LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XVI TN, B: TRUYỀN GIÁO VỚI ĐAN SĨ CHIÊM NIỆM

Đan sĩ phục vụ Giáo Hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia việc cứu rỗi các linh hồn chưa nhận biết Chúa. …”.

 

 

 TRUYỀN GIÁO VỚI ĐAN SĨ CHIÊM NIỆM 

(Mc 6,30-34)

 

M. Viên Ân

 

Có chuyện kể rằng:

Một thanh niên mạnh khỏe đến xin ông chủ khu rừng nọ được đốn cây để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thấy anh có sức mạnh, ông chủ trao cho anh cái rìu, dẫn vào rừng và bảo: 

- Anh thử đốn cây này xem. 

Anh đốn rất nhanh. Ông chủ liền nhận anh vào làm và định tiền công cho anh.

Sau khi nhận việc, anh cố gắng làm hết sức lực. Nhưng mới làm được có 3 ngày, ông chủ gọi anh vào cám ơn, trả tiền công cho anh đủ một tuần. Anh vui mừng nhận lấy, nhưng thắc mắc hỏi: 

- Sao ông chủ không để đến thứ 7 mà lại trả lương cho tôi hôm nay. 

Ông chủ trả lời:

- Tôi không mướn anh nữa, vì anh đốn cây càng ngày càng ít. 

Anh tiều phu ngạc nhiên:

- Thưa ông chủ, tôi đã đốn hết sức của tôi. Cả giờ nghỉ tôi cũng không nghỉ ngơi. 

Ông chủ xác định:

- Anh nói đúng, nhưng anh có "mài rìu" không?

 

Vâng, “mài rìu” là một việc làm hết sức cần thiết để có một dụng cụ sắc bén trở lại nhằm đạt hiệu quả cao cho công việc đốn cây của người tiều phu. Anh quên “mài rìu” thì cái rìu của anh sẽ càng ngày càng cùn đi, công việc ngày càng kém hiệu quả và sức lực của anh sẽ tiêu hao nhanh chóng một cách vô ích.

 

Trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su đề nghị các tông đồ tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi sau một thời gian vất vả lặn lội, thiếu ăn, mất ngủ để xả thân truyền giáo là một đề nghị hết sức cần thiết.

 

Tại sao phải tìm nơi thanh vắng, nơi Galilea không có chỗ yên tĩnh hay sao?

 

Nhìn trên bản đồ địa lý, chúng ta nhận thấy vùng đất Galilea chạy dọc theo phía Tây của biển hồ Galilea. Từ phía Bắc đến phía Nam khoảng 80 km, và chiều rộng khoảng 4 km. Thế nhưng theo sử gia Josephus, vào thời của ông, Galilea có 204 làng mạc và mỗi nơi không dưới 15 ngàn cư dân. Với một nơi đông đúc, nhộn nhịp như thế thì làm gì có chổ yên tĩnh để nghỉ ngơi. Thế nhưng, ngược lại, phía bên kia biển hồ Galilea (phía Đông) lại là một vùng đất thưa thớt dân cư và hết sức yên tĩnh. Chính vì thế, Chúa Giê-su và các tông đồ đã chèo thuyền sang phía bờ bên kia tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Đoạn đường vượt ngang bờ hồ để sang bên kia khoảng 6 km. Nếu đi đường bộ, vòng bờ hồ thì ước tính khoảng 15 km. Với những người khoẻ chân thì họ đến trước khi truyền cập bến. Đoán trước được ý định nơi đến của Thầy trò Chúa Giê-su nên dân chúng đã quyết định đi đường bộ. Khi thuyền cập bến, Chúa Giê-su và các môn đệ mới nhận ra là đám đông dân chúng đã đón đường và đến trước các ngài.

 

Khi nhìn thấy thế, phản ứng của Chúa Giê-su làm sao? Nếu, đối với chúng ta, chúng ta sẽ giận dữ vì họ đã đòi hỏi một sự quá đáng, họ không để chúng ta được nghỉ ngơi, ăn uống… là những nhu cầu thiết yếu cho tinh thần và thể lý chúng ta. Họ đã xâm phạm đến quyền riêng tư của chúng ta… Thế mà Chúa Giê-su lại không phản ứng theo như lẽ thường tình. Khi thấy đám rất đông dân chúng thì Ngài “chạnh lòng thương”, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều (x. Mc 6, 34). Với tình thương yêu của Đấng Giàu Lòng Thương Xót, Chúa Giê-su đã không nề hà nhọc nhằn, sẵn sàng hy sinh những nhu cầu riêng tư để phục vụ, nâng đỡ những người đang ngóng đợi Ngài. Nhu cầu cấp thiết hiện tại của dân chúng là đói khát Lời Chúa. Lời Chúa sẽ là lương thực thần linh, ban cho họ sự sống mới trong Thiên Chúa. Sự sống mới này là sự sống đích thực mà Chúa muốn trao ban cho mọi người, nên Chúa Giê-su, khi thấy dân chúng kéo đến với mình, Ngài đã “chạnh lòng thương” và mở miệng dạy dỗ họ nhiều điều.

 

Thánh Phao-lô, vị “tông đồ dân ngoại” đã cảm nghiệm được nhu cầu đói khát của những người chưa đón nhận Tin Mừng và nhận thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình nên ngài đã tự nhủ: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

 

Tiếp nối với sứ mệnh truyền giáo của Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) và với sự trăn trở của thánh Phao-lô, Giáo Hội, qua Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh Truyền Giáo đã khẳng định rõ: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo” (TG, số 2). Dựa trên khẳng định này, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã tuyên bố: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ” (TĐ, số 2).

 

Người đan sĩ sống đời chiêm niệm, chúng ta trước hết là Ki-tô hữu, tự bản chất ơn gọi của chúng ta là làm tông đồ truyền giáo, liệu ơn gọi đó có ngăn trở cho đời sống chiêm niệm của chúng ta không?

 

Nơi Sắc lệnh Truyền Giáo số 40, Công Đồng đã dạy: “Các Hội Dòng sống đời chiêm niệm góp phần rất lớn vào việc trở lại của các linh hồn nhờ những kinh nguyện, việc khổ hạnh và thử thách, vì Thiên Chúa là Đấng sai thợ đến gặt lúa của Ngài theo lời ta cầu xin, Đấng mở rộng tâm hồn người ngoài Ki-tô giáo để họ lắng nghe Phúc Âm, và làm cho lời cứu rỗi sinh hoa kết quả trong lòng họ”.

 

Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam chúng ta đang trong tuần cửu nhật, chuẩn bị lễ giỗ lần thứ 88 của cha đáng kính Biển Đức Thuận, tổ phụ khai sinh dòng Xi-tô Thánh Gia chúng ta. Sau một thời gian lặn lội truyền giáo với sứ mệnh của một cố đạo thừa sai Ba-lê, cha Biển Đức Thuận nhận thấy, để công cuộc truyền giáo thu hoạch được nhiều hoa trái, điều cấp thiết cần phải có là sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện và hy sinh của các đan sĩ chiêm niệm cho công cuộc truyền giáo này. Trên đất nước Việt Nam của chúng ta, ngài nhận thấy, chưa có dòng chiêm niệm nào dành cho người bản xứ, do vậy, ngài đã quyết tâm thực hiện điều đó. Trong Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, ngay số 2, triệt 2, Hiến Pháp đã khẳng định: Hội Dòng “… Phục vụ Giáo Hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia việc cứu rỗi các linh hồn chưa nhận biết Chúa. …”. Như thế, rõ ràng là chúng ta đang tham gia cách tích cực trong công cuộc truyền giáo giữa lòng Giáo Hội. Và chúng ta có một chổ đứng hết sức quan trọng không thể thay thế được (x. Sắc lệnh TS, số 7).

 

Ngoài việc đan sĩ chiêm niệm chúng ta tham gia trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội bằng việc hy sinh hãm mình, cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa, nơi số 15 của Sắc Lệnh Tu Sĩ khi nói về đời sống chung còn khuyên nhủ: “…các tu sĩ hãy mang lấy gánh nặng của nhau, và trọng kính lẫn nhau trong tinh thần giao hảo huynh đệ… sự hiệp nhất huynh đệ loan báo Chúa Ki-tô đã đến và phát sinh một năng lực tông đồ mãnh liệt”. Tình thương yêu giữa người môn đệ Chúa Ki-tô là cách loan báo hùng hồn nhất về sự hiện diện của Chúa Ki-tô như chính Chúa đã từng dạy: “để mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Dấu chứng của hành động yêu thương đó có sức thuyết phục hơn vạn lần lý thuyết hoa mỹ. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã từng nói: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, và người ta có nghe theo thầy dạy vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41).

 

Chúa Giê-su đã thể hiện lòng thương xót của Ngài đối với những người khao khát lời hằng sống bằng cách xả thân cho việc rao giảng; người đan sĩ chúng ta, chỉ có thể đem Chúa đến với những người chưa nhận biết Chúa, một khi chúng ta sống hết mình và trung thành với lối sống đặc thù mà Giáo Hội mời gọi. Đó là âm thầm cầu nguyện và hy sinh trong một cộng đoàn huynh đệ yêu thương.

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, âu cũng là dịp nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về sứ vụ truyền giáo trong đời sống chiêm niệm của mình.

 

Xin Chúa nâng đỡ sự khiếm khuyết của mỗi người chúng ta. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á