LỜI CHÚA

CHẾT CHO NGƯỜI MÌNH YÊU (M. Montfort)

Tình yêu chỉ còn duy nhất một cách là vui lòng chấp nhận chết đi, chết mãi, chết liên lỉ không ngại ngùng vì là chết cho người mình yêu.

 

 

 

CHẾT CHO NGƯỜI MÌNH YÊU

Ga 15, 12-17

 

I- Ghi nhận

Cách đây trên 40 năm, vào ngày 30-0, Mahatma  Gandhi, người cha già của dân tộc Ấn độ, đã vĩnh viễn gục ngã  dưới mấy lát gươm tàn nhẫn của một thanh niên Ấn giáo quá khích, làm cả thế giới vô cùng xúc động.

 Như thường lệ, hôm đó Gandhi được hai người cháu dắt đi cầu nguyện. Một đám đông yêu mến ngài, đi theo ngài. Bỗng một thanh niên từ trong đám đông lách tới, đâm ba nhát gươm định mệnh vào thân thể vị cha già, làm ngài gục ngã đau thương, những tiếng rên siết vang lên. Một bầu khí rùng rợn bao trùm cả đoàn người. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng nức lên từ miệng ngài “Rama, rama”, nghĩa là “Chúa ơi, Chúa ơi”. Rồi với một cố gắng cuối cùng, ngài giơ hai tay lên, chắp lại trong cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngài tắt thở.

   Người thanh niên sát hại ngài vì anh ta oán giận ngài và không chấp nhận ngài tỏ lòng quảng đại yêu thương những  anh em đồng bào hồi giáo.

  Bốn trăm triệu người dân Ấn độ đã khóc than và thụ tang vị cha già yêu quí của dân tộc.

    Một bầu khí buồn thảm bao trùm cả thế giới, vì mọi người đều cảm thấy rằng ngày hôm đó trời đất trở nên nghèo đi vì nhân loại đã mất đi một con người vĩ đại, đất nước Ấn độ đã mất đi một người con ưu tú đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không hề dùng đến vũ khí của bạo động và hận thù. Chính ngài đã tuyên bố một câu nói để đời: “Tình yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có”.

   Mục sư Luther King, người da đen đã sử dụng vũ khí của tình yêu để đấu tranh chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, cũng đã ngã gục như ngài Gandhi, nhưng rồi hàng triệu người da đen đã đứng lên ngang hàng với người da trắng. Hiện giờ một vị da đen đã được bầu làm tổng thống của một quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất thế giới.

Gần chúng ta hơn, mẹ Terexa Calcutta và các con cái dòng của mẹ, cũng dùng khí giới tình thương để giúp đỡ những người nghèo khổ cô đơn, không nhà không cửa, những người hấp hối nằm la liệt trên các vỉa hè  thành phố Calcutta, để giúp họ được sống và chết cách xứng đáng như những con người.

Tất cả những hình ảnh trên đây chỉ là phản ảnh của một tình yêu trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất, đó là tình yêu của Đấng đã chết cho người mình yêu, như Ngài đã từng tuyên bố: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của ngưởi hy sinh mạng sống vì bạn hữu của minh” (Ga 15,13).

 

II- Một vài suy nghĩ

   Trong bài hát “Chuyện tình Lan và Điệp”, có những ý tưởng đẹp như sau :

“Khi con tim yêu đương là sống với đau thương,

Khi con tim yêu đương là chết với u sầu”

Rồi trong bản nhạc “Sa mạc tình yêu”, chúng ta lại cảm thấy tan nát cõi lòng khi nghe hát rằng “Một lần yêu là phải trăm lần khổ đau”. Đó phải là những kinh nghiệm sống chắc chắn nhiều anh em chúng ta có thể đã từng trải qua trong cuộc sống.

Cái chết của những người yêu nhau, hiến mạng cho nhau như cái chết của linh mục Maximiliano Kolbe trong trại tập trung của Đức quốc xã, của người vợ trong tác phẩm “Anh phải sống” của tác giả Khái Hưng, khi người vợ tự buông tay để dòng nước lũ cuốn trôi đi cho người chồng được cứu sống để về  nuôi con, đặc biệt là cái chết hy sinh của Đức Giesu trên thánh giá. Những cái chết ấy rất đẹp, rất anh hùng, rất cao thượng, rất tình, làm cho tình yêu trở nên tuyệt đối, làm cho người tình trở thành bất tử. Những cái chết ấy thực sự là biểu tượng hùng hồn của  một tình yêu vĩ đại, một tình yêu mạnh hơn sự chết, như sách Diễm Tình Ca đã viết: “Phải tình yêu mãnh liệt như tử thần…nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng đời nào vùi lấp” (Dc 8,6).

   Quả thật tình yêu đẹp, nếu không, nó không hấp dẫn được ai; tình yêu tuyệt vời, nếu không, nó đã không lôi cuốn được ai mạo hiểm; tình yêu toàn năng, nếu không, nó đã không cho con người sức mạnh đi tìm. Chính vì đẹp, tuyệt vời, toàn năng mà tình yêu đã trở thành nguyên nhân của đau khổ, như Đức Giêsu vì yêu con người mà chấp nhận đau khổ để cứu độ con người.

Biết trước con đường tình yêu sẽ là con đường đau khổ, gian truân, con đường nhiều nước mắt, nhiều hy sinh, nên Đức Giêsu đã nói với các môn đệ ngay từ giây phút đầu: “Nếu anh em muốn theo Thầy, hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo” (Mc 8,34).

 Cuộc hành trình tình yêu của Đức Kitô không giống những cuộc hành trình khác, nhưng là một hành trình trăm phần trăm yêu thương. Khi mời gọi mọi người cùng đi với Ngài trên hành trình tình yêu này, Đức Kitô gián tiếp mời gọi họ chết mỗi ngày với Ngài. Như thế ai cũng có thể là anh hùng trong tình yêu, bởi lẽ ai cũng có thể chết mỗi ngày vì phải hy sinh cho người mình yêu. Cái chết vì tình yêu không còn bị giới hạn vào một lần chết thể lý, nhưng là trăm lần chết âm thầm, kín đáo, là những cái chết anh hùng không ồn ào, những lần chết trọn tình trọn nghĩa vì người mình yêu khi chấp nhận chịu đựng, nhẫn nhục để được hài lòng người mình yêu. Những cái chết lâu dài suốt đời như thế không dễ như ta nghĩ. Nó đòi hỏi phải cởi bỏ, phải hy sinh nhiều lắm, hy sinh từ vật chất đến tinh thần, từ những dính bén riêng tư đến hy sinh chính bản ngã quý báu. Tình nào cũng đòi hỏi đi đến tận cùng lý lẽ của nó, đường tình nào cũng đòi có cây số cuối cùng. Không cuộc tình nào chịu dở dang, không đường tình nào muốn rẽ ngang, không ân tình nào muốn đứt gánh giữa đường. Và tận cùng, đích đến cuối cùng của cuộc tình ấy là chết cho người mình yêu. Và có chết dài dài như thế cho nhau, ta mới nếm cảm được sự ngọt ngào của mối tình cho nhau, như mật tình chỉ được tiết ra từ những lần chết cho nhau mà thôi

Đức Kitô đã yêu suốt đời. Ngài muốn yêu bằng tình yêu lớn nhất, thứ tình dám đương đầu với cái chết. Khi chọn cuộc tình này, Ngài đã phải chấp nhận chết để chứng minh sức mạnh của tình Ngài. Như vây, cái chết tưởng như toàn năng, tưởng như sẽ tiêu diệt mọi thực tại, nhưng đã phải bó tay đầu hàng trước khối tình vĩ đại. Cái chết tưởng sẽ làm mọi người sợ, ai ngờ không làm sợ những người yêu nhau.

  Anh chị em thân mến !

Đứng tước sự chọn lựa lên đường theo Đức Kitô, để trọn tình yêu thương, ta phải nhìn thẳng “lý luận cuối cùng của tình yêu”, dù lý luận cuối cùng này không mấy hấp dẫn, để không nản lòng khi tình yêu đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều lần chết như nói trên, đòi hỏi liên lỉ quên mình, bởi cuối cùng lý luận của tình yêu là bất cứ mối tình chân thật nào cũng đòi phải trở thành tình yêu lớn hơn sự chết. Tình yêu chỉ còn duy nhất một cách là vui lòng chấp nhận chết đi, chết mãi, chết liên lỉ không ngại ngùng vì là chết cho người mình yêu.

  Đó là điều Đức Kitô đã thể hiện khi vì tình yêu Cha và nhân loại, đã chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá và sau này các thánh Tử đạo theo gương đó đã chấp nhận hy sinh mạng sống vì tình yêu Chúa Kitô. Ước mong mỗi chúng ta, đặc biệt những ai sống đời thánh hiến được sống một cuộc tình lý tưởng, đẹp để xứng đáng với Đấng đã yêu và chết vì chúng ta./

 

Lm. M. Montfort

Thiết kế Web : Châu Á