LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng Thứ 2 - Tuần Bát Nhật Phục Sinh (Lam Châu)

Các phụ nữ thờ lạy Người - hành động này chỉ được thực hiện trước Thiên Chúa mà thôi. Vì theo thánh Matthêu, từ đầu Tin mừng, Đức Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa, vì Người là Con Thiên nên có Thiên Chúa trong Người. Vì thế, Người cũng được thờ lạy như Thiên Chúa Cha.

 

DIỆN KIẾN VÀ THỜ LẠY ĐẤNG PHỤC SINH

(Mt 28,8-15) 

 

Lam Châu 

Bài Tin mừng hôm nay được trích từ Mt 28,8-15, trình thuật về sự kiện Đức Kitô phục sinh, hiện ra với các phụ nữ. Hai thái độ khác nhau đón nhận sự kiện này: Các phụ nữ diện kiến và thờ lạy Đấng Phục Sinh; còn lính canh, các thượng tế và kỳ mục chối bỏ, tung tin lừa đảo: „Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác“ (c.13).

 

Đức Giêsu - Đấng Phục Sinh hiện ra với các phụ nữ, mời gọi họ hãy vui lên, vì Người đã sống lại. Tại sao các phụ nữ khi gặp Đấng Phục Sinh lại phủ phục thờ lạy Người?

 

Các phụ nữ thờ lạy Người - hành động này chỉ được thực hiện trước Thiên Chúa mà thôi. Vì theo thánh Matthêu, từ đầu Tin mừng, Đức Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa, vì Người là Con Thiên nên có Thiên Chúa ở trong Người. Vì thế, Người cũng được thờ lạy như Thiên Chúa Cha.

 

Đức Giêsu hiện ra, gặp các phụ nữ và trao cho các bà sứ vụ loan báo Tin mừng phục sinh. Ngoài sứ điệp loan tin phục sinh, các phụ nữ còn loan báo cho các môn đệ cuộc gặp gỡ của Đấng Phục Sinh với họ tại Galilee: „Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilee. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó“ (c.10). Tương quan bây giờ giữa các môn đệ với Đức Giêsu không còn là Thầy - trò, nhưng được chuyển thành „anh em của Thầy“. „Anh em của Thầy“ ở đây không có nghĩa là tương quan „bà con thân thuộc của Người“ như ở Nazareth (x. Mt 12,46; 13,55), mà ý nói là các môn đệ của Người. Như vậy, Đức Giêsu đã tha thứ cho các môn đệ khi họ phản bội Người trong cuộc tử nạn. Khi Đức Giêsu gọi các môn đệ là „anh em“, có nghĩa là Người cho các ông được tham dự vào „tương quan con cái của Người với Thiên Chúa“ (x. Ga 20,17-18).

 

Tại Galilee, „họ sẽ được thấy Thầy“, vì trong cuộc tử nạn, các môn đệ đã bị chia cách với Đức Giêsu do cái chết của Người, nay họ sẽ được tiếp xúc trực tiếp với Người là Đấng đã sống lại và đang sống.

 

Theo các Tin mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu khởi sự loan báo Nước Trời và thực hiện chương trình cứu độ thế giới bắt đầu tại Galilee, và hoàn tất chương trình đó tại Jerusalem. Sau khi Đức Giêsu phục sinh, Người cũng muốn các môn đệ trở về Galilee, và từ Galilee, miền đất của dân ngoại (x. Mt 4,15), để mang Tin mừng phục sinh của Người đến với thế giới.

 

Những chứng nhân của Đấng Phục Sinh không chỉ là các phụ nữ, các môn đệ, mà còn rất nhiều người (x. 1Cr 15,5-6), trong đó có thánh Phaolô, nên ngài đã quả quyết: „Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng“ (1Cr 15,14). Nhưng Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết nên Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô và bắt muôn loài phải quy phục Người (x. 1Cr 15,20.27-28).

 

Vì thế, khi diện kiến Đấng Phục Sinh, các phụ nữ thờ lạy Người. Các phụ nữ thờ lạy Người, vì Người được gọi là κύριος - Đức Chúa. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, từ κύριος, dịch từ JHWH hay Adonaj ( יהוה ,אֲדֹנָי ) của tiếng Do thái, từ này chỉ dành gọi một mình Thiên Chúa, nên mới có lời chép rằng: „Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi“ (Mt 4,10).

 

Vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người đồng bản tính với Chúa Cha, Người có cùng vinh quang với Chúa Cha và có cùng phẩm tính như Chúa Cha: „Tôi và Chúa Cha là một“ (Ga 10,30), vì thế, Ngài có thể nói: „Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha“ (Ga 14,9), hoặc „Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha“ (Ga 10,38). Do đó, Thomas đại diện các môn đệ, sau khi được diện kiến Đức Kitô phục sinh, đã tuyên xưng một đức tin chưa từng có rằng: „Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con“ (Ga 20,28).

 

Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha nên Người cũng được nhận những tước hiệu và có quyền năng như Chúa Cha: Đấng sáng tạo (Is 40,28; Ga 1,3), Ánh sáng (Is 60,19-20; Ga 8,12), Mục tử tốt lành (Tv 23,1; Ga 10,11.14), Đấng khởi nguyên và tận cùng (Is 41,4; Kh 1,17), Đấng tha tội (Gr 31,34; Mc 2,5). Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng qua mầu nhiệm tự hạ, vâng phục và chết trên thập tự, nên đã được Chúa Cha tôn vinh và được ban tặng danh hiệu trổi vượt tất cả, đến nỗi khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng: „Đức Giêsu Kitô là Chúa“ (Pl 2,6-11).

 

Hôm nay, chúng ta cũng được đón nhận Tin mừng phục sinh, chúng ta thờ lạy Đấng Phục Sinh như các phụ nữ đã làm, vì Người là Đức Chúa, hay chúng ta chỉ là những lính canh, các thượng tế và các kỳ mục chối bỏ, phao tin đồn nhảm và bàng quan trước sự kiện Đức Giêsu phục sinh như họ? Thiết nghĩ, chỉ có mỗi người trong chúng ta mới có câu trả lời xác đáng. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á