LỜI CHÚA

Bài chia sẻ TM CN Chúa Giêsu chịu phép rửa, A: «TÔI TRUNG»

Ơn gọi của người Tôi Trung chính là sứ mạng loan báo sự công chính của Thiên Chúa trong khắp các vùng dân ngoại bằng chính sự khiêm nhường, hiền hòa và nhẫn nại

 

«TÔI TRUNG»

(Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17)

 

Quốc Vũ

 

«Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân» (c. 1 – Bài đọc I).

 

Những chi tiết này gợi nhắc cho chúng ta về hình ảnh người Tôi Trung của Đức Chúa. Đoạn sách Isaia trong bài đọc 1 miêu tả lại đặc tính đầu tiên của người Tôi Trung là được chính Thiên Chúa tuyển chọn và ban ơn thánh để thi hành sứ vụ.

 

Ơn gọi của người Tôi Trung chính là sứ mạng loan báo sự công chính của Thiên Chúa trong khắp các vùng dân ngoại bằng chính sự khiêm nhường, hiền hòa và nhẫn nại: «Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không bẻ gẫy; tim đèn leo lét, cũng chẳng tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được người chỉ bảo» (cc. 2-4).

 

Và hơn nữa, người Tôi Trung còn được Thiên Chúa kêu gọi trở thành ánh sáng, đồng thời trở nên như vị trung gian trong giao ước giữa Thiên Chúa và con người: «Ta đã nắm tay người, đã gìn giữ người và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước» (c. 6). Đó là một giao ước đã tiên báo giao ước mới mà chính Đức Giêsu sẽ thực hiện sau này.

 

Quả nhiên, nếu đọc kỹ đoạn tin mừng của thánh Matthêu hôm nay, ta sẽ nhận thấy có những chi tiết lấy từ các Bài Ca về Người Tôi Trung của Đức Chúa: «Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống trên người […]. Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về người» (Mt 3,16-17 // Is 42,1): «Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người».

 

Như thế, Đức Giêsu là Người Tôi Trung đã sẵn sàng đến chia sẻ thân phận khốn cùng của kẻ tội lỗi, khi đến xếp hàng chờ được nhận phép rửa, là nhận lấy những yếu đuối của loài người, như Matthêu nói sau này (Mt 8,17// Is 53,4). Như thế, tác giả đã kín đáo ám chỉ cuộc Thương Khó (x. Mt 27,45-56) mà Người sẽ phải chịu sau này.

 

Cùng trong quan điểm này, thánh sử Gioan cũng nhìn nhận rằng chính lúc Đức Giêsu bước xuống dòng sông Gio-đan lãnh nhận phép rửa của Gioan Tiền Hô, là Người bắt đầu bước vào hành trình thương khó. Bởi theo thánh Gioan, phép rửa mà Đức Giêsu chịu không chỉ bằng nước, mà bằng cả ba: nước, máu và Thánh Thần: «Chính Đức Giêsu là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật. Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều» (1Ga 5,6-8).

 

Người ta thường thắc mắc: tại sao Thiên Chúa lại quy định rằng Đấng Mêsia phải nhận phép rửa của Gioan và xuất hiện xếp hàng giữa đám tội nhân? - Ngữ cảnh các bản văn phụng vụ hôm nay không cung cấp đầy đủ những lý do rõ ràng nào giúp giải thích ý muốn này của Thiên Chúa. Nhưng toàn bộ Tân Ước thì cung cấp 4 lý do:

 

(1) Lý do thứ nhất: dựa trên Mt 20, 28 và 26, 28 nói đến việc Đức Giêsu phải tạ tội cho “một số đông”, nghĩa là muôn người.

 

Đoạn sách Công vụ 8,32-35 (// Is 53,7-8) cho thấy Đức Giêsu là như Người Tôi Trung của Đức Chúa, gánh lấy đau khổ vì tội lỗi của dân mình, cho dù bản thân Người không có tội. Riêng Thánh Phaolô thì diễn tả rất rõ ràng: «Nhờ việc nhập thể, Đức Giêsu đã “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi» (Rm 8, 3), Người đã trở nên thành viên và thủ lãnh của một nhân loại tội lỗi. Như thế, mặc dù không có tội, Đức Giêsu đã phải lãnh nhận phép rửa bày tỏ sự thống hối do liên đới với loài người tội lỗi (x. 2 Cr 5,21; Dt 2,14-17).

 

(2) Lý do thứ hai: như Đức Giêsu đã giải thích với Gioan rằng «để giữ trọn đức công chính» (c. 15 – Bài tin mừng).

 

Theo các nhà chú giải, việc Đức Giêsu bước xuống dòng sông để chịu phép rửa từ tay Gioan, là muốn cho dân chúng nhận biết rằng chính Gioan Tẩy Giả cũng là người được Thiên Chúa sai đến, là tiếng kêu trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Messia, và sứ mạng của ông cũng là sứ mạng thánh, được thực hiện trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

(3) Lý do thứ ba: vì nhiệm cục cứu độ.

 

Chính Thiên Chúa đã đến xác nhận việc làm của Gioan là để tôn phong Đức Giêsu, được hiểu trong ánh sáng của các sách Cựu Ước. Quả thật, lời tuyên bố «Đây là con yêu dấu của Ta» có xuất xứ từ Thánh vịnh 2, được hiểu theo tước hiệu quân vương sẽ ngự trên ngai báu mà trị vì nhà Israel. Như thế, từ sự sắc phong đó mà Đức Giêsu được xem như là vua, được ca tụng như người đứng đầu cai trị vương quốc đã được Thiên Chúa khai mở, trong sự trung thành tuyệt đối với nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

 

(4) lý do thứ tư: khai mở một thế giới mới.

 

Hình ảnh Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống dưới hình chim bồ câu, gợi nhắc lại hình ảnh con tàu của ông Noê trong nạn lụt Hồng Thủy (St 8,8-12), lúc bấy giờ hình ảnh chim bồ câu đã báo tin rằng nạn lụt đã dứt, nước đã rút cạn, và đất mở ra một thời đại mới… đó là thời của công lý và hòa bình, là thời của ân sủng và ơn ơn cứu độ; còn ở đây, khi  Chúa Thánh Thần dùng hình ảnh chim bồ cầu ngự xuống trên Đức Giêsu, là dấu chỉ mang ý nghĩa rằng Thánh Thần sẽ làm cho con người trở nên một thọ tạo mới (St 1,1-2) thuộc về và sống cho Thiên Chúa.

 

Mối tương quan giữa phép rửa của Đức Giêsu và phép rửa của mỗi người chúng ta:

 

Các thánh Giáo phụ đã giải thích rất rõ ràng về mối tương quan này: Đức Giêsu không cần được thánh hóa bằng nước, nhưng chính người đã bước xuống để thánh hóa dòng nước, để những ai dìm mình trong dòng nước ấy là được dìm trong sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, được tái sinh trong Thánh Thần, và được sống với Chúa Cha trong đời sống mới (x. Rm 6).

 

Ngoài ra, khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, người Kitô hữu được tháp nhập vào Giáo hội, nghĩa là được trở nên chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô (1Cr 13), không hề có phân biệt về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo hay địa vị xã hội (Gl 3,26-29). Họ không còn sống theo tính xác thịt nữa, nhưng là để cho Thần Khí thánh hóa và hướng dẫn dấn thân trong sứ vụ loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến trong thời gian; đồng thời cũng như Gioan làm chứng về Đức Giêsu rằng: «Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn» (Ga 1,34).

 

Bạn đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, vậy bạn đã sẵn sàng trở thành chứng nhân của Đức Kitô chưa?

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á