LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin mừng CN II TN, A: «CHIÊN THIÊN CHÚA»

Thiên Chúa đã dùng máu của chính Con Một mình mà rửa sạch mọi vết nhơ tội lỗi của dân Người, để cho dân Người trở nên tinh tuyền và đặt làm Hiền Thê của Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Hội thánh vì thế mà được trở thành bạn tinh tuyền của chính Chúa của mình.

 

 

«CHIÊN THIÊN CHÚA»

(Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34)

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I: “Này đây Ta sẽ đặt con làm ánh sáng muôn dân, để con mang ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất”

 

Lời khẳng định bất ngờ và chắc chắn của Thiên Chúa về hình dáng vị Thiên Sai đã làm cho lòng dân Do Thái một nỗi vui mừng không xiết, nhất là đối với những người đang bị đi lưu đày tại Babylon thì đó là một niềm hy vọng lớn lao dường nào.

 

Tác giả sách Isaia đệ II hôm nay đã làm sáng tỏ hơn khi cá nhân hóa vai trò của nhân vật chính nơi ông Cyrô. Chính nơi ông, Thiên Chúa sẽ bao bọc dân Người. Ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn, được xức dầu thánh hiến và được sai đi để hoàn tất việc khai mở một vương quốc chỉ phụng thờ một mình Thiên Chúa duy nhất (x. Is 41).

 

Nhưng, sự phấn khởi này không bao lâu đã được thay thế bằng sự thất vọng, khi mà họ phải nhận ra rằng Cyrô đến không được làm gì khác ngoài việc kiến tạo một vương quốc như thế. Hình ảnh vua Cyrô phải được giản lược tối đa, vai trò và trách vụ của ông chỉ gói gọn trong phương diện chính trị mà thôi.

 

Thế thì, trong bối cảnh ấy, mọi con mắt lại đổ dồn về một nhật vật khác: không ai khác, đó là Người Tôi Tớ của Giavê. Và trong bài ca thứ II về Người Tôi Tớ của Giavê (Is 49,1-9), đã cấu trúc nên đoạn bài đọc hôm nay, là lời đáp trả của Giavê với Người Tôi Tớ về một sức mạnh đầy đủ và vượt trội mà Người sẽ ban cho, không chỉ là để «tái lập các chi tộc Giacop, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về. Nhưng là để đặt làm ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất» (c. 6).

 

2. Bài Tin Mừng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”

 

Nếu đọc ngược lại đoạn trước, chúng ta thấy ông Gioan đã phải chối đay đảy về những gì mà dân chúng đã gán cho ông: nào là Đấng Kitô, là ngôn sứ Êlia hay một tiên tri của Thiên Chúa... và ông chỉ tự nhận mình là “tiếng kêu trong sa mạc” để dọn đường cho Đấng phải đến.

 

Qua những lời thốt ra từ miệng của vị Tiền Hô, tác giả Tin mừng thứ Tư đã mô tả cho chúng ta về hình ảnh của Đấng phải đến ấy, theo một nghĩa rất chắc chắn, mang chiều kích Kitô học, Đấng ấy là «Chiên Thiên Chúa» (c. 29), đến sau nhưng lại có trước Gioan (cc. 30-31), được Thần Khí của Thiên Chúa chứng thực (cc. 32-33) và là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn (c. 34).

 

Như vậy, chính nhờ sự khôn ngoan thiên phú mà ông Gioan mới có thể nhận biết Đấng Cứu Thế trong chính con người tầm thường của Đức Giêsu mà thôi. Đức Giêsu, là người Do Thái như những người khác, nhưng lại là Đấng được Thiên Chúa sai đến để đem ơn cứu độ cho muôn dân. Người được giới thiệu là «Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian», có nghĩa là Người sẽ hoàn thiện nơi chính bản thân mình hình ảnh con chiên vượt qua bị sát tế trong giao ước cũ và hình ảnh Người Tôi Trung Đau Khổ của Giavê, hy sinh vì mọi người được sách Isaia đệ II ghi lại.

 

3. Bài đọc II: “Thiên Chúa ban cho anh em ân sủng và bình an”

 

Theo thông lệ, Phaolô đã mở đầu cho lá thư thứ I gởi các tín hữu thành Côrintô bằng lời chào thăm và lời cầu chúc bình an, nhưng qua đó, ngài còn lồng ghép vào sự khẳng định rằng ơn gọi và sứ vụ của ngài là làm tông đồ cho Thiên Chúa.

 

Cụm từ «kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô» được Phaolô dùng ở đây, nhằm cố ý lồng ghép vào đó một sự ý thức nơi mỗi Kitô hữu rằng họ được chính Thiên Chúa kêu gọi và qui tụ lại thành một dân thánh, để tiếp nối ơn gọi của tổ tiên là được qui tụ lại mà phụng thờ thiên Chúa, nhưng không phải bằng giao ước chiên bò, mà là trong giao ước mới là chính Đức Kitô – Chiên Thiên Chúa.

 

«Hội thánh của thiên Chúa», bao gồm tất cả những ai được kêu gọi và được thánh hiến trong Đức Kitô, được dìm trong máu của Con Chiên, đều được trở thành chi thể trong Nhiệm Thể của Người, và được trở nên anh em với nhau, được chung hưởng cùng một ân sủng và bình an của Thiên Chúa.

 

4. Suy niệm

 

Vua Duy Tân ngày xưa có thói quen mùa hè thường ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn màng.

 

Một hôm, nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa vừa hỏi đùa:

- Tay bẩn thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa?

Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao, thì vua bèn nói:

- Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!"

Nhà vua khéo chơi chữ: lấy chữ “nước” để rửa tay mà nói về chữ “nước” là đất nước, là quê hương.

Khi đất nước bị làm nhục, khi quê hương bị làm bẩn bởi ngoại bang, thì không có thứ nước nào có thể rửa được, mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.

 

(Trích từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

 

* * *

 

Lịch sử dân thánh cũng là một lịch sử vong quốc. Israel được Thiên Chúa tuyển chọn cho trở thành dân của Người: khởi đầu bằng một lời kêu gọi và một lời hứa về một dòng dõi đông như sao trên trời và nhiều như cát bãi biển. Thế nhưng, đọc lại lịch sử dân ấy, ta thấy là cả một chuỗi dài đan xen bởi những tội lụy và vong thân: họ mất cả đất nước, mất hết giang sơn, họ bị đi lưu đày nơi đất khách. Thiên Chúa vẫn ở đó, Người vẫn nhớ lại lời hứa mà đưa họ trở về. Cái giá phải trả là giá máu. Để rửa nỗi nhục vong quốc cho dân Israel, thì cần phải có máu:

 

- Máu của Người Tôi Trung vô tội đã đổ ra để «tái lập các chi tộc Giacop, dể dẫn đưa các người Israel sống sót trở về. Nhất là để đặt làm ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất» (Bài đọc I - c. 6).

 

- Máu của Con Chiên Thiên Chúa đã đổ ra để «xóa bỏ tội trần gian» (Bài Tin Mừng - c. 29).

 

Con Chiên ấy chính là Đấng mà chính ông Gioan Tẩy Giả đã thấy và đã làm chứng về Người là Đấng phải đến để thiết lập một vương quốc mới, đó là một vương quốc mà Người đã chuộc về bằng chính giá máu của Người, để từ đây vương quốc ấy được gọi là dân thánh của Thiên Chúa, vì đã được thánh hiến trong Người là Đấng Kitô của Thiên Chúa, như lời chứng của thánh Tông đồ dân ngoại:  «Tôi là Phaolô, bởi ý định của Thiên Chúa được gọi làm tông đồ của Đức Kitô Giêsu, kính gởi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được thánh hiến trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta» (Bài đọc II – cc. 1-2).

 

Như thế Hội thánh ngày nay được gọi là dân thánh của Thiên Chúa, và chúng ta cũng được gọi là dân thánh của Thiên Chúa, vì cùng được chuộc về từ giá máu của Chúa chúng ta là chính Đức Giêsu Kitô.

 

Thiên Chúa đã dùng máu của chính Con Một mình mà rửa sạch mọi vết nhơ tội lỗi của dân Người, để cho dân Người trở nên tinh tuyền và đặt làm Hiền Thê của Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Hội thánh vì thế mà được trở thành bạn tinh tuyền của chính Chúa của mình. Như vậy mới thấy: “Khi tay bẩn thì lấy nước mà rửa, còn khi 'nước' bẩn thì chỉ có thể lấy máu mà rửa!” 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á