LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXVI TN, C: HAI THẾ GIỚI CÁCH BIỆT

Trên trần gian ông phú hộ và La-da-rô đã có sự cách biệt không thể gần nhau. Sau khi chết, hố sâu cách biệt ấy càng rộng lớn vô cùng. Họ không thể đến với nhau được. Hai thế giới giàu nghèo, đau khổ và hạnh phúc không thể thông chia qua lại với nhau được.

 

HAI THẾ GIỚI CÁCH BIỆT

(Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)

 

Hiếu Liêm

 

1. Một vài ghi nhận thực tế rút từ Lời Chúa hôm nay

 

Việc kiếm tiền và sử dụng tiền là những vấn đề rất quan trọng trong cuộc sống. Bởi thế, qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta rằng tiền bạc có thể trở thành một bức tường ngăn cách con người không vào được Nước Trời.

 

Sống trong xã hội mọi thời và mọi nơi, luôn có kẻ giàu và người nghèo. Người giàu thì thường bị chỉ trích. Các ngôn sứ và Chúa Giêsu chỉ trích người giàu rất nặng lời, nhưng chúng ta lại thích đến với người giàu và đôi khi bị lệ thuộc vào họ, quỵ luỵ họ. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos tung ra những lời đả kích rất sốc đối với những kẻ giàu: họ lo hưởng thụ, ăn uống, rượu chè, ca hát mà không quan tâm gì đến số phận của đất nước đang lâm nguy (x. Am 6,1a.4-7).

 

Ngược lại, người nghèo được Chúa yêu thương bênh vực. Thánh vịnh đáp ca cũng ca tụng tình thương của Chúa dành cho những người nghèo khổ về mọi phương diện: đói khát, bị áp bức, tù tội, tật nguyền, đặc biệt là những cô nhi quả phụ (x. Tv 145). Thiên Chúa luôn yêu thương và bênh vực người nghèo. Thế nhưng, trong thực tế, người ta lại không thích đến với người nghèo. Đôi khi còn có thái độ kỳ thị, khinh miệt họ, coi họ là những người gây phiền phức và quấy rầy chúng ta. 

 

Tuy nhiên, hãy nghe những lời khuyên của thánh Phaolô gởi cho môn đệ Timôthê, trong bài đọc II: «Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin và giành cho được sự sống đời đời» (1 Tm 6,12). Nghĩa là dù giàu hay nghèo, đều phải sống công chính thánh thiện. Thánh tông đồ dân ngoại nhấn mạnh đến việc trau dồi các nhân đức: tin, cậy, mến, nhẫn nại và hiền hòa. Có như vậy mới chiếm được hạnh phúc Nước Trời.

 

Qua những ghi nhận trên, đưa chúng ta đi vào tìm hiểu ý nghĩa cụ thể của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đề cập đến hai nhân vật sống trong hai thế giới khác biệt và tách biệt nhau.

 

2. Hai thế giới khác biệt nhau

 

Không phải chỉ có xã hội hôm nay, mà ngay từ thời Chúa Giêsu đã có sự cách biệt và phân hoá giữa kẻ giàu và người nghèo.

 

Giữa ông phú hộ và anh La-da-rô nghèo có một bức tường ngăn cách, không thể vượt qua, bên này không đến được bên kia. Ông phú hộ và anh La-da-rô ở rất gần nhau, chỉ cách nhau một cánh cửa, thế nhưng họ thuộc hai thế giới khác hẳn nhau. Vì thuộc hai thế giới khác nhau nên người phú hộ không hiểu và không thông cảm được với La-da-rô nghèo:

 

– Một bên mặc toàn lụa là gấm vóc; bên kia rách rưới tả tơi.

– Một bên ngày ngày yến tiệc linh đình; bên kia thì một mụn bánh cũng không có.

– Một bên sống trong biệt thự tiện nghị; bên kia đói rách nằm trước cổng nhà.

 

Tóm lại, một bên là thiên đàng trần thế; còn bên kia là hỏa ngục trần gian. Hai bức tranh quá đối chọi này mời gọi chúng ta phải suy nghĩ: Có rất nhiều người ở bên cạnh chúng ta nhưng thuộc về một thế giới khác hẳn chúng ta, nên chúng ta không hiểu họ, không nhận ra họ, thậm chí không ý thức đến sự hiện diện của họ. Có khi nào chúng ta chịu khó ra khỏi thế giới của mình để bước vào thế giới của họ chưa?

 

Hai người ở sát cạnh nhau nhưng hoàn toàn xa cách nhau. Thậm chí người phú hộ còn không biết tới sự hiện diện của La-da-rô. Ở cạnh bên nhau mà không thấy nhau, không biết nhau, không giúp đỡ nhau thì là quá vô tâm và hờ hững. Hoàn cảnh của La-da-rô quá khốn khổ thế mà người phú hộ vẫn hững hờ đến nỗi La-da-rô phải chết vì đói, đang khi ông ta lại quá dư thừa, nên tội hững hờ của người phú hộ trở thành tội nặng. Ông không thèm nhìn con người khốn khổ ngày ngày lê lết bên cổng nhà ông.

 

Thực ra người phú hộ trong Tin Mừng chẳng có tội gì để đáng phạt trong hỏa ngục đời đời. Ông không gian tham, không trộm cắp, không bóc lột người… ông chỉ hưởng thụ tài sản giàu sang do ông làm ra. Như vậy là chính đáng, đâu có tội tình gì?

 

Vậy đâu là lỗi của ông nhà giàu để sau khi chết ông phải chịu hình khổ? Tội của người phú hộ chính là tội hững hờ, làm ngơ; tội phớt lờ, không nhìn, không thấy, không nghe những La-da-rô đang van xin ông trong cơn túng quẫn cùng cực. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra phải làm cho một ai đó đang cần trợ giúp. 

 

Người phú hộ phải chịu cực hình không phải vì ông có nhiều của cải, nhưng vì ông đã không san sẻ của cải cho người thiếu thốn, ngay cả những của thừa thãi trên bàn tiệc cũng chẳng đến tay người nghèo.

 

Người phú hộ phải tống xuống biển lửa không phải vì ông đã làm ra nhiều của cải, nhưng vì ông đã quá cậy dựa vào tiền của, trong khi người nghèo chỉ biết cậy trông vào Chúa; danh xưng Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”.

 

Ở điểm này, chúng ta khám phá ra một sứ điệp quan trọng của Tin Mừng: chúng ta không chỉ phạm tội do lời nói, việc làm, hay trong tư tưởng, mà còn có thể phạm tội do quá dửng dưng, vô cảm với người khác. Sự vô tâm, vô tình trong những hoàn cảnh quan trọng cũng có thể trở thành tội trọng.

 

Chắc chắn có nhiều lần chúng ta đã hững hờ như vậy. Do đó, dụ ngôn này nhắn nhủ mỗi người chúng ta, nhất là những ai giàu có biết nhận ra sai lầm của mình khi đặt cậy trông vào những giá trị trần thế, để kịp thời quay về tín thác vào Chúa. Đừng chờ đến khi chết mới sám hối, vì tới lúc đó, mọi việc không thể đảo ngược được.

 

Trên trần gian ông phú hộ và La-da-rô đã có sự cách biệt không thể gần nhau. Sau khi chết, hố sâu cách biệt ấy càng rộng lớn vô cùng. Họ không thể đến với nhau được. Hai thế giới giàu nghèo, đau khổ và hạnh phúc không thể thông chia qua lại với nhau được.

 

Vì thế, qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu đưa ra những kết luận chắc chắn về sự giàu có và hạnh phúc thật của đời người. Người giàu thật là người luôn biết cho đi; người nghèo thật là người chỉ biết đón nhận. Người giàu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ; người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu. Sự giàu có thật là giàu trong tâm hồn; sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng. Bởi vậy cái giàu vật chất thường đi đôi với cái nghèo tâm hồn. Và đó chính là sự nguy hiểm của vật chất: nó khiến ta quá chú ý đến cái mình “có”, mà quên xây dựng cái mình “là”. Sự giàu có đáng giá nhất là giàu trong tâm hồn. Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng ra là lúc ta bắt đầu sống.

 

Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải là tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào. Xin cho chúng ta biết san sẻ cho nhau, để trời đất này trở nên sung túc và yêu thương, vì giàu có thật là yêu thương và nghèo nàn thật là ích kỷ. Hãy học bí quyết làm giàu bằng cách chia sẻ cho nhau những của cải Chúa ban. Như vậy, chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc đích thực trong lòng tổ phụ Abraham. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á