LỜI CHÚA

CÁC BÀI CHIA SẺ TIN MỪNG TUẦN II MÙA VỌNG, 2018 (Lm. Hiền Lâm)

Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến.

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả rao giảngCHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM C

THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG

THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG

THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG

THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG

THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG

THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG

 Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM C 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 3,1-6

Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

II. SUY NIỆM

“LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI”

Các tác giả Tin Mừng đều kể về cuộc đời và sứ vụ của vị Tiền Hô của Chúa, nhưng chỉ riêng thánh Luca chú thích cặn kẽ về bối cảnh chính trị và tôn giáo thời thánh Gioan Tẩy Giả khi ngài khởi đầu sứ vụ “tiền hô” của mình.

Khoảng năm 27, lúc bấy giờ người do-thái đã mất quyền tự trị và xứ sở họ bị chia làm bốn xứ nhỏ. Với cách ghi lại dữ kiện, thánh sử Luca cho thấy Đất Thánh bị chia năm sẻ bảy như một thách thức đối lại với lời Thiên Chúa hứa, bởi vì lòng người từ giới tư tế đến con dân đã đi sai đường lối của Thiên Chúa. Chính vì thế, sự xuất hiện của thánh Gioan Tẩy Giả với một sứ điệp rõ ràng là : “Hãy sám hối” để được Thiên Chúa từ chốn cao vời viếng thăm và cho xuất hiện Đấng Cứu Thế.

Thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay lớn tiếng nhắc lại cho mọi thành phần dân Do-thái đang bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa, hoặc làm méo mó dung mạo Thiên Chúa mà họ đã được mời gọi làm chứng giữa muôn dân. Bí quyết đó là việc ăn năn thống hối và thay đổi nội tâm.

Lời kêu gọi sám hối này không xuất hiện từ đền thờ lộng lẫy hay trên các đường phố, nhưng đến từ hoang địa, như là một phản ảnh về tâm hồn mọi người đã xa vắng Thiên Chúa và trở nên như hoang mạc khô cằn.

 

1. Tiếng kêu từ sa mạc

Một khuôn mặt quen thuộc của Mùa Vọng đó là khuôn mặt của thánh Gioan tiền hô. Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay đã viết: “Có tiếng người kêu trong hoang địa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Tiếng người kêu trong hoang địa ấy là của thánh Gioan tiền hô. Và con đường mà Người nhắc tới không phải là một con đường trong không gian, nhưng là con đường nội tâm của mỗi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Con Thiên Chúa làm người.

Là tiếng kêu trong sa mạc, đời sống của thánh Gioan đã gắn liền với đời sống của Chúa Cứu Thế như “tiếng kêu” gắn liền với Đấng là “Lời của Thiên Chúa” . Đàng khác, đời sống của vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu Thế xuất hiện phía sau; và đời sống của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để tha tội.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm xuất phát những tiếng kêu qua các ngôn sứ để tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ đến. Là ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiếng kêu của thánh Gioan Tẩy Giả được coi như đúc kết mọi tiếng kêu của các ngôn sứ khác, như tiếng kêu của Isaia, tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia…

Ngày nay, khi nói “Tiếng kêu trong sa mạc”, người ta thường hiểu là tiếng kêu vô ích, lời hô hào không được hưởng ứng, không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã kêu lên trong sa mạc thì khác, tiếng kêu ấy đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người khắp xứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô Giêrusalem đến nỗi một phái đoàn chính thức đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai đến để chất vấn Gioan tận nơi sa mạc.

Có nhiều thứ sa mạc ở nơi chính cõi lòng con người:

Sa mạc của sự lãnh đạm, thờ ơ. Rất nhiều người đã sống như thể không có Chúa và không cần Chúa. Đối với những người này thì sống như vậy sẽ thoải mái hơn nhiều, bởi họ có thể tự do làm mọi sự theo ý mình, theo sự thúc đẩy của bản năng mà không có gì khuấy động lương tâm làm họ phải day dứt cả. Tin Chúa chỉ bận lòng thêm thôi.

Sa mạc của sự vô cảm về mặt tâm linh và luân lý. Đối với nhiều người, Thiên Chúa của họ là cái bụng, là tiền bạc, là danh vọng, là lạc thú xác thịt. Bận tâm duy nhất của họ là làm sao kiếm cho thật nhiều tiền bằng bất cứ cách nào. Và khi đã có tiền trong tay thì họ tìm cách để hưởng thụ, hưởng thụ trong vấn đề ăn uống, hưởng thụ trong vấn đề nhục dục… Ngoài ra không còn gì nữa cả. Không còn niềm tin, không còn luân thường đạo lý, không còn lương thiện, không còn đạo đức, không còn nhân phẩm, không còn nhân ái, không còn vị tha, không còn công bình, không còn trung tín…

Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến.

Có nghe được tiếng Chúa nói qua tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa ngự đến.

 

2. Lời mời gọi sám hối

Đón tiếp một vị khách phàm trần, người ta chỉ cần chưng diện treo hoa đèn, biểu ngữ, chào đón, chúc tụng và hô to những khẩu hiệu ngoài môi miệng cho qua lượt, nhưng để đón Chúa đến và họa lại chân dung của Chúa trong chính đời sống của mình thì con người phải thay đổi thực sự tâm hồn, phải thực hiện cuộc canh tân thay đổi nội tâm khỏi những tâm tình xấu xa tội lỗi.

Lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả nhắc lại cách thức sám hối là: “Dọn đường cho Chúa và sửa lối cho thẳng”,  như lời loan báo của ngôn sứ Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Is 40,4).

Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi, uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co lệch lạc, san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn, bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công… Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình Chúa, tình người chan hòa đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần trở thành huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa đến, và cuối cùng để đón nhận ơn cứu độ từ chính Đấng Cứu Độ như Gioan loan báo: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.

Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn cứu độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến, mang nguồn vui ơn cứu độ. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: 5,17-26

Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi."

Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: "Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? " Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: "Anh đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.

Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ! "

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại, chữa lành vì lòng tin của các thân nhân và không những chữa lành phần xác mà còn tha thứ tội lỗi cho bệnh nhân.

 

1.  Vai trò trung gian

Hình ảnh những người thân nhân của người bất toại phải trèo tường dỡ mái nhà, làm mọi cách để giúp người thân tiếp cận với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ. Điều này cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu ghi nhận và ra tay chữa lành(x. Mc 2,5).

Qua đó, cho thấy tính tương giao trong niềm tin và lời cầu nguyện. Thật vậy, không thiếu những người thân chúng ta, những người cần đến sự kêu cầu của chúng ta với Chúa. Họ bất lực vì nhiều lý do không thể đến với Chúa để được chữa lành, nhất là phần linh hồn. Chính vì thế, họ cần chúng ta là những Kitô hữu, là những người con của Chúa “khiêng” (nâng họ lên) đưa họ đến với Chúa, giúp họ vượt qua những bức tường và dỡ bỏ “mái nhà” (rào cản mặc cảm tội lỗi), để họ được chữa lành.

Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ rằng, thấy lòng tin của ‘họ’ như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.

 

2. Quyền tha tội

Khác với mọi người đến nghe giảng và được chữa lành, mấy bác “sư kinh khủng” lại đến để bắt bẻ; mọi người chỉ thấy kính phục và ca ngợi quyền năng Thiên Chúa, còn mấy ông  “kinh” kia lại chỉ thấy đó là một sự phạm thượng. Theo quan niệm của họ, bệnh tật là do tội mà ra, có thể do chính đương sự phạm tội, cũng có thể do đời cha hay đời ông của đương sự phạm tội mà nay đương sự phải chịu phạt. Chúa Giêsu tuy không chấp nhận quan niệm này, nhưng có lẽ hôm nay, Người dùng chính cách nghĩ của họ để chữa bệnh, người tha tội cho người bất toại nghĩa là trị tận gốc căn cơ của bệnh.

Thật ra, theo như lời khẳng định: “…để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, Chúa Giêsu muốn mọi người chân nhận chủ quyền của Thiên Chúa, khẳng định Người là Đấng có quyền tha tội và hành động chữa lành cho người bất toại là một hành động của Thiên Chúa.

Quyền tha tội đó đã được Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ và lưu truyền từ đời này qua đời khác trong Giáo Hội; quyền được Chúa ban qua linh mục nơi toà giải tội khi linh mục đọc: “Vậy, cha tha tội cho con…”. Như vậy, nếu còn những ai nghi ngờ về năng quyền này, hãy đọc lại Lời Chúa (Ga 20,23).

 

Lạy Chúa Giêsu, mọi người chúng con, cách này hay cách khác, cũng đang bị bệnh bại liệt tâm hồn, xin cho chúng con biết mau chạy đến toà cáo giải để được Chúa tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thiêng liêng cho chúng con. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,12-14

"Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

 

II. SUY NIỆM

Chủ đề chính của bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, đi tìm và đón nhận tội nhân trở về.

 

1. Con chiên lạc

Dụ ngôn cho thấy con chiên lạc không do chủ ý, mà do đam mê cỏ ngon suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó.

Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, đam mê của cải, thế tục và đi tìm những thứ mới lạ, đắm mình trong những sở thích cho thân xác… để rồi đánh mất Chúa và lạc lối lúc nào không hay, hoặc bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối trở về nẻo chính đường ngay. 

 

2. Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội Thánh. Đó là điều làm cho chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về. Tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, đi tìm, chữa lành và đón nhận tội nhân trở về. Nếu lúc này còn những ai đang lạc bước trong tội, chúng ta đừng tuyệt vọng, hãy tin tưởng vào Chúa và đưa tay cho Người dắt về. Cả triều thần thiên quốc và Hội Thánh vui mừng vì chúng ta bỏ đường lối xấu mà cải thiện đời sống.

 

Có thể hiểu thêm rằng, Tin Mừng cũng muốn nói lên trách nhiệm truyền giáo của chúng ta là những Kitô hữu. Cũng giống như trong một gia đình có người con đi lạc, thì cha mẹ già rất lo lắng, cần đến những đứa con trong gia đình phải đi tìm đứa con bị lạc trở về. Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho Chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.

 

Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, xin cho chúng con biết luôn bước theo sự hướng dẫn của Chúa, làm chiên ngoan dưới sự chăn dắt và săn sóc của Chúa, để không bao giờ bị hoa thơm cỏ lạ thế gian quyến rũ làm chúng con lạc đường. Xin cũng cho chúng con có một tâm hồn quảng đại, để cùng với Chúa đưa dẫn những ai đang lạc bước trở về với Chúa và Giáo Hội. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,28-30

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

 

II. SUY NIỆM

Nơi Nhà Tạm trong một số nhà thờ Công Giáo thường ghi dòng chữ: “VENITE AD ME OMNES QUI LABORATIS”. Đó chính là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Người cũng mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

 

1. Đến với tôi

Mọi người đều mang trên mình nhiều thứ gánh nặng khác nhau:

Gánh nặng lề luật là: Người Do-thái thời đó phải giữ bộ luật chi li hơn 600 điều luật của biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.

Gánh nặng cuộc đời là: Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai... Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí Tích Giao Hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với Của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức cho.

 

2. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi…

Như đã nói ở trên, ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng Chúa cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.

Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày. Nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giêsu đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.

Học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời, nhưng kết hợp với Chúa Giêsu để được bổ sức và cùng Người vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời;  kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG 


I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,11-15

"Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. Ai có tai thì nghe.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn Thánh Kinh rất khó giải thích, tuy ngắn nhưng lại có nhiều điều để chúng ta suy tư.

 

1. Người cao trọng nhất.

Hôm nay, Chúa Giêsu khen trong số con cái loài người được sinh ra, chưa có ai cao trọng hơn Gioan Baptista, có lẽ:

Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông, loan báo về Đấng Cứu Dộ mà Thiên Chúa hứa ban. Nhưng Gioan là Tiền Hô và là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai, và giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa và là Đấng xoá tội trần gian”.

Gioan là người có cơ hội được Đức Mẹ và Chúa đến thăm khi mới được sáu tháng trong bụng mẹ.

Gioan là phàm nhân mà được làm phép rửa cho Thiên Chúa Ngôi Hai.

Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước, vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau: giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa, và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau, nhưng Người cần Gioan trực tiếp giới thiệu.

 

“Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan”

Nghĩa là, thời của Gioan và các ngôn sứ trước là thời của lời hứa, và thời của Nước Trời đã nên hiện thực nơi Đức Giêsu đem đến thì Gioan Baptista đã khuất. 

Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông,vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu. Ơn cứu độ viên mãn đã đến.

- Thời của nô lệ lề luật đã qua, thời của tự do trong Đức Kitô đã đến. Người bé nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại, vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.

 

2. Chiến đấu để gia nhập “Nước Thiên Chúa”

Nhưng thời của Gioan cho đến ngày Ơn Cứu Độ được thành toàn nơi Chúa Giêsu, muốn được vào Nước Trời phải cật lực chiến đấu, và các ngôn sứ cũng như Gioan Tiền Hô đã phải đổ máu hi sinh, chờ đợi ngày được vào Nước Trời khi Đức Giêsu hoàn tất Ơn Cứu Độ trên thập giá.

Thời đại Ơn Cứu Độ, nhờ có nhiều phương thế phát sinh từ công cuộc cứu thế của Đức Giêsu, cùng với sự trợ lực của Người qua ơn thánh sủng đã được phục hồi, con người dễ đạt đến Nước Trời hơn.

 

3. Êlia và Gioan Baptista.

Căn cứ vào lời tiên tri Malaki 3,1, dân Do Thái vẫn tin rằng, ngôn sứ Êlia phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Họ hiểu theo nghĩa đen là Êlia trong Cựu Ước phải sống lại, và xuất hiện đầy uy quyền của một vị ngôn sứ làm phép lạ, nên đã không nhận ra Gioan là Đấng Tiền Hô, và cũng từ đó không chân nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đã đến.

Chính vì vậy, mà Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tẩy Giả như là Êlia vì hai lý do:

Êlia là một ngôn sứ dám đương đầu với cường quyền là nhà Akháp để chứng minh cho công lý và sự thật, dù không ưa nhưng Akhap cũng chịu nghe Êlia, nhưng rồi Êlia cũng phải chịu khổ cực vì bà Jezabel. Gioan Tiền Hô cũng dám đương đầu với nhà Hêrôđê vì công lý, Hêrôđê không ưa nhưng vẫn vui lòng nghe, nhưng rồi Gioan đã phải chết vì mưu kế hiểm độc của bà Hêrôđiađê.

Lý do thứ hai quan trọng hơn nhiều, là khi Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tiền Hô như là Êlia thì cũng có nghĩa là Người nói cho người Do Thái biết rằng, lời tiên tri Malaki mà họ trông đợi đã ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế là chính Người đã đến.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, để vào được Nước Chúa cần phải có sự khiêm tốn, đồng thời dám can đảm dấn thân chiến đấu vì Chúa, nhờ vào những phương thế phát sinh từ Ơn Cứu Chuộc viên mãn của Ngài. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11, 16-19

"Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói:

"Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không đấm ngực khóc than."

Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động."

 

II. SUY NIỆM

Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác. Vì thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tránh hai điều:

 

1. Áp đặt người khác phải theo tư tưởng của mình.

Giống như bọn trẻ con thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám giả bộ buồn bắt người khác khóc theo… với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do Thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Pharisiêu giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Mesia giàu sang chứ không khắc khổ kiểu Gioan Tẩy Giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ và không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Chúa Giêsu.

Còn chúng ta? Chúng ta có đưa ra những hình mẫu và lối sống để bắt người khác phải theo mình, thay vì mình phải biết thay đổi? Chúng ta thuận theo ý Chúa hay bắt Chúa phải theo ý mình?

 

2. “Không ưa thì đổ cho dưa thối…”

Có câu chuyện kể rằng: ngày nào bà vợ cũng chỉ cho chồng xem tường và cửa sổ của nhà hàng xóm quá bẩn và chê bai người nhà hàng xóm lười biếng, thế rồi một hôm, ông chồng phát hiện ra cánh cửa kiếng nhìn ra nhà hàng xóm của mình bám đầy bụi bẩn, ông vội lau sạch và nhìn ra thì thấy nhà hàng xóm sạch sẽ không như bấy lâu nay vợ ông nghĩ.

Với một người luôn nghĩ xấu thì nhìn đâu cũng thấy rác, suy bụng ta ra bụng người, mình có ý nghĩ xấu nên cứ tưởng người ta cũng xấu như mình.

Khi trong mình tư tưởng ghanh ghét và thành kiến, thì dù đối tượng có tốt thế nào đi nữa, dưới con mắt biệt phái cũng xấu và tìm mọi lý lẽ để chê bai kết án:

Ông Gioan ăn chay khắc khổ thì bảo là lập dị và bị ma ám.

Chúa Giêsu hoà đồng ăn uống thì cho là mê ăn và bợm nhậu.

 

Còn chúng ta? Một linh mục hay vị nào đó đạo đức thì dễ bị coi là thiếu quan tâm và thiếu xây dựng giáo xứ, ngược lại, một vị hoà đồng với mọi người thì dễ bị đánh giá là thiếu tư cách… “Không ưa thì đổ cho dưa thối”, "miệng lưỡi không xương lắm đường lắt lẻo"... kiêng khem thì bị coi là đạo đức giả, hoà đồng thì kết án là thiếu đứng đắn…

Thật vậy, khi chúng ta thiếu thiện cảm và cố chấp, thì mọi cái nhìn của chúng ta sẽ dễ bề xuyên tạc, gièm pha và kết án…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết dẹp bỏ ý riêng mình, để ý Chúa được thể hiện. Xin cũng cho chúng con biết nhìn mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Chúa, để mọi điều xảy ra đều có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm vui cho cuộc sống chúng con. Amen

 

 

THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 17,10-13

Các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước? " Người đáp: "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

 

II. SUY NIỆM

Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, người viết sực nhớ lại một câu chuyện cách đây khá lâu nơi một xứ đạo Miền Tây. Số là hôm ấy, ông trùm và cha sở đến một vùng giáo điểm để dâng Thánh Lễ. Do cha sở thì ăn mặc áo nâu sồng giản dị, còn ông trùm thì “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, nên sau khi gửi xe để đi vào, ông trùm thì được một bác che dù và những người giúp giáo điểm đón vào mời dùng khăn lạnh, xơi nước, còn cha ở thì một mình lủi thủi. Đến giờ cha sở vào mở giỏ lấy lễ phục ra mặc để dâng lễ, thì mọi người mới tá hoả ra đâu là cha sở và đâu là ông trùm.

Câu chuyện trên cho thấy quan niệm của nhiều người rằng cha sở phải bảnh bao đẹp mã, phải nhìn phong độ hơn ông trùm… Đó cũng là quan niệm chung của người đương thời với Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Họ quan niệm Đấng Cứu Thế đến phải là rất quyền lực và oai phong như Vua Đa-vít, đến đánh dẹp Rôma và lên ngôi hoàng đế. Từ đó, căn cứ vào lời tiên tri Malaki 3,1, họ cũng quan niệm vị Tiền Hô của Người như là môt tể tướng quân đội, đầy quyền năng của ngôn sứ Êlia, hô mưa gọi gió, thách thức và tiêu diệt năm trăm ngôn sứ giả của hoàng hậu Jêsabell, đến trước chuẩn bị cho Đấng Messia ngự đến. Từ đó, họ không thể nhận ra Đấng Tiền Hô của Chúa là ông Gioan Tẩy Giả trong sự giản dị và khiêm tốn, và cũng đồng thời không chấp nhận một Đấng Cứu Thế khiêm nhường hiền hậu như Đức Giêsu được. Để rồi họ đối xử với Gioan theo cách họ muốn, và họ tiếp tục tìm cách hãm hại Đức Giêsu.

Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết, Gioan Tiền Hô chính là hiện thân của Êlia, đã đến trước chuẩn bị cho sứ vụ của Người, và khi Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tiền Hô như là Êlia thì cũng có nghĩa là Người muốn nói cho người Do Thái biết rằng, lời tiên tri Malaki mà họ trông đợi đã ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế là chính Người đã đến.

 

Có người hỏi cha Anthony de Mello rằng: “Ai sinh ra Thiên Chúa”, ngài đáp: “con người chúng ta sinh ra Thiên Chúa”; người đó hỏi tiếp: “vậy ai giết chết Thiên Chúa”, ngài đáp: “cũng chính chúng ta giết Thiên Chúa”.

Thật vậy, ngày hôm nay, chính chúng ta vẽ ra một vị Thiên Chúa làm sao cho hợp với đam mê của mình, chúng ta ham quyền lực nên tôn thờ một kiểu Thiên Chúa uy quyền đánh phạt, chúng ta ưa danh vọng, nên vẽ ra Thiên Chúa giàu sang quyền quý… Như thế chúng ta vừa sinh ra một Thiên Chúa theo ý mình, đồng nghĩa với việc chúng ta giết chết một Thiên Chúa đích thực, là một Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa chịu đóng đinh và là Thiên Chúa của người nghèo. Để rồi, cũng như những người Do Thái xưa, chúng ta quan niệm những vị đại diện Chúa sai đến, phải là oai phong hơn người, và chúng ta dành cho các vị một khoảng cách rất xa so với những người thân cận đang cần đến chúng ta giúp đỡ.

Đáng trách hơn là không thiếu những người “được coi là đại diện Chúa”, như các GM, Lm, Ts… đã tự trang bị cho mình một sự vượt trội người khác, thay vì nổi trội về lòng mến và kiến thức về Chúa, thì lại lo sắm sửa cho mình những tiện nghi sang trọng, để được mọi người kính nể, và tự phân cấp thành một bậc cao hơn trên dân Chúa, không thể đến với người nghèo và hạ mình cúi xuống phục vụ những người đau khổ. Như thế, chẳng khác nào chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa ‘thần tài’ và giết chết Thiên Chúa là Đấng đã chết đi vì những người hèn kém nhất trong xã hội.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, bởi vì chúng con được ví như “người nhà” của Chúa, nhưng nhiều lần Chúa đến viếng thăm tâm hồn chúng con thì chúng con lại từ chối vì không nhận ra Chúa, bởi tâm trí chúng con quen với tư tương một Thiên Chúa quyền lực thỏa mãn đam mê của chúng con hơn là một Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

 

Lm. Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á