LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXVI TN, C: “VÔ CẢM”

Người sống vô cảm chắc chắn cũng sẽ nhận lấy những hậu quả không tốt về mình, và có khi cũng không nhận được lòng trắc ẩn của người khác khi mình gặp hoạn nạn, và có khi không đón nhận được lòng thương xót từ Thiên Chúa.

 

 “VÔ CẢM”

(Lc 16,19-31)

 

Minh An

 

Có thể nói được rằng, vô cảm là một vấn nạn đáng báo động cho xã hội và con người qua mọi thời đại. Người ta vô cảm trước những đau khổ của người khác, vô cảm trước những bất công mà con người gây nên cho nhau. Thậm chí, người ta còn vô cảm trước những cái chết thương tâm của tha nhân mình. Khi sống vô cảm, con người sẽ không còn có tình thương yêu đồng loại của mình nữa. Và như vậy, họ sẽ không còn biết tuân giữ giới luật yêu thương như Chúa đòi hỏi:“Hãy yêu thương người thân cận như chính mình ngươi” (Mc 12,31).

 

Người sống vô cảm chắc chắn cũng sẽ nhận lấy những hậu quả không tốt về mình, và có khi cũng không nhận được lòng trắc ẩn của người khác khi mình gặp hoạn nạn, và có khi không đón nhận được lòng thương xót từ Thiên Chúa, vì „anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đóng lại cho anh em bằng đấu ấý” (Lc 6,38).

 

Ở bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Amos đã cảnh báo cho những người sống trong cảnh giàu sang, sung túc, ăn uống cao lương mỹ vị…nhưng lại vô cảm trước nỗi đau của người khác thì sẽ nhận lấy cái kết đắng cay: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xion…[….]… chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ. Vì thế, giờ đây chúng bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn” (Am 6,1-7).

 

Đến bài đọc Tin Mừng, thánh sử Luca cho độc giả biết hậu quả đắng cay mà ông phú hộ giàu có phải đón nhận sau cái chết, vì cách sống vô cảm của ông, khi ông còn sống: “Lạy tổ phụ Abraham xin thương xót con và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lưỡi thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16,24).

 

Thật thế, điều làm cho người phú hộ giàu có phải chịu cảnh bi đát khổ đau ở dưới âm ty là do thái độ vô cảm trước người cùng khốn, đau khổ Lazarô ngay bên cổng nhà ông, chứ không ở đâu xa xôi mà ông không nhìn thấy. Bả vinh hoa phú quý đã che khuất mắt ông, nên có lẽ ông nghĩ chỉ có những thứ đó mới thực sự đưa ông đạt đến hạnh phúc ở đời.

 

So sánh đời sống ở trần gian của ông phú hộ và anh Lazarô nghèo khó, chúng ta thấy một sự chênh lệch rất lớn; ông nhà giàu thì ngày ngày yến tiệc linh đình, ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, sang trọng (mà ngôn ngữ hôm nay gọi là hàng xịn, hay hàng hiệu), rất đẳng cấp. Đối lại với ông nhà giàu là một Lazarô nghèo khổ: Yến tiệc của anh là thèm muốn những món cơm thừa, canh cặn của nhà giàu rơi xuống từ bàn để ăn cho đỡ đói mà cũng không được; quần áo anh mặc chỉ là những mụn nhọt, ghẻ lở bao quanh da thịt của mình; bạn bè của anh chỉ có mấy con chó đến liếm những mụn nhọt, ghẻ lở, anh như đang kiệt sức không thể xua đuổi mấy con chó này được. Quả là một hoàn cảnh rất bi đát!

 

So sánh hai số phận, hai con người, ta thấy một sự chênh lệch quá lớn. Đúng là:“Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Người phú hộ giàu có về tiền của, vật chất, gấm vóc lụa là, ăn uống linh đình hằng ngày, thế nhưng ông lại sống vô cảm trước sự đói khổ, bệnh tật của anh Lazarô bên cổng nhà ông. Chính sự vô cảm, nên ông đã không biết quan tâm đến người nghèo khó, khổ cực, đã đẩy ông đến với cảnh khóc nức nở thảm thiết ở dưới âm phủ sau khi ông chết.

 

Đối lại với cảnh sung sướng ở trần gian, người nhà giàu thay vì ăn uống thỏa thuê, yến tiệc linh đình thì bây giờ thèm một giọt nước cho đỡ khát, cho mát dạ cũng không được; thay vì mặc hàng hiệu, gấm vóc lụa là thì giờ đây thay thế bằng những ngọn lửa cháy phừng phừng nóng rát; thay vì vui sướng reo hò thì giờ này ông khóc lóc van xin: “Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây, con bị lửa thiêu đốt, khổ lắm”

 

Đây chính là cái kết đắng cay của ông phú hộ, giàu có nhưng đã sống vô cảm, đã không quan tâm đến người nghèo khó đau khổ ngay trước cổng nhà mình, khi ông còn sống.

 

Và như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, cái tội làm cho người phú hộ giàu có phải đau khổ, khóc lóc sau khi chết là cái tội vô cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại. Khi còn sống, ông đã thật sự không quan tâm đến người nghèo đói, đau khổ ngay bên cửa nhà mình. Chứ không phải ông mang tội vì giàu có.

 

Giáo huấn của Kitô giáo luôn dạy bảo con người về đời sống bác ái huynh đệ, biết chú ý yêu thương đến những người nghèo khổ, bất hạnh, vì biết đâu những con người đó là chính Chúa Giêsu đang hiện diện: “Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” ( Mt 25,35-36).

 

Thế giới hôm nay, dường như cũng đang tạo nên một cái hố của sự ngăn cách ấy, cái hố của sự VÔ CẢM, của sự thiếu quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh. Và phải chăng chúng ta cũng là một trong những người đào sâu cái hố ngắn cách ấy, để người đau khổ, cứ mãi khổ đau, còn chúng ta sung sướng là chuyện của riêng mình, chẳng ảnh hưởng gì đến ai? Có bao giờ chúng ta sống vô cảm trước những người bất hạnh, đau khổ ngay bên mình không?

 

Vậy nên, sống trong hoàn cảnh của xã hội nào, chúng ta cũng cần lắm một tấm lòng để không những chỉ làm giàu của cải vật chất ở đời này cho riêng mình, mà còn hướng đến tha nhân đang cùng cực, hướng về những Lazarô đang cần đến sự nâng đỡ của chúng ta. Như thế, chúng ta đang thật sự tích trữ cho mình sự giàu có trong tương lai ở trên trời.

 

Thiết kế Web : Châu Á