LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXXII TN, C: THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa của kẻ sống, chứ không phải của kẻ chết.

 

THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

(Lc 20,27-38)

Minh An

 

Ông Cao Bá Quát nói rằng:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,

tiêu khiển một vài chung lếu láo”.

 

Nghĩa là đối với ông, đời vắn vỏi lắm, dài nhất là ba vạn, sáu ngàn ngày thôi (100 năm), sau đó thì ai cũng chết, cho nên còn sống bao lâu thì hãy lo ăn chơi, hưởng thụ, uống rượu, mừng vui…Có lẽ ông nghĩ rằng, chết là chấm hết một cuộc đời, ông không tin có sự sống mai sau.

 

Nhưng, người có niềm tin thì luôn xác tín rằng:

“Âm dương dù cách biệt
Vẫn liên kết vô thường
Con người sống hay chết
Luôn ngưỡng vọng thiên đường”

Hay là:

Luật Trời: “Sinh ký, tử quy”
Lá vàng rụng xuống, bay về Thiên Cung
(Trầm Thiên Thu)

 

Vì tin có sự sống mai sau, nên khi hiện hữu trên cõi đời này, người ta đã lo tích trữ các nhân đức cốt yếu để làm hành trang cho linh hồn bay về Thiên Cung. Quả thật, sự sống đời đời được Chúa Giêsu mặc khải cách rõ ràng hơn: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy , thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Còn trong Kinh Tin Kính, chúng ta cũng tuyên xưng rằng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy…”

 

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta ý thức rõ hơn về sự sống mai sau:

 

Ở bài đọc thứ nhất, trích sách Ma-ca-bê, quyển thứ hai, diễn tả câu chuyện vì tình yêu Thiên Chúa, và vì tin vào cuộc sống mai sau, nên: Một bà mẹ có bảy người con cùng bị bắt và bị hành quyết trong một ngày. Với ý chí can trường, Bà đã dùng những lời lẽ đức tin để thúc giục các con của mình dũng cảm hy sinh mạng sống, thà chết, chứ không chịu bỏ đạo, thà chết chứ không để mất Thiên Chúa. Vì bà tin chắc rằng, bà sẽ được nhận lại các con từ tay Chúa, trong niềm vui, hạnh phúc với Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng và ban phát sự sống đời đời.

 

Ở bài đọc thứ hai, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca rằng, dù không biết rõ ngày giờ, nhưng hãy kiên nhẫn trong niềm hy vọng để đón chờ Chúa đến. Chính vì niềm hy vọng sẽ giúp cho họ sống tốt lành, thánh thiện, xứng danh con cái Chúa ở đời này, hầu đáng được hưởng sự sống lại đời sau.

 

Còn bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,37-38). Sự khẳng định của Chúa Giêsu cũng nhằm trả lời cho những chất vấn của người Sa-đốc về sự sống lại.

 

Nhóm Sa-đốc không tin Thiên Chúa quan phòng, không tin linh hồn bất tử. Linh hồn chết làm một với thân xác. Họ càng không tin kẻ chết sống lại, cho nên họ đã chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân. Họ bịa ra câu chuyện một thiếu phụ có bảy đời chồng, nhưng đều chết hết mà không ai có con nối dõi. Rồi người phụ nữ đó cũng chết. Vậy thì ngày sống lại ai sẽ là chồng của người phụ nữ ấy? Đặt vấn đề như vậy, họ cho là Chúa sẽ thất thế, hoặc phải chấp nhận chế độ đa phu, hay đa thê, hoặc sẽ có tranh chấp xô xát sau khi sống lại. Nhưng, Chúa đã chỉ cho họ thấy quan điểm của họ thật là sai lầm. Vì ngày sống lại mọi người sẽ chấm dứt mọi liên hệ hôn nhân trần thế và sống như các thiên thần: “Con cái đời này, cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không lấy vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,34-36).

 

Thật thế, ở đời này con người lấy vợ, gả chồng chỉ là để bổ túc cho khiếm khuyết của nhau, giúp đỡ lẫn nhau, phục vụ nhau và có con nối dõi tông đường, di truyền sự sống. Nhưng, khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian. Do vậy, họ cũng không cần phải lấy vợ, hay gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần. Cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, và kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa hằng sống. Họ ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, vì: Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa của kẻ sống, chứ không phải của kẻ chết.

 

Qua câu chuyện của nhóm Sa-đốc đặt ra để chất vấn Chúa Giêsu cho ta nhận ra rằng, từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, vẫn còn đó những người không tin vào sự sống đời sau, không tin vào Thiên Chúa hằng sống. Do vậy, có nhiều người đã tìm mọi cách để phỉ báng những người có niềm tin, người ta hoạch hỏi, bắt bí làm cho người có niềm tin nhiều khi cũng lung lạc đức tin của mình. Nếu người có niềm tin, nhưng không giữ vững lập trường, không giữ vững niềm tin của mình, sẽ bị lung lạc, sa ngã và chiều theo những dụ dỗ của người không có niềm tin.

 

Trong bài Tin Mừng, nhóm Sa-đốc đã dựng nên câu chuyện một phụ nữ qua bảy đời chồng, nhưng không có con nối dõi và khi chết người phụ nữ này sẽ thuộc về ai trong bảy người đã cưới cô. Họ đem ra câu chuyện này nhằm hoạch hẹ, bắt bẻ Chúa Giêsu, nhưng Người đã mạc khải cho họ biết có sự sống đời sau, không như sự sống hiện tại. Sự sống đời sau, cao quý hơn sự sống hiện tại, vì sự sống đó con người được gắn kết với Thiên Chúa hằng hữu. Có lẽ ngày nay, chúng ta cũng sẽ bị hoạnh hoẹ bởi những câu hỏi như thế, nhưng làm sao chúng ta đứng vững với lập trường của mình đây? Thánh Phaolô đã trả lời thay cho chúng ta rằng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

 

Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng rất đặc biệt, dành riêng để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Chúng ta tin có sự sống đời sau, tin có thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục. Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn dành cho những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 1023-1026). Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Chúa, nhưng dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, nhưng họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng (x. GLHTCG, số 1030-1031). Còn hỏa ngục là hệ tại án phạt đời đời dành cho những ai do sự lựa chọn tự do của mình, chết trong tình trạng có tội trọng. Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 1033-1035).

 

Chúng ta hướng đến sự sống đời đời là tưởng nhớ đến các linh hồn đang bị “tạm giam” trong luyện ngục, trong đó có các tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, ân nhân, thân nhân, bạn hữu…của chúng ta. Khi tưởng nhớ đến các ngài, chúng ta hiệp thông cầu nguyện cho họ sớm được giải thoát để được vào chung hưởng sự sống đời đời trên thiên đàng với Thiên Chúa, vì “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống ” (Lc 20,38).

 

 

Thiết kế Web : Châu Á