LỜI CHÚA

Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa (M. Ambrosio Ngô Phong Vũ)

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa chúng ta cũng nhớ lại phép rửa mà ngày chúng ta đã lãnh nhận là tin vào Chúa Giêsu là chết cho tội lỗi của mình, được làm con Thiên Chúa và được thông phần vào sứ mệnh của Chúa Giêsu.

 

Lc 3,15-16.21-22

 

Trải qua những cuộc lưu đày dài hạn trên đất khách quê người và bị đô hộ bởi chính quyền Rô-ma trên quê hương xứ sở của mình. Người Do-thái thấy  hoàn cảnh của mình bị làm nô lệ tủi nhục và đau khổ và họ luôn nhớ tới lời đã hứa trong Cựu Uớc sẽ có một Đấng Messia đến cứu độ dân Người. Từ đó trong thâm tâm của họ luôn ước mong và trông đợi Đấng Messia đến cứu họ bằng quyền lực chính trị, đánh dẹp đế quốc Rô-ma, thoát khỏi cảnh nô lệ. Họ mong Đấng Messia đến cứu dân bằng con đường chính trị chứ không phải bằng đời sống tâm linh.

 

1. Vai trò Gioan Tẩy Giả khi làm Phép Rửa.

Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả đã thu hút và gây chú ý biết bao người. Họ kéo đến với Gioan vì nhiều lý do khác nhau, họ nghĩ rằng biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Messia. Có thể vì họ hiếu kỳ, tò mò hoặc ngộ nhận Gioan là Đấng Kitô, nhưng chắc chắn rằng có nhiều người thán phục ông Gioan vì họ đã đến để xin chịu phép rửa, vì lòng sám hối. Đây là một cơ hội tốt để cho Gioan giới thiệu và làm chứng về Đấng Kitô, bởi vì Gioan muốn nói với họ rằng, mọi người thán phục tôi nhưng còn có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.

 

2. Chúa Giêsu khi chịu Phép Rửa được tôn phong là Con.

Khi Chúa Giêsu xuất hiện và chịu phép rửa của Giaan Tẩy Giả làm và được Gioan giới thiệu rằng: Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và lửa. Sau đó Người cầu nguyện, Thánh Thần ngự xuống trên Người và Chúa Cha phán: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”. Đó là lời của Chúa Cha, đây là lời quan trọng nhất trong bài Tin Mừng này. Bởi vì, được Gioan giới thiệu và được Chúa Cha và Thánh Thần xác thực và công nhận rằng Đức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, dù thánh sử Luca không cho biết thêm chi tiết nào dân chúng có tin vào Đức Giêsu là con Thiên Chúa hay không.

Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện Đấng cứu độ, Đấng cứu độ ấy sẽ là Con của Người. Nghĩa là ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã dùng lời ấy mà phán cùng Chúa Giêsu rằng: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con (Tv 2,7). Chính lời xác định này, Thiên Chúa đã tấn phong Chúa Giêsu là Đấng cứu độ và công bố rằng Người là Con Thiên Chúa. Đang khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha còn phán rằng; Cha hài lòng về Con. Nghĩa là Thiên Chúa có một vị tôi trung được Người yêu dấu và tuyển chọn để thực thi sứ mệnh, đồng thời sai phái đến với loài người, để rao giảng công lý trước muôn dân và sẽ hiến thân chịu chết cho muôn người (Is 53,12).

Như vậy khi xưa phép rửa của Gioan mang một ý nghĩa thanh tẩy, có nghĩa kêu gọi sám hối và tha tội để dọn lòng người Do-thái chuẩn bị đón Đấng Messia mà họ không tin, họ còn nghi ngờ, từ chối và bị khước từ. Còn vào thời chúng ta qua Bí Tích Thanh Tẩy tuyên xưng đức tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là vị tôi trung được tuyển chọn và cứu độ. Cho nên chúng ta không có lý do gì để từ chối và khước từ Người.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa chúng ta cũng nhớ lại phép rửa mà ngày chúng ta đã lãnh nhận là tin vào Chúa Giêsu là chết cho tội lỗi của mình, được làm con Thiên Chúa và được thông phần vào sứ mệnh của Chúa Giêsu. Phép rửa của Gioan mang tính sám hối nhưng không có giá trị cứu độ. Còn phép rửa của Chúa Giêsu thực hiện trong Chúa Thánh Thần, mới có giá trị cứu độ. Gioan đã xác nhận Chúa Giêsu là Đấng Thánh không hề vướng mắc tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu chịu phép rửa để gánh hết tội lỗi vào mình và để xóa bỏ tội trần gian, Người chính là Con Thiên Chúa phát xuất từ Chúa Cha và được Chúa Cha sai đến.

 

Vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta cũng học nơi Gioan, luôn luôn biết sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa bằng sứ mệnh tiền hô, cam đảm loan báo Tin Mừng cho những người xung quanh và cả thế giới, bằng cuộc sống của mình, để họ nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện ở trên trần gian này. Nhất là sống trung thực với chính mình và mặc lấy tâm tình của Người, dám chết cho tội lỗi để biến đổi cuộc đời mình. Khi ta cương quyết với tội và không phạm tội thì ta mới ở trong Chúa Giêsu và nhận biết Người.

 

M. Ambrosio Ngô Phong Vũ

Thiết kế Web : Châu Á