Linh đạo

SỐNG CHIỀU KÍCH HIỆN DIỆN TRONG CỘNG ĐOÀN ĐAN TU (Hiền Lâm)

Ý nghĩa của việc tuyên giữ và sống linh đạo đan tu là luôn được khởi đi từ sự yêu mến và cũng kết thúc trong yêu mến. Có yêu mến Chúa, yêu mến anh em, yêu mến cộng đoàn, yêu mến Giáo Hội và yêu mến mọi người thì mới yêu mến ơn gọi, và khi yêu mến ơn gọi thì cũng có nghĩa là sống trọn vẹn chiều kích hiện diện: Hiện diện trước mặt Thiên Chúa để luôn sống thánh thiện làm đẹp lòng Ngài; hiện diện với anh em để liên lỷ yêu mến nhau, nâng đỡ nhau, thao thức và đồng hành với nhau; hiện diện giữa cộng đoàn để phục vụ và xây dựng Giáo Hội; hiện diện giữa nhân loại để cộng tác cứu độ muôn người.

 

SỐNG CHIỀU KÍCH  HIỆN DIỆN

TRONG CỘNG ĐOÀN ĐAN TU

 

Có thể nói, linh đạo đan tu cho thấy chiều kích hiện diện cách đầy đủ nhất, từ việc tuyên khấn vĩnh cư để luôn hiện diện bên nhau trong cộng đoàn và ngày đêm hiện diện trước mặt Thiên Chúa khi cử hành thần vụ, đến việc sống tương quan đức ái dành cho nhau, và đặc biệt trở nên một Đức Kitô, một bí tích cho mọi người gặp Chúa.

 

1. Lời khấn vĩnh cư – sự hiện diện chủ thể

Lời khấn vĩnh cư được kể là nét đặc thù của đan tu, lời khấn này buộc đan sĩ trọn đời sống trong đan viện để ngày ngày luôn có mặt, luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa, cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa, bên nhau chu toàn nghĩa vụ trong bậc sống mình và chung tay xây đắp cộng đoàn.

Các đan sĩ hiện diện với nhau và bên nhau từ việc kinh nguyện phụng sự Thiên Chúa đến mọi công việc hằng ngày, nghĩa là sống trọn vẹn linh đạo cầu nguyện và lao động (ora et labora). Hai từ “hiện diện” một cách nào đó nói lên một sự tan biến để hòa mình nên một với đối tượng, nghĩa là không phải tùy hứng mà là tình yêu, không phải chỉ vì nhu cầu mà là kết hợp với cả lý trí, ý chí và tình cảm để sống trọn vẹn sự trao ban như Đức Kitô đã hiến mình cho nhân loại. Từ đó mọi sinh hoạt của đan sĩ luôn diễn ra trong một kinh nghiệm thâm sâu về Thiên Chúa hiện diện (đi trước mặt Chúa), để rồi có thể tâm sự với Chúa mọi nơi mọi lúc, có thể lắng nghe và chiêm ngưỡng Chúa trong mọi thực tại và mọi biến cố cuộc đời. Ý thức được điều này, đan sĩ mới có thể sống trọn vẹn chiều kích hiện diện, một sự hiện diện tình yêu  mọi lúc mọi nơi, dù ở nhà nguyện hay trên đồng ruộng, khi vui chơi, học hành, ăn uống… 

Có lẽ vì muốn các đan sĩ được liên lỷ hiện diện bên nhau mà thánh Biển Đức đã muốn các Đan Viện phải tổ chức làm sao có đủ những nghề nghiệp và công việc phục vụ cho nhu cầu sống ngay trong Đan Viện, để không ai có thể viện cớ vì công việc mà xa lìa anh em, hay nói đúng hơn không để cho sự hiện diện phải chịu tác động vì những lý do bên ngoài (x. RB 66, 6-7).

Với lời khấn vĩnh cư và luật nội vi đòi hỏi một sự yêu mến thiết tha được hiện diện cách hữu hình nơi cộng đoàn, không miễn trừ cho bất kỳ ai và chỉ có thể vắng mặt khi có lý do thật sự chính đáng, ngay cả khi phải xuất hành đi nữa thì lòng trí vẫn tha thiết hướng về cộng đoàn mình (x. RB 50-51), vì chọn đời sống đan tu là chọn cuộc sống chung, liên kết với nhau như một gia đình, để rồi đạt đến chiều kích hiện diện trọn vẹn khi thực hành lý tưởng  “sống bên nhau chết cũng chẳng chia lìa”.

 

2. Sống đức ái – sự hiện diện hiệp thông

Có thể nói, khi thực thi đức ái, các đan sĩ mới thực sự sống trọn vẹn chiều kích hiện diện, bởi vì sự hiện diện không chỉ là sự có mặt thể lý mà còn phải là một sự trào tràn tình yêu đối với mọi người xung quanh. Một cách bao quát hơn, đức ái giúp các đan sĩ có thể hiện diện mọi nơi mọi lúc, từ việc lòng trí luôn hướng về cộng đoàn và anh em, đến gương sống, tư tưởng và các sinh hoạt của chủ thể vẫn mãi tồn tại trong ký ức mọi người.

Thật vậy, thực thi đức ái là bản chất của đan sĩ, là linh đạo của mọi linh đạo, là nền tảng của đời sống chung, là phương thế truyền giáo và đặc biệt giúp đan sĩ hiện diện cách tự do. Toàn bộ linh đạo Kitô giáo bắt nguồn từ Thánh Kinh xuyên qua các giáo phụ đều đặt nền tảng trên đức ái. Đối với các đan sĩ, khi tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, thì cũng đồng nghĩa với việc sống đức ái cách triệt để và hoàn hảo. Thật vậy, đan sĩ sống khó nghèo là vì người nghèo, vâng phục vì yêu mến, khiết tịnh để không cho riêng ai nhưng dành hết cho mọi người, vĩnh cư để sống bên nhau và canh tân để nên gương sáng cho nhau. Bên cạnh đó, toàn bộ tu luật thánh Biển Đức mà các đan sĩ khấn giữ cũng chỉ xoay quanh một đề tài bác ái yêu thương phục vụ nhau tuỳ theo cấp bậc mình, từ bề trên đến người nhỏ nhất trong cộng đoàn.

Các đan sĩ chỉ hiện diện đúng nghĩa khi hết lòng yêu mến cộng đoàn và yêu mến anh em, thể hiện qua các cách thế: hiện diện trong ý hướng, hiện diện trong cầu nguyện, hiện diện trong phục vụ và hiện diện trong ký ức mọi người bằng tư tưởng và gương sống của mình.

- Hiện diện trong ý hướng: Đây là tinh thần mà các đan sĩ phải có để sống lời khấn vĩnh cư. Thánh Phaolô từng viết: “Phần tôi, tuy vắng mặt về thân xác, nhưng về tinh thần vẫn luôn có mặt” (1Cr 5,3), thánh Biển Đức cũng dạy các đan sĩ dù đi đâu cũng hãy cố gắng trở về cộng đoàn trong thời gian sớm nhất (x. RB 50-51), còn thánh Bênađô thì khi vì vâng phục Đức Thánh Cha, ngài đã phải bôn ba khắp nơi để hòa giải những tranh chấp trong Giáo Hội và ngoài xã hội, nhưng lòng trí ngài vẫn luôn hướng về các đan sĩ của ngài: “Cha đi tới nơi nào, việc tưởng nhớ các con không xa rời tâm trí cha, nhưng càng sung sướng khi nghĩ tới các con thì cha càng đau khổ khi phải xa các con” (x. Saint Bernard, Homme d’Eglise).

- Hiện diện trong cầu nguyện: Được kể là cách thức dễ ở gần nhau nhất với cả sự tự do cầu nguyện cho ai mình muốn, ngay cả đối tượng được cầu nguyện cho cũng cảm nhận được sự hiện diện thực sự gần gũi của người đang cầu nguyện cho mình. Thánh Bênađô dùng lời cầu nguyện để ở với cộng đoàn những khi ngài vắng mặt, như lời Geoffroy nhận định: “Người đầy tớ của Thiên Chúa vắng trong thể xác nhưng hiện diện trong tinh thần, bảo trì và gìn giữ cộng đoàn từ xa bằng những lời cầu nguyện của người” (x. Saint Bernard, Homme d’Eglise).  Linh đạo của các đan sĩ là cầu nguyện và lời cầu nguyện cho anh em trong cộng đoàn cũng như cho mọi người đã giúp các đan sĩ hiện diện ở trong thế giới và ở bên mọi người.

- Hiện diện trong phục vụ: Phục vụ là cách thế hiện diện đức ái một cách rõ ràng nhất mà mọi người dễ dàng kiểm chứng được. Điều này trước hết đúng cho việc hiện diện thể lý, nghĩa là không chỉ có mặt cho có mà phải có mặt như thế nào? Không phải có mặt cho người ta phục vụ mà là phục vụ mọi người và đồng hành với mọi người trong mọi sinh hoạt. Chính thánh Phaolô đã nhắc lại nhiều lần trong hai thư Corintiô về tinh thần này và chính ngài đã nêu gương sáng cho họ bằng sự làm việc không ngơi nghỉ và không cho phép mình được đòi hưởng quyền lợi mà không tự tay lao động.

- Hiện diện trong ký ức: Khi đem lại một đường lối có ý nghĩa và ảnh hưởng trên mọi người, cũng như có những lời nói có sức đánh động lớn trong tâm hồn nhiều người, hoặc trở nên một tấm gương cao cả để mọi người khâm phục và noi theo, thì tự nó ăn sâu vào ký ức và tiếng thơm sẽ mãi mãi truyền tụng, hay nói cách khác, một người như thế sẽ sống mãi trong ký ức và trong lịch sử dù thân xác họ đã qua đi. Cũng thế, nơi cộng đoàn đan tu, những lời giáo huấn, những phương cách tổ chức và đặc biệt đời sống gương mẫu của một thành viên sẽ mãi mãi tồn tại trong ký ức mọi người.

 

3. Sống các lời khấn - sự hiện diện có tính bí tích.

Công đồng Vaticano II có một cái nhìn rộng hơn về thần học bí tích, trong đó định nghĩa bí tích là một sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Từ đó công đồng cũng tuyên xưng Đức Kitô là một bí tích và rộng hơn nữa, Giáo Hội cũng là một bí tích – vì qua Giáo Hội, con người nhận ra Thiên Chúa, gặp gỡ được Thiên Chúa và cũng qua Giáo Hội ân sủng được ban cho nhiều người. Như thế, bí tích là một thực tại làm cho con người cảm nhận được Chúa hiện diện thực sự và cũng đồng thời giúp họ ý thức mình đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa và hiện hữu trong Đức Kitô, và khi hiện hữu trong Đức Kitô, con người trở thành trung gian để Thiên Chúa trào tràn ân sủng cho nhiều người khác. Hiểu được như thế, chúng ta cũng có thể nói rằng: cộng đoàn đan tu là một bí tích và chính mỗi đan sĩ cũng là bí tích cho người khác gặp gỡ Thiên Chúa và làm cho ân sủng được ban cho mọi người. Để trở thành chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa và trung gian ân sủng cho người khác, đan sĩ sống hiện diện một cách sống động qua hai chiều kích: Đức Kitô và Giáo Hội của Người.

 

a, Đan sĩ hiện diện như Chúa Kitô hiện diện.

Chúa Kitô đã trở nên một ‘bí tích” khi sống trọn vẹn đức vâng phục, khó nghèo và trong sạch; Chúa Kitô luôn xin vâng và làm mọi sự theo ý Cha trên trời; Chúa Kitô cũng trở nên nghèo khó để đồng cảm và chia sẻ với người nghèo… Cũng vậy, khi các đan sĩ tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là sống cách triệt để lời mời gọi của Chúa Kitô và trở nên giống Chúa Kitô khó nghèo, vâng phục và trong sạch: đan sĩ sống vâng phục bề trên và xin vâng trong mọi hoàn cảnh; đan sĩ chọn nếp sống thanh bần để cảm thông và chia sẻ với người nghèo; đan sĩ khước từ mọi quyến luyến để dành riêng cho Thiên Chúa và nên người của mọi người. Như vậy, khi sống các lời khấn đan sĩ trở thành bí tích cho mọi người.

 

b, Cộng đoàn hiện diện như Giáo Hội hiện diện.

Đặc tính của Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Nhờ các đặc tính này mà Giáo Hội trở nên bí tích cho nhân loại tìm gặp Thiên Chúa và qua Giáo Hội mà ơn cứu độ được ban cho nhân loại. Chính vì vậy, cộng đoàn đan tu muốn trở nên bí tích cho mọi người cũng cần sống các đặc tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, nghĩa là mọi đan sĩ cùng chung một niềm tin, cùng một lòng mến và sống cùng một linh đạo; luôn biết sống gương lành thánh thiện; trở nên nhân chứng cho Chúa và nỗ lực cầu nguyện cho việc truyền giáo; đồng thời trung thành và vâng phục huấn quyền của Giáo Hội…

 

KẾT LUẬN

Một thoáng nhìn lại chiều kích hiện diện trong cộng đoàn đan tu, cho thấy có nhiều cách thế để hiện diện, từ việc có mặt thể lý đến những chiều kích mang tính tinh thần như: hiện diện trong ý hướng, hiện diện trong cầu nguyện, hiện diện trong phục vụ, hiện diện trong ký ức… Tất cả đều nhắm tới một sự trưởng thành trong ơn gọi, là nhận thức được đâu là ý nghĩa thực của việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, cụ thể qua lời khấn bền đỗ nơi các cộng đoàn đan tu tuân giữ luật thánh Biển Đức. Ý nghĩa của việc tuyên giữ và sống linh đạo đan tu là luôn được khởi đi từ sự yêu mến và cũng kết thúc trong yêu mến. Có yêu mến Chúa, yêu mến anh em, yêu mến cộng đoàn, yêu mến Giáo Hội và yêu mến mọi người thì mới yêu mến ơn gọi, và khi yêu mến ơn gọi thì cũng có nghĩa là sống trọn vẹn chiều kích hiện diện: Hiện diện trước mặt Thiên Chúa để luôn sống thánh thiện làm đẹp lòng Ngài; hiện diện với anh em để liên lỷ yêu mến nhau, nâng đỡ nhau, thao thức và đồng hành với nhau; hiện diện giữa cộng đoàn để phục vụ và xây dựng Giáo Hội; hiện diện giữa nhân loại để cộng tác cứu độ muôn người.

 

Hiền Lâm.

Thiết kế Web : Châu Á