Linh đạo

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG THEO THÁNH PHỤ BIỂN ĐỨC (5)

Bậc khiêm nhường thứ năm dường như nhấn mạnh nhiều về viện phụ hơn là những đan sinh, tuy nhiên, có một sự liên hệ ở đây, mỗi một đan sinh cũng chính là viện phụ trên chính cuộc đời mình, một thái độ cởi mở và đón nhận người khác luôn là điều Cha Thánh muốn nhắn gửi tới các đan sinh.

 

 

 

Bậc khiêm nhường thứ năm 

 

VIỆC TỎ BÀY TÂM HỒN

THEO QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI VÀ THÁNH BIỂN ĐỨC

 

 

M. Louis Martin Nguyễn Trung Chất

 

Theo thánh Biển Đức, bậc khiêm nhường thứ năm là hãy lấy lòng khiêm nhường mà thành thật bày tỏ cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín (TL 7,44). Liệu đó có phải là một sự khiêm nhường hay là một sự nhu nhược? Bởi rằng có ai khôn ngoan mà lại tiết lộ cho người khác biết những lỗi thầm kín, những yếu kém của mình để rồi bị nắm thóp, bị khinh chê...? Quả thực cơ chế tự vệ của con người được lập trình phản xạ một cách tự nhiên giúp người ta tránh đi những mối nguy, những điều bất lợi cho mình, từ hiệu quả của cơ chế đó làm cho người ta thích được khen ngợi hơn là chê bai khiển trách, thích được thong dong thoải mái hơn là phải cực nhọc vất vả. Chính trong thực tế cũng thế, người ta cố loại trừ tất cả những mầm mống nguy hại cho mình, và việc che dấu những yếu điểm, những lỗi thầm kín nơi bản thân là một trong số đó. Vậy những quan điểm dường như đối lập hoàn toàn với bản năng tự nhiên của con người, với lối suy nghĩ của người đời của thánh Biển Đức được phát xuất từ đâu hay là chỉ là một cảm hứng ngẫu nhiên của thánh phụ? Và Hội Thánh nói gì về việc tỏ bày tâm hồn này?

 

Trước hết với Giáo Hội, việc tỏ bày tâm hồn cho Thiên Chúa hay cho một nhân vật khác đã được nhắc đến trong Kinh Thánh. Quả vậy sách Lêvi kể lại việc “vị tư tế đặt hai tay lên đầu con dê, rồi xưng thú trên nó tất cả lỗi lầm của toàn dân hay còn gọi là động tác xưng mọi tội lỗi của cả dân sự. Ông này trút tất cả những tội lỗi đó lên mình con dê gánh tội” (Lv 16,21-22). Các Vịnh gia cũng nói: “Con hãy bộc lộ đường lối con đi và trông cậy nơi Ngài” (Tv 36,5). Lại nữa, “bởi thế con đã xưng tội con ra với Ngài, con chẳng dấu Ngài về lỗi lầm của con” (Tv 31,5). Có thể hiểu đó như là nền tảng của bí tích giải tội mà sau này được Đức Giêsu thiết lập (Ga 20,22-23). Qua bí tích giải tội, con người được làm hoà với Thiên Chúa qua trung gian là vị linh mục, việc linh hướng cũng là một cách thức để người Kitô hữu tỏ bày những yếu đuối sai sót của mình. Đó là điều cần thiết, thế nên Giáo Hội “buộc các tín hữu phải thực hành ít là một lần trong một năm” (GL 989), riêng về các tu sĩ hay chủng sinh thì “khuyên xưng tội hay việc gặp các vị linh hướng là thường xuyên” (GL 719). Các nhà tu đức nói về sự thường xuyên đó có thể là một tuần một lần. Như thế khởi đi từ truyền thống của tiền nhân và được Giáo Hội tiếp nhận thành một cách thế để các tín hữu được giao hoà với Chúa, việc tỏ bày tâm hồn cho vị linh hướng là một điều hết sức cần thiết với người Kitô hữu nói chung và các đan sĩ nói riêng.

 

Vậy thánh Biển Đức nói tới vấn đề ấy như thế nào?

 

Hãy lấy lòng khiêm nhường mà thành thật bày tỏ cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín” (TL 7,44). Ở đây việc lột tả tâm hồn cho vị linh hướng không chỉ đơn thuần là một cách thế để người đan sĩ làm hoà với Thiên Chúa sau những sai lỗi mà đó còn là một cách thức thể hiện sự khiêm nhường nơi họ.

 

Thật vậy, đan viện là nơi tập hợp những con người có cùng chí hướng, cùng một mục đích là trở nên hoàn thiện theo gương Đức Giêsu, họ ở với nhau và ra sức nâng đỡ nhau cùng tiến trên con đường đến sự thiện hảo. Và việc tỏ bày cho vị linh hướng những yếu điểm của mình trước hết không gì khác là để người người tu sĩ được thong dong, được nhận lại những lời khuyên và đặc biệt là được vị linh hướng cầu nguyện cho. Sau nữa là để người đan sĩ nhận ra mình yếu đuối, bất toàn, không thể tự mình chu toàn luật Chúa hay những đòi buộc của đời tu mà nhất thiết phải cần đến ơn Chúa, cần đến sự giúp đỡ của những anh em cùng song hành với mình.

 

Nếu trên lý thuyết người ta có thể hiểu là thế nhưng trong thực tế đó là một vấn đề. Quả thật ngày nay có rất ít người đủ tài đức, có chiều sâu nội tâm và một tâm hồn luôn hướng về Chúa qua những người anh em, để họ săn sàng nâng đỡ, tìm mọi phương thế dẫn những người anh em đi trên đường tìm kiếm Đấng Thiện Hảo. Trái lại, vì một số lý do đặc thù, trong đời sống cộng đoàn đan tu trước hết viện phụ là vị linh hướng của cộng đoàn theo tu luật và sau nữa ngài có thể chọn một số người có khả năng, song tất cả những người ấy đều cùng ăn, cùng uống, cùng sống với nhau nên khó tránh khỏi việc lộ tẩy những yếu đuối của anh em đã tỏ bày với người ấy.

 

Việc linh hướng sẽ trở nên khó khăn vì những người được linh hướng không có đủ niềm tin, hay luôn có tâm thức vị kia cũng chẳng hơn mình, tại sao mình lại phải nghe họ? Nói như thế không phải để ta bó tay trước những vấn nạn sống như lời thánh phụ, chúng ta hãy lấy lòng khiêm nhường mà tỏ cho viện phụ tức là vị linh hướng những lỗi thầm kín và những ý muốn xấu xa. Nếu không có khiêm nhường, người đan sĩ với bản tính tự nhiên, chẳng thể tỏ bày cùng vị linh hướng điều thầm kín của mình được, bởi họ cũng là con người, cũng sợ có những lo âu, rắc rối, và thích được thong dong, thoải mái. Như thế, chính sự khiêm nhường là động lực thúc đẩy để người đan sĩ có đủ can đảm tỏ lộ cho vị linh hướng, có thể ví sự khiêm nhường như men rượu, nó làm người ta có đủ tự tin mà nói ra những lời khó nói trong lòng. Quả thật, sự khiêm nhường giúp người ta có đủ khả năng để làm điều đó, bởi người khiêm nhường luôn nhận thấy nơi mình sự yếu kém, đồng thời cũng thông cảm cho người khác vì họ cũng là phận người yếu đuối; sự khiêm nhường làm cho người ta hạ mình mà đón nhận những thứ hèn kém nhất và luôn tâm niệm rằng trước Thiên Chúa chính mình chỉ đáng được những thứ hèn kém đó.

 

Như thế, bí tích giải tội hay nói cách khác là việc thú nhận những lỗi lầm cho Chúa và làm hoà với Người qua trung gian vị linh mục được đặt nền tảng trên truyền thống của Cựu Ước và là bí tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Giáo Hội khẳng định tầm quan trọng và cần thiết của bí tích ấy đối với đời sống tâm linh của các Kitô Hữu, cách riêng với những người sống đời thánh hiến. Đặc biệt nơi thánh Biển Đức, bí tích giải tội không chỉ là phương thế để các đan sĩ làm hoà với Thiên Chúa mà đó còn là dấu chỉ của một tâm hồn khiêm nhường nhận biết thân phận yếu đuối bất toàn. Đan sĩ “bày tỏ với viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi lầm thầm kín” (TL 7,44) để mong ngài như vị lương y chữa lành những bệnh tật, yếu đuối; như vị thầy uyên thâm và từng trải chỉ cho học trò những cách thế vượt qua, dạy cho môn sinh những phương cách tu tập, để nhờ đó họ tiến nhanh trên con đường hoàn thiện và từng bước trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (Rm 8,29; Pl 3,10), đỉnh cao của đời người đan sĩ cần đạt tới.

 

 

 

 

ĐÓN NHẬN NGƯỜI KHÁC NHƯ ĐỨC KITÔ

 

 

M. Gioan Berchmans Nguyễn Chí Mỹ

 

Một lối sống riêng rẽ, tách biệt luôn làm cho nhiều người có cảm giác cô đơn, cô độc, trái lại, một người sống hòa đồng, hội nhập với cộng đồng luôn có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Quả vậy, con người khi sinh ra vốn đã mang nơi mình xã hội tính, tức luôn có những mối tương quan giữa mình với tha nhân, với thế giới. Vì thế, khi sống giữa xã hội loài người, hầu như ai cũng muốn được chia sẻ, được cảm thông và yêu thương.

 

Tuy nhiên, tính chất phức tạp nơi đời sống xã hội, cùng với tính cách khác biệt nơi từng cá nhân khiến cho nhiều người dễ rơi và tình trạng «cô đơn». Đời sống xã hội ngày nay đầy những lừa lọc, giả dối dần làm cho con người mất đi sự chân thành đối với tha nhân. Những ước ao đầy «bí ẩn» nơi mỗi cá nhân cũng khiến họ sống trong lo sợ, cố gắng che đậy tất cả những gì không tốt nơi bản thân. Những thực trạng trên đã mang đến những hậu quả khó lường. Đặc biệt, nó đã và đang làm cho nhiều người đóng khung cuộc sống của mình trong một môi trường riêng rẽ. Bậc khiêm nhường thứ năm nơi Tu luật thánh phụ Biển Đức như một «nút thắt» được mở ra để mỗi đan sĩ có thể mở lòng ra với Chúa và với tha nhân, chính việc tháo gỡ ấy sẽ giúp mỗi người lớn lên hơn nữa trong khi thực hành đức vâng lời.

 

Đời sống đan tu nơi các đan viện luôn thật an nhàn thư thái. Bất cứ một sinh hoạt nào nơi người đan sĩ đều chậm rãi, thong dong, không hồ hởi, vồ vập như những con sóng ngoài biển khơi, nhưng luôn êm đềm, nhẹ nhàng, một nhịp sống như thế. Thiết nghĩ mấy ông thầy chiêm niệm có lẽ là những người bình an nhất quả đất này! Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở khía cạnh khách quan thì không thể nào kiểm chứng được ai đó có thực sự bình an hay không. Bởi thực ra, đời sống cộng đoàn nơi mỗi đan viện cũng như một xã hội thu nhỏ, vẫn luôn có những khó khăn, những áp lực và bất an. Khi đã dấn thân vào đời sống đan tu chiêm niệm thì mỗi người đan sĩ đều sẽ phải đối diện. Trong đời sống cộng đoàn, với một khoảng thời gian sống chung, hầu như tất cả mọi vấn đề đều có thể tỏ lộ ra, tuy không phải là tất cả, nhưng với thời gian, chính bản thân mỗi người sẽ dần hình thành thói quen che đậy đi cách sống của mình, những cảm giác ngượng ngùng, mặc cảm tự ti đã vô tình tạo cho bản thân mỗi người hai khuôn mặt hoàn toàn khác nhau khi đối diện với tha nhân. Việc hình thành nên hai khuôn mặt trong cùng chính một cá nhân cho thấy con người ấy đang chịu rất nhiều áp lực từ mọi phía, có thể là từ chính bản thân mình và cũng có thể từ cuộc sống xung quanh, đã không ít người cố gắng che đậy đi những điều xấu, khiếm khuyết nơi bản thân, bởi việc làm này sẽ tạo nên một tấm khiên nhằm bảo vệ bản thân khỏi sự giòm ngó, khinh chê của người khác. Thái độ trên có thể giúp cho một số người tạm thời né tránh được những áp lực nơi đời sống cộng đoàn, giúp họ ở trong vùng an toàn, nhưng liệu đó có phải là một giải pháp hiệu quả, khi mà hành trình đời đan tu sẽ không chỉ ngày một ngày hai, nhưng là cả một đời người luôn phải gắn liền với đời sống chung.

 

Với những người sống ở đời, khi cuộc sống của họ gặp quá nhiều khó khăn, nhiều áp lực thì tâm lý của họ dễ rơi và tình trạng stress, còn với những người đan sĩ, những khó khăn gặp phải nơi đời sống đan tu không chỉ gây ra cho họ những căng thẳng về mặt tâm lý, nhưng còn dễ khiến cho tâm hồn họ trở nên khô cằn và trống rỗng. Thánh phụ Biển Đức đã mở ra cho các đan sĩ một con đường để thoát ra khỏi tình trạng trên, là bày tỏ tất cả mọi ý tưởng xấu xa của mình ra. Đây quả là một việc làm rất khó khăn, một nước cờ mà không mấy ai dám đi, bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến đời sống riêng tư của từng người, mà còn cả đời sống nội tâm cá nhân (tòa trong), nên thật khó để bất cứ một ai sẵn sàng tỏ lộ ra tất cả. Thánh Biển Đức có thể gây ra một sự lúng túng cho các đan sinh của mình, tuy nhiên, nếu tìm hiểu rõ nguồn gốc lời nhắn nhủ của Cha Thánh, sẽ biết được ngài đã nhắc lại đề tài của linh phụ Cassiano, đó là khi bày tỏ những tư tưởng xấu của mình ra, mỗi người sẽ hết bị chúng giam hãm, đây như là cách để chữa trị căn bệnh tâm hồn mà nhiều người đã và đang gặp phải. Tuy nhiên, với một bài thuốc có thể chữa trị được bách bệnh nhưng người dùng không uống thì bài thuốc ấy chẳng mang lại tác dụng gì trên người bệnh cả. Việc tỏ bày những tư tưởng xấu nơi bản thân ra cho người khác không bao giờ là việc dễ dàng, may chăng việc chia sẻ ấy chỉ diễn ra đối với một số người bạn, anh em gần gũi, thân quen thôi, mặc dù rất hạn chế, nhưng đối với viện phụ, thì vấn đề này quả rất khó khăn.

 

Ở chương năm của Tu Luật, Cha Thánh đã trình bày «viện phụ là người đại diện Chúa», nên mỗi khi người đan sĩ vâng phục viện phụ thì cũng đang vâng phục chính Chúa Kitô. Mặc dù vậy, khi nhìn dưới phương diện con người, nhiều người vẫn cho rằng viện phụ cũng chỉ là con người thôi, nên chẳng mấy ai dám gửi gắm tất cả sự tin tưởng nơi người mà mình đã bầu lên làm bề trên. Ngày xưa, viện phụ được bầu lên và làm công việc ấy cho đến khi mãn đời, ngày hôm nay đã bỏ luật ấy, một nhiệm kỳ ngày nay chỉ có sáu năm, nên cũng khiến cho không ít các đan sĩ có thể chân thành chia sẻ hết những gì mà đời sống thiêng liêng mình đang phải đối diện. Vấn đề ở đây không chỉ nơi người đan sĩ mới gặp những khó khăn khi phải cố gắng tìm một người để chia sẻ đời sống nội tâm, nhưng ngay cả viện phụ cũng gặp không ít những khó khăn khi đối diện với đời sống thiêng liêng của con cái mình, vì rất dễ bị lẫn lộn giữa tòa trong và tòa ngoài khi ngài thi hành chức vụ của mình. Vì vậy, thánh Biển Đức đòi hỏi nơi viện phụ rất nhiều đức tính, viện phụ không chỉ là một con người nhân ái, tha thứ, mà còn là người khơi dậy nơi anh em niềm hy vọng chứ không phải là nỗi thất vọng.

 

Bậc khiêm nhường thứ năm dường như nhấn mạnh nhiều về viện phụ hơn là những đan sinh, tuy nhiên, có một sự liên hệ ở đây, mỗi một đan sinh cũng chính là viện phụ trên chính cuộc đời mình, một thái độ cởi mở và đón nhận người khác luôn là điều Cha Thánh muốn nhắn gửi tới các đan sinh. Qủa thật, nơi cuộc sống này, bất cứ ai cũng đều cần được chia sẻ, cảm thông, nhưng muốn làm được điều đó đòi hỏi phải có lòng khiêm tốn chân thành, tuy nhiên, nếu chính bản thân của mỗi người chưa thực sự khiêm tốn thì lấy gì để người khác có thể tin tưởng tìm đến và mở lòng. Thái độ đón nhận người khác nơi chính mỗi người sẽ không chỉ giúp mỗi người ngày càng trở nên giống hình ảnh của Đức Kitô, nhưng còn có thể giúp người anh em của mình lớn lên trong đức khiêm nhường, một hình ảnh rất dễ thấy nơi Đức Kitô khi Ngài đối thoại với những người tội lỗi là một thái độ cởi mở, đón nhận người khác, bất kể người ấy đang ở cương vị nào, hay tình trạng sống như thế nào, và đặc biệt, hầu như trong tất cả những cuộc đối thoại ấy, đều có sự biến đổi.

 

 

 

KHIÊM NHƯỜNG -

CỬA NGÕ CHO NGƯỜI ĐAN SĨ ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA

 

 

 M. Henrico Nguyễn Văn Hoàng

 

Cổ nhân đã từng nói: “Kẻ nào giàu có nhân đức mà thiếu đức Khiêm nhường thì cũng giống như người cầm nắm cát đứng trước gió”. Khiêm nhường đích thực bao giờ cũng bao hàm sự cẩn trọng và khôn ngoan để hành xử công việc, và nhất là giúp chúng ta biết cách tránh khỏi những cạm bẫy của cuộc đời. Như vậy, theo truyền thống, khiêm nhường là đức tính đầu tiên trong các đức tính và là cửa ngõ dẫn vào đời sống tâm linh. Và giống như tất cả mọi điều khác, cách bắt đầu của sự khiêm nhường thì khó diễn tả hơn là khi đã đạt đến kết quả mong muốn. Vì thế mà thánh Biển Đức muốn nhắn gửi tới những người con của ngài qua bậc khiêm nhường thứ V là lấy lòng khiêm tốn mà thành thật tỏ bày cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín…” (Tl 7,44). Qua đây người viết xin được trình bày sự hiểu biết của mình về bậc khiêm nhường thứ V này.

 

Chúng ta đang sống giữa cảnh đời tranh đua xua nịnh, thực dụng, đề cao chủ nghĩa cá nhân và lấy những giá trị trần thế làm thước đo, thì đời sống đan tu là một “dấu chấm hỏi” cho con người thời nay. Hơn ai hết, các đan sĩ đang làm chứng một điều trái ngược với hiểu biết và sự kiếm tìm một đời sống khiêm nhường. Khi bước vào đời đan tu, người đan sĩ dám đánh đổi tất cả để bước theo Đức Kitô cách triệt để hơn; đồng thời kiến tạo một cuộc sống thanh thoát, tự do và hiệp nhất. Đàng khác, sự hiện diện của người đan sĩ đã toát lên lời chứng hùng hồn: thế gian này chưa phải là tất cả, nhưng còn đó hạnh phúc vĩnh cữu mà Thiên Chúa đang gọi mời. Vì thế, khi nói đến khiêm nhường đối với những người chập chững bước vào đời tu thật là cam go, có cảm tưởng như một nốt nhạc trái khuấy trong bản hòa âm. Óc cầu tiến, cầu toàn, khiến chúng ta muốn vươn vượt hơn người khác, khó mà chấp nhận vâng phục để người khác dẫn đi. Có khi chúng ta vì không hiểu được giá trị của khiêm nhường nên chúng ta cho vâng phục là hèn hạ, đáng khinh chê.

 

Như vậy, khiêm nhường là có một cái nhìn thật về mình, dù các khả năng, các ơn và các phẩm chất được Chúa ban và nỗ lực cá nhân để đạt được. Đó là nhận biết các ơn thể lý hay thiêng liêng là những ơn mà chúng ta chỉ là người được ký gởi, người quản lý hay người mắc nợ. Vì thế, chúng ta chỉ làm bổn phận của mình, chúng ta chỉ là “người tôi tớ” bình thường hay vô dụng (x. Lc 17,10). Vấn đề không phải xem đây là đánh giá thấp hay không thấp các giá trị của chúng ta, nhưng là học để đặt mình vào đúng chỗ của mình dưới cái nhìn của Đấng đã cứu và soi sáng chúng ta. Đó chỉ là phần chúng ta với tất cả giá trị và ơn đã được ban cho chúng ta. Ở trong sự thật khiêm nhường này sẽ dạy, để chúng ta không đi vào con đường phù phiếm, danh vọng hảo, nịnh hót, ảo tưởng, nghĩ mình ở trên cao hay dưới thấp. Người khiêm nhường biết mình có khả năng tốt cũng như xấu. Đó là lý do vì sao đức khiêm nhường giúp người đan sĩ nhận biết các giới hạn, các yếu kém, sự bất lực và thiếu hiểu biết của mình. Đây là một trong các định nghĩa cơ bản của các giáo phụ: “Một người biết được điểm yếu của mình là họ đã chạm đến sự toàn hảo của đức khiêm nhường.”

 

Bởi thế, khi người đan sĩ ý thức được mọi ân sủng đều bắt nguồn từ Chúa, nên người đan sĩ luôn một lòng khiêm nhường không trông vào sức mình, mà cậy vào sức Chúa và luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra ơn huệ Chúa ban trong mọi hoàn cảnh. Nhất là khi những điều xảy đến, theo lẽ thường, là những điều chúng ta không mong đợi, thậm chí còn chán ghét khi phải như gặp bệnh tật, thất bại, bị hiểu lầm…Với tâm tình đó, người đan sĩ phải khiêm nhường chờ đợi và đón nhận tất cả từ nơi Thiên Chúa, đồng thời tìm cách thể hiện lòng tri ân cảm mến bằng việc dấn thân phục vụ anh em với lòng khiêm nhường.

 

Qua đây, thánh Biển Đức nhấn mạnh tới sự khiêm nhường, được xây dựng trên việc bắt chước Chúa Kitô, Ngài không đến để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai mình. Tuy nhiên, để có thể khiêm nhường suốt cả cuộc đời thì người đan sĩ phải thấm nhuần bằng tình yêu. Như vậy, ta có thể kết luận rằng, đối với thánh Biển Đức, không thể có khiêm nhường đích thực nếu không có tình yêu. Vì thế, khiêm nhường cũng như vâng phục không hề là tự hạ giá mình, tự hủy diệt bản thân. Nhưng khiêm nhường là để Chúa lớn lên nơi mình, để Ngài dần dần hiện diện tràn đầy trong cuộc sống của mình.

 

Vì vậy, đối với thánh Biển Đức, khiêm nhường không đè bẹp chúng ta, nhưng làm cho chúng ta lớn lên. Tuy chẳng theo cách của con người. Vì điều làm cho chúng ta ta lớn lên, điều giúp chúng ta tiến tới mức sung mãn của nhân tính, đó là sự kiện Thiên Chúa đến cư ngụ nơi chúng ta. Có thể nói đây là sứ điệp quan trọng nhất thánh Biển Đức muốn gửi đến cho người đan sĩ trong bậc khiêm nhường thứ năm này: tùy theo thái độ đón nhận của mình mà chúng ta có thể giúp người anh em lớn lên trong đức khiêm nhường.

 

 

 

HÃY BƯỚC RA BÓNG TỐI ĐỂ NHÌN THẤY ÁNH SÁNG

 

M. Matthia Nguyễn Văn Khoa

 

Con người thường sống nhân tính theo cách của mình mà ít để ý đến xung quanh. Câu nói “nhân tri sơ tính bổn thiện” của Mạnh Tử, “nhân tri sơ tính bổ ác” của Tuân Tử cho thấy trong con người tồn tại hai chiều hướng thiện ác. Tính thiện tính tốt đại diện cho ánh sáng, tính ác nết xấu tượng trưng cho bóng tối đang ẩn mình nơi mỗi người. Chúng không bổ túc nhưng luôn muốn triệt tiêu nhau, có lúc cái thiện sẽ thắng cái ác, cũng có khi cái xấu sẽ thắng lại cái tốt. Thánh Biển Đức đã nhìn rõ vấn đề này và mời gọi các môn sinh thoát khỏi thế giới bóng tối qua lời khuyên nhủ: “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà thành thật tỏ bày cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín” (TL 7,44). Tư tưởng sai lầm sẽ dẫn đến những hành động sai trái, ngài muốn các đan sĩ phải biết nhìn nhận những vấn đề nơi nội tâm và tìm cách chữa lành để có hướng đi đúng. Phương dược chữa lành tốt nhất chính là tỏ bày cùng viện phụ, người đại diện Chúa trong cộng đoàn. Ngài có những phương cách giúp thoát khỏi bóng tối của tội lỗi và hướng chúng ta đi tới ánh sáng của Tin Mừng.

 

Qua quan điểm “tốt khoe xấu che”, bày tỏ một cái gì đó không tốt nơi mình cho người khác biết là một điều ngu ngốc tệ hại. Tỏ bày cho người có quyền hành thì khó lại càng khó, nếu muốn thì có thể tâm sự cho những người thân thiết vì họ không làm phương hại đến mình. Điều đó có đúng không? Với cái tốt cái thiện thì lại muốn phô bày, càng nhiều người biết càng tốt để họ cảm mến và kính trọng ta hơn. Cha Thánh không nhìn dưới khía cạnh này, tuy ngài thấy nơi viện phụ có một số ngăn trở để mỗi người không muốn đến gặp ngài. Nhưng hơn thế ngài nhìn nơi viện phụ con đường đi tới ánh sáng, ánh sáng này sẽ đẩy lui những ngăn trở đó để các đan sĩ hướng về phía trước. Vậy ánh sáng này được nhìn dưới khía cạnh nào? Viện phụ có quyền trên cộng đoàn, nhưng không phải là một quan tòa hay người xét xử. Chính ngài là hình ảnh của Chúa Kitô với lòng yêu thương bao dung. Cha Thánh khuyên mọi người hãy đến thành thật tỏ bày những tư tưởng xấu xa thầm kín. Ngài đã không cho viện phụ quyền xét xử, nhưng là thực hành bổn phận của một người dẫn dắt cộng đoàn: “Ngài đã nhận việc hướng dẫn các linh hồn, thì tất nhiên phải trả lẽ về các linh hồn ấy” (TL 2,34). Ngài đã được lãnh nhận sự khôn ngoan hiểu biết, ơn phân định các Thần Khí hay những định hướng thiêng liêng giúp con cái mình nên trọn lành nơi Chúa Thánh Thần. Là người đại diện Thiên Chúa, ngài  được hội tụ đầy đủ những khía cạnh trên, nên rất thích hợp cho những việc hướng dẫn tinh thần và đời sống tâm linh cho các đan sĩ. Ngài sẽ dẫn lối những ai tìm đến con đường bước tới ánh sáng, mọi trở ngại của đời sống đan tu sẽ được giải quyết một cách hiệu quả. Hơn nữa, ngài là một người cha luôn muốn những điều tốt đẹp nhất đến cho con cái, không muốn cho con cái mình phải chịu vất vả, tổn thương. Kinh Thánh nói: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,11-13). Cha thánh Biển Đức là người thông thạo Thánh Kinh đã áp dụng vào thực tế, ngài mời gọi các đan sĩ phải đến tìm gặp viện phụ để ngài giúp tiến triển hơn trên con đường thiêng liêng.

 

 Với đời sống thiêng liêng, Cha Thánh đã không bỏ sót một khía cạnh  nào. Ngài đã nêu ra các vấn nạn làm cho người đan sĩ ngày càng xa rời Thiên Chúa, ngài còn tìm ra các phương cách để hướng dẫn và chữa trị các linh hồn đó. Bậc khiêm nhường thứ năm cho thấy những ý tưởng xấu xa và những lỗi thầm kín phải được loại bỏ ngay từ đầu, không để cho nó triển nở trong tâm trí. Không cho nó có môi trường thuận lợi phát triển, để rồi đưa đến hành động xấu cho bản thân và cho cả cộng đoàn. Đã là người, ai cũng có những tư tưởng và lỗi thầm kín, việc chia sẻ những lỗi ấy cho người hướng dẫn đàng tâm linh là rất cần thiết, vì “tư tưởng không thông đeo bình bông cũng nặng” (Tục ngữ). Khi các vấn đề nội tâm được giải quyết, nó không còn là nguyên nhân xâu xé tinh thần và phá vỡ bình an nữa. Vì thế, các đan sĩ luôn được mời gọi phải bước ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình, thoát khỏi những tư tưởng xấu đang kìm hãm linh hồn mình. Nhiều lúc tìm gặp những bề trên trong cộng đoàn để được hướng dẫn thiêng liêng rất khó, nhưng mỗi người phải từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực đó để đến gặp họ nhất là viện phụ. Bóng tối nếu không có ánh sáng soi dẫn thì chắc chắn sẽ không thể thoát ra: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Hình ảnh hai anh mù đã cho thấy điều đó.

 

Vậy, khi đã rơi vào bóng tối thì cần phải làm gì? Hãy xác định lại mục tiêu ban đầu phải tỉnh táo để nhận ra và quay lại. Chính mỗi người cũng hãy là viện phụ cho chính mình trước để tự mình đào luyện mình trong tinh thần của Tu Luật. Tự mình trưởng thành trong đức tin, đức cậy, đức mến, để con đường mình đi được vững vàng hơn. Nhưng dù sao, vẫn cần có một người hướng dẫn nữa. Vì trong đời sống đan tu không ai đi một mình, vì “không ai là một hòn đảo” như nhà tu đức Thomas Merton đã nói. Đời sống cộng đoàn là phải đi cùng nhau, phải xây dựng những bức tường kiên cố để không có thế lực đen tối nào có thể lật đổ được. Ngài đã cho các đan sĩ thấy viện phụ là người cha tốt trong cộng đoàn, ngài có toàn quyền trên mọi việc nhưng ngài không được lấy quyền đó mà xử tệ với anh em. Ngài dùng tất cả những gì mình có mà phục vụ, chăm sóc, dạy dỗ và làm triển nở thể chất lẫn đời sống nội tâm của mọi người. Nội tâm đó được xem là một căn nhà, trong đó có biết bao đồ dùng, nếu không biết cách sắp xếp thì căn nhà đó sẽ lộn xộn không ngăn nắp. Nhưng nếu có sự tinh tế, căn nhà nhỏ trở thành nơi ở lý tưởng cho chúng ta. Vì vậy, sự thành thật trong nội tâm là điều quan trọng nhất. Đã có người tìm đến viện phụ không phải vì lợi ích tinh thần mà vì tư lợi cá nhân trần thế. Họ dùng những lời giả dối nói xấu các đan sĩ khác để được lợi cho mình. Chúng ta là đan sĩ thực thụ, phải tự thắng vượt được những tư tưởng và hành động gây chia rẽ đó để mang lại lợi ích tốt đẹp cho cộng đoàn. Được sự thật soi chiếu, mỗi người sẽ nhận ra mình là hình ảnh Thiên Chúa, được Ngài mời gọi sống cuộc đời công chính cả trong tư tưởng lẫn hành động.

 

Với cuộc sống xô bồ của thời đại hôm nay, tính thiện ngày càng bị che lấp bởi cái xấu, cái ác. Chúng đã, đang len lỏi vào đời sống cộng đoàn và ảnh hưởng lớn đến đời sống tu trì. Những tư tưởng xấu xa và những lỗi thầm kín đó nếu in hằn trong người đan sĩ, nó sẽ làm cho đời sống cộng đoàn có những ngăn cách ngày càng lớn. Chúng ta là những người đan sĩ sống theo luật Thánh Biển Đức, hãy trở về với lời chỉ dạy của Cha Thánh để trở nên con người mới sống đúng giá trị và mang lại hoa trái tốt cho Giáo hội. Qua bậc khiêm nhường này, trước hết mỗi đan sĩ hãy biết phân định hoa trái nào là của Chúa Thánh Thần và hoa quả nào là của ma quỷ. Thứ hai, phải biết chạy đến viện phụ với tất cả sự thành thật để ngài giúp sức vượt qua các trở ngại khó khăn trong đời sống. Thứ ba, phải biết sửa đổi lỗi lầm của mình mỗi ngày để nên trọn lành hơn. Thứ tư, hãy luôn đồng hành cùng cộng đoàn trong mọi sự theo ý Thiên Chúa chứ không phải theo ý riêng. Mỗi người hãy bước ra bóng tối để nhìn thấy ánh sáng, chân nhận được giá trị mà mình đang theo đuổi là tính chân thiện mỹ mà Thiên Chúa đã và đang mời gọi chúng ta hướng tới.

 

 

 

“TỎ BÀY” – HÀNH ĐỘNG TIN TƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI BẠN

 

M. Hieronymo Nguyễn Đức Hạnh

 

Tình bạn là một trong những tài sản cao quý và thiêng liêng nhất mà con người có được trên trần thế này. Một tình bạn chân thành đem lại cho người ta niềm vui trong những lúc buồn sầu, sự trợ giúp khi gặp khó khăn và sự an tâm trong cuộc sống như tác giả sách Huấn Ca đã khẳng định: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế là gặp được kho tàng” (Hc 6,14). Trong Kinh Thánh, chúng ta bắt gặp không ít những tình bạn như thế, như: tình bạn giữa vua David và Jonathan; tình bạn giữa Tobia và thiên thần Raphael; đặc biệt hơn chính là tình bạn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ như lời Người nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15). Vậy, đặc tính của một tình bạn tri kỷ đó là sự chân thành và niềm tin tưởng, để từ đó mỗi người chúng ta có thể “tỏ bày” những điều bí nhiệm trong lòng mình cho người đối diện biết. Như thế, đến đây chúng ta có thể phần nào hiểu rõ hơn dụng ý của cha thánh Biển Đức, khi ngài yêu cầu các môn sinh của mình phải “khiêm nhường mà thành thật tỏ bày mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín” của mình cho viện phụ trong bậc khiêm nhường thứ năm (TL 7,44).

 

Thật vậy, ngay từ đầu chương hai của Tu Luật, thánh Biển Đức đã minh định rằng: “Viện Phụ là người thế vị Chúa Kitô trong Đan Viện” (TL 2,2); hay nói cách khác, viện phụ chính là hình ảnh hữu hình của Chúa Kitô trong đan viện để coi sóc linh hồn anh em. Vì thế, khi tỏ bày tình trạng linh hồn mình với viện phụ, người đan sĩ phải xác tín một điều là họ không chỉ đang nói với viện phụ, nhưng là đang tỏ bày trực tiếp cùng Chúa Giêsu Kitô qua ngài như lời Kinh Thánh: “Con hãy bộc lộ với Chúa đường lối con đi và trông cậy nơi Ngài” (Tv 36,5). Còn gì tuyệt vời hơn! Có người bạn nào khôn ngoan, quyền năng và trung tín hơn người bạn Giêsu? Có điều gì mà Người không biết? Có việc gì mà Người không làm được? Có ai xứng đáng hơn Người để chúng ta có thể tin tưởng tỏ bày tất cả những điều thầm kín, đặc biệt là những tội lỗi, những khuyết điểm đã cắm rễ thâm căn trong linh hồn mình? Chính vì thế, Vịnh gia đã khuyên dạy ta rằng: “Bạn hãy tin tưởng vào Chúa, trước mặt Người hãy thổ lộ tâm can” (Tv 62,8).

 

Sau khi đã minh định như thế, chúng ta cùng quay lại với giáo huấn của thánh phụ Biển Đức: “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà thành thật tỏ bày cùng Viện Phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín” (TL 7,44). Qua lời dạy, chúng ta nhận ra được hai chiều kích: thứ nhất, người đan sĩ phải ý thức được những tư tưởng xấu đột nhập vào mình và những lỗi thầm kín đang ẩn nấp trong con người mình. Thật vậy, cuộc đời người Kitô hữu nói chung và của các đan sĩ nói riêng là một cuộc chiến đấu thiêng liêng liên lỉ với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Kẻ thù không ngừng lợi dụng những yếu đuối của tính xác thịt nơi mỗi người để gieo vào lòng họ những tư tưởng xấu như: xét đoán, nóng giận, oán ghét hay ham muốn bất chính...; nó không thể bắt chúng ta phạm tội, nhưng nó có thể cám dỗ chúng ta làm điều đó. Chính vì thế, chúng ta phải luôn “sẵn sàng tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ” như lời Chúa dạy (Mc 14,38). Nhưng tỉnh thức như thế nào? Thưa, đó là phải giữ một đời sống nội tâm. Người đan sĩ phải là một người sống nội tâm, nghĩa là luôn luôn hướng ánh nhìn vào trong mình, để có thể nhận ra mỗi tư tưởng cũng như hành động của mình có đi theo đường lối Chúa, hay là đang bị ma quỷ dụ dỗ mà hướng chiều về điều xấu. Hay ít ra, mỗi ngày chúng ta có hai thời khắc để xét mình vào buổi trưa và tối, chúng ta phải tận dụng tốt thời gian này để suy xét lại thật kỹ lưỡng từng tư tưởng cũng như hành vi của mình trong ngày sống, nhờ đó chúng ta mới có thể dễ dàng nhận ra những mưu chước của kẻ thù.

 

Khía cạnh thứ hai, mặc dù đã tỉnh thức và canh phòng cẩn thận, nhưng với sự yếu đuối của bản tính con người, chúng ta phải chân nhận rằng sẽ luôn có những tư tưởng đen tối len lỏi vào tâm trí nhằm xúi dục ta làm điều xấu. Chúng ta không thể trốn tránh, cũng không được che đậy chúng; trái lại, phải chiến đấu chống lại những xu hướng xấu ấy bằng cách tỏ bày nó ra với viện phụ, bởi vì thánh Tông Đồ dạy rằng: “Tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra, mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng” (Ep 5,13-14). Hành động “tỏ bày” được ví như việc chúng ta vạch trần những âm mưu đen tối của kẻ thù để cho ánh sáng Chúa chiếu soi vào trong đó. Như thế, những mầm mống xấu của sự chết sẽ không còn đất để bén rễ trong tâm tâm hồn chúng ta, vì ma quỷ thường yêu thích những tâm hồn gian dối, nhưng sợ hãi những tâm hồn ngay thẳng. Ngoài ra, “tỏ bày” còn là hành động thể hiện sự tin tưởng phó thác của một người con đối với cha mình. Viện phụ chính là một người cha thiêng liêng trong cộng đoàn; đồng thời đó cũng là hành động tin tưởng giãi bày đối với người bạn Giêsu, vì chính Người đang hiện diện và hoạt động trong viện phụ. Như vậy, trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, hành động “tỏ bày” chính là khí giới rất hữu hiệu để chống lại những cuộc tấn công của ba thù, và đón nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa qua những lời khuyên nhủ của viện phụ.

 

Tuy nhiên, có một trở ngại lớn khiến chúng ta khó lòng mở lòng ra để tỏ bày những điều kín ẩn trong lòng cho viện phụ, đó là sự thiếu đức tin nơi chúng ta. Thật vậy, chúng ta không có đủ đức tin để có thể nhận ra bàn tay của Thiên Chúa hành động nơi viện phụ. Ngoài ra, còn có những khuyết điểm, những thiếu sót nơi con người viện phụ cũng khiến cho các đan sĩ cảm thấy khó chấp nhận mà mở lòng ra với ngài, bởi vì ngài cũng mang thân phận con người. Do đó, cha thánh Biển Đức đòi buộc các đan sĩ của ngài phải “lấy lòng khiêm nhường” mà tỏ bày với viện phụ; bởi vì chính thánh Tông Đồ đã làm chứng cho ngài rằng: “Trong Đức Kitô, chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa để xử sự với anh em” (2Cr 13,4b).

 

Như vậy, qua lời dạy của bậc khiêm nhường này, cha thánh Biển Đức muốn các đan sĩ của ngài từng bước đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, đó là mối tương quan Cha – con, bạn hữu. Mối tương quan này được cụ thể hoá qua mối tương quan giữa mỗi đan sĩ với viện phụ, bởi vì ngài là hiện thân của Thiên Chúa để chăm sóc linh hồn anh em. Để đi vào trong mối tương quan này, các đan sĩ phải có lòng tin tưởng và phó thác cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa mà tỏ bày những điều kín ẩn trong lòng, đặc biệt là những tư tưởng xấu và những lỗi thầm kín trong lòng mình cho viện phụ; để qua ngài, họ nhận được ân sủng và sự trợ giúp cần thiết hầu có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu với ba thù.

 

 

 

SÁM HỐI ĐỂ CANH TÂN

                                                 

M. Ga. Kim Khẩu Nguyễn Thế Tiến

 

Cuộc sống luôn ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu và bất ngờ, song cũng tồn tại những nghịch lý và mâu thuẫn. Con người dễ dàng nhìn ra những lỗi lầm của người khác nhưng lại rất khó để nhận thấy những yếu kém nơi bản thân. Hiểu được điều này, thánh phụ Biển Đức dạy các môn sinh của mình trong bậc khiêm nhường thứ năm rằng: “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà thành thật tỏ bày cùng Viện Phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi lầm thầm kín”, lại rằng: “Con hãy xưng thú với Chúa vì Ngài nhân lành, vì lượng từ bi Ngài tồn tại muôn đời” và ngôn sứ cũng nói: “Bởi thế con đã xưng tội con ra với Ngài, con chẳng giấu Ngài về lỗi lầm của con” (TL 7,44-48). Vậy việc “tỏ bày” này mang lại lợi ích gì và những phương thế nào để giúp các đan sĩ thực hiện được điều ấy?

 

Đối với thánh Biển Đức, cuộc đời người đan sĩ là một sự trở lại liên tục trong sự sám hối. Sám hối chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống đan tu. Thánh phụ Biển Đức nói về sự cần thiết của việc sám hối sửa sai như sau: “Hằng ngày, trong giờ cầu nguyện hãy khóc lóc than van. Xưng thú với Chúa lỗi lầm trong quá khứ. Rồi sửa chữa những lỗi lầm ấy” (TL 4,57-58). Cuộc đời người đan sĩ được ví với đời sống các thiên thần (vita angelica), tuy nhiên người đan sĩ cũng là một con người có thân xác, có những giới hạn và có khả năng phạm tội như mọi người. Vì vậy, thánh Biển Đức khuyên phải năng dùng phương dược của Bí tích Giải tội để người đan sĩ “trở về với Đấng mà con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân” (TL, Lời mở 2). Xưng thú tội lỗi của mình với viện phụ hoặc cha linh hướng mang lại những lợi ích lớn lao cho người đan sĩ.

 

Xưng thú tội lỗi của mình để được đón nhận ơn tha tội. Đó cũng chính là cảm nghiệm của Vịnh gia khi nói: “Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng dấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: Nào ta đi thú tội với Chúa và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (TV 31,5). Thật ra, “một mình Chúa có thể dẫn dắt ta; nhưng để ta khiêm nhường hơn, Người muốn ta suy phục các đấng thay mặt Người và tùy quyền các đấng ấy” [1]. Thánh Giacôbê tông đồ đã khuyên các tín hữu: “Anh em hãy xưng tội lỗi với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát” (Gc 5,16). Và trong buổi gặp gỡ chung 8.000 tín hữu và du khách hành hương ngày 3 tháng 1 năm 2018 tại đại thánh đường Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nói như sau: “Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng chỉ ai thừa nhận các lỗi lầm và xin lỗi, mới nhận được sự cảm thông và tha thứ của người khác”. Vì vậy, việc xưng thú tội lỗi với nhau là dấu chỉ của lòng thống hối và sự thống hối là điều kiện để lãnh nhận sự tha thứ.

 

Hơn nữa, việc xưng thú tội lỗi của mình với các vị đại diện Chúa cũng giúp các đan sĩ không sợ lạc đường và thất bại. Vì lòng tự ái, con người ta dễ xét đoán một cách thiên lệch về mình, việc mình thì quáng nhưng việc người lại sáng. Vì vậy, việc “tỏ bày” cùng các bậc khôn ngoan là rất cần thiết. Nhờ phương thế này, các vị đại diện Chúa sẽ tìm ra các căn nguyên tội lỗi, khuynh hướng, thói quen xấu của người đan sĩ, để giúp họ phương dược chữa trị và chiến thắng. Mặt khác, việc “tỏ bày” này cũng giúp các đan sĩ lâu phạm tội lại hơn, thánh Ioannes Chrysostomus khẳng định: “Ai lên án tội lỗi của mình đã phạm, sẽ lâu sa ngã lại hơn”[2]. Như thế, xưng thú tội lỗi của mình là việc rất cần thiết trên con đường thiêng liêng, và để có thể “tỏ bày” với các vị đại diện Chúa một cách thành thật và cởi mở thì người đan sĩ cần có những điều kiện nhất định.

 

Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự thành thật. Người thành thật thì ngay thẳng trình bày tất cả điều xấu cũng như điều tốt, không lẩn trốn, quanh co; họ luôn hồn nhiên như trẻ thơ. Nếu sống trong sự chân thật thì chúng ta sẽ được giải phóng (x. Ga 8,32) khỏi cái “người lớn” đầy mưu mô, kế hoạch, rào trước đón sau, điều mà đại đa số con người ngày nay đã đang mắc, tích lũy vào khối óc và con tim của mình. Không phải chỉ có loài rùa mới có mu cứng và khi gặp khó khăn thường ẩn mình dưới cái “mu an toàn” đó. Con người cũng có khuynh hướng tự vệ tương tự. Những tập quán, thói quen, nếp sống, lối suy nghĩ là thứ “mu rùa” con người tự tạo cho chính mình để được sống an toàn. Nếu suy nghĩ một cách can đảm, ta sẽ thấy mình có quá nhiều „màu áo“, quá nhiều diện mạo mỗi khi tiếp xúc với người khác; ít ai dám đương đầu với sự thật về chính mình. Vì nếu sống chân thành, chúng ta sẽ nhận ra một thân phận nghèo nàn, xơ xác, tội lỗi của chính mình. Thiên Chúa cần một ý thức về thân phận như thế, vì chỉ khi con người chân nhận và tỏ lộ ra thân phận lấm lem ấy, thì Thiên Chúa mới vén mở tấm màn che dung nhan của Ngài. Như vậy, sự thành thật là điều kiện đầu tiên trong sự “tỏ bày” này, nhưng cũng không thể thiếu một yếu tố nữa quan trọng không kém, đó là sự tuân phục.

 

Một khi có sự tuân phục thì người đan sĩ sẽ dễ dàng tin nhận chính Chúa nơi các vị đại diện mà Chúa đã đặt để hướng dẫn linh hồn mình (x. TL 2,2). Được như thế, người đan sĩ sẽ hoàn toàn tuân phục tất cả những điều ngài giáo huấn. Muốn vậy, người đan sĩ phải luôn khiêm tốn, hoàn toàn đặt niềm tin tưởng nơi Chúa qua các vị đại diện; không những phải dễ dàng tuân theo lời chỉ dẫn khôn ngoan, mà còn sẵn sàng chấp nhận tất cả những lời sửa chữa hay quở trách nghiêm khắc nữa (x. TL 7,35). Như vậy, người đan sĩ càng trở nên giống trẻ thơ với một lòng chân thật và vâng phục bao nhiêu thì càng mau chóng đạt tới đích thánh thiện bấy nhiêu. Vì chỉ có tâm hồn trẻ thơ mới đáng được Chúa chúc phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa” (Mt 5,8).

 

Tóm lại, biển học là mênh mông, sự đời thì vô tận nhưng sự hiểu biết của con người thì có giới hạn. Nếu một người dù có thông minh đến đâu cũng không thể nắm hết được mọi kiến thức của nhân loại. Nhận biết giới hạn của mình, người đan sĩ càng khiêm nhường hơn. Sự hạn chế nơi con người thường chỉ thấy mặt tiêu cực của người khác để phê bình, chỉ trích mà ít hiểu tâm tính của chính mình để hối cải. Qua nấc thang thứ năm của bậc khiêm nhường, thánh phụ Biển Đức muốn các đan sĩ hãy khiêm nhường nhận ra những yếu kém của bản thân qua việc “tỏ bày” với các vị đại diện Chúa một cách đơn sơ, thành thật và tuân phục. Chỉ như thế, người đan sĩ mới không ảo mộng và bị ma quỷ lừa dối làm lạc hướng, chán nản và thất vọng.

 

 

 

ĐAN SĨ - NGƯỜI NGỒI BÊN CHÂN CHÚA

                                                                                

M. Alberico Nguyễn Văn Bình

 

Trình thuật Tin mừng (Lc 10,38-42) thuật lại câu chuyện: Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bào nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Hãy dừng lại ở hành động của Maria xem cô đã làm gì?

 

Chính Maria đã chọn phần tốt nhất, cô đã hành động khôn ngoan khi chạy đến bên chân Chúa để nghe lời Người dạy, “lời lẽ ôn hòa của bậc khôn ngoan được lắng nghe trong yên lặng, mạnh hơn cả tiếng quát tháo của kẻ chỉ huy” (Cn 9,17). Nhờ đến với Chúa, cô tìm được nguồn lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Một điều dễ nhận thấy nơi Maria là người sống nội tâm, cô thích được nghe về sự huyền nhiệm của Thiên Chúa, hơn là phải lo lắng sự đời.

 

Trong bậc khiêm nhường thứ năm, thánh Biển Đức dạy: “Lấy lòng khiêm nhường mà thành thật tỏ bày cùng Viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi lầm thầm kín”. Thành thật tỏ bày cùng viện phụ, phải chăng thánh Biển Đức muốn đặt lòng khiêm nhường đi trước?

 

Vì chúng ta chỉ là thụ tạo thấp hèn, còn Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, chúng ta chỉ biết trông chờ vào hồng ân Thiên Chúa ban cho. Các nhà tu đức cho rằng: “Khiêm nhường là mẹ các nhân đức”. Nếu chúng ta biết sống trong sự khiêm nhường chúng ta sẽ có thể chinh phục mọi nhân đức khác. Sự khiêm nhường là vũ khí tạo nên thành công trong cuộc sống, là cội nguồn của những điều tốt đẹp. Thánh Augustino nhận định: “Không gì cao trọng bằng đức mến, nhưng duy chỉ có đức khiêm nhường mới duy trì được đức mến”. Vì thế, trong mỗi bậc khiêm nhường, thánh Biển Đức đòi hỏi các môn sinh bỏ đi những sự ham muốn bên ngoài, gia tăng vào đó những nhân đức cần thiết để mỗi ngày tiến bộ hơn trên con đường nhân đức.

 

Upanisad là một giáo lý cao siêu và bí nhiệm, có địa vị số một trong cả địa hạt tôn giáo lẫn triết học của Ấn giáo, như chính tiếng nói ấy đã nói lên. Upa-ni: đến gần và hạ mình xuống; sad: ngồi. Theo nghĩa thông thường Upanisad là “sự đến gần ngồi xuống bên đạo sư để nghe dạy[3], vì các bài dạy mang tính chất bí mật và uyên bác”. Ngồi bên cạnh bậc thầy để lắng nghe về một giáo huấn nào đó. Tại sao Maria cứ ngồi bên chân Chúa để làm gì?

 

Con người được định nghĩa là con vật xã hội, là một tổng hòa bất khả tách biệt giữa các yếu tố thể lý, lý trí, tâm cảm và tâm linh[4]. Chúng ta nhận thấy trong chính con người của mình sự thúc đẩy bởi những khát vọng, thao thức, luôn tìm kiếm những thứ mà chẳng bao giờ thỏa mãn được. Bởi vì, có nhiều hy vọng chẳng bao giờ có thể trở thành hiện thực, hoặc nếu chúng ta được thoả mãn thì những thỏa mãn ấy chỉ là phù du. Kết quả, dẫn đến làm cho chúng ta chán nản nên không ít các trường hợp họ tìm đến các nhà tâm lý học, hay bậc tiền bối nào đó để giúp mình giải quyết các vấn đề gia đình, xã hội, tôn giáo, hay đời sống đạo đức…Khi dân Do Thái đứng bên bờ vực thẳm của sự diệt vong, toàn dân hết lòng kêu van Chúa: “Hoàng hậu Ét-te khắc khoải lo âu đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi tro dơ bẩn rắc lên đầu, bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt, bà cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa Israen (Et 4,17). Đây cũng là hình ảnh người đan sĩ khiêm nhường chạy đến với thánh Biển Đức để thổ lộ mọi tâm can, điều mà ngày nay luôn được nhắc đến: đồng hành thiêng liêng trong mọi hoàn cảnh. Không chỉ chăm chú lắng nghe, chúng ta còn trải lòng, trút bỏ hết những nỗi ưu phiền, thú nhận những việc làm sai trái đã gây ra, những dằn vặt trong tâm hồn khi đến thổ lộ với viện phụ, người đứng đầu trong cộng đoàn.

 

 Vịnh gia khuyên nhủ chúng ta: “Các con ơi hãy đến mà nghe, Ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa” (Tv 33,12). Lại rằng: “Con hãy xưng thú với Chúa vì Ngài nhân lành, vì lượng từ bi Ngài tồn tại muôn đời” (Tv 105,1). Trước những âu lo rất thực tế ấy, chúng ta hãy trở nên con người của sự thật, không che giấu bản thân, sống đúng với thực tại của mình, không sống ảo, không chạy trốn, nhưng dám nhìn thẳng vào cuộc sống: “Con hãy bộc lộ với Chúa đường lối con đi và trông cậy nơi Ngài” (Tv 36,5). Sống theo sự thật sẽ làm cho đan sĩ trở nên con người tự do, vì sự thật sẽ giải thoát đan sĩ khỏi những nô lệ ý riêng để sống theo thánh ý Thiên Chúa: “Bởi thế con đã xưng tội ra với Ngài, con chẳng giấu Ngài về lỗi lầm của con” (Tv 31,5). Nhờ đó đan sĩ khám phá ra những điều kỳ diệu của sự tự do làm con cái Thiên Chúa và tự do yêu thương phục vụ một cách vô vị lợi.

 

Hành trình sống niềm tin trong nếp sống đan tu giúp đan sĩ hoán cải toàn bộ con người mình để luôn biết lắng nghe và đáp trả lại tiếng gọi bằng tất cả niềm tin yêu để nhận ra ý Chúa nơi viện phụ. Thánh ý của Thiên Chúa không gì khác là mỗi ngày đan sĩ trở nên giống Chúa Kitô, trưởng thành hơn về chiều sâu trong ơn gọi và thăng tiến tình yêu dành cho Thiên Chúa. Sự trưởng thành về nhân bản và siêu nhiên. Viện phụ là người thay mặt Chúa Kitô, nên sẽ hướng dẫn các linh hồn đan sĩ đến trước mặt Chúa. Với lòng khiêm nhường, khi người đan sĩ lắng nghe và đón nhận lệnh truyền của viện phụ trong việc phục vụ cộng đoàn, chính là lúc đan sĩ lắng nghe và phục vụ chính Chúa Kitô. Đến với lòng đơn sơ khiêm nhường và bình an, sống âm thầm trong nơi đan viện là đan sĩ thu hoạch được hoa trái của Thần Khí mà chính thánh Tông đồ đã nói đến (x. Gl 5, 22). Trong đan viện, người đan sĩ đi vào cuộc tử nạn và phục sinh với Đức Kitô. Việc tử nạn trong đời đan tu, thánh Biển Đức cho rằng: đó là những trái ý nghịch lòng, sự khổ luyện của thân xác và tâm hồn; việc phục sinh chính là lúc người đan sĩ dần canh tân đời sống từng ngày, trưởng thành trên con đường nhân bản và niềm tin phó thác vào Thiên Chúa.

 

Tóm lại, bậc khiêm nhường thứ năm thánh phụ Biển Đức muốn truyền đạt cho cho các đan sĩ: Lấy lòng khiêm nhường mà thành thật tỏ bày cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi lầm thầm kín. Chúa Kitô là mẫu gương người đan sĩ noi theo, Đấng đầy lòng khiêm nhường, vâng lời chịu chết trên thập giá. Chính vì thế, trên con đường thiêng liêng, Cha Thánh dạy bài học tu đức: “Bước đầu của đức khiêm nhường là vâng phục không chậm trễ. Đó cũng là nhân đức của người không quý gì làm hơn Chúa Kitô” (TL 5,1-2).

 

Bài học lớn nhất và quan trọng nhất của đan sĩ trong “Trường học phụng sự Thiên Chúa” chính là dùng đức tin và đức cậy để thanh luyện đức mến. Người đan sĩ noi gương hình ảnh cô Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe, chia sẻ, thộ lộ tâm can cùng Chúa.

 

 

 

LINH HƯỚNG THEO TU LUẬT
THÁNH PHỤ BIỂN ĐỨC

 

 M. Phaolô Lộc Nguyễn Minh Thông

 

Người ta thường nói: “Tốt khoe xấu che”. Thật vậy, theo bản tính tự nhiên con người thì chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng khi có điều gì tốt và hay thì lại tìm mọi cách cho người khác biết để được khen; thậm chí có những người bị “nghiện” được khen đến mức sẵn sàng thiêu dệt những gì không thuộc về mình. Trên phương diện thiêng liêng, có thể nói đây là một căn bệnh rất nguy hiểm. Ta giấu trong bóng tối những gì làm cho ta ngượng ngùng chỉ vì sợ làm méo mó hình ảnh trong mắt người khác. Với thời gian, căn bệnh tâm hồn ấy sẽ thâm nhập vào tận những nơi sâu kín nhất của tâm hồn, những ngõ ngách khuất ẩn nhất của lòng ta. Dần dần ta trở nên con người hai mặt hay nói cách khác là sống giả tạo. Vậy làm sao thoát khỏi cái bẫy mà ta đã vô tình tự gieo mình vào, khiến ta có nguy cơ biến đời mình thành khô cằn và trống rỗng?[5] Thánh phụ Biển Đức chỉ cho ta biết có một cách thế tuyệt hảo, đó là tìm đến vị linh hướng mà bày tỏ những tư tưởng của mình ra, ngài nói: “Bậc khiêm nhường thứ năm là: hãy lấy lòng khiêm nhường mà thành thật tỏ bày cùng Viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín”.

 

Trong mọi thời đại, việc linh hướng hay còn gọi là đồng hành thiêng liêng luôn là điều cần thiết và chiếm địa vị quan trọng trong cuộc sống người Kitô hữu, cách riêng những ai sống đời thánh hiến. Người đời có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì tối”. Thật thế, con người vì lòng tự ái, cái tôi và sự hiểu biết hạn hẹp của mình nên rất dễ có phán đoán không đúng và thiên lệch về mình. Đường nên thánh luôn là thách đố với nhiều khó khăn trắc trở, lắm kẻ thù và nhiều cạm bẫy; chúng ta thắng thế nào được nếu không có vị khôn ngoan hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ?[6]

 

Theo truyền thống đan tu Biển Đức, việc linh hướng đã có từ thời xa xưa. Ngoài viện phụ là vị linh hướng chung cho tất cả mọi người trong cộng đoàn thì bên cạnh đó vẫn có những vị được ngài chỉ định làm người đồng hành hướng dẫn và linh hướng trong cộng đoàn. Vì vậy bậc khiêm nhường thứ năm này ta có thể hiểu thánh phụ Biển Đức không nhất thiết đòi hỏi chúng ta chạy đến với viện phụ mà có thể đến với những người thay mặt viện phụ như người đồng hành hướng dẫn và linh hướng của mình. Thế nhưng, tìm đến để bàn chuyện thiêng liêng hay đời sống thì dễ nhưng đến để “tỏ bày mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín” là điều không giản đơn chút nào, vì điều này hầu như đi ngược lại với bản tính tự nhiên của chúng ta. Vậy tại sao phải tỏ bày những điều làm ta phải thẹn thùng như vậy?

 

Thông thường, việc tỏ bày này thường thuộc về những mối tương quan rất thân mật như giữa những người bạn tri kỷ hay con cái với cha mẹ. Nên thiết nghĩ, thánh phụ Biển Đức không đơn thuần nhắm mục đích đến tương quan giữa con người với con người nhưng là giữa chúng ta với Thiên Chúa, bởi vì viện phụ chính là người đại diện của Chúa trên trần gian này. Mục đích ngài nhắm đến chính là để chúng ta gần gũi thân mật hơn với Chúa. Điều này có thể thấy trong những câu tiếp theo trong bậc khiêm nhường thứ năm này, ngài nói: “Con hãy bộc lộ với Chúa đường lối con đi và trông cậy nơi Ngài”. Lại rằng: “Con hãy xưng thú với Chúa vì Ngài nhân lành, vì lượng từ bi Ngài tồn tại muôn đời” (TL 7,45-46).

 

Trên phương diện tích cực, khi tỏ bày như vậy, chúng ta sẽ được viện phụ hay vị linh hướng tìm ra những căn nguyên tội lỗi, các cơn cám dỗ ta thường gặp và tập quán xấu làm ta ngày càng tệ đi, nhờ đó ta được hướng dẫn, chữa trị và chiến thắng. Đồng thời khi tỏ bày những điều làm ta bận tâm như thế, tâm hồn ta sẽ được thong dong và nhẹ lòng. Qua đó ta nhận ra bản thân mình yếu đuối, bất toàn, dễ vấp ngã mà cậy dựa vào Chúa hơn. Tuy nhiên trên phương diện tiêu cực thì khi ta có lầm lỗi hay những yếu đuối làm ta xấu hổ, điều đầu tiên theo bản tính tự nhiên là ta sẽ tìm mọi cách tránh mặt viện phụ chứ nói gì đến chuyện tỏ bày như vậy. Bởi vì khi ta không có tinh thần phục thiện hay phấn đấu nên hoàn thiện thì những lời khuyên bảo hay nhắc nhở chắc chắn sẽ là nổi ám ảnh của ta. Vì thế điều kiện đầu tiên không thể thiếu và là phương thế để sống bậc khiêm nhường thứ năm này phải là người có lòng khiêm nhường thật sự và khao khát được nên thánh, nên hoàn thiện như Chúa kêu gọi. Quả thật, thánh phụ Biển Đức rất có lý khi để việc tỏ bày hay linh hướng này vào bậc khiêm nhường thứ năm này.

 

Thế nhưng, để việc linh hướng hiệu quả thì tất yếu là phải đến từ cả hai phía. Thánh Phanxicô Salêsiô nói rằng: “Cha linh hướng phải hội đủ các điều kiện như: Bác ái, thông thái, khôn ngoan, sống đời nội tâm, thiếu điều nào sẽ gặp nguy hiểm”. Vị linh hướng hay viện phụ phải như là vị bác sĩ lành nghề về đời sống thiêng liêng, là người lãnh đạo tinh thần và là nhà giáo dục tâm hồn, đời sống ngài phải gương mẫu, ngài phải khôn ngoan để tùy cơ ứng biến mà chữa trị các linh hồn vì mỗi linh hồn là mỗi thế giới, mỗi cá vị không ai giống ai và có bao nhiêu linh hồn là có bấy nhiêu con đường nên thánh.[7] Bên cạnh đó, điều rất quan trọng nữa là ngài phải là con người cởi mở và đón nhận, cho dù ngài có đủ các đức tính trên và là người đạo đức vượt trội nhưng không có sự cởi mở dễ gần thì chẳng ai dám đến gần ngài huống gì việc tỏ bày những điều thầm kín như thánh Biển Đức đòi hỏi. Đối với chúng ta là những người thụ hướng, chúng ta phải có lòng trung tín và tuân phục vị linh hướng hay viện phụ với tinh thần siêu nhiên. Chúng ta phải hoàn toàn xác tín rằng các ngài chính là người đại diện Chúa hướng dẫn ta trên đời tạm này. Vì thế chúng ta phải trở nên đơn sơ thành thật để tỏ bày và ngoan ngùy để đón nhận những lời sửa dạy khuyên bảo. Có như vậy chúng ta sẽ được bình an luôn vì không sợ phải lầm đường lạc bước trên con đường nên thánh của mình.

 

Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, thánh Biển Đức qua bậc khiêm nhường thứ năm này, nhờ việc đến giải bày với viện phụ hay vị linh hướng, ngài mời gọi chúng ta tiến sâu hơn vào mối tương quan thân mật giữa ta với Thiên Chúa như là con thơ trẻ nhỏ đối với cha của mình. Chúng ta cần phải khiêm nhường và nên như trẻ nhỏ. Bởi vì như trẻ nhỏ, chúng ta luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa là cha của mình, sẽ chẳng xấu hổ khi tỏ bày những điều mà người lớn thường thẹn thùng là những tội lỗi và những tư tưởng không tốt không đẹp. Thay vào đó chúng ta sẽ chạy đến với cha mình giải bày để được khuyên dạy và tha thứ như thánh vịnh 31 mà thánh phụ Biển Đức đề cập: “Bởi thế con đã xưng tội con ra với Ngài, con chẳng giấu Ngài về lỗi lầm của con, con tự nhủ: Nào ta đi thú tội với cùng Chúa và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (TL 7,47-48).

 

 

 

NGƯỜI ĐAN SĨ PHẢI CÓ TÂM HỒN CHÂN THẬT

                                                                                                                                

 

M. Anton Padova Trần Trọng Bình

 

Theo tâm lý tự nhiên của con người, ai trong chúng ta cũng chỉ muốn tỏ lộ điều hay, điều tốt của mình cho người khác biết. Chứ ít ai lại đem điều dở, điều xấu của bản thân mà thổ lộ cho mọi người biết. Tuy nhiên, đây chỉ là sự khôn ngoan của người đời, của thế gian. Còn đối với những người theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì không phải như vậy. Họ không những không dấu diếm, che đậy tình trạng tâm hồn của mình, mà còn thành thật tỏ bày với những người khôn ngoan đại diện Thiên Chúa ở trần gian, với mong muốn nhận được sự khuyên bảo chân thành, hầu mưu ích cho bản thân. Sự khôn ngoan này đã được thánh Biển Đức đúc rút kinh nghiệm và ngài muốn khuyên các đan sĩ thực hiện trong đời sống đan tu như một phương thế để gìn giữ tâm hồn trong sạch. Vì vậy, trong Tu Luật, ở bậc khiêm nhường thứ năm, ngài viết : “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà thành thật tỏ bày cùng Viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín” (TL 7,44). Vậy, tại sao thánh Biển Đức khuyên người đan sĩ phải thành thật tỏ bày với viện phụ những ý tưởng xấu xa và những lỗi thầm kín trong tâm hồn của mình? Để giải đáp cho câu hỏi này, dưới đây, người viết xin trình bày ba lý do.

 

Lý do thứ nhất là vì thánh Biển Đức mong muốn người đan sĩ phải có tâm hồn chân thật. Thật vậy, người đan sĩ là người bước theo Chúa Kitô với mục đích duy nhất là trở nên giống như Ngài. Vì vậy, người đan sĩ phải ra sức học hỏi, noi gương, bắt chước Chúa Kitô về các nhân đức của Ngài, để tâm hồn của người đan sĩ ngày càng trở nên giống tâm hồn của Chúa Kitô. Mà Chúa Kitô là Đấng thánh, là Đấng chân thật. Chính Ngài là sự thật, và Ngài đến trần gian là để làm chứng cho sự thật. Trong Tin Mừng, nhiều lần Ngài đã khẳng định như thế. Có lần, Ngài nói với các môn đệ: “Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6). Đặc biệt, trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với quan Tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã lấy chính mạng sống mình để làm chứng cho sự thật. Cũng vì Ngài đã nói lên sự thật, nên đã đụng chạm tới giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời đó: “Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23,28).  Vì thế, Ngài đã bị họ ghen ghét và quyết định loại trừ Ngài. Câu nói của Chúa Giêsu tại phiên tranh luận trong cuộc khổ nạn của Ngài cho ta thấy rõ điều này: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Như vậy, từ những lời lẽ trên, chúng ta xác quyết rằng: Chúa Kitô là Đấng chân thật. Vậy, nếu người đan sĩ muốn trở nên giống Chúa Kitô, thì đương nhiên người đan sĩ phải có tâm hồn chân thật: chân thật với Thiên Chúa, chân thật với chính mình, chân thật với bề trên, và chân thật với tất cả mọi người. Bởi vì Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn chân thật. Ai có tâm hồn chân thật thì được Thiên Chúa yêu thương. Vịnh gia đã nói như thế: “Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật” (Tv 50,8).

 

Lý do thứ hai là vì thánh Biển Đức cảm nghiệm được rằng: các ý tưởng xấu xa và các lỗi thầm kín là một mối nguy hại cho tâm hồn. Thật vậy, nếu tâm hồn chứa đựng và nuôi dưỡng những ý tưởng xấu và các lỗi thầm kín thì đây quả là một sự nguy hiểm cho tâm hồn. Chúng ta có thể ví các ý tưởng xấu xa như những con virus độc hại xâm nhập vào cơ thể con người. Mặc dù chúng rất nhỏ bé, nhưng nếu chúng không được phát hiện kịp thời để khống chế và diệt trừ thì dần dần chúng sẽ phá hủy các bộ phận của cơ thể con người. Khi đó, chúng sẽ là tác nhân gây nên cái chết cho con người. Cũng vậy, các ý tưởng xấu lúc đầu chỉ xuất hiện trong tâm trí con người, nhưng nếu chúng không bị xua trừ kịp thời khỏi lòng trí, mà được nuôi dưỡng và đồng thuận của ý chí, thì chúng sẽ trở thành những nết xấu, những tính xấu và tâm hồn xấu xa. Khi một tâm hồn trở nên xấu xa, nó sẽ điều khiển mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của con người theo chiều hướng xấu. Một con người có tâm hồn như thế, họ sẽ phạm bất cứ tội ác nào. Câu chuyện của vua David trong Kinh Thánh là một dẫn chứng điển hình cho điều này. Một hôm, vua David tình cờ nhìn thấy bà Bát Se-va đang tắm. Lúc đó, trong lòng ông nảy sinh ý tưởng bất chính. Thay vì chống trả và loại bỏ ý tưởng xấu đó khỏi lòng trí, ông lại nuôi dưỡng và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Và hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Ông đã gây ra một loạt tội ác: tội ngoại tình với bà Bát Se-va, tội cướp vợ của U-ri-gia, và tội lập mưu giết U-ri-gia, chồng của bà Bát Se-va (2 Sm 11,2-17). Qua câu chuyện này, cho chúng ta thấy sự nguy hại của các ý tưởng xấu nếu chúng không bị chống trả và loại trừ kịp thời. Bởi thế, thánh Biển Đức khuyên các đan sĩ phải mau mắn và dứt khoát khử trừ mọi ý tưởng xấu xa khi chúng xâm nhập vào tâm trí của mình.

 

Lý do thứ ba là vì thánh Biển Đức muốn người đan sĩ hãy tin tưởng vào viện phụ. Vì khi chúng ta tin tưởng ai, chúng ta mới dám đem những điều kín đáo để tỏ lộ với người đó. Mà viện phụ là người được Chúa Thánh Thần tuyển chọn (x.TL 2,3). Chúa đã chọn ai thì Ngài cũng ban những ơn cần thiết cho người đó để họ chu toàn bổn phận Chúa giao phó. Chính Chúa Giêsu đã phán điều này với thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2 Cr 12,9). Theo thánh Biển Đức, viện phụ là người thay thế Chúa Kitô để điều hành đan viện theo ý muốn của Thiên Chúa (x. TL 2,2). Đặc biệt, ngài có bổn phận hướng dẫn các tâm hồn đã được giao phó cho ngài, để ngài hướng dẫn họ đi theo đường lối của Thiên Chúa (x. TL 2,4). Ngài cũng phải chịu trách nhiệm về các linh hồn mà ngài có bổn phận săn sóc họ (x. TL 2,34). Ngài phải dùng ơn khôn ngoan Chúa ban và giáo lý chân chính mà dạy dỗ và khuyên bảo các tâm hồn lầm lạc (x. TL 2,5). Ngài phải đặc biệt coi trọng phần rỗi các linh hồn đã được ủy thác cho ngài (x. TL 2,33). Như vậy, dựa vào những tiêu chuẩn mà thánh Biển Đức viết trong Tu Luật về viện phụ, chúng ta có thể khẳng định: Viện phụ là người có những phẩm chất của một người mục tử biết chăm sóc và bảo vệ đàn chiên (tức là các đan sĩ mà Chúa giao phó cho ngài) được bình an. Thế nên, thánh Biển Đức khuyên người đan sĩ hãy an tâm và tin tưởng vào viện phụ mà thành thật tỏ bày tình trạng tâm hồn của mình với ngài, để được ngài khuyên bảo những lời hữu ích, hầu thăng tiến trên đường trọn lành.

 

Vậy, từ những gì đã trình bày ở trên, người viết xin kết luận như sau: qua bậc khiêm nhường thứ năm, thánh Biển Đức muốn khuyên các đan sĩ ở mọi thế hệ ba điều. Điều thứ nhất, người đan sĩ hãy luyện tập cho mình có một tâm hồn thành thật: thành thật với Thiên Chúa, thành thật với chính mình, thành thật với bề trên và thành thật với tất cả mọi người. Điều thứ hai, người đan sĩ hãy mau mắn chống trả và bài trừ mọi ý tưởng xấu xa và các lỗi thầm kín khỏi tâm hồn của mình, ngỏ hầu tâm hồn luôn được trong sạch. Điều thứ ba, người đan sĩ hãy tin tưởng vào viện phụ mà tỏ bày với ngài về tình trạng tâm hồn của mình, để được ngài chỉ dẫn và khuyên bảo nhằm mang lại hữu ích cho bản thân.                                                                              

 

 

___________________________

 

[1] Thánh Anphongso de Liguori, Nữ Tu Thánh Thiện, Nxb Đồng Nai 2016, tr. 579.

[2] Thánh Ioannes Chrysostomus, Năm Cách Sám Hối, Các bài đọc Kinh Sách, Thứ Ba, Tuần XXI.

[3] Hoành Sơn, Hoàng Sỹ Quý, Triết Sử Ấn Độ Upanisad-Vendanta, Nxb Phương Đông, Năm 2015, tr. 117.

[4] Trương Thanh Tùng S.J, Đồng Hành Thiêng Liêng Thực Hành, Nxb Tôn giáo, Năm 2021, tr. 18.

[5] x. Chú giải Tu Luật thánh Biển Đức, chương 7, ngày 2-2.

[6] x. Lm. Minh Vân Tu Đức Học, tr. 176.

[7] x. Lm. Minh Vân, Tu Đức Học, tr. 178.

 

 

 06.06.2022 & 08.11.2022

 

 

Thiết kế Web : Châu Á