LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XX TN, C: “HOANG MANG?”

Thực ra, những lời “hoang mang” này không phải là những hoang mang dẫn đưa con người đến những đau khổ, chết chóc chia lìa. Nhưng, đây là những lời “hoang mang” đem lại bình an, vì lòng trung thành với Đức Kitô để đạt đến đời sống viên mãn trong tình yêu của Thiên Chúa.

 

“HOANG MANG?”

(Lc 12,49-53)

 

Minh An

 

Bước vào Chúa Nhật XX Thường Niên hôm nay, có lẽ như các bài đọc Lời Chúa làm cho chúng ta hoang mang. Hoang mang bởi vì tòan là những lời cảnh báo về sự đau khổ, chia rẽ, thậm chí là chết chóc như trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia.

 

Đúng thế, ở bài đọc thứ nhất, trích sách ngôn sứ Giêrêmia (Gr 38,4-6.8-10), các thủ lãnh xin vua Xit-ki-gia-hu giết Giêrêmia, vua cho họ đối xử với vị ngôn sứ tùy ý của họ, và họ đã thả Giêrêmia xuống hầm, ông bị lún sâu xuống bùn lầy trong hầm. Nhưng ông E-vet Mê-lét đã xin vua cứu Giêrêmia và vua đã cho hơn ba mươi người đến kéo Giêrêmia lên khỏi hầm. Giêrêmia thoát chết!

 

Ở bài đọc thứ hai, trích thư gửu tín hữu Do thái, tác giả cảnh báo với các tín hữu rằng, trong đời sống đức tin, họ phải trải qua biết bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu thử thách, nhưng chưa đến mức phải đổ máu mình ra như chính Đức Kitô đã phải đổ máu ra để cứu chuộc nhân loại. Cho nên, phải hướng về Đức Kitô, để cùng vượt qua những thử thách gian truân đó: “Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hường về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện tòan lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Dt 12,1-2).

 

Đến bài Phúc Âm, thánh Luca đã thuật lại rõ ràng ba điều “hoang mang” mà Đức Giêsu đã đề cập đến, đó là: con người “hoang mang” về việc Đức Giêsu ném lửa vào mặt đất: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”; Đức Giêsu đang hoang mang về một phép rửa mà Người sẽ phải chịu:Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”; cuối cùng, là sự hoang mang về lời cảnh báo một sự chia rẽ do Người mang đến: Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”.

 

Thực ra, những lời “hoang mang” này không phải là những hoang mang dẫn đưa con người đến những đau khổ, chết chóc chia lìa sự sống trong Thiên Chúa. Nhưng, đây là những lời “hoang mang” đem lại bình an, vì lòng trung thành với Đức Kitô để đạt đến đời sống viên mãn trong tình yêu của Thiên Chúa.

 

Đúng thế, Đức Giêsu đem lửa từ trời xuống, nhưng không phải là thứ ngọn lửa thiêu hủy, ngọn lửa đốt cháy, hay làm tiêu tan hết những gì của thế gian. Nhưng, Đức Giêsu chỉ ước mong mang theo một thứ thửa Thần Linh, lửa yêu mến, lửa nhiệt thành…để biến đổi thế giới đạt đến sự viên mãn trong chương trình của Thiên Chúa mà đạt đến ơn cứu độ.

 

Chúa Giêsu muốn ném lửa tình yêu của Thiên Chúa lan tràn trên mặt đất và mong ước lửa nhiệt thành đó được tỏa lan khắp nơi. Nghĩa là Chúa mong ước các môn đệ của Người dùng “lửa nhiệt thành” trong sứ vụ của mình để cùng đem ơn cứu độ đến cho nhân loại bằng tình yêu sắt son của mình đối với Thiên Chúa. Lửa nhiệt thành đó, tất nhiên không dừng lại ở các môn đệ thân tín của Đức Giêsu, nhưng còn là lời mời gọi mọi Kitô hữu có được lửa nhiệt thành đó. Chúng ta đã dùng lửa nhiệt thành của mình để làm cho Nước Chúa được thể hiện chưa?

 

Đức Giêsu “hoang mang” về một phép rửa Người sẽ phải chịu, đó là cái chết trên thập giá để cứu độ trần gian. Đức Giêsu không hoang mang sao được khi nghĩ về những đau khổ, những lời sỉ vả chê bai, những đòn đánh tả tơi và cuối cùng là chết! Sự hoang mang của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét hơn trong vườn cây dầu, khi Người thốt lên trong đau thương: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa con” (Lc 22, 42). Nhưng, khi Chúa Giêsu chấp nhận theo ý Chúa Cha, thì niềm vui của nhân loại được tỏ ra, vì ơn cứu chuộc đã đến và con người được giải thoát khỏi cái chết trong tội lỗi.

 

Như thế, sự “hoang mang” lo lắng của Đức Giêsu lại có giá trị cao cả cho loài người, vì chính Người đã dùng thánh giá để cứu độ trần gian. Chúng ta cũng được mời gọi hiệp thông chia sẻ với “nỗi hoang mang” của Chúa Giêsu, để cùng đem ơn cứu độ đến cho nhiều người nữa.

 

Tiếp đến, sự “hoang mang” của con người do lời cảnh báo của Chúa Giêsu về sự bất hòa và chia rẽ nhau là điều thiết thực: Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”( Lc 13,51).

 

Thật ra, khi theo Chúa và làm chứng cho Ngài với tất cả lòng trung thành và sự nhiệt huyết của mình thì các Kitô hữu dễ bị người đời khinh chê, ghét bỏ, bắt bớ…có khi bị chia rẽ, phân tán ngay trong cả gia đình huyết tộc của mình: „Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

 

Khi vì lòng trung thành với Chúa, bảo vệ chân lý của Chúa thì người ta đã dám sống thật, sống đúng, dám bênh vực cho công lý và hòa bình… làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người đời, làm cho nồi cơm của họ bị vơi cạn... nên dễ bị chia rẽ, khinh ghét... kể cả anh em trong cùng một gia đình. Người nhiệt thành vì Chúa, yêu Chúa và tha nhân đích thực thì luôn có bình an trong lòng và chẳng bao giờ nao núng trước những hù dọa của thế gian.

 

Đứng trước sứ điệp của Chúa, giáo lý và tinh thần của Chúa, đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải có lập trường dứt khoát để chọn lựa: Chúng ta chọn Chúa để được bình an, hay hoang mang chọn thế gian để có sự đồng thuận?

 

Ước mong sao chúng ta có được “ngọn lửa” nhiệt thành của Chúa, để can đảm làm chứng cho Ngài. Và cũng mong sao cho mọi Kitô hữu trên thế giới, luôn trung thành với Chúa, luôn nhiệt huyết với sứ vụ của mình, để ơn cứu độ của Chúa được nhiều người đón nhận, cho dù gặp phải những chông gai thử thách, có khi phải chấp nhận những chia rẽ bất hòa với người thân, bạn hữu.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những Kitô hữu của Chúa, biết sống theo giá trị đích thực của Tin Mừng, để chúng con có được ngọn lửa Tình Yêu Cứu Độ cháy bỏng trong tâm hồn, để luôn vững vàng trong đức tin, nhiệt thành trong sứ vụ. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á