LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh (Minh An)

Mừng Đại Lễ Chúa Kitô Phục Sinh là dịp để chúng ta vui mừng hân hoan, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta xác định lại niềm tin của chính mình. Chúng ta tin Chúa, theo Chúa, vì tình yêu hay chỉ vì nhu cầu của cuộc sống?

 

NIỀM TIN PHỤC SINH

(Ga 20,1-9)

 

Minh An

Biến cố phục sinh của Đức Kitô có lẽ là mầu nhiệm làm cho nhiều người khó hiểu, khó tin và có khi không chấp nhận. Chính kinh nghiệm của thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy rõ điều này. Thánh nhân giảng dạy rất tinh thông, thu hút nhiều người lắng nghe, nhưng khi thánh nhân nói về sự kiện kẻ chết sống lại thì nhiều người nhạo báng, bít tai lại, và còn có người bỏ đi: “Để bảo đảm điều đó với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết. Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (Cv 17,31b-33).

Đúng là khó có thể tin nổi! Làm sao một người đã chết rồi lại có thể phục sinh? Kinh nghiệm bao đời cho thấy, chưa có ai đã chết rồi, nhưng lại phục sinh.

Tuy nhiên, điều mà con người ta khó hiểu, khó tin, khó chấp nhận lại là điều Thiên Chúa làm được cách dễ dàng: “Vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,37). Do vậy, sự kiện Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, không có gì là khó khăn đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô phục sinh là có thật, chính thánh Phaolô cũng đã nói rõ về chân lý này: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt…Tiếp đến Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng hiện ra với tôi là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15,3-8).

Thánh sử Gioan cũng đã có kinh nghiệm về sự phục sinh của Đức Giêsu, nên đã mô tả sự kiện này cách rõ ràng trong Tin Mừng của ngài, mà Giáo Hội chọn đọc trong Đại Lễ Phục Sinh hôm nay, qua các nhân chứng và vật chứng cụ thể.

Về nhân chứng, có bà Maria Mác-đa-la, ông Phêrô và người môn đệ Chúa yêu. Thực ra, những người này không trực tiếp thấy Chúa Giêsu phục sinh, nhưng nhìn thấy các dấu chứng trong ngôi mộ, nên cả hai ông đều tin.

Về vật chứng, tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, khăn che đầu và băng vải đã được cuộn lại và xếp ngay ngắn một bên. Chính những vật chứng cụ thể này đã đánh động rất mạnh về niềm tin của Phêrô và người môn đệ Chúa yêu: “Ông Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 6-8).

Và cũng chính những vật chứng này, đã khơi gợi lên trong tâm trí của các môn đệ này về những lời Kinh Thánh mà Chúa Giêsu đã giảng dạy cho họ, giờ họ mới thật sự thấu hiểu, nên tin Thầy mình đã phục sinh: “Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20, 9).

Như vậy, đối với thánh Gioan thì cả Phêrô và người môn đệ kia đều cùng thấy hiện trường, tức là thấy ngôi mộ trống. Chi tiết này rất quan trọng, đặc biệt trong việc làm chứng, vì đối với luật Do thái xưa, một sự kiện chỉ được chứng thực nếu có tối thiểu hai nhân chứng. Chính Đức Giêsu cũng đã từng nói điều này cho những người Biệt phái rằng: “Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật” (Ga 8,17). Khi đặt hai nhân chứng Phêrô và người môn đệ kia, nhìn thấy những sự kiện khác thường trong ngôi mộ là Gioan như muốn khẳng định rằng, lời chứng của hai người là lời chứng thật, nên sự kiện Đức Giêsu phục sinh là có thật, không thể sai lầm. Thánh Phaolô cũng đã minh định rằng: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả Đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).

Với riêng người môn đệ Chúa yêu: “Ông đã thấy và đã tin”. Ông đã diễn tả niềm tin bằng một tình yêu thiết thực, bằng sự cảm nhận tâm linh thánh thiêng. Chính độ nhạy bén của tình yêu này đã dẫn đưa người môn đệ kia đạt đến niềm tin Phục Sinh của Thầy ngay tức khắc. Cũng chính thái độ nhạy bén của tình yêu này mà sau đó, ông là người đầu tiên nhận ra Thầy mình trên bờ hồ Tibêria trong sương mờ vào buổi sáng sớm: “Chúa đó” (Ga 21,7). Người môn đệ được Chúa yêu này chỉ thấy cái tối thiểu, nhưng ông lại tin vào cái tối đa. Độ nhạy bén của con tim, đã hỗ trợ cho ông hiểu biết con người và sự vật một cách thật sự. Và như thế, niềm tin của ông rất chắc chắn.

Hơn nữa, khi mô tả các vật chứng: tảng đá lăn ra một bên, khăn che đầu, vải liệm được xếp gọn lại là tác giả Gioan như muốn nói cho độc giả biết rằng, Đức Giêsu hoàn toàn tự do, không còn bị lệ thuộc vào tảng đá lấp mộ và những băng vải liệm buộc chặt thân thể của Người, biểu tượng xích xiềng của tử thần. Xích xiềng của tử thần đã bị tháo cởi, sự sống đã chiến thắng cái chết. Đức Giêsu đã vượt qua sự chết để tiến đến sự sống và đem sự sống đến cho nhân loại. Đó mới là đích điểm cao quý mà Thiên Chúa muốn hướng con người ta đến với Ngài.

Niềm tin của người Kitô hữu chúng ta đều dựa trên sự kiện Chúa Kitô phục sinh. Do đó, không có gì phải ngạc nhiên, khi đối diện với những tiêu chuẩn đòi hỏi trong đời sống đức tin của chúng ta, tức là bị đòi hỏi phải giải thích sao cho người ta hiểu được mầu nhiệm khó hiểu này. Tin Mừng Gioan cho chúng ta chú ý đến một điều rất quan trọng, đó là người môn đệ Chúa yêu đã tin đầu tiên: “Ông đã thấy và đã tin”. Tình yêu không phai nhòa của Gioan chính là ánh sáng chiếu soi làm cho ông nhớ lại lời Kinh Thánh đã báo trước rằng Chúa sẽ sống lại, và ông phải là chứng nhân cho sự kiện đặc biệt này. Gioan đã tin và đã làm chứng cho niềm tin này đến hơi thở cuối cùng. Ông đúng là người môn đệ tin yêu và trung thành.

Trong đời sống đức tin của chúng ta, điều căn bản nhất, đó là tình yêu. Khi chúng ta yêu thì niềm tin được nảy nở rất mạnh, và khi đã tin thì chúng ta có thể làm tất cả những gì cho niềm tin đó được tròn đầy. Thánh Giacôbê cũng đã có kinh nghiệm về niềm tin thực hành, nên đã nói: “Đức Tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Chúng ta tin vào mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh thì cũng phải làm sao để mầu nhiệm này được nảy nở và làm cho nhiều người tin theo.

Mừng Đại Lễ Chúa Kitô Phục Sinh là dịp để chúng ta vui mừng hân hoan, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta xác định lại niềm tin của chính mình. Chúng ta tin Chúa, theo Chúa, vì tình yêu hay chỉ vì nhu cầu của cuộc sống?

Ước mong sao niềm tin của các Kitô hữu vào Đấng Phục Sinh sẽ đem đến cho Giáo hội, cho thế giới và mọi người luôn được bình an, ơn hiệp nhất, để cùng hướng về đích điểm cao quý là hợp đoàn với Đấng Phục Sinh trên cõi trời trong ngày cánh chung. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á