LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin mừng CN I MC, A: «AĐAM MỚI»

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm nổi bật lên hình ảnh của Chúa Kitô chiến đấu và chiến thắng ma quỷ qua ba cuộc cám dỗ. Chúa Kitô là Ađam mới, trái ngược hoàn toàn với Ađam cũ. Thánh Phaolô, trong Bài đọc II, đã rất tinh tế trong việc phác họa cho chúng ta về hình ảnh của hai người trái nghịch nhau như vậy: “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người đã thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành công chính” (Rm 5,19).

 

 

«AĐAM MỚI»

(St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11)

 

Quốc Vũ

 

Mùa Chay là mùa sám hối, trở về với Thiên Chúa để chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Phục Sinh. Ngay từ thế kỷ thứ IV Giáo Hội đã có quy định chặt chẽ về Mùa Chay.

 

Mùa Chay theo nguyên ngữ La-tinh “quadragesima”, có nghĩa là mùa 40, một con số biểu tượng mang nghĩa Kinh Thánh gắn liền với những biến cố quan trọng của lịch sử Dân thánh: 40 ngày Lụt Hồng Thủy, 40 năm hành trình sa mạc tiến về Đất Hứa, 40 ngày Môsê lên núi lãnh Giao Ước Sinai, 40 ngày Gioana kêu gọi dân thành Ninivê sám hối, 40 đêm ngày Đức Giêsu ăn chay trong sa mạc,…

 

Trong những thế kỷ đầu, 40 ngày Mùa Chay được tính từ Chúa nhật thứ I đến trước Tam Nhật Vượt Qua. Tuy nhiên, khi thần học về Ngày Chúa Nhật phát triển và được xem là ngày kính Chúa Phục Sinh, nên Mùa Chay phải bắt đầu sớm hơn để bù lại sáu Ngày Chúa Nhật không được tính. Giáo Hội đã dời sự khởi đầu Mùa Chay vào ngày thư Tư Lễ Tro như vẫn thấy trong lịch phụng vụ của Giáo Hội ngày nay.

 

Ngoài việc giữ chay, cầu nguyện và thực hành bác ái là những đặc tính nổi bật nơi đời sống người Kitô hữu trong suốt Mùa Chay. Giáo Hội luôn ý thức liên kết ba hành động này trong đời sống con cái mình, bởi vì đó là giáo huấn của chính Chúa Kitô (x. Mt 6,1-18).

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm nổi bật lên hình ảnh của Chúa Kitô chiến đấu và chiến thắng ma quỷ qua ba cuộc cám dỗ. Chúa Kitô là Ađam mới, trái ngược hoàn toàn với Ađam cũ. Thánh Phaolô, trong Bài đọc II, đã rất tinh tế trong việc phác họa cho chúng ta về hình ảnh của hai người trái nghịch nhau như vậy: “một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người đã thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành công chính” (Rm 5,19).

 

Người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, chính là Ađam trong Vườn Địa Đàng nghe lời xúi dục của ma quỷ mà ăn trái của “cây biết lành biết dữ” đã được sách Sáng Thế thuật lại mà chúng ta được nghe trong Bài đọc I. Sự bất phục của Ađam phát xuất từ lòng kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa, muốn “trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5). Chính lúc hai ông bà đưa tay hái trái cây đó ăn, là lúc mắt ông bà mở ra, và mối giây liên kết thân tình với Thiên Chúa bị cắt đứt, rồi tìm cách lẩn trốn Nhan Ngài.

 

Người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, chính là Đức Giêsu trên thập giá cầu nguyện và phó dâng cả mạng sống mình cho Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đó cũng còn là một Đức Giêsu tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa để chiến thắng những lần cám dỗ của ma quỷ mà chúng ta được nghe trong bài Tin mừng, mà thánh sử Matthêu đã rất tỉ mỉ thuật lại ba cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân như một Ađam Mới dẫn đường cho chúng ta trong cuộc hành trình dương thế đầy dẫy những cạm bẫy rình chờ, nhưng một khi biết tin tưởng và phó thác bước theo Người, chúng ta sẽ có thể hóa giải tất cả mọi rào cản trên đường đời.

 

Bài thơ của thánh Phaolô (Bài đọc II) như là một gạch nối giữa bài Sáng Thế và bài Tin mừng, qua đó cho thấy ý hướng rất rõ ràng mà Giáo Hội muốn nhắm đến để dạy dỗ con cái mình. Đó là một bài thơ xoay quanh một sự liên đới. Một đàng, chúng ta dễ thấy mình liên đới với Ađam bởi thân phận được sinh ra trong tội lỗi: “Chỉ vì một người sa ngã, mà sự chết đã thống trị” (Rm 5,17a), đàng khác, mà chúng ta cũng diễm phúc được liên đới với Đức Kitô do ân sủng của Thiên Chúa: “Những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống” (Rm 5,17b). Cảm thức về sự liên đới này không kinh nghiệm được, nhưng hoàn toàn dựa vào niềm tin. Chính niềm tin cứu sống loài người. Trong Cựu Ước, Chúa đã cứu những ai tin Ngài. Nay dưới thời Tân Ước, Ngài cũng cứu những ai tin vào Người Con Chí Ái của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

 

Do đó, Mùa Chay mở ra con đường cho chúng ta trở về trong tình liên đới với Đức Kitô. Cuộc sống đời thường tràn ngập những cám dỗ, nhưng chung quy mọi cám dỗ đều muốn kéo chúng ta ra khỏi tình liên đới với Chúa, không còn tin vào Chúa mà chỉ dựa vào sức mình, để rồi kết quả bao giờ cũng là sự sa ngã.

 

Tất cả bài tường thuật về ăn chay và cám dỗ, tập trung vào các biến cố của cuộc Xuất Hành. Dân Israel cũng là “con yêu dấu của Thiên Chúa”, nhưng tất cả hành trình trong hoang địa cho thấy họ đã là một đứa con nổi loạn và bất trung (x. Đnl 6,16; 17,2.7; Ds 14,22; Tv 78,18-41; 81,11; Gr 7,22; Ed 20,5; Is 63,10). Trong khi đó, Đức Kitô cũng trải qua hành trình sa mạc, nhưng Người đã chiến thắng cám dỗ, bởi Người luôn giữ sự liên kết với Chúa Cha, Người đã sống đúng với địa vị của “người con yêu dấu của Thiên Chúa”.

 

Mùa Chay cũng là hành trình sa mạc của dân Israel Mới là Giáo Hội. Những cám dỗ về cái đói, cái khát bởi nắng nóng vùng sa mạc vẫn thiêu đốt tâm hồn mỗi Kitô hữu. Các cám dỗ không chỉ là chuyện một ngày hay bốn mươi ngày, mà là trong suốt cả cuộc đời. Có những cám dỗ đến từ bên ngoài như các người thân hay các kẻ thù, và còn có cả những cám dỗ đến từ những khát vọng bên trong, tìm cách đưa chúng ta đi theo nẻo đường của Tên cám dỗ vạch ra. Tuy nhiên, cũng như Đức Kitô đã liên tục chọn nói “không” với ma quỷ và thưa “xin vâng” với Chúa Cha (x. Dt 5,8), thì chúng ta cũng phải có những lần nói “không” với chính mình, để sống phó thác vào sức mạnh của Thiên Chúa, thì chúng ta mới có thể thắng vượt được những cám dỗ trong cuộc đời về tình-tiền-tài. 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á