LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng lễ Chúa Hiển Linh: “Chúa tỏ mình ra cho muôn dân” (M. Thadeo)

Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, Giáo hội cũng muốn dạy chúng ta cần tích cực chia sẻ cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

 

Mt 2, 1-12

 

“Chúa tỏ mình ra cho muôn dân”

 M. Thadeo

Ngày nay, cũng như mọi thời đại đều có những tâm hồn thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm sự thật, sự tốt lành thánh thiện và luôn bén nhạy trước những điềm báo lành; cụ thể như là điềm báo mộng của thánh Giuse, thiên thần báo tin cho các mục đồng, cũng như điềm báo cho ba nhà đạo sĩ hôm nay qua các tinh tú trên trời. Bên cạnh đó có nhiều người tuy đạo gốc, nhưng sống không ngay lành, thậm chí cố tình chối bỏ sự thật, từ chối lương tâm, vào hùa, thông đồng với sự gian ác… Vấn nạn khắc khoải mà ki-tô hữu gốc Do Thái thuộc thế kỷ thứ I đặt ra: vì sao Israel không trở lại với Tin Mừng, trong lúc lương dân trở về hàng loạt? Vậy, ai là người đáng được hưởng Ơn cứu độ của Thiên Chúa? Trong bài trình thuật hôm nay, thánh sử Mat-thêu sẽ trả lời cho chúng ta những điều đó.

 

  • Dân Israel từ chối Tin Mừng

Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ (x. 1Tm 2,3-4). Ơn cứu độ của Thiên Chúa như cơn mưa rào cho tất cả mọi người, kể cả kẻ dữ cũng như người lành, ai đón nhận thì được, ai không đón nhận thì không được. Họp mừng lễ Hiển linh hay còn gọi là lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân, Giáo hội muốn khẳng định cho chúng ta điều đó, đồng thời cảnh báo những thái độ cao ngạo, bạo quyền, chối bỏ sự thật.

Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định về tính phổ quát của ơn cứu độ rằng: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”  (Eph 3,5-6).  Như thế, ơn cứu độ không dành riêng cho một ai, cho một dân tộc nào.

Các thủ lãnh Do Thái cùng với vị vua Hê-rô-đê đã không tin vào Đấng Cứu Tinh giáng trần, cho dầu họ có lời mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh thánh (Vị Cứu Tinh sẽ sinh ra tại Bê-lem). Việc thánh sử nhắc nhở những người Do Thái đạo gốc, lời trình thuật như một sự ứng nghiệm của lời Kinh Thánh: Vị Cứu Tinh sẽ sinh ra ở Bê-lem; Người giáng sinh có nơi chốn, thời gian cụ thể. Nhưng các nhà thông luật cũng như vua Hê-rô-đê đã không mau mắn tin theo, lại còn muốn dỡ trò xấu xa; tâm địa ác giả, ác tâm định giết Hài Nhi Giê-su, chỉ vì cái ghế của mình bị lung lay. Đúng như lời Vịnh gia đã nói:

 “Sao chư dân lại ồn ào náo động?

Sao vạn quốc dám bày kế viễn vông?

Vua chúa trần gian cùng nỗi dậy,

Vương hầu khanh tướng rập mưu đồ,

Chống lại Đức Chúa,

Chống lại Đấng đã xức dầu phong vương.

Hỡi các vua chúa hãy biết điều,

Thủ lãnh trần gian nào tĩnh ngộ!

Đem lòng kính sợ mà phụng thờ Đức Chúa,

Hãy khiếp run phủ phục dưới chân Người!

Kẻo  Chúa nổi lôi đình là các ngươi mạt lộ,

Lửa giận của Người giây lát sẽ bừng lên.

 Còn những ai ẩn náu bên Người,

Thật hạnh phúc dường bao!

 Dưới ánh sáng Cựu Ước, thánh sử Mat-thêu không chỉ chứng minh những thiết thực cụ thể cho người bản địa Do Thái nhưng ngài đòi những bản Kinh thánh đặt lại những sự kiện lấy từ truyền thống vào trong viễn tượng thần linh của nhiệm cục cứu rỗi. Người Do Thái từ chối Ơn cứu độ Chúa ban một cách nhưng không và Ơn cứu độ của Người được lan tràn đến dân ngoại và cùng cõi trái đất.

 

  • Dân ngoại đón nhận Tin Mừng

Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, Giáo hội cũng muốn dạy chúng ta cần tích cực chia sẻ cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Các đạo sĩ là những hạng người nào, thuộc tầng lớp xã hội nào? Lòng trí của họ đối với Thiên Chúa như thế nào? Những vị đạo sĩ này, nhờ hiểu biết tự nhiên và dưới sự hướng dẫn của Chúa quan phòng (tượng trưng bằng một ngôi sao), họ đã tin vào Vị Cứu Tinh sẽ sinh ra ở đâu, vào thời điểm nào! và họ đã có sự thúc đẩy họ lên đường tìm kiếm Người để bái thờ. Việc người ngoại nhận biết Hài Nhi Giê-su gợi lại các lời của tiên tri Isaia 49, 23; 60, 3-6 cũng như thánh vịnh 72, 10- 15 mà thánh sử cho rằng, đã ứng nghiệm. Trong bài đọc 1 (Is 60, 1-6), tiên tri Isaia đã loan báo trước về việc Chúa Giê-su giáng sinh làm người, để đem lại ơn cứu độ cho dân Do Thái và toàn thể nhân loại. Trong Bài Đọc 2 (Thơ Ephêsô 3: 2-3,5-6), Thánh Phaolô nói đến việc Thiên Chúa giáng trần để cứu độ nhân loại đã được “Thần Trí Chúa mặc khải cho các Tiên Tri, rồi đến các Tông Đồ… Nhờ Tin Mừng, các dân tộc ngoài Do Thái cũng được thừa tự, được đồng một thân thể, và cùng thông phần với lời hứa của Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô.”

 Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta dễ có cảm tưởng như là câu chuyện thần tiên huyền hoặc: cuộc hành trình dài của các đạo sĩ; ngôi sao hướng dẫn; nỗi băn khoăn của nhà vua và dân thành Giê-ru-sa-lem; âm mưu của Hê-rô-đê và sự báo mộng cho các đạo sĩ… Nhưng trình thuật đã cho ta biết về Hê-rô-đê và Palestina thời ấy. Câu chuyện có thể xảy ra, vì việc các chiêm tinh gia Đông Phương thường nói tới một vị Hoàng Đế Cứu Tinh và những cơn thịnh nộ bệnh hoạn của Hê-rô-đê này. Trình thuật cũng cho ta thấy được chiếc cầu niềm tin thực sự của các đạo sĩ đã nối dài từ Đông Phương tới Giê-ru-sa-lem. Chiếc cầu niềm tin này được đan kết bởi những tấm lòng thành thật kết hợp với sự nguyên cứu, chiêm niệm ngày đêm về Thiên Chúa. Với những tinh thần cao cả đó, họ đã đúc nên tấm lòng vàng đối với Thiên Chúa; họ đã gạt sau lưng những sự sang giàu, uy quyền trần thế mà lặn lội đi tìm Chúa cho bằng được. Đây là sự trình bày có tính luân lý và mục đích tôn giáo cho cộng đoàn Do Thái bản gốc của thánh sử.

Câu,“Vua dân do thái mới sinh, hiện ở đâu?”: lại nằm trên môi những người ngoại. Tại sao các lương dân lại loan báo cho người Do Thái biết việc chào đời của Đấng Cứu Thế của họ? Đây là một câu hỏi thời sự nhất trong bài Tin Mừng hôm nay! Vì không phải chỉ những người đạo gốc Do Thái mới được chất vấn, mà ngay cả chúng ta thời nay là những người đạo gốc, là tu sĩ, giáo sĩ.

 Những câu hỏi của các đạo sĩ trước mặt vua Hê-rô-đê biểu lộ lên tấm lòng ngay thẳng, thật thà của họ. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã bù đắp một cách mau mắn cho họ những điều họ cần biết. Và cũng nhờ sự ngay thẳng, thật thà này mà Hê-rô-đê mới dễ dàng nắm bắt tình hình và ông đã giả tâm toan tính giết hại Chúa Hài Nhi. Khi không được các đạo sĩ báo lại, lòng ghen dạ sói của ông đã bừng bừng nổi dậy, giết hại tất cả các con trẻ trong thành. Mãi ngàn đời vẫn còn nghe tiếng khóc của bà Rakhen, vì các con bà không còn dưới bàn tay của vị vua độc ác này.

Ơn cứu độ không ở nơi nao xa vời, nhưng ngay trước mặt Hê-rô-đê cùng toàn thể dân tộc Do Thái, nhưng họ đã từ chối. Thiên Chúa đứng trước cửa và gõ, nhưng người nhà chẳng chịu mở cửa, chẳng đón nhận Người. Dân tộc Do Thái đã để cho ơn cứu độ đi qua và Ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan tràn đến với dân ngoại, đến với ba nhà đạo sĩ ở Đông Phương. Các nhà đạo sĩ vui mừng hớn hở đi phụng thờ Chúa Hài Nhi trong hân hoan, hạnh phúc. Còn vị vua Hê-rô-đê thì “lo lắng”, bất hạnh! Sự kiện giáng sinh đã tìm lại được ý nghĩa đích thực trong cuộc gặp gỡ giữa các đạo sĩ với Hê-rô-đê trong thái độ tương phản của họ vào niềm tin Đấng Cứu Tinh ra đời

Trong Thánh Lễ Hiển Linh hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn sống đạo tốt đẹp, trở nên những “ngôi sao sáng” để chiếu tỏa Đức Tin cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Khi chúng ta muốn chiếu tỏa, trước tiên chúng ta phải biết ăn ở ngay lành, nguyên cứu, chiêm niệm về Chúa, về nhưng sự tốt lành thánh thiện của Chúa, để mỗi ngày chúng ta có thể nhận được những điềm báo lành, nhưng chiêm bao lành và được Thiên Chúa soi sáng mở đường cho chúng ta nhận biết Người và đi thờ phượng Người.

Thiết kế Web : Châu Á