LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXVII TN, C: «HẠT CẢI»

Đức tin bằng hạt cải, dù nhỏ bé, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, mỗi Kitô hữu phải tự mình gieo vào lòng đời trong mỗi phút sống, hầu có thể làm bật rễ cả một cây đại thụ bạo quyền và kiến tạo một thế giới thanh bình hơn và tươi đẹp hơn.

 

«HẠT CẢI»

(Kb 1,2-3; 2,2-4; 2 Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10)

 

 

Quốc Vũ

 

«Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con» (c. 5 – Bài Tin Mừng). Tại sao lại xin lòng tin mà không phải là điều gì khác? Có bao giờ ta thắc mắc về điều này? Tại sao các Tông đồ không xin tiền bạc của cải, hay quyền cao chức trọng, mà lại xin thêm lòng tin?

 

Trước hết, lời cầu xin đó của các Tông đồ cho thấy đức tin không phải do cố gắng của con người mà đạt được, nhưng nó được bắt nguồn từ Thiên Chúa và do ân ban của Ngài. Vì vậy, Ngài trao ban cho ai tùy ý.

 

Hệ quả chân thực của đức tin chính là lòng kiên trì, trung thành, can đảm và phó thác nơi Thiên Chúa (x. Mt 6,25-34). Mặc khác, lúc bấy giờ đối với các Tông đồ, đức tin là điều quan trọng nhất, bởi không có đức tin, các ông không thể là tông đồ, không thể hoàn thành sứ mạng. Nếu không có đức tin, các ông sẽ không mạnh dạn ra đi rao giảng Tin mừng; không có đức tin, các ông sẽ không dám đứng về phía những người nghèo, về phía những cô nhi quả phụ để bênh vực cho công lý và xây dựng hòa bình.

 

Một chi tiết nhỏ trong đoạn Tin mừng hôm nay đôi khi ta không để ý đủ: là tác giả Luca thuật lại lời cầu xin “thêm lòng tin” được thốt ra từ chính miệng các Tông đồ, nghĩa là nhóm 12, chứ không phải từ miệng các môn đệ (nhóm 72) hay đám đông đi theo Đức Giêsu.

 

Nhóm 12 ngày xưa là nhóm người ưu tú mà chính Đức Giêsu tuyển chọn để ở bên Người, trở thành các tông đồ thân tín và tiếp nối sứ vụ sau này. Nhóm 12 ngày nay là nhóm người kế thừa các Tông đồ lãnh đạo Giáo hội của Chúa Kitô. Sứ vụ của các Tông đồ ngày xưa là sự can đảm trước những cuộc bách hại để thực thi lời trối của Thầy: «Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo» (Mc 16,15). Sứ vụ của Giáo hội ngày nay là sự can đảm nói lên tiếng nói của công lý, lên án mọi bất công và bài trừ chiến tranh chết chóc.

 

Nhìn rộng trong bối cảnh của thế giới, với biết bao cảnh tang thương như khủng bố, cảnh người tị nạn, nhất là hiểm họa diệt chủng tại Syria,… thì lập trường chống chiến tranh của Giáo hội và lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, là một đốm sáng.

 

Nhìn vào đất nước Việt Nam, với biết bao những đớn đau của đất nước, những sự tàn hại môi sinh, những bất công, đàn áp mà người dân đang phải gánh chịu, thì ai mà không khỏi đau lòng mà rơi lệ! Nhưng thử hỏi có bao nhiêu giọt lệ của những nhà chức trách đã rơi xuống? Vẫn còn quá ít những giọt lệ rơi xuống, còn quá ít những tiếng nói của “Nhóm 12” công khai bênh vực và đứng về phía những con chiên của mình. Trong bối cảnh này, ta mới thấy cần bắt chước các Tông đồ để mở lòng ra mà thầm khẩn nguyện: «Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con».

 

Để nói về đức tin, Đức Giêsu dùng một kiểu nói của người Palestine. Đó là một kiểu nói nghịch lý, khi Người nói với các môn đệ: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em» (c. 6 – Bài Tin Mừng).

 

- Hạt cải: Tiếng Hy Lạp là kokkos sinapeôs, tiếng Pháp là graine de moutarde, tiếng Anh là mustard seed. Cây sinapi (ta tạm dịch là “cây cải”) là một loại cây thông dụng bên Palestine, có thể cao tới ba hoặc bốn thước, dạng mộc với các cành tỏa rộng. Hạt của nó không phải là nhỏ nhất trong các loại hạt, nhưng nhỏ nhất trong các loại hạt được người ta gieo trồng, được dùng làm mù-tạc và được tục ngữ Do Thái dùng mà chỉ những gì nhỏ nhất.

 

- Cây dâu: Từ Hy Lạp sykaminos (1 V 10,27; 1 Sb 27,28 … Bản LXX) để dịch từ Hípri shiqmâh “cây sung”. Cây sykaminos ở đây cũng là sykomorea ở Lc 19,4: tác giả Luca dùng không phân biệt hai từ này. Dù sao, tác giả muốn nêu ra hình ảnh một cây khá to, là cây đại cổ thụ sống tới 600 năm, rất khó bật rễ.

 

Hai hình ảnh tương phản cùng với lối nói nghịch lý, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sức mạnh của lòng tín thác của con người vào quyền năng của Thiên Chúa. Nếu người theo Chúa có đức tin chỉ nhỏ bằng hạt cải, thì cũng đủ để dời cả núi non, hoặc ít ra cũng có thể như ngôn sứ Khabacuc biết tín thác mà cầu nguyện cùng Thiên Chúa trước cảnh bạo quyền và bất công của đất nước Israel bấy giờ: «Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con kêu lên: “Bạo tàn!” mà Ngài không cứu vớt? Sao Ngài bắt con chứng kiến tội ác hoài. Trước mặt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy cãi cọ» (1, 2-3 – Bài đọc I).

 

Ngôn sứ Khabacúc đã viết những lời than vãn đó 600 năm trước Đức Kitô giáng trần. Nhưng phải chăng lời cầu xin của ông không phải là những lời khẩn cầu của chúng ta hay sao? Lời cầu nguyện diễn tả lòng tin. Nhưng lòng tin phải đi đôi với sự trung thành phục vụ (Ga 12,26), là thi hành sứ vụ mà mình đã lãnh nhận. Với mọi người Kitô hữu, sứ vụ được trao khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Riêng với vị đứng đầu Giáo hội, thì sứ vụ “Vobis enim sum episcopus, vobiscum sum christianus - Cho anh em, tôi là giám mục; với anh em, tôi là Kitô hữu” (Thánh Augustino), nghĩa là người đi đầu, người đứng mũi chịu sào, là mục tử bảo vệ và dẫn đưa đoàn chiên của mình đến nguồn suối mát trong và đồng cỏ xanh rì (x. Tv 22,1-2).

 

Còn thánh Phaolô trong bài đọc II, ngài đã khuyên dạy đồ đệ Timôthêô phải canh giữ đức tin và bền vững trong việc tuân giữ lời hứa khi chịu phép Rửa tội: «Anh thân mến, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã lãnh nhận khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ» (cc. 6-7). Từ đây, thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ hơn: Tin vào lời Chúa là sẵn sàng làm theo ý Chúa, để Chúa làm chủ đời sống và tìm vinh danh Chúa. Mặt khác, khi gặp phiền muộn, chúng ta sẽ có được sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đang cư ngụ trong chúng ta. Ngài khích lệ chúng ta tiến vào ngọn lửa ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận. Thánh Phaolô còn nhắn nhủ: Điều làm cho Giáo hội vững mạnh chính là vâng theo sứ điệp đúng đắn. Cho dù kết quả là những đau khổ, thì một khi đã tin vào Tin mừng, tất sẽ cần đến sức mạnh từ Thánh Thần, điều mà chúng ta cầu xin trong thánh lễ này: «Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con», dẫu chỉ là đức tin nhỏ bằng hạt cải:

 

- Hạt cải tại gia đình nhỏ bé, khi ta thủy chung, bao dung trong đời sống vợ chồng, vị tha với những người thân, luôn dạy đức tin cho con cái.

 

- Hạt cải trong đất nước khổ đau, khi ta biết sẻ chia và cảm thông với những nỗi đau mất mát của tha nhân sống quanh mình bằng sự hiệp nhất, chung tay chung sức đẩy lùi những bất công, nghèo đói: «Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta» (Ga 17,20-21).

 

- Hạt cải giữa lòng thế giới loạn lạc, khi ta sống đúng ơn gọi làm men muối và ánh sáng cho đời, bởi: «Chính anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối nhạt đi, thì đã thành vô dụng, và chỉ còn quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời» (Mt 5,13-16).

 

Đó là những hạt cải mà mỗi người Kitô hữu, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, phải tự mình gieo vào lòng đời trong mỗi phút sống, hầu có thể làm bật rễ cả một cây đại thụ bạo quyền và kiến tạo một thế giới thanh bình hơn và tươi đẹp hơn.

 

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con và ban Thánh Thần tình yêu xuống đầy lòng con, để con có sức nhổ tận gốc tất cả những yếu hèn, sự ích kỷ, sự ngờ vực trong lòng con, để con sống trung thành trong ơn gọi làm người Kitô hữu giữa cuộc đời. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á