LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm C (Minh An)

Đức Giêsu đã không dùng quyền năng mà Người có trong tư cách là Con Thiên Chúa để thỏa mãn nhu cầu chính bản thân mình, nhưng sau này, Người sẽ dùng quyền năng này để phục vụ những người nghèo khổ, những người bất hạnh, còn chính Người chịu mọi thiếu thốn trên con đường thi hành sứ vụ cứu thế.

ĐỨC GIÊSU VƯỢT QUA BA THỬ THÁCH

(Lc 4,1-13)

Minh An

Bắt đầu bước vào Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm C, Giáo hội chọn đọc bài Tin Mừng theo thánh sử Luca 4,1-13. Trong bản văn này, tác giả cho chúng ta biết, trong hoang địa, Đức Giêsu đã vượt qua ba cơn thử thách to lớn của quỷ, đó là: vượt qua cơn đói, vượt qua việc thờ ngẫu tượng, và cuối cùng vượt qua được tính kiêu ngạo. Đức Giêsu đã vượt qua cả ba thử thách này, vì Người có tính kiên vững, luôn tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Cha, và Người hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa mà thôi.

*Vượt qua thử thách về cơn đói (bánh ăn)

Đúng thế, ở cơn thử thách đầu tiên, sau khi nhịn đói bốn mươi ngày, Đức Giêsu bị quỷ cám dỗ hóa bánh để ăn cho đỡ đói, nhưng Người đã nói không với thử thách này: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì truyền cho hòn bánh này hóa bánh đi! Nhưng Đức Giêsu đáp lại: đã có lời chép rằng: người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,3-4).

Đối với Đức Giêsu, trong tư cách là Con Thiên Chúa quyền uy, Người làm phép lạ biến hòn đá thành bánh để ăn cho đỡ cơn đói thì quá dễ dàng. Nhưng, Người đã không dùng quyền năng đó để thực thi phép lạ, vì Người muốn sống với tư cách là Con yêu dấu của Cha, và đón nhận sự hiện hữu của mình từ Thiên Chúa chứ không tự tại ở nơi mình. Hay nói khác đi, Đức Giêsu không làm phép lạ “đá” biến thành “bánh”, vì Người muốn đón nhận sự sống từ Chúa Cha như một ân huệ hoàn toàn nhưng không, tức là Ngài luôn luôn tuân phục Chúa Cha cách trọn hảo.

Đức Giêsu đã không dùng quyền năng mà Người có trong tư cách là Con Thiên Chúa để thỏa mãn nhu cầu chính bản thân mình, nhưng sau này, Người sẽ dùng quyền năng này để phục vụ những người nghèo khổ, những người bất hạnh, còn chính Người chịu mọi thiếu thốn trên con đường thi hành sứ vụ cứu thế. Đó là cách để Người vượt qua thử thách đầu tiên.

Trong tư cách là Con yêu dấu, Đức Giêsu luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa Cha, Ngài đã nêu gương chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta về cơn cám dỗ tinh vi đầu tiên là cái đói. Chúng ta luôn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa để biết vượt qua những cám dỗ về lương thực chóng qua, nhưng hơn hết, hãy tìm kiếm lương thực thiêng liêng mang lại sự sống vĩnh cửu, vì: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn do Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”.

* Vượt qua thử thách về việc không thờ ngẫu tượng (bái lạy ma quỷ)

Sau khi thua cuộc thứ nhất về miếng ăn, quỷ đã rất khôn ranh, đem Đức Giêsu lên cao và chỉ cho Người thấy các nước trên thế gian và yêu cầu Người chỉ bái phục nó thì sẽ được hưởng tất cả. Nhưng, Đức Giêsu không dễ bị đánh lừa, Người đã dứt khoát nói không với kế hoạch này của tên quỷ: Sau đó, quỷ đem Ðức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.  Rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,6-7).

Đúng là quỷ đã hứa hẹn sự vinh hoa lợi lộc, vì nó biết rằng, ở phía sau mỗi thứ quyền bính thế gian đều là tham vọng cai trị kẻ khác và tham vọng biến mình thành một thứ ngẫu tượng cần được tôn thờ. Đây là một thứ cám dỗ dễ đưa con người tìm đến và cố đoạt cho bằng được, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận như thế, Ngài nhất quyết chỉ yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa là Cha của Người mà thôi: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Quả thế, nếu Chúa Giêsu tìm kiếm quyền lực theo lời xu nịnh của tên quỷ thì Người sẽ phải trả giá bằng cách tôn thờ ngẫu tượng. Và nếu Chúa Giêsu chỉ tìm kiếm quyền lực để thống trị, thì Người đã đối lập lại với việc không chấp nhận Thiên Chúa là Chúa Tể muôn loài. Khi tìm kiếm và vui hưởng quyền lực là phụng sự Satan. Nhưng, Đức Giêsu đã nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa tể tuyệt đối nên Người đã không bị Satan đánh bại cơn cám dỗ về quyền lực. Người đã xây dựng mối tương quan với Cha cách tốt nhất, nên Người đáng được phụng thờ như Cha.

Ngày nay, cơn cám dỗ về quyền lực là một thử thách to lớn trong Giáo hội, cũng như trong các cộng đoàn địa phương. Có nhiều người đã nấp dưới vẻ bề ngoài đầy cao thượng, nhưng lại thỏa hiệp với các thế lực sự dữ, để thỏa mãn cơn khát quyền lực ích kỷ của mình, làm cho Giáo hội cũng như một số công đoàn địa phương bị chao đảo. Bởi thế, chúng ta là những Kitô hữu, con yêu quý của Chúa, hãy noi gương Chúa Giêsu luôn tuân phục Thiên Chúa và tôn thờ chỉ một mình Người mà thôi, chúng ta sẽ tránh xa được cơn cám dỗ về quyền lực này.

* Thắng vượt sự kiêu ngạo

“Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc đền thờ rồi nói với Người: nếu ông là con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng, Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn…”. Có thể nói, đây là một hình thức cám dỗ đẩy Chúa Giêsu đến sự kiêu ngạo, khi Người nghe quỷ xúi dục để gieo mình xuống khỏi nóc đền thờ mà không cần đến quyền năng của Thiên Chúa, nhưng chỉ dựa trên các thiên sứ là những thụ tạo của Thiên Chúa mà thôi.

Đức Giêsu đã từ chối lời đề nghị của ma quỷ, vì với tư cách là Con Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng khi Người trả lời rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của người”. Thật ra, Đức Giêsu muốn sống đúng lòng tin tưởng và thảo hiếu vào Cha, bằng sự tuân phục tột đỉnh, chứ không cần một sự can thiệp ngoại thường, hay một ân ban đặc biệt nào khác dưới quyền của Cha Ngài. Chính trong sự vâng phục tột đỉnh đó mà Đức Giêsu đã nhận ra được sự hiện diện một cách thân cận của Thiên Chúa là Cha đối với mình là con, nên Người không tự gieo mình xuống theo lời yêu cầu của ma quỷ.

Tắt một lời, Đức Kitô đã rất cương quyết và trung thành sống giây liên kết với Thiên Chúa là Cha. Bởi vậy, không một cám dỗ nào làm cho Người bị lung lạc được, cho dù đó là những cám dỗ đánh vào tâm lý tìm kiếm của loài người như: cám dỗ về miếng ăn, cám dỗ về quyền lực và cám dỗ về sự kiêu ngạo. Cả ba lần Đức Giêsu đã vượt qua những cơn thử thách đó cách dễ dàng, bởi vì Người đã dứt khoát đứng về phía Thiên Chúa là Cha, tin tưởng vào Cha và sống thảo hiếu với Cha của Người. Người đã chứng tỏ là Con Yêu Dấu đẹp lòng Cha mọi đàng như khi Người lãnh nhận Phép Rửa tại sông Gio-đan: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).

Mùa chay là thời gian để mỗi Kitô hữu suy gẫm và trả lời về niềm tin của mình vào một Thiên Chúa đã tự hiến, đã chết và phục sinh để cứu độ chúng ta như thế nào?

Đức Giêsu đã trải qua ba cơn thử thách khi khởi sự rao giảng Tin Mừng về Chúa Cha nhân ái cứu độ nhân loại, thật có ý nghĩa biết bao cho đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta sẽ chiến thắng được những cơn cám dỗ, nếu chúng ta biết dùng Lời của Thiên Chúa như khiên thuẫn, để chống lại sự cám dỗ của ma quỷ như thánh Phaolô đã dạy: Anh em hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,17).

Thiết kế Web : Châu Á