LỜI CHÚA

CÁC BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN I MÙA VỌNG, 2018 (Lm. Hiền Lâm)

Trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân.

 

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM CHình ảnh có liên quan

 

THỨ HAI TUẦN I MÙA VỌNG

THÁNH F. XAVIER LM. Lễ kính

 

THỨ BA TUẦN I MÙA VỌNG

THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG

THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG

THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG

 

THỨ BẢY TUẦN I MÙA VỌNG

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM, Lễ trọng

 

Các bài suy niệm: Lm. Hiền Lâm


Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif 

 

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM C

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 21,25-28.34-36

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."

"Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."

 

II. SUY NIỆM

“ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN”

Bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người chúng ta biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, chúng ta sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân.

 

1. Chúa đết bất ngờ.

Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Chúa Giêsu sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.Để rồi, Chúa trở lại bất thình lình, hầu con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, “cứ để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…” (Lc 21,34), chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.

Chúa không cho biết lúc nào Người đến, nhưng chắc chắn Người sẽ đến như “một chiếc lưới bất thần chụp xuống biển nhân gian”, nên đòi hỏi mọi người phải tỉnh thức “để có thể đứng vững trước mặt Con Người”(Lc 21,36).

Không thiếu những người cứ như mình không bao giờ chết, hoặc nghĩ có già mới chết… Rồi cứ sống thoải mái và nghĩ rằng, sắp đến ngày chết thì xưng tội, sẽ ăn năn, sẽ trở về với Chúa… nhưng có ngờ đâu rằng: Đứa bé nặn đất chơi bên vệ đường - bất ngờ chết, chàng sinh viên tương lai ngời ngợi chuẩn bị tốt nghiệp - chết, cô dâu trên đường về nhà chồng -  xe lật chết, nhưng cụ già 90 tuổi ngày ngày mong chết lại không chết…

Tại sao chúng ta nghĩ rằng mai làm việc đó, mà ngay hôm nay làm được mà không làm, rồi có sống đến ngày mai không. Cái chết đến có báo trước cho chúng ta không?

Bộ mặt thế gian này sẽ qua đi nhanh như một giấc mộng, sẽ tan biến như làn khói, mọi thứ sẽ trở về cát bụi hư vô. Lúc đó mỗi chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những việc làm của mình.

Phúc cho ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa ân cần đón vào cuộc sống vĩnh hằng.

 

2. Biến cố cánh chung.

Cũng như trước biến cố xảy ra cho Giêrusalem, dân Do-thái đã bỏ Chúa, giết các chứng nhân, chiến tranh giữa các phe nhóm và với đế quốc Rôma. Thì thời cùng tận, tranh chấp giữa các nước trên địa cầu như là một sự tất yếu của sự phát triển, khẳng định của các đế chế xã hội loài người, những cuộc chạy đua vũ khí huỷ diệt, con người ỷ thế vào công nghệ kỹ thuật khoa học, sự xuống cấp của đạo đức, tội ác lan tràn… và con người chỉ còn tôn thờ vật chất, tôn thờ khoái lạc, hưởng thụ và “giết chết Thiên Chúa”… là những dấu hiệu thế giới đang đi đến chỗ bị huỷ diệt.

Nhưng trong mọi biến cố, những ai trung thành với Chúa thì không sợ gì cả, nhưng “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” vì chính mình được Chúa cứu độ. Thế gian rồi cũng qua đi, và Nước Chúa mới là vĩnh cửu.

Thành Giêrusalem bị xoá sổ thì Dân Mới được thành lập. Thế giới này qua đi thì Nước Trời sẽ xuất hiện. Đó là điều mà sách Khải Huyền nói tới: “Rồi tôi thấy trời mới, đất mới và thành Giêrusalem mới đến từ trời, từ nơi Thiên Chúa” (x. Kh 21,1-2).

Như vậy, tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình, Người Kitô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, mới đáng được Chúa thưởng công.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống trong sự ngay thẳng, tỉnh thức đợi chờ, để rồi dù biến cố gì xảy đến, chúng con vẫn đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng con tin là Chúa sẽ đón chúng con vào Trời Mới, Đất Mới và Giêrusalem Mới trên trời. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN I MÙA VỌNG

Ngày 03/12: Lễ thánh Phanxicô Xavier, Lm

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,15-20

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

II. SUY NIỆM

Hôm nay mừng lễ kính thánh Phanxicô Xavier, Giáo Hội cho đọc đoạn Tin Mừng về mệnh lệnh Chúa trao cho các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Thánh Phanxicô Xavier - vị thánh linh mục dòng Tên này – đã thực hiện triệt để lệnh truyền ấy, đã đem Tin Mừng đến cho Á Châu và đem rất nhiều người trở về với Chúa, và nay được phong làm Bổn Mạng các Xứ Truyền Giáo, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay tập chú đến hai điểm chính:

 

- Lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.

Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.

• Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo.

• Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”.

• Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc raogiảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào.

• Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.

• Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

 

- Điều kiện để được cứu độ.

Tiếp theo lệnh truyền là lời khằng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.

• Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).

• Cần phân biện giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.

 

- Phép lạ kèm theo.

Cần lưu ý, những phép lạ chỉ là “kèm theo”, chỉ đóng vai trò phụ trong việc minh hoạ cho Lời Rao Giảng, nâng đỡ niềm tin người đón nhận và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh; Lời Rao Giảng mới đóng vai trò chính trong niềm tin và ơn cứu độ.

Chính vì thế, mà chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần từ chối làm phép lạ, vì người ta đòi hỏi Người. Niềm tin mà chỉ dựa trên phép lạ thì không còn là niềm tin nữa.

 

Lạy Chúa Giê-su, từ ngày chịu phép rửa tội, chúng con mang trên mình vai trò ngôn sứ, là luôn phải biết đem Tin Mừng đến cho người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh Phanxico Xavier, luôn hăng say rao giảng Lời Chúa với cả sự khao khát, lời nói và hành động, hầu quê hương đất nước chúng con ngày một thêm nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN I MÙA VỌNG

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10,21-24

 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

"Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."

Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."

 

II. SUY NIỆM

Mọi Kitô hữu đều có quyền tự hào vì được nhận biết Thiên Chúa và được làm con của Người cách trọn vẹn ngay từ lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui được giải thoát tội nguyên tổ, mà vui mừng hơn là vì được làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Hôm nay Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn bé mọn, là hết những ai đón nhận và tin vào Người:

 

1. Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải cho người bé mọn.

"Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.

“Mặc khải” có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.

Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Người chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho.

Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, con người cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình.

Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn của mình.

 

2.  Biết Thiên Chúa

"Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”

Biết ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau. Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.

Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ” (Ga 6,44).

Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với mình, mà năng đến với Thánh Thể mỗi ngày, để tâm hồn chúng con được bổ dưỡng sức thần thiêng mà vượt thắng mọi khó khăn trên đường lữ thứ trần gian. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 15,29-37

Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường." Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? " Đức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ." Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

 

II. SUY NIỆM

Hôm nay, khi đến với dân chúng, Chúa Giêsu thực hiện hai công việc của Đấng Cứu Thế, đó là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn.

Chúng ta được mời gọi cố gắng mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu mà đến với tha nhân.

 

1. Biết cảm thương như Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người).

Tuy nhiên, Chúa không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Ngài muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới - cá). 

Từ đó, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta:

- Cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể..., nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).

Rồi đi đến hành động như Chúa Giêsu là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân.

- Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.

- Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hằng ngày.

- Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.

- Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.

 

2. Chính anh em hãy cho họ ăn.

Chúa chỉ đích danh từng người chúng ta, chính anh, chính chị…chứ không phải ông này bà kia cho họ ăn.

Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.

- Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các Giáo Lý Viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.

- Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.

 

Lưu ý, CHO chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra, đuổi khéo họ về cho họ vào làng mạc xung quanh để kiếm ăn).

Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại. Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, GLV đó… Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy…

Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…

 

Tóm lại: Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa không những muốn ta có lòng cảm thương, mà còn cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng ta, cách riêng nơi chúng ta đang sống.

Cúi lạy Chúa, xin mở rộng tay con

Đang nắm lại giữ khư tất cả

Trước nhà con bao người nghèo đói lả

Xin dạy con biết san sẻ vui lòng (CGKPV). Amen

 

 

THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 7,21.24-27

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay nói lên điều kiện để được vào nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.

 

Cha Anthony de Mello có kể câu chuyện hài hước rằng: 

Có một người vô thần leo núi, chẳng may trượt té rơi xuống vực sâu, rất may ông ta bám được vào một cành cây nhô ra giữa chừng. Nhìn xuống vực sâu thăm thẳm và tay mỏi cùng cành cây sắp gãy, anh ta liền kêu lên: 

- Lạy Chúa, nếu có Chúa thật thì cứu tôi đi tôi tin liền.

Bỗng có tiếng bảo:

- Có Ta chứ, có thật ngươi tin không?

Ông ta liền kêu lên:

- Thưa tin, và cứu tôi đi, về tôi sẽ loan báo cho nhiều người cũng biết mà tin vào Ngài.

Tiếng đó lại bảo:

- Nếu ngươi tin có Ta thì hãy buông tay ra khỏi cành cây.

Ông ta đáp lại.

- Ngu gì mà buông, buông mà chết à? Bộ Chúa tưởng con điên chắc?

???

 

Giống như người vô thần trong câu chuyện trên đây, nói tin Chúa thì dễ lắm, nhưng thực hành điều mình tuyên xưng thật không dễ chút nào.

Trong tình yêu cũng thế, nếu chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy” (Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ Lời Người, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.

 

Tôi biết anh A chị B và tôi nhiều lần gọi tên họ, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ ? Tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?

Ma quỷ cũng tin có Chúa Giêsu hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giêsu, thậm chí còn tuyên xưng Ngài giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Ngài không? Thưa không.

 

Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. 

 

Điều mà chúng ta thường gặp phải là “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm, hoặc làm nửa vời. Nói Lời Chúa thì hay mà sống thì chẳng ra gì. Điều này được Chúa ví như xây nhà trên cát, nghĩa là không có móng, là mất gốc, mất căn bản của niềm tin, vì không bám sâu vào Lời Chúa, gặp khi thử thách xảy đến sẽ buông xuôi ngã lòng…

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng đời mình trên nền đá vững chắc là Đức Ki-tô, để không có gì thuộc ma quỷ và thế gian có thể xô ngã được chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dùng chính đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa hơn là những lý thuyết suông nơi môi miệng. Amen

 

 

THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG


I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,27-31

Đang khi Đức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! " Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin." Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: "Các anh tin thế nào thì được như vậy." Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết! " Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện hai người mù được Chúa Giêsu thương chữa lành, nhờ lời kêu xin khẩn thiết và lòng tin của họ. 

 

Thiết nghĩ, căn bệnh mù là căn bệnh khiến cho người mắc phải thiệt thòi nhất, có thể nói họ như một đứa trẻ chưa được sinh ra vì không được thấy ánh sáng và mọi tạo vật xung quanh mình. Chính vì thế mà họ rất khao khát, sự khao khát được thấy một điều chắc chắn có thực mà mình chưa được thấy bao giờ. Cũng như sự khao khát của con mắt đức tin về Nước Trời là thực tại có thật mà con người chưa được thấy vậy.

- Lời kêu xin của anh mù vượt qua tính tự ái và một mực kiên trì, bởi vì Chúa không chữa lành ngay, mà đợi họ đi theo về đến nhà mới chữa lành, dù ai cũng biết việc đi theo của người mù là rất khó khăn và xung quanh Chúa Giêsu lại luôn được bao bọc bởi đám đông chen lấn. Việc để họ phải lần mò theo cho đến khi Chúa về nhà như là một thử thách niềm tin.

- Hầu như mọi lần chữa lành bệnh tật cho ai, Chúa Giêsu đều nói đến lòng tin đã cứu họ. Đức Tin là điều kiện đầu tiên để được chữa lành và phép lạ chỉ xảy ra khi thụ nhân tin vào Đấng chữa lành. 

- Điều đáng nói ở đây, là hai người mù không thấy gì nhưng lại nhận ra một Đức Giêsu “Con Vua Đa-vít”, nghĩa là một vị Chúa, một Đức Giêsu trong bản tính thần linh. Như thế, sự khao khát đã bắt đầu cho họ lòng tin, và tin nhận rằng chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được cho họ. Dù niềm tin đó đang chỉ là giai đoạn khởi đầu và chỉ mong được thấy cái hữu hạn có lợi cho riêng mình. Chính khi họ vượt qua thử thách về sự kiên nhẫn đi theo Chúa và cầu xin thống thiết, đức tin mới thật sự trưởng thành và được chữa lành một trật cả con mắt thể lý lẫn tâm linh.

 

Như vậy:

Để được gặp Chúa và được Chúa chữa lành bệnh tật thể xác hay tâm hồn, chúng ta cần phải có một sự khao khát mãnh liệt, dám vượt qua mọi chướng ngại, mọi khó khăn để đến với Chúa và hết lòng kêu xin Người.

Có thể chúng ta tuy sáng mắt thể lý, nhưng con mắt tâm linh chúng ta mù tối. Không thấy Chúa hiện diện trong Thánh Thể, trong các Bí Tích, trong tha nhân và trong mọi biến cố của cuộc sống. Đến với anh em, chúng ta chỉ nhìn thấy toàn những sự thấp hèn nhân loại mà không thấy Chúa hoạt động trong họ. Đôi mắt tâm hồn chúng ta vẫn mù nên không thấy được những lần Chúa đi qua đời ta trong những biến cố của cuộc đời.

Vậy, hãy như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta cầu xin Chúa cho con mắt đức tin chúng ta được sáng, để chúng ta thấy Chúa hiện diện khắp mọi nơi. Và để được Chúa soi dẫn, chúng ta cần có một sự kiên nhẫn vượt qua mọi thử thách để đức tin chúng ta đạt tới sự trưởng thành.

Nhờ đức tin mà chúng ta được chữa lành mọi vết thương thiêng liêng trong tâm hồn, và cũng nhờ đức tin mà chúng ta có thể vượt thắng những bệnh tật thể xác. Như thánh Augustino từng nói: “Chúa sáng tạo nên con không cần con, nhưng để cứu chuộc con thì cần có con cộng tác”. Chính đức tin là sự cộng tác với ơn Chúa và phép lạ chữa lành mới diễn ra, ơn cứu độ mới được thực hiện. Chúng ta được cứu độ nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải nhờ ỷ thế vào sức mình tuân giữ lề luật.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con mắt đức tin chúng con được sáng, để chúng con thấy Chúa hiện diện khắp mọi nơi, và nhờ Chúa soi dẫn, chúng con kiên nhẫn vượt qua mọi thử thách để đức tin chúng con đạt tới sự trưởng thành. Amen

 

 

THỨ BẢY TUẦN I MÙA VỌNG

Ngày 08/12: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 26- 38

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi. 

 

II. SUY NIỆM

Ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về cuộc truyền tin. Bài Tin mừng làm chói sáng lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, nữ tỳ khiêm hạ lời đáp trả “xin vâng”:


a, Đầy ân sủng.

“Đấng đầy ân sủng”. Ân sủng (kharis) - Kêkharitomênê: là tính từ thụ động trở thành danh từ: Đấng lấp đầy ân sủng. Từ sau lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:
- Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho người được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.

- Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa .

Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha.


b, Đặc trưng khiêm hạ.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.

Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người” . Sự khiêm tốn của Đức Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.

Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).


c, Đặc trưng vâng phục (fiat).

Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.

Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa .

Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. 


Tóm lại, noi gương mẹ Maria, để trở thành khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa hầu đem Tin Mừng đến cho mọi người, ta phải bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người. Sự vâng phục đó cũng là hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa để mưu ích cho các linh hồn.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống cuộc đời trong sạch, biết noi gương Mẹ Maria mà sống “xin vâng” theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, hầu mai ngày chúng con cũng được cùng với mẹ chung hưởng vinh quang trong Nước Chúa. Amen.

 

Lm. Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á