LỜI CHÚA

Chia sẻ LỄ HIỂN LINH (M. Eugenio)

Ơn cứu độ không đương nhiên dành cho những người thông luật, am tường Kinh Thánh, khôn ngoan hơn người... nhưng Ơn cứu độ luôn luôn dành cho những con người bé mọn lương thiện, khát khao được cứu thoát và những người luôn canh cánh bên lòng về đời sống vĩnh cửu.

 

Mt 2, 1-12

Đời người là một cuộc tìm kiếm không ngừng. Có người quần quật từ sáng tới tối chỉ để kiếm tiền. Có người bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí chà đạp lên trên kẻ khác nhằm có được địa vị nào đó trong xã hội. Có kẻ lại đắm chìm trong tửu sắc hầu tìm kiếm sự thỏa mãn nhục dục. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người bỏ cả cuộc đời chỉ để tìm cho kỳ được đâu là chân lý vĩnh hằng, mà ba nhà hiền sĩ Phúc Âm nhắc đến hôm nay là minh chứng.

Chương 2 trong Tin Mừng của Thánh Mattheu là một trong những chủ đề lớn trong Tin Mừng của ông nói riêng và Kinh Thánh nói chung (x. St 12, 3; Is 2, 2-5; 19, 16-25; 45, 14-17; 66, 18-21;Tv 47 v.v...): người lương dân có được hưởng ơn cứu độ không?

Ở đây chắc ai cũng đã có câu trả lời: Có. Tại Sao? Ta thấy cụm từ "và cả thành Giêrusalem": Một sự phóng đại có tính cách thần học. Giê-ru-sa-lem là tiên trưng của phần quan trọng nhất - trong dân Do Thái đang chuẩn bị từ khước Chúa Giêsu. Sau này, khi mô tả việc Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem, Mattheu sẽ sử dụng hình ảnh tương tự: "Khi Ngài vào Giê-ru-sa-lem, tất cả thành chấn động"[1]. Nếu người Do Thái mà đại diện là dân thành Giê-ru-sa-lem đã từ khước ơn cứu độ thì dĩ nhiên dân ngoại mà đại diện là các nhà hiền sĩ sẽ đón nhận. "Chỗ mà người Do Thái, vì từ chối tin, đã rời bỏ trong dân Chúa, lương dân sẽ chiếm lấy. Họ sẽ là Israel đích thực của những ngày sau hết, được kêu gọi chia phần hạnh phúc của thời sẽ tới. Chuyển động biện chứng (Do Thái từ chối - lương dân đón nhận) trở đi trở lại suốt cả chương này cũng như toàn thể Phúc Âm cho tới cuộc Tử nạn (x. 27, 39 - 44. 54). Về phương diện đó, chúng ta có thể bảo trình thuật các đạo sĩ là bản tóm lược Phúc Âm Mattheu".[2]

Theo quan niệm của người Đông phương, sự xuất hiện của một ngôi sao có liên hệ đến một người nào đó dưới trần, sao càng lớn sứ mệnh càng vĩ đại, người ta gọi là sao chiếu mạng. Vì thế mà đã xuất hiện môn chiêm tin học, tử vi...Dân ngoại (đại diện là ba nhà hiền sĩ) tuy không được Chúa mặc khải, nhưng với tâm hồn hướng thượng, khắc khoải đi tìm kiếm bằng tấm lòng thành kính thông qua những dấu chỉ tự nhiên trong vũ trụ... không sớm thì muộn Chúa cũng sẽ tỏ ra cho họ biết.

Trái lại, dân tộc Do thái cho rằng mình là dân được tuyển chọn, dân thánh có Kinh Thánh hướng dẫn, được các tiên tri, ngôn sứ dạy dỗ và cả một truyền thống ưu việt...thì làm sao mà có thể tin vào một Hài Nhi sinh ra nơi hang bò lừa là Ngôi Hai Thiên Chúa được. Và họ đã bị Chúa gạt ra một bên vì sự thụ động, tự mãn của chính họ.

Ơn cứu độ không đương nhiên dành cho những người thông luật, am tường Kinh Thánh, khôn ngoan hơn người... nhưng Ơn cứu độ luôn luôn dành cho những con người bé mọn lương thiện, khát khao được cứu thoát (đại diện là những mục đồng) và những người luôn canh cánh bên lòng về đời sống vĩnh cửu (đại diện là ba nhà hiền sĩ). "phúc thay ai khao khát sự công chính, vì họ sẽ được thỏa lòng" (Mt 5, 7). Kết cục của sự tìm kiếm là họ đã thấy Hài Nhi và đã thờ lạy Người.

Hiện nay tôi đang là hạng người nào đây? Bạo chúa Hê-rô-đê, luôn lo âu sợ sệ về sự thành công của người khác, ganh tị vì họ giỏi hơn, nổi tiếng hơn, chiếm địa vị cao hơn, bị mất ảnh hưởng...Hay tôi là người Do Thái, luôn tự hào cho mình là con nhà đạo gốc, đạo nòi và thế là chỉ cần đến nhà thờ một lần là thay cho tất cả...Thật là bất hạnh, vì hai hạng người này Chúa không cho gặp. Nhưng Chúa chỉ tỏ ra cho những người hèn mọn, đơn thành là các mục đồng. Và chỉ cho những người thành tâm thiện chí là ba nhà chiêm tin được thấy.

Dân Do Thái viện cớ là Chúa có thể hiện gì đâu để họ biết đó là Chúa mà đến thờ lạy. Thưa có ! Chính là ngôi sao, "ở đây là biểu trưng cho ánh áng, ân sủng và tác động của Thiên Chúa trong tâm trí con người và hướng dẫn họ tìm đến Đức Kitô (...) chúng ta cũng có thể tìm thấy ngôi sao dẫn đường cho mình trong giáo lý, trong các bì tích của Hội Thánh, trong các dấu chỉ thời đại, trong các lời khuyên dạy tốt lành...Nói cách khác, trong cuộc đời của chúng ta, có những ân sủng Thiên Chúa ban để hướng chúng ta tìm gặp Đức Giêsu. Vấn đề là chúng ta có để cho ân sủng đó dẫn mình đến nơi hay không" [3].

Cám ơn những nhà chiêm tin đông phương đã giúp cho chúng ta hiểu được một điều là mỗi người là một ánh sao để soi đường cho một ai đó. Hoặc chính ta sẽ dẫn họ đến với Chúa hoặc có thể chúng ta dẫn họ vào con đường bất chính, trầm luân.

Lạy Chúa, Ơn cứu độ là ơn phổ quát và nhưng không chứ không dành riêng cho một dân tộc hay một cá nhân ưu việt nào hết. Thế nhưng trong cuộc sống cách nào đó chúng con lại muốn dành riêng cho mình, cho dân tộc mình. Xin cho chúng vui mừng hớn hở ra đi loan tin mừng: Ơn cứu độ đã được ban tặng cho trần gian, như các mục đồng năm xưa vậy. Hôm nay là ngày khởi đầu cho cuộc truyền giáo.

M. Eugenio

 



[1] chú giải của học viện PIO X

[2] chú giải của học viện PIO X

[3] bài chia sẻ của cha Nguyễn Thể Hiện.

Thiết kế Web : Châu Á