LỜI CHÚA

CÁC BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN XX THƯỜNG NIÊN, 2018 (Hiền Lâm)

Kitô hữu có nghĩa là người thuộc về Chúa Ki-tô, nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Chúa Ki-tô và sống bằng sức sống của Người bằng việc rước Mình Máu Thánh Người.

 

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN, NĂM BHình ảnh có liên quan

 

THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN 

THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Đức Maria – Trinh Nữ Vương, Lễ nhớ

 

THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN 

THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Thánh Bartolomeo Tông Đồ, Lễ kính

 

THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 

 Các bài suy niệm: Lm. Hiền Lâm

 

 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN, Năm B 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,51-58

Người Do-thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? " Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."

 

+ SUY NIỆM

“SỰ SỐNG”

Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu không nói úp mở hay dùng biểu tượng nữa, mà Người xác minh một cách rõ ràng rằng: Chính Thịt và Máu Người là của ăn và của uống trường sinh. Lời khẳng định này nếu hiểu theo nhãn quan con người thì khó lòng chấp nhận được, nên không lạ gì người Do-thái xưa đã xì xào phản đối. Thật vậy, cho đến hôm nay, sau khi truyền phép (bánh và rượu chuyển bản thể thành Mình Máu Thánh Chúa) linh mục đã tuyên bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Phải, là mầu nhiệm đức tin, nên không dễ gì chúng ta hiểu được mà chỉ bằng sự chiêm ngắm và cảm nghiệm, chúng ta có thể dừng lại ở một số điểm sau đây để suy niệm.

 

* Sự sống tự thân và sự sống lệ thuộc.

“Làm sao ông này lấy Thịt cho chúng ta ăn được?” Những người Do-thái đa nghi đối với Thiên Chúa trong sa mạc xưa cũng có giọng điệu như thế (x.Ds 11,4.18). Tin Mừng thứ IV vốn thích chơi chữ đã đưa vào trình thuật ở đây một ý nghĩa khác, là Chúa Giêsu muốn nói đến việc chia sẻ và thông ban sự sống phục sinh và đã được Thần Khí biến đổi.

Người Do-thái không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể - Thần Linh trong con người hữu hạn.

Trong văn hóa Híp-ri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.

Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.

Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo Hội định nghĩa bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời (CGKPV).

Lời khẳng định cách tỏ tường và quyết liệt của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” Nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời.

 

* Sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong mầu nhiệm Ba Ngôi: Chúa Cha yêu Chúa Con đã nhiệm xuy ra Thánh Thần Tình Yêu, tình yêu giữa Ba Ngôi liên kết với nhau khi hướng về nhau đến nỗi trở nên một với nhau. Chúa Giêsu cũng yêu các môn đệ bằng cách luôn hướng các môn đệ, và muốn các môn đệ cũng đáp lại tình yêu đó là luôn hướng về Người, kết hiệp với Người và ở lại trong Người, để cùng nên một với Người, như Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người vậy.

Hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.

"Kitô hữu" có nghĩa là "người thuộc về Chúa Ki-tô", nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Chúa Ki-tô và sống bằng sức sống của Người bằng việc rước Mình Máu Thánh Người. Hình ảnh các Ki-tô hữu cùng ăn chung một tấm bánh (là Mình Thánh Chúa Giê-su) và cùng uống chung một chén (là Máu Thánh Chúa Giê-su) trở thành duy nhất trong một thân thể huyền nhiệm Chúa Ki-tô. Như thế, chính Thánh Thể là sự sống, là hơi thở, là mối dây liên kết và làm cho thân thể huyền nhiệm (Chúa Ki-tô là đầu và các ki-tô hữu là chi thể) được sống viên mãn.

 

Tóm lại: Sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Kitô và là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng.

 

Lạy Chúa Giêsu, chỉ trong Ngài chúng con mới được sống và được hiện hữu. Xin cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen

 

 

THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 19,16-22

 Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? " Đức Giê-su đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." Người ấy hỏi: "Điều răn nào? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình." Người thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không? " Đức Giê-su đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một chàng trai trẻ đạo đức truyền thống nhưng lại tham lam của cải. Anh giữ luật lệ đàng hoàng, nhưng lại thiếu đi lòng bác ái yêu thương, mà yêu thương vốn là luật trên hết các loại luật lệ. Người thanh niên giàu có muốn được trở nên hoàn thiện, nhưng ước muốn ấy đã bị của cải vật chất ngăn cản. Sự hoàn thiện không dừng lại ở việc giữ đủ những điều luật truyền thống, mà điều quan trọng hơn nữa là thăng hóa lề luật trong sự từ bỏ nơi mình và bác ái trao ban cho tha nhân. Chúa Giêsu muốn mọi người xác định rằng: dù cho người ta có tuân giữ các giới răn đi nữa, thì sự sống đời đời không phải là cái người ta “xứng” được lãnh nhận, nhưng là một “ân huệ” Thiên Chúa ban cho.

 

* Từ bỏ và trao ban.

Anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng. Giữ luật lệ chín chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc Nước Trời.

Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện Tình Yêu Chúa yêu người.

Kitô hữu chỉ chăm chăm giững những điều luật mà thôi chưa đủ, vì như thế chỉ là mang tính hình thức và tiêu cực, và tự bản chất giữ luật như thế chỉ nhằm cho xong bổn phận, đôi khi để được khen và chọn luật làm cứu cánh cho đời mình như Biệt Phái Pharisiêu, cho rằng cứ giữ từng câu chữ lề luật là tự cứu độ mình, tự sức mình… Trong khi để đạt tới sự hoàn thiện cần có ơn Chúa, và trên hết cần giữ luật với một lòng mến Chúa và thương yêu tha nhân thật lòng thì mới xứng đáng đạt tới sự hoàn thiện.

Giữ luật chỉ vì luật buộc như thế thì khi giữ được sẽ sinh ra kiêu ngạo cho rằng tự sức mình.Vì lòng yêu mến Chúa và bác ái với tha nhân mà tự nguyện giữ luật, nhất là sống trọn đức yêu thương, là xả thân chia sẻ những gì mình có để giúp đỡ những người đau khổ thì mới có giá trị cứu độ.

Thật vậy, nếu người ta ăn chay, đi lễ, đọc kinh nhiều… mà không quan tâm chia sẻ với những anh em bất hạnh, thì mọi sự chỉ là hư không. Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải.

 

* Cách riêng dành cho những người sống đời thánh hiến.

Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên này, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể, bởi thật là khó để sống được như thế. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng. Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện ấy. Chúa Giêsu đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Ngài đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay để lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta đã không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện. 

Việc chọn đời tu để nên hoàn thiện, đòi hỏi một sự dứt khoát từ bỏ của cải vật chất để được siêu thoát khỏi mọi vướng bận để được hoàn toàn cho Chúa qua lời khấn khó nghèo. Đó cũng là điều mà bài Tin Mừng luôn luôn mới nhắc nhở mọi anh chị em tu sĩ ý thức mỗi ngày về điều mình đã chọn.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, khi chọn bước theo Chúa trong ơn gọi làm Kitô hữu, chúng con không chỉ lo tuân giữ những điều luật bắt buộc, mà còn biết dùng những của cải vật chất Chúa ban mà san sẻ cho nhưng anh chị em thiếu may mắn, để chúng con được nên hoàn thiện như lòng Chúa ước mong. Amen

 

 

THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 19,23-30

 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được cứu? " Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được."

Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? " Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.

"Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

 

+ SUY NIỆM

Các môn đệ khi nghe Chúa Giêsu nói việc vào nước Thiên Chúa thật khó, nên Phêrô phải đại diện cho nhóm hỏi thật với Chúa: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”

 

* Tại sao người giàu có lại khó vào nước Thiên Chúa ?

Giàu tự nó không phải là một cái tội, nhưng sẽ là cái tội khi chúng ta chọn vật chất làm cứu cánh cho cuộc đời, để rồi lao vào “làm mọi cách” (vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay con người có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính) để được giàu sang đời này mà không còn đếm xỉa đến sự sống vĩnh cửu, như dụ ngôn hạt giống rơi vào bụi gai đã bị bóp nghẹt không thể phát triển được.

Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một ví dụ cường điệu (có lẽ ám chỉ cái lỗ hình tròn vào đền thờ Giêrusalem chỉ vừa cho một người chui vào và những con vật người đó cưỡi như lừa, ngựa, lạc đà không thể chui qua được, để tránh phạm sự thánh, mọi người đến đó phải xuống ngựa để một mình chui qua), bởi vì dù sao khó vào chứ không thể là bất khả kháng, còn nếu ví như cái lỗi xâu kim thật thì là bất khả và không ai có thể được rỗi. Dù sao cũng cho thấy sự khó khăn để đạt được nước Thiên Chúa của người ham mê thế sự và bị của cải lấn át cả lý trí và lương tâm, khi chiếm đoạt bất chính và thiếu san sẻ cho đồng loại.

 

* Phần thưởng cho người dám từ bỏ.

Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng, hoặc là "có qua có lại mới toại lòng nhau". Thánh Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ được gì? 

Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì có thể là tốt, có thể là xấu thì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến, đó là phải có lợi, có lời.

Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp bội nhất là được sự sống đời đời mai ngày.

Phần thưởng gấp bội ở đây phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của  sự sống hạnh phúc đời sau.

Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Thực ra, phải hiểu là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên Chúa.

 

* Kẻ sau hết sẽ nên trước hết…

Chúa Giêsu nói: “kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Trước hết phải hiểu sự ám chỉ về dân Do Thái tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ lại tự đánh mất cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người. Ngoài ra, câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.

 

Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình bước theo Chúa, chúng con chấp nhận những mất mát đau thương vì sự từ bỏ. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa là trên hết và là gia nghiệp đời đời cho chúng con, để dù sống giữa thế sự thăng trầm chúng con vẫn luôn vững bước theo Ngài. Amen

 

 

THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN 

Ngày 22-08: Đức Maria – Trinh Nữ Vương, Lễ nhớ.

 

+ BÀI TIN MỪNG: Lc 1, 26-38

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng của lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương hôm nay làm nổi bật lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”:

 

* Đặc trưng đầy ân sủng.

Từ sau lời chào của thiên thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:

- Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho kẻ được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.

- Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa[1].

Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, ân sủng là một ân ban đặc biệt, và theo Tân Ước, ân ban này có nguồn gốc từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu, mà hoa trái của tình yêu là sự tuyển chọn. Sự tuyển chọn thuộc về kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người bằng cách cho tham dự vào đời sống của Người trong Đức Kitô (x. 2Pr 1, 4).

Đặc ân “đầy ơn phúc” cũng hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. “Vinh quang của ân sủng” được biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa qua sự kiện Mẹ được cứu độ lạ lùng[1]. Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng qua mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành Con của Mẹ. Vì thế, trên bình diện ân sủng, nghĩa là việc tham dự vào bản tính thần linh, Đức Maria, nhờ Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sự sống từ Người Con mà Mẹ sinh ra, và Đức Maria đón nhận “sự sống mới” này cách tràn đầy, thích ứng với tình yêu của Con dành cho Mẹ- và thích ứng với phẩm giá Mẹ Thiên Chúa- nên thiên thần đã gọi Mẹ lúc truyền tin là “Đấng đầy ân sủng”[1].

 

* Đặc trưng khiêm hạ.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1, 48- 52; Gc 4, 6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42, 1- 4; 49, 1- 6; 50, 4- 9; 52, 13; 53, 12). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.

Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).

 

* Đặc trưng vâng phục (fiat).

Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.

Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ  thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa.

 

Lạy Mẹ Maria, toàn cảnh của bài Tin Mừng chúng con vừa suy niệm hôm nay gói gọn trong hai chữ “xin vâng” mà Mẹ đã sống trọn cuộc đời vâng theo ý Chúa, xin cho chúng con luôn biết xin vâng như Mẹ để trong mọi sự chúng con cũng luôn biết thuận theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để mai ngày chúng con cũng được cùng với mẹ chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG Mt 22, 1-14

  Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! "Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " Người ấy câm miệng không nói được gì.Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

 

+  SUY NIỆM

Hôm nay, Chúa Giêsu ví Nước Trời giống như một bữa tiệc. Ban đầu Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ mời gọi dân Do Thái vào hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô là đón nhận Tin Mừng để được sống đời đời, nhưng họ đã khước từ; rồi đến các Tông Đồ cũng được sai trước hết phải rao giảng cho dân Do Thái, nhưng chính họ đã từ chối (họ đã không xứng đáng dự tiệc cưới). Cuối cùng, Tin Mừng đã được loan giảng cho bất kỳ ai khắp năm châu bốn bể (khắp ngã đường không phân biệt giàu nghèo tàn tật) mời gọi vào Hội Thánh của Chúa và hưởng Nước Trời. 

 

* Bối cảnh xây dựng dụ ngôn.

Không ít người thắc mắc rằng: Tại sao khi mời khách đủ hạng người, thậm chí là những người nghèo khổ tàn tật què mù vào, rồi sau lại đòi hỏi phải ăn mặc tử tế, rồi sau đó lại phạt họ?

Cần hiểu, phong tục Do Thái, khi tổ chức đám cưới, họ sắm hoặc thuê một số y phục đám cưới theo số người được mời tham dự (thường thì họ mời không nhiều như chúng ta) về sau được thay thế bằng một tấm vải choàng bên ngoài. Những người đến dự tiệc cưới trước khi vào bàn tiệc sẽ rửa tay chân rồi khoác áo dự tiệc vào.

Vì thế, vào dự tiệc mà có đồ dự tiệc cưới để sẵn đó mà không chịu mặc vào theo nghi lễ và phong tục cưới thì phải chịu phạt.

Nghĩa là một khi đã gia nhập vào Hội Thánh Chúa, vào đạo của Chúa thì phải tuân theo những quy tắc luật lệ sống đạo (luật Thiên Chúa và Hội Thánh) và mặc lấy sự thánh thiện (mặc y phục cưới), nếu không, sẽ bị loại ra ngoài, và phải chịu án phạt đời đời.

 

* Một vài phân tích dụ ngôn.

Dụ ngôn nói về một vị vương sai lính đi mời thật nhiều khách cho tiệc cưới con trai mình, tuy nhiên những người được mời trước đã từ chối và thậm chí còn ngược đãi những sứ giả của vua. Cuối cùng vua đã nổi giận tru diệt bọn sát nhân rồi sai sứ giả ra khắp ngã đường gặp bất kỳ ai cũng mời vào dự tiệc.

Có nhiều cách để người ta từ chối dự tiệc cưới:

- “Bận đi thăm nông trại”: Một ẩn dụ về vướng bận của cải vật chất. Tin Mừng được rao giảng cho chúng ta, Lời Chúa mời gọi chúng ta trở về với Giáo Hội, nhưng chúng ta vì vướng bận chuyện đất đai nhà cửa, tài sản bóp nghẹt đức tin. Chọn của cải tiền tài hơn chọn Chúa.

- “Bận đi buôn”: Một ẩn dụ về vướng bận nghề nghiệp. Nghề nghiệp và các phương tiện chi phối mọi suy nghĩ của chúng ta, không còn chỗ dành cho Chúa. Nghe theo đòi hỏi của Tin Mừng là không gian lận và bon chen, hoặc trở về với Chúa và với Hội Thánh sẽ có thể làm chúng ta mất đi những cơ hội nghề nghiệp, nên chúng ta đã nhắm mắt đưa chân theo nghề hơn theo Chúa.

- Đối chiếu với Lc 14,20 thì còn có thêm :“Bận cưới vợ”… Một ẩn dụ về vướng bận tình cảm, thú vui xác thịt. Tình cảm, đặc biệt là tình cảm trai gái lấn át hết cả lý trí, tình yêu chân thành và luân lý. Buông mình theo xác thịt, yêu vội, sống thử, hoặc sống hôn nhân bất hợp pháp… để rồi coi thường luật luân lý. Chọn tình đời hơn tình Chúa.

 

Ba thái độ của những người được kể trong dụ ngôn cũng là ba thái độ đã và đang xảy ra với mọi người chúng ta ngày hôm nay. Không ít người xin kiếu hoặc chần chừ trước lời Chúa mời gọi. Kiếu vì ham mê của cải hơn là chọn Chúa, kiếu vì bận rộn công việc không còn giờ cho Chúa, kiếu vì tình yêu dành cho thế gian, cho thú vui, cho đam mên nhục dục hơn là tình yêu Chúa; chần chừ là ỷ lại chờ đến giờ chót của cuộc đời rồi mới theo Chúa và trở về với Hội Thánh, nhưng nào có ai biết trước được đời mình.

Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở. 

 

Qua việc ám chỉ dân Do Thái tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ lại tự đánh mất cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người. Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỉ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được, nghĩa là lắm khi chúng con giữ đạo mà vẫn bon chen và ham mên công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ... Xin cho chúng con khi nghe Lời Chúa nhắn nhủ qua dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, biết ý thức và sửa mình, để biết ưu tiên cho việc Chúa là trên hết mà năng đến với bàn tiệc thánh mỗi ngày, là bảo chứng cho bữa tiệc đời đời trong Nước Chúa mai sau. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN  

Ngày 24-08: THÁNH BARTHOLOMEO TÔNG ĐỒ, Lễ kính

 

+ BÀI TIN MỪNG: Ga 1, 45-51

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét." Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? " Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem! " Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối." Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi? " Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! " Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

 

+ SUY NIỆM

Ba Tin Mừng (Mt, Mc, Lc) và sách Tông Đồ Công Vụ ghi nhận có thánh Bartôlômêô thuộc nhóm 12 Tông Đồ.

Tin Mừng Gioan không kể danh sách nhóm 12, nhưng lại nói đến một vị được gọi khi đang ngồi trầm tư dưới gốc cây vả, đó là một kinh sư Do-thái tên là Nathanael. Mãi cho đến thế kỷ thứ XVI các học giả Thánh Kinh và thần học gia mới coi Nathanael mà Tin Mừng nhắc tới hôm nay chính là thánh Bartolomeo.

 

Bài Tin Mừng hôm nay kể về ơn gọi của Nathanael tiệm tiến qua từng bước: Chúa thấy ông ngồi suy tư, ông được người đến trước giới thiệu, ông đến gặp Chúa và theo Người. Đó cũng là hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta:

 

- Chúa thấy ta trước: “Trước khi Philipphe gọi ngươi dưới gốc cây và thì Ta đã thấy ngươi”. Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta trước cả khi chúng ta tìm kiếm người. Mọi việc chúng ta làm dù ở đâu và lúc nào Chúa đều thấu tỏ. Nathanael dù có đức tin chưa trọn hảo nơi đạo cũ, nhưng với tấm lòng không gian dối và khát khao tìm chân lý, nên Chúa đã gọi ông theo làm môn đệ Người. Tuy nhiên, cách thế Chúa Giêsu gọi Nathanael không phải cách trực tiếp mà qua một trung gian là thánh Philipphe dẫn Nathanael đến cho Người.

 

-  Cần người giới thiệu: Ơn gọi làm Kitô hữu hay ơn gọi tu trì, đôi khi được Chúa gọi cách trực tiếp qua sự thôi thúc trong lòng, nhưng có lúc cũng cần đến những người khôn ngoan, những người đã đi trước, cha xứ…  hướng dẫn và giới thiệu chúng ta đền với đạo hay đến với đời tu. Cũng như thánh Philipphê khi đã gặp được Chúa, thánh nhân đã đi giới thiệu cho Nathanael và dẫn Nathanael đến gặp Chúa; chúng ta cũng vậy, sứ vụ của mọi Kitô hữu chúng ta là truyền giáo cho bất cứ những ai chưa nhận biết Chúa, giới thiệu về Chúa cho họ và đưa họ đến với đức tin.

 

-  “Hãy đến mà xem”: Việc biết Chúa không phải là chuyện bàng quang không thèm gia nhập đạo; theo đạo không phải là dửng dưng không quan tâm đến việc đạo đức, tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa; việc trở nên bạn hữu của Chúa không phải chỉ là chuyện nghe nói về Người… Nhưng cần sự gặp gỡ giữa ta với Chúa, không ai giữ đạo thay cho ta được, không ai tu thay cho chúng ta được, không ai đền tội hay lập công cho chúng ta được… Vì thế, cần một sự “đến mà xem” nghĩa là phải đến gặp gỡ Chúa qua các bí tích và đời sống đạo để được Người cứu độ.

 

-  Thái độ trước và sau khi gặp Chúa: Trước khi gặp Chúa, Nathanael vẫn mang trong mình cái biết và cái thành kiến của một xã hội đã nắn đúc lên trong tư tưởng ngài và không thể thoát ra được. Ngồi dưới gốc cây vả, ông vẫn tìm kiếm trong vô vọng về những gì dân Do-thái dựng nên trong đầu ông về một Đức Giêsu quyền lực và phải xuất thân ở một nơi danh giá, chứ không phải nơi một bác thợ mộc và quê nghèo Nazareth. Chính vì thế mà vừa nghe giới thiệu, ông phản kháng ngay: “Ở Nazareth nào có cái chi hay?” Tuy nhiên, ông vẫn dám bước ra khỏi cái thành kiến kia để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông đã tuyên xưng và được biến đổi trở nên người môn đệ. Chúng ta cũng thế, khi chưa gặp Chúa, chúng ta vẫn mang trong mình những thành kiến, những tư tưởng không tốt. Chúng ta chắc chắn sẽ hành động sai khi chúng ta thiếu đi sự cầu nguyện gặp gỡ  xin Chúa soi sáng…

 

Lạy Chúa Giê-su, để gặp được Ngài, xin cho chúng con luôn biết suy niệm Thánh Kinh và đến gặp Chúa qua các Bí tích, nhất là Bí Thánh Thể, hầu chúng con trở dám bước ra khỏi cái tôi thành kiến của mình và được biến đổi trở nên người môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 23,1-12

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".

"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

 

+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay là những lời cảnh báo của Chúa Giêsu cho dân biết lối sống tự tôn và giả hình của các nhà thông luật Do-thái:

 

* Giả hình và tự tôn

Các người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng điều này, vì cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… 

Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.

 

* Nói mà không làm

Lời nhận xét dành riêng cho người thông luật là: “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do-thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. 

Thật ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị nó thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.

 

* Đừng gọi ai dưới đất là Thầy hay là Cha

Có lẽ không ít người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ thắc mắc, tại sao Chúa nói thế mà ngày nay mình vẫn gọi các linh mục là Cha và các tu sĩ hay GLV là thầy. Chúng ta cần hiểu rằng từ “gọi” hay “kêu” trong ngôn ngữ Phương Đông cách riêng người Do-thái hiểu là nhận người đó làm “chủ” đời mình, hay “lý tưởng” cuộc đời mình, hoặc “tôn thờ” như vị chúa của mình, rồi hoàn toàn lệ thuộc và phục tùng họ, giống như các đệ tử Khổng Tử sống hoàn toàn theo giáo thuyết của Nho Đạo. Tóm lại “gọi” hay “kêu” ở đây là đệ tử sống theo giáo thuyết và học đòi lối sống của họ.

Hiểu như thế, có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ và cả chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và noi bước theo một vị thầy duy nhất là Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chúng ta gọi các linh mục là cha hay tu sĩ là thầy không phải để “tôn thờ” hay “lệ thuộc” các ngài, nhưng nhìn nhận các ngài như là tôi tớ của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi.

Mọi người chúng ta được Chúa mời gọi mỗi người mỗi công việc bổn phận trong Hội Thánh, chúng ta hãy học lấy tinh thần khiêm tốn và hăng say phục vụ vì lòng yêu mến, chứ không phải ham muốn chức quyền và danh vọng để được hơn người…

Khi có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người. 

 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen

 

Lm. Hiền Lâm

 

Thiết kế Web : Châu Á