LỜI CHÚA

Bài chia sẻ Lời Chúa CN IV MC, A: «ĐÔI MẮT»

Trong câu chuyện chữa người mù, ta thấy sự khác biệt rạch ròi giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của các thầy Pharisêu. Ðôi mắt thể lý của anh bị mù, nhưng mắt tâm hồn của anh lại sáng. Anh nhận ra Đức Giêsu là người có thể chữa cho anh, nên anh đã đến suối Silôác rửa mắt như lời Người dạy (c. 7). Trái lại, các thầy Biệt Phái đã có đôi mắt thể lý rất sáng, nhưng đôi mắt tâm hồn thì đã chết.

 

 

«ĐÔI MẮT»

(1 Sm 16,1.6-7.10-13; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41)

 

Lm. Quốc Vũ

 

 

«Mắt em là một dòng sông,

Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em»

                                                                               (Đôi mắt – Lưu Trọng Lư). 

 

Xin mượn lại lời thơ thật lãng mạn trên đây của thi sĩ Lưu Trọng Lư, để bắt đầu cho bài chia sẻ Lời Chúa hôm nay, xoay quanh chủ đề “Đôi mắt”.

 

Mắt là nơi tâm hồn biểu tỏ mọi cung bậc cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố...” của con người. Trong cuộc sống ta có thể bắt gặp rất nhiều đôi mắt ấy:

 

- Có đôi mắt trong sáng của trẻ thơ và cũng có đôi mắt mờ đục của người già.

- Có đôi mắt nhạt nhòa ngấn lệ vì hạnh phúc trùng phùng hay đớn đau của cuộc đời truân chuyên nghiệt ngã.

- Có đôi mắt hiền hòa cảm thông và cũng có đôi mắt giận hờn, ghen tỵ.

- Có đôi mắt biếc liếc nhìn làm cho người sa ngã, nhưng lại có đôi mắt cảm thông làm cho ta đứng lên làm lại cuộc đời.

- Có đôi mắt trợn trừng tức giận làm mọi người xa lánh, và có cả đôi mắt trìu mến mời gọi người ta qua về.

- Có đôi mắt rạng ngời hạnh phúc, nhưng cũng có cả đôi mắt thâm quầng vì lo toan cuộc sống gian nan.

- Có đôi mắt hé mở tỏ vẻ sự khinh chê, và có cả đôi mắt mở to diễn tả sự kính nể thán phục.

- Có đôi mắt láu liên của kẻ gian manh, nhưng cũng có đôi mắt lệ sa của người ăn năn thống hối.

- Có đôi mắt hằn vết chân chim vì mưu sinh cuộc sống, và còn có cả đôi mắt được làm đẹp để cho người ta ngắm nhìn.

 

Thế mới hay, bản tính của mắt là để nhìn, nhưng người ta lại tô cho mắt đẹp để cho người ta ngắm. Mắt không cần trang điểm, mắt vẫn nhìn thấy. Mắt không cần tô hồng, mắt vẫn là mắt. Khi người ta trang điểm cho mắt, lúc đó, mục đích không phải là để nhìn mà là để mắt được nhìn (Đôi mắt - Nguyễn Tầm Thường). Khi đó người ta chỉ lo làm đẹp cho mắt, mà quên làm đẹp tâm hồn. Tuy nhiên, người có đôi mắt đẹp chưa chắc tâm hồn đã đẹp, nhưng người có tâm hồn đẹp thì đôi mắt bao giờ cũng trong, cứ nhìn vào đôi mắt trẻ thơ sẽ thấy điều đó. Bởi mắt là của sổ của tâm hồn, như lời bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết: «Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Đời cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ, để ghen, để hờn. Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn, là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt, là tuyệt tác của thiên thu!» (Đôi mắt – Xuân Hồng).

 

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ và nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp, như: 

 

«Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh»

                                                                                        (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

 

«Đôi mắt sau rèm cửa
Ẩn dưới hàng mi cong
Ta trót yêu một nửa
Nên suốt đời long đong»

                                                                              (Đôi mắt - Miên Du)

 

Trái lại, khi Phúc Âm nói về mắt, lại nói về đôi mắt mù!

 

Đó là đôi mắt của một chàng thanh niên mù lòa từ khi lọt lòng mẹ. Mắt của anh không có khả năng để nhìn và để thấy. Anh không có chút khái niệm nào về ánh sáng, cả cuộc đời anh bị bao phủ bởi một màn đêm dày đặc, có chăng trong anh chỉ là chút ánh sáng của niềm hy vọng một ngày nào đó anh sẽ được may mắn gặp thầy gặp thuốc làm cho đôi mắt được thấy. Chính niềm hy vọng đó đã giúp cho anh sống, chính niềm khát khao ánh sáng đã giúp anh mãi bước đi giữa bao nhiêu tiếng xì xầm hay giọng dè bỉu: «Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?» (c. 2 – Bài Tin mừng). Nhưng thật ngạc nhiên thay khi Đức Giêsu khẳng định: «Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh» (c. 3).

 

Rồi anh mù đã được chữa khỏi, đôi mắt anh đã thấy được như lòng anh khao khát. Anh được chữa khỏi là để cho mọi người nhận biết Đức Giêsu chính là «ánh sáng thế gian» (c. 5), là Đấng có quyền “làm cho thấy”, nghĩa là Đấng được xức dầu thuộc dòng dõi Đavit (x. Bài đọc I), Đấng đến để dẫn đưa con người ra khỏi bóng tối và bước đi trong ánh sáng, trở thành con cái ánh sáng (x. Bài đọc II). Sự sẵn sàng vâng lời Đức Giêsu của anh mù khởi đi từ niềm khao khát và đích điểm là dẫn đến lòng tin. Thật vậy, anh đã không chỉ được khai mở đôi mắt thể lý, mà còn được ban tặng ân huệ đức tin, để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa.

 

Trong câu chuyện chữa người mù, ta thấy sự khác biệt rạch ròi giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của các thầy Pharisêu. Ðôi mắt thể lý của anh bị mù, nhưng mắt tâm hồn của anh lại sáng. Anh nhận ra Đức Giêsu là người có thể chữa cho anh, nên anh đã đến suối Silôác rửa mắt như lời Người dạy (c. 7). Trái lại, các thầy Biệt Phái đã có đôi mắt thể lý rất sáng, nhưng đôi mắt tâm hồn thì đã chết. Họ đã nói với anh mù về Đức Giêsu như sau: «Ông ấy không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát; kẻ khác thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy”» (c. 16).

 

Thật là không có sự mù lòa nào tối hơn sự mù lòa của những đôi mắt sáng ấy. Bởi đó, dù đôi mắt họ vẫn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng họ vẫn mãi bước đi trong đêm tối. Hơn hai ngàn năm trước Chúa đã than thở: «Họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy vì tâm hồn họ ra chai đá rồi» (Mt 13,14). Hôm nay, nếu mắt tôi không nhìn những điều phải nhìn, nhìn mà không thấy những điều phải thấy, hay thấy mà chẳng hiểu những điều phải hiểu, thì Chúa cũng chỉ biết than thở như hai nghìn năm xưa: Vì tâm hồn họ ra chai đá rồi.

 

Nhưng làm sao để có thể thấy khi nhìn? Hãy nghe lời khuyên dạy của thánh Teofilo rằng: «Cũng như những người nhìn xem bằng con mắt thể lý thì nhìn thấy những sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trắng và đen, đẹp và xấu, thanh nhã với thô thiển, cân xứng và bất cân xứng, ngắn với dài. Về mắt tâm hồn cũng vậy, nó có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa được nhìn thấy do những kẻ có thể nhìn thấy Người, nếu họ biết mở con mắt tâm hồn ra. Ai cũng có mắt, nhưng một số người bị mù lòa và không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nếu những người mù không nhìn thấy, thì chẳng phải tại ánh mặt trời không chiếu sáng, nhưng người đó phải tự nhận rằng chính tại mình, tại mắt mình. Đối với bạn cũng thế, mắt tâm hồn của bạn bị mù lòa là do tội lỗi và các hành động xấu xa của bạn» (Trích sách của thánh Teofilo gởi cho Autotico – Các Bài đọc giờ Kinh Sách, q. 1, tr. 571).

 

«Thưa anh em, xưa anh em là bóng tối, nhưng giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng» (c. 8 - Bài đọc II). Con người luôn bị giằng co giữa cái cũ và cái mới, giữa bóng tối và ánh sáng. Bản tính con người vừa là ánh sáng vừa là bóng tối, nên con người cũng có khả năng tự làm mình ra đui mù, đưa ra những lý do để khỏi thấy, tạo ra cho mình những xác tín giả trá, từ chối mở mắt ra, mà lại nói là mình “đang thấy”. Ánh sáng luôn có những đòi hỏi rất khắt khe: nó bắt ta xét lại nhiều chuyện, từ bỏ nhiều thói quen, đôi khi phải đoạn tuyệt với cả một cung cách sống. Chính vì thế mà người ta sợ ánh sáng, người ta thích đui mù trong khi vẫn mở mắt. Bị đui mù mà biết nhìn nhận mình thiếu ánh sáng, thì không phải là một tội; nhưng tự hào là mình biết tất cả về Thiên Chúa và về thế giới mà lại từ chối ánh sáng đến từ Thiên Chúa, mới là tội.

 

Lạy Chúa, khi con nhìn mà không thấy, bởi vì con chưa tin. Chính vì con chưa tin, nên con không dám để Chúa chạm vào đôi mắt con. Xin Chúa chữa lành con, để mắt con có thể thấy Chúa và tin Chúa.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á