

*Lời gọi khiêm nhường theo gương vị Tiền Hô

Gioan Tiền hô, luôn trung thành và rất nhiệt huyết trong sứ vụ của mình. Ông cũng luôn mạnh mẽ đưa ra những lời sấm để ngăm đe những người cứng lòng, cố chấp, không hóan cải để tin vào Thiên Chúa. Thế nhưng, ông lại là con người đầy lòng khiêm nhường, luôn coi mình chỉ là kẻ đóng thế, không xứng đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế: “ …có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.

Gioan, vị tiền hô đang trên đà nổi danh, được nhiều người biết đến. Thậm chí, có những người còn nghi vấn trong thâm tâm về ông có thể là Đấng Messia: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Messia”. Thế nhưng, ông đã khiêm tốn chấp nhận phận “dọn đường” của mình cho Đấng xuất hiện sau ông là Đức Kitô, vị thiên sai của Chúa Cha. Ông nói rõ cho những người đến với ông chỉ nhận được phép rửa trong nước mà thôi, còn Đấng đến sau ông sẽ ban cho họ phép rửa trong Thánh Thần.

Phép rửa của Gioan tẩy giả được thực hiện trong nước là để khơi dậy lòng sám hối của dân chúng khi đến với ông. Nhưng, ông hứa chỉ cho họ đến với Đức Kitô là Đấng quyền thế để nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Ông chỉ cho họ thấy trong phép rửa đó sẽ đem lại cho họ ơn tha thứ và thánh hóa trở nên con người mới con người của ơn cứu độ trong Đức Kitô, Người sẽ đến sau vị tiền hô.

Khi giới thiệu Đấng quền thế đến sau, ban phép rửa trong Thánh Thần, Gioan không quên nói cho người ta biết, chính Ngài là Đấng thẩm phán có quyền xét xử người ta theo lẽ công bình, và có quyền ban cho người ta ơn cứu thoát hay phải đón nhận những hình phạt, xứng với những công việc người ta đã làm:“Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân:thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (c.17).

Khi Chúa Giêsu đến thì buộc lòng người ta phải phân biệt rõ ràng; một là theo Ngài, tiếp nhận Ngài, hai là từ khước Ngài hay chối bỏ Ngài? Theo Ngài thì được rửa sạch trong Thánh Thần, và “rê sạch để Ngài đưa vào kho lẫm”. Còn chối bỏ Ngài thì chắc chắn sẽ bị hất ra ngoài và đốt đi.

Thực tế cho thấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện cách nay hơn hai ngàn năm, nhưng kẻ theo Ngài cũng nhiều mà người chối bỏ Ngài cũng không ít. Thậm chí, có kẻ theo Ngài cũng chỉ vì tò mò, hay tìm cách bắt bẽ, sách nhiễu để truất phế Ngài ( các Pharisiêu, thông luật, kỳ mục…). Nhưng dù sao thì sự lựa chọn nghịch với Chúa hay thuận với Chúa vẫn là sự lựa chọn quyết định vận mệnh của đời người. Gioan, vị tiền hô chỉ là người “ dọn đường” và hướng dẫn con người ta đến với Đấng phải đến để đón nhận ơn cứu độ mà thôi. Còn đến và theo hay không vẫn là sự chọn lựa của người ta.

Ta được mời gọi trở thành những ngôn sứ cho Chúa, nên hãy học hỏi và bắt chước vị tiền hô Gioan, luôn sống khiêm nhường thẳm sâu, trung thành với sứ vụ của mình, luôn hướng về Chúa và để Chúa lớn lên còn mình thì nhỏ lại. Khi cần thiết cũng có thể đưa ra những lời tuyên sấm kêu gọi người ta sám hối để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng trước hết và trên hết, người mở đường phải là người biết đường, nghĩa là chính mình phải là người sám hối, canh tân đổi mới để đón nhận ơn cứu độ của Chúa đã rồi mới có thể chỉ cho người khác đến với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, sám hối là dọn đường cho Chúa đến, và sám hối cũng là dọn lối để đến với tha nhân. Xin dạy chúng con biết bày tỏ lòng sám hối bằng cách mềm mại để Chúa uốn nắn, và quyết tâm sống công bình bác ái với hết mọi người, qua từng công việc và luôn tỏ lòng khiêm nhường như vị Tiền hô để được đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen

Thiết kế Web : Châu Á