LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin mừng CN Lễ Hiển Linh: «ÁNH SÁNG»

Lễ Hiển Linh còn gọi là ngày lễ ánh sáng chiếu soi. Ngôi Lời làm người là ánh sáng chiếu soi cho nhân loại thoát khỏi bóng tối. Ánh sáng – và bóng tối, hai thực tại đối lập. Là người kitô, nghĩa là người được mời gọi bước đi trong ánh sáng: «Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi» (Tv 119,105).

 

 

«ÁNH SÁNG»

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

 

Quốc Vũ

 

«Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi.

Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi.

Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;

còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.

Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước» (cc. 1-3 – Bài đọc I).

 

Qua những lời kêu gọi đầy hân hoan này, Isaia như cho biết những điều mà ông tiên báo 600 năm trước đã gần như trở thành hiện thực: «Dân đang lần bước giữa tăm tối sẽ được nhìn thấy ánh sáng huy hoàng» (Is 9,1). Đó là thứ ánh sáng giúp dân Do Thái thấy được một tương lai rực rỡ, một tương lai không còn cảnh nộ lệ khổ đau. Ánh sáng ấy là «Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi», trên dân tộc Do Thái đã bao đời phải lầm lũi bước đi trong cảnh lưu đày.

 

Thực tế là người Do Thái đã trông đợi Đấng Cứu Tinh từ nhiều thế kỷ, Đấng ấy được ví như một vì sao từ Giacóp, như có lời trong Kinh thánh: «Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Israel» (Ds 24, 17), và ngôn sứ Mikha cũng đã tiên báo: «Hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel» (Mk 5,1).

 

Trong nhãn quan của ngôn sứ Isaia, Giêrusalem không còn là thủ đô của dân tộc nhỏ bé Israel nữa, nhưng nó đã trở nên "thành đô của Thiên Chúa" và là trung tâm cứu độ của toàn thể thế giới, bởi nó đã được mặt trời công chính ngự đến. Giêrusalem đã được chọn làm nơi "vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa". Vì thế ngôn sứ kêu gọi Giêrusalem hãy đứng cao lên để toàn thế giới nhận được ánh bình minh của Đức Chúa. Giêrusalem sẽ chứng kiến tầm quan trọng của nó vì nó trở nên nguồn sáng lôi cuốn và hướng dẫn toàn nhân loại đến một vương quốc mới.

 

Đó là lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng của Giêrusalem. Giêrusalem có được như vậy, được trở thành trung tâm của muôn dân đổ dồn về đó là vì nhờ Giêrusalem có Thiên Chúa hiện diện ở giữa. Không có Thiên Chúa hiện diện thì Giêrusalem vẫn chỉ như bao thành khác. Ánh sáng mà Giêrusalem nhận được từ Chúa đã chiếu soi muôn người, ánh sáng đó lôi kéo tất cả mọi người, không trừ một ai đến với Chúa. Giêrusalem ngày xưa trở thành hình ảnh của Giáo Hội ngày nay, vì Giáo Hội là nơi qui tụ tất cả mọi dân tộc.

 

Lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng cho Giêrusalem được ứng nghiệm trong biến cố các vua từ Phương Đông tìm đến Vua dân Do Thái mới sinh đã được thánh sử Matthêu ghi lại trong bài Tin mừng. Tuy nhiên, có một sự thật trớ trêu: là khi vị Cứu Tinh xuất hiện sau bao thế kỷ đợi chờ, dân Do Thái lại thờ ơ lãnh đạm, các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng thụ động, cho dù họ thông thạo Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế. Thậm chí, Hêrôđê lại còn hoảng hốt vì sợ ngai vàng của mình bị lung lay. Chỉ có các đạo sĩ đại diện cho lương dân lại hăng hái lên đường, hăm hở tìm kiếm, cho dù cuộc kiếm tìm có muôn vàn gian khó, phiêu lưu trắc trở. Đó là toàn bộ bối cảnh của ngày Lễ Hiển Linh.

 

Lễ Hiển Linh, trước đây thường được gọi là lễ Ba Vua. Nếu "Ba Vua" là tên gọi nói lên thiện chí của con người tìm gặp Thiên Chúa, thì "Hiển Linh" là danh xưng khẳng định ân ban của Thiên Chúa, vì chính Người tỏ mình ra cho nhân loại. Thiện chí thôi, vẫn chỉ là khởi điểm; nhưng chính ân ban mới là kết điểm mở ra những mùa gặp gỡ. Như thế, mỗi tên gọi có những điểm nhấn riêng, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một mầu nhiệm của cuộc gặp gỡ mà Thiên Chúa từ bao thuở đã mở ra cho những kẻ khao khát đi tìm. Do đó, đây không chỉ là một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày sẽ tới. Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn đề là người ta có thiện chí đến gặp Người hay không. Và tới phiên mình, mỗi lần gặp gỡ tại kết điểm hành trình, lại là một khởi điểm mới cho hành trình tìm kiếm mới, với những thiện chí mới nhằm vươn lên những đỉnh cao mới.

 

Khi nói về lễ Hiển Linh, chúng ta nghĩ ngay lễ này là lễ ánh sáng – chính Chúa là ánh sáng chiếu soi cho nhân loại. Trong ngôn ngữ thần học thì đây là lễ Chúa tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ, hay còn gọi là lễ Giáng Sinh cho dân ngoại. Quả thế, lễ Hiển Linh, đó là ngày Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, mà đại diện là ba nhà đạo sĩ phương đông, để thực hiện lời ngôn sứ đã loan báo: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài» (Mt 8,11-12).

 

Lễ Hiển Linh còn gọi là ngày lễ ánh sáng chiếu soi. Ngôi Lời làm người là ánh sáng chiếu soi cho nhân loại thoát khỏi bóng tối. Ánh sáng – và bóng tối, hai thực tại đối lập. Là người kitô, nghĩa là người được mời gọi bước đi trong ánh sáng: «Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi» (Tv 119, 105). Hơn nữa, người kitô hữu còn được Thiên Chúa mời gọi: «Các con là ánh sáng cho trần gian» (Mt 5, 14), nghĩa là người được Chúa dẫn đường soi lối, sống gắn bó với Chúa để có thể giới thiệu Chúa cho mọi người, để «ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời» (Mt 5, 15-16).

 

Mừng lễ Chúa Hiển Linh, là cơ hội giúp ta nhìn lại chính mình. Nếu ta đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù, thì hãy đứng lên, trở về với ánh sáng của lòng chân thành, phục vụ và yêu thương. Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng thì ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng. Bóng tối là nơi quyền lực sự dữ đang hoành hành, nhưng ta đừng nguyền rủa bóng tối, mà hãy dấn thân để thắp lên những ngọn nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.

 

Ơn gọi người kitô hữu là đoạn đường dài tiếp bước hành trình của các nhà đạo sĩ. Đó là hành trình của đức tin đầy gian nan và thử thách. Có những lúc vui vẻ bước đi trong ánh sáng của ngôi sao dẫn đường, nhưng cũng có lúc bóng tối bao phủ khắp mọi nẻo đường khi ngôi sao biến mất. Ánh sao lạ lung linh trên bầu trời năm xưa đã dẫn ba nhà Đạo sĩ Đông Phương đến Bêlem để tìm gặp Hài Đồng Giêsu, Đấng Cứu Thế mới sinh ra. Ánh sao ấy vẫn đang dẫn chúng ta trên vạn nẻo đường để gặp Chúa Giêsu. Hơn nữa chính Người còn là ánh sao dẫn đường chúng ta đi. Điều kiện duy nhất để thấy ánh sao là phải đứng lên, ngẩng cao đầu, hướng nhìn về phía ánh sáng, để đón nhận ánh sáng và đồng thời phản chiếu ánh sáng ấy cho mọi người.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á