Linh đạo

Căn tính và sứ mạng đời sống thánh hiến... (Hiếu Liêm)

Ước gì năm đời sống thánh hiến này sẽ là thời điểm đầy hồng ân Chúa giúp chúng ta biến đổi, và tân Phúc Âm hóa bản thân cũng như cộng đoàn để đáp lại kỳ vọng mà Giáo hội và thế giới đang mong đợi nơi chúng ta.

Căn tính và sứ mạng đời sống thánh hiến

theo Tông thư «Năm Đời Sống Thánh Hiến»

của đức giáo hoàng Phanxicô gửi cho tất cả những người thánh hiến

Hiếu Liêm

 

Đức thánh cha Phanxicô ngoài tư cách là người kế vị thánh Phêrô trong vai trò  lãnh đạo và củng cố đức tin của toàn thể Giáo hội, ngài cũng là một tu sĩ như chúng ta. Do  đó, ngài hiểu rất rõ vai trò, sự hiện diện và những đóng góp quan trọng của giới tu sĩ trong  đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Vì thế, ngày 21/11/2014, đức thánh cha Phanxicô đã  ban hành Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, gửi tất cả những người Tận hiến, và mở ra

Năm Đời Sống Thánh Hiến, bắt đầu từ Chúa nhật I Mùa vọng, ngày 30/11/2014, kết thúc  vào lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, ngày 2/2/2016. Đức thánh cha đã mở ra năm đời  sống thánh hiến, không ngoài mục đích là mời gọi tất cả những ai sống đời tận hiến hãy trở  về nguồn cội ơn gọi và sống triệt để sứ mạng của mình.

Dựa vào tông thư «Năm Đời Sống Thánh Hiến» của ngài, chúng ta cùng tìm hiểu  về căn tính và sứ mạng đời sống thánh hiến, để sống tốt hơn ơn gọi của mình trong năm  đời sống thánh hiến này. Trước hết, xin giới thiệu sơ qua về nội dung của Tông thư. Sau đó  sẽ rút ra căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến theo Tông thư.

 

I. Nội dung tông thư «Năm Đời SốngThánh Hiến»

Ngoài phần mở và kết, tông thư gồm ba phần chính.

Mở đầu: Đức thánh cha mở đầu Tông thư với cung giọng vừa giáo huấn, vừa  chia sẻ thân tình. Tiếp theo ngài nói lên lý do ban hành Tông thư này là:

Do nhu cầu cần thiết phải canh tân đời sống thánh hiến. Nhằm thúc đẩy việc dấn  thân trong ngàn năm mới. Đức Phanxicô trích lại lời đức giáo hoàng gioan Phaolô II, nói  lên mục tiêu và con đường đi tới trong Năm đời sống thánh hiến như sau: “Các con không  chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng  cần viết nên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với các  con những điều trọng đại hơn nữa” (Vita concsecrata, số 110).

Để kỷ niệm 50 năm hai văn kiện quan trọng của công đồng Vatican II: hiến chế  tín lý về Giáo hội (Lumen gentium), chương VI nói về tu sĩ và sắc lệnh Đức ái hoàn hảo  (Perfectae caritatis), nói về việc canh tân và thích nghi đời sống tu trì.

 

1. Những mục tiêu của Năm đời sốngthánh hiến

Gồm 3 mục tiêu chính, tương ứng với ba chiều kích của thời gian là: quá khứ,  hiện tại và tương lai.

 

1.1 Mục tiêu thứ nhất là «nhìn về quá khứ với niềm tri ân» (số 1).

Tạ ơn về nguồn gốc lịch sử, về việc duy trì và phát triển đặc sủng của Dòng. Tạ  ơn vì “luồng gió” mới của công đồng Vatican II đã mang lại những hoa trái cho đời sống  thánh hiến và cho Giáo hội.

 

1.2 Mục tiêu thứ hai là «sống hiện tại một cách say mê» (số 2).

Trước hết là say mê Tin Mừng: là quy luật tối thượng cho mọi định hướng và  chọn lựa trong cuộc sống. Thứ đến là say mê Chúa Kitô: là lý tưởng của đời sống thánh  hiến. Sau nữa là say mê con người: nhạy cảm, gần gũi để chia sẻ những niềm vui, đau khổ, lo

âu và hy vọng của họ.

 

1.3 Mục tiêu thứ ba là hướng đến tương lai với niềm hy vọng (số 3), tín thác vào  Đấng làm chủ lịch sử và không ngừng lặp lại với chúng ta: “Đừng sợ... ” (Gr 1,8).

 

2. Những mong đợi cho Năm Đời sốngthánh hiến

Đức thánh cha đưa ra 5 điều mong đợi cho Năm đời sống thánh hiến:

 

2.1 Một là luôn luôn sống vui tươi: “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui” (số 1).

Vui vì được tình yêu Chúa lấp đầy trái tim và cuộc sống; và được sống một cuộc  đờicó ý nghĩa trọn vẹn.

2.2 Hai là sống đặc tính ngôn sứ để “đánh thức thế giới” (số 2). Nghĩa là trở nên  tiếng nói và bàn tay của Thiên Chúa.

2.3 Ba là trở nên những “chuyên viên hiệp thông” (số 3).

Trước hiết là hiệp thông trong nội bộ cộng đoàn mình…  Kế đến là hiệp thông với  các hội dòng khác… Sau cùng là hiệp thông với Giáo hội, và với giám mục đoàn… để  hướng tới những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin mừng, hoạt động xã hội

2.4 Bốn là ra “khỏi chính mình để đi tới những vùng ngoại ô của cuộc đời”. Nơi đó có cả một nhân loại đang chờ đợi chúng ta (số 4).

 2.5 Năm là “tự chất vấn chính mình” về điều mà Thiên Chúa và nhân loại hiện đang đòi hỏi chúng ta (số 5).

 

3. Những chân trời của Năm đời sống Thánh hiến

Gồm 5 viễn tượng (chân trời) đức thánh cha ngỏ lời với các đối tượng khác nhau:

  • Trước hết, ngài mời gọi giáo dân hãy chia sẻ lý tưởng, tinh thần, sứ vụ với những người sống đời tận hiến (số 1).
  • Thứ hai đức thánh cha ngỏ lời với toàn thể dân Kitô giáo hãy để ý đến ân huệ hiện diện của biết bao người tận hiến đã làm nên lịch sử Kitô giáo (số 2).
  • Thứ ba đức thánh cha ngỏ lời với những người tận hiến và các cộng đoàn thuộc thuộc các Giáo hội ngoài Công giáo (Chính thống, Tin lành), (số 3).
  • Thư tư đức thánh cha ngỏ lời với những tu sĩtrong các tôn giáo lớn (Phật giáo, Ấn giáo…), mở rộng việc đối thoại liên tôn về đời sống tu trì với nhau (số 4).
  • Thư năm đức thánh cha ngỏ lời với các giám mục, hãy đón nhận và chăm sóc những ai sống đời tận hiến và cho giáo dân thấy được giá trị và vẻ đẹp của đời thánh hiến (số 5).

* Kết luận: Đức thánh cha phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ và là Mẫu  gương của những người tận hiến, cùng với phép lành của tòa thánh.

 

 II. Căn tính và sứ mạngcủa đời sống thánh hiến theo Tông thư

Thần học tu đức đã diễn tả đời sống thánh hiến qua hai hành vi, đó là bước theo  Chúa Kitô và họa lại đời sống của Người. Chúng ta đã quen với những thuật ngữ diễn tả  căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến là “sequela Christi” và “alter Christus”. Căn  tính và sứ mạng này phải đi đôi với nhau không thể tách rời, giống như hai mặt của một  thực tại, như tri và hành phải song hành cùng nhau.

 

1. Căn tính củađời sống thánh hiến

Nói về căn tính đời sống thánh hiến, cũng có nghĩa là phải trả lời cho câu hỏi  chúng ta là ai và chúng ta là gì? Đây là một câu hỏi đầy tính thúc bách, sinh động và thực  tiễn trong thời đại của chúng ta. Qua việc nhận ra chúng ta là ai và chúng ta là gì, chúng ta  sở hữu một sự phong phú lớn lao của một truyền thống. Truyền thống này được tìm thấy trong linh đạo và trong đặc sủng của mỗi dòng. Đó là điều chúng ta không ngừng tái khám  phá và thực hành trong cuộc sống hằng ngày.

Căn tính chung và thiết yếu của đời sống thánh hiến là tự nguyện hiến thân theo  Chúa Kitô để sống Tin Mừng một cách triệt để và trọn vẹn hơn trong đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục (x. Sắc lệnh PC, soá 1,5-13). Như vậy, sống đúng căn tính của đời  tu cũng có nghĩa là tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm để trở nên giống Chúa Kitô và gắn bó  với Chúa Kitô hơn.

Ngoài căn tính chung này, mỗi ơn gọi hay mỗi hội dòng lại có một căn tính đặc  thù khác với những hội dòng khác. Ví dụ: căn tính của hội dòng Xitô là: «Ora et labora –  Cầu nguyện và lao động». Đặc sủng của dòng Đaminh là “Nói với Chúa và nói về Chúa,  Chân Lý (Veritas), chuyển trao cho người khác điều mình đã chiêm niệm - Contemplare,  contemplata  aliis  tradere”.  Căn tính của hội dòng  Thánh  Thể là  yêu  mến Thánh Thể, «sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy  để Đức  Kitô được hiển trị và vinh quang Thiên Chúa được rạng tỏ trên trần gian» (Ls 1,b). Căn  tính nguyên thủy của Tu hội Truyền giáo Vinh Sơn là : «Thánh hóa  bản thân qua việc rao  giảng Tin Mừng cho người nghèo và cộng tác vào việc đào tạo hàng giáo sĩ» (Luật Chung,  chương I, số 1).

Ở đây, chúng ta không tìm hiểu về căn tính đặc thù của mỗi hội dòng mà chỉ dựa  vào Tông thư của đức thánh cha Phanxicô để rút ra hai điểm cụ thể liên quan đến căn tính  đời tu mà đức thánh cha mời gọi chúng ta thực hành trong năm đời sống thánh hiến này.

 

1.1 Trở về với tinh thần và đặc sủng của đấng sáng lập

Trong Tông thư, đức thánh cha không nói rõ căn tính của đời sống thánh hiến là  gì. Vì mỗi hội dòng có một đặc tính riêng. Nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy “trở về quá  khứ” để tri ân Chúa về đặc sủng và linh đạo của đấng sáng lập. Nghĩa là trở về với căn  nguyên và khởi nguồn ơn gọi của chúng ta. Bởi vì “Mỗi dòng của chúng ta đều đến từ một  lịch sử phong phú của đặc sủng. Khởi đầu là tác động của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi  trong Thánh Linh một số người đi theo sát gót Đức Kitô, để chuyển dịch Tin mừng ra một  lối sống đặc thù, … để đáp ứng với những nhu cầu của Giáo hội một cách sáng tạo” (Phần I, số 1).

Đây cũng là điều công đồng Vatican II mời gọi chúng ta từ 50 năm trước: “Việc  canhtân thíchnghi đời sốngdòng tu một trật bao gồm sự liên tục trở về nguồn mạch của đời  sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của hội dòng cũng như sự thích nghi hội dòng với  những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại.…” (PC, soá 2). Điều này rất là khẩn thiết, vì  chúng ta thường mệnh danh sự canh tân để chạy theo sự dễ dãi, hưởng thụ mà quên đi nguồn  cội đặc sủng và ơn linh hứng nguyên thủy của đấng sáng lập dòng.

Vì thế đức thánh cha kêu gọi trong năm nay, “mỗi gia đình đặc sủng hãy nhớ lại  buổi khởi đầu của mình và những chặng phát triển trải qua lịch sử, để tạ ơn Thiên Chúa vì  Ngài đã ban cho Hội thánh biết bao hồng ân để trang điểm cho Hội thánh và chuẩn bị sẵn  sàng để thi hành mọi công cuộc tốt lành” (Phần I, số 1; x. LG, 12).

Ôn lại qua khứ lịch sử không phải là chuyện khảo cổ hay luyến tiếc quá khứ nhưng  là để duy trì căn tính cũng như siết chặt mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn. Hơn nữa,  thuật lại lịch sử cũng là một cách để không quên mất những khía cạnh cốt yếu của linh đạo  và đặc sủng của mình. Bởi vì, nhìn về quá khứ là “đi lại con đường của các thế hệ đi trước  để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng, những dự phóng, những giá trị đã  thúc đẩy họ, bắt đầu từ các vị sáng lập và các cộng đoàn tiên khởi”. Đồng thời, ôn lại quá  khứ, cũng là dịp để thú nhận sự mỏng dòn, thiếu sót của mình với lòng khiêm tốn và sự tín  thác vào Thiên Chúa tình yêu.

Đặc sủng của mỗi hội dòng là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, ơn gọi của mỗi  cá nhân cũng là ân huệ Chúa ban, do đó không bao giờ già cỗi. Chỉ khi hồng ân đó đến với  con người, với các cộng đoàn thì nó mới gặp nguy cơ bị làm cho ra nguội lạnh, biến mất  hương vị, mất đi sức nóng và niềm say mê. Do đó, ôn lại lịch sử cũng là dịp để hun đúc lại  lòng mến thủa ban đầu và làm sống động lại ngọn lửa tri ân và hy vọng. Tóm lại, nếu  chúng ta để cho linh đạo và đặc sủng của mình bị mất gốc, lai căn thì chúng ta không còn  là mình nữa.

 

1.2  “Sốngquy luật của TinMừng” trong hiện tại một cách say mê

Đức thánh cha nói: “Tin mừng luôn là quy luật tuyệt đối, những luật lệ khác chỉ là  cách thức diễn đạt Tin mừng và dụng cụ để sống Tin mừng cách súc tích”. Bởi vì đối với  các vị sáng lập, lý tưởng của đời tu là “gắn bó toàn thân với Chúa, đến nỗi có thể nói như  thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Các lời khấn chỉ có ý nghĩa khi  làm thể hiện tình yêu say đắm ấy” (Phần I, số 2).

Sống Tin Mừng chính là căn tính nền tảng của đời sống thánh hiến. Chính vì thế,  đức thánh cha đặt ra những câu hỏi để chất vấn chúng ta rằng: “Chúng ta có để cho Tin  mừng chất vấn không; Tin mừng có phải là “sổ tuỳ thân” (là kim chỉ nam) cho cuộc sống  hằng ngày và cho những lựa chọn của mình không… hãy làm cho Tin Mừng hiện thực, hãy  sống lời của Chúa” (Phần I, số 2).

Sống theo quy luật của Tin Mừng một cách say mê, cũng có nghĩa là gắn bó với  Chúa, và say mến Chúa. Vì Lời Chúa bằng chính Chúa. Do đó, đức thánh cha tiếp tục chất  vấn chúng ta: “Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và độc nhất, như chúng ta đã quyết  tâm khi tuyên khấn không?” Chỉ khi nào được như vậy, thì chúng ta mới có thể thương yêu  hết mọi người trong sự thật, vì chúng ta có chính trái tìm của Người. Là tu sĩ mà chúng ta  không yêu và thực hành Lời Chúa thì chúng ta không phải là môn đệ đích thực của Chúa  Kitô. Về điểm này trong bài giảng khai mạc triều đại giáo hòang của ngài, đức thánh cha  Phanxicô đã từng nói rằng: dù là giám mục, linh mục hay tu sĩ, nếu chúng ta bước đi mà  không có thập giá Chúa Kitô, thì chúng ta không phải là môn đệ Chúa Kitô.

Từ lời mời gọi trở về với đặc sủng của đấng sáng lập và sống quy luật Tin Mừng  một cách say mê, đức thánh cha đưa chúng ta đi vào trong sứ vụ của đời sống thánh hiến.

 

2. Sứ mạng của đời sống thánh hiến

Sứ vụ hay sứ mạng (missio) có thể được hiểu là “truyền giáo” hay các nhiệm vụ  tông đồ nói chung. Theo thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” (Redemptoris Missio) của đức  thánh cha Gioan Phaolo II, Giáo hội chỉ có một sứ vụ (missio) là trình bày Chúa Giêsu cho  nhân loại để giúp mọi người gặp được Người là nguồn sống và là Đấng cứu độ trần gian.  Nói khác đi, sứ mạng căn bản của đời sống thánh hiến là “alter Christus”. Nghĩa là họa lại  dung mạo của Chúa Kitô, trở nên một Đức Kitô khác cho mọi người. Tuy nhiên, tùy theo  đặc sủng, sứ vụ này được thực hiện dưới nhiều hoạt động tông đồ khác nhau, thích hợp cho  những đối tượng cụ thể. Chính vì thế, mỗi ơn gọi, hay mỗi hội dòng, mỗi tu hội lại có một  sứ vụ đặc thù riêng biệt.

Ví dụ: sứ vụ chính của dòng Gioan Thiên Chúa là bắt chước Chúa Giêsu trong  việc chữa bệnh. Sứ mạng chính của dòng Đaminh là giảng thuyết... Trọng tâm sứ mạng  Dòng Tên là phục vụ đức tin và thăng tiến công bình, qua “việc đối thoại với các tôn giáo  khác và hội nhập vào các nền văn hóa đa dạng” (Tổng hội 35). Sứ mạng của hội dòng  Thánh Thể là “đưa Thánh Thể vào trung tâm cuộc sống của dòng và của các tín hữu”.

Căn tính nguyên thủy của Tu hội Truyền giáo Vinh Sơn là : «Thánh hóa bản thân qua việc  rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và cộng tác vào việc đào tạo hàng giáo sĩ» (Luật Chung, chương I, số 1).…

Ở đây chúng ta không đi sâu vào sứ vụ đặc thù của mỗi hội dòng, nhưng dựa vào Tông thư, để rút ra một vài sứ vụ cụ thể mà đức thánh cha mong muốn chúng ta thực hiện trong năm đời sống thánh hiến này.

 

2.1 Sứ mạng thứ nhất của tu sĩ là “sống vui tươi”: “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm niềm vui”.

Trong ngày lễ khai mạc trọng thể Năm đời sống thánh hiến, do đức hồng y Braz de Aviz, tổng trưởng Bộ tu sĩ chủ tế, tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô ngày 30/11/2014, đức thánh cha đã gửi sứ điệp như sau: “Hãy lay động thế giới! Hãy chiếu sáng thế giới bằng chứng tá ngôn sứ của mình… Hãy chỉ cho thấy tình huynh đệ phổ quát không phải là sự ảo tưởng, nhưng chính là ước nguyện của Đức Giêsu đối với toàn thể nhân loại”. Có thể nói, đây chính là sứ mạng của chúng ta trong «năm đời sống thánh hiến» này.

Tu sĩ là người luôn sống vui tươi. Niềm vui sâu xa của Tin Mừng, chứ không phải là niềm vui hời hợt sôi động bên ngoài. Niềm vui này đã được đức thánh cha diễn tả rất sâu sắc trong tông huấn Evangelii gaudium – Niềm vui Tin Mừng. Từ điển Wikipedia đếm được 109 lần đức giáo hoàng Phanxicô sử dụng từ “niềm vui” trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Có thể nói, từ đầu đến cuối của tông huấn đều toát lên một niềm vui dào dạt.

Qua đó cho chúng ta thấy động lực chủ đạo của công cuộc tân Phúc Âm hoá chính là “niềm vui của Tin Mừng”. Có thể nói ‘niềm vui’ là mô típ, là tư tưởng chủ đạo của toàn thể bản văn tông huấn. Từ tựa đề “Niềm Vui Tin Mừng”, đặc biệt những đoạn mở đầu, cho tới những dòng cuối của tông huấn, niềm vui được Đức Thánh Cha mô tả hết sức rõ ràng nhưng cũng rất sôi nổi và thi vị. Chỉ cần trích dẫn một vài câu đủ chứng minh điều đó:

«Niềm vui của tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. (...). Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh, (...) đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này” (số 1).

 «Người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt...” (số 10).

Trong lời cầu nguyện kết thúc dâng lên Đức Mẹ cũng tràn ngập niềm vui: «Xin Ngôi Sao của cuộc tân Phúc Âm hoá giúp chúng con thành chứng nhân rạng rỡ cho tình hiệp thông và phục vụ, ... để niềm vui Tin Mừng chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới... Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối an vui cho những người bé mọn của Chúa, xin cầu cho chúng con» (số 288).

Niềm vui tràn ngập đó được đức thánh cha nhắc lại trong Tông thư này và áp dụng trực tiếp cho tu sĩ. Ngài nói: «Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh phúc, … tình huynh đệ chân chính sống trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui» (Phần II, số 1). Do đó, ngài mong ước rằng «giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người bực bội bất mãn, bởi vì “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn». Ngài còn khẳng định rằng: “Giáo hội tăng gia không bởi chiêu mộ nhưng bởi thu hút” (Niềm vui Tin Mừng, số 14). Thật vậy đời sống thánh hiến không gia tăng nhờ vào những chiến dịch quảng cáo quy mô, nhưng nhờ vào việc chúng ta sống vui tươi và hạnh phúc. (Truyện quảng cáo ơn gọi). Nếu một tu sĩ mà sống buồn, trên môi không thấy nụ cười, ánh mắt không chiếu tỏa hy vọng và khuôn mặt không thấy mùa xuân thì đã đánh mất đi căn tính và sứ mạng của mình. Vì thế, đức thánh cha kết luận: «Phải làm sao cho chính cuộc đời của anh chị em trở thành tiếng nói, cuộc đời chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin mừng và của việc đi theo Đức Kitô» (Phần II, số 1). Tại sao đức thánh cha nhấn mạnh về điều này? Tại vì với thời gian lâu dài trong đời sống thánh hiến, với những nhịp điệu đều đặn của một ngày sống, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng ù lì, trì trệ, nhàm chán, buồn chán và buông xuôi trong đời sống tâm linh, cũng như trong sứ vụ của mình. Nhất là với những gánh nặng của công việc bổn phận và những khó khăn trong cuộc sống làm cho chúng ta mất hết nhiệt tâm, tình yêu và sức sống. Chúng ta chỉ làm mọi sự để đối phó cho xong bổn phận trong sự nặng nề buồn chán. Vì thế, đức thánh cha mời gọi chúng ta hãy sống niềm vui của Tin Mừng, đập nhịp đập sâu xa của niềm vui Tin Mừng. Nếu đi theo Chúa mà sống buồn là một điều phản chứng.

 

2.2 Sứ mạng thứ hai của tu sĩ phải là người “đánh thức thế giới”

Trong buổi gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Liên hiệp các Bề trên tổng quyền dòng Nam, lần thứ 82, tháng 11 năm 2013, đức thánh cha đã nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến là: “Hãy đánh thức thế giới! Hãy trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này”. Đức thánh cha Phanxicô còn khẳng định rằng: “… Tính quyết liệt của Tin Mừng không chỉ dành cho các tu sĩ: mà đòi hỏi tất cả mọi người. Nhưng tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ. Đó là chứng tá mà tôi mong đợi nơi anh em. Các tu sĩ phải là những người có thể đánh thức thế giới”.

Trong Tông thư, đức thánh cha Phanxicô lập đi lập lại điều này và coi đó như là sứ mạng của đời thánh hiến. Tu sĩ phải là người có khả năng «đánh thức thế giới ». Nhưng trước khi đánh thức thế giới, chúng ta phải đánh thức chính mình. Nếu đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ, thì «đánh thức thế giới», chính là sống đặc tính ngôn sứ của mình.    

Các tu sĩ đánh thức thế giới qua việc thi hành sứ vụ bằng những công tác khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, thời đại, lãnh vực hoạt động của hội dòng và khả năng riêng của mình. Bởi vì“ Giáo Hội và ngay cả xã hội cần có những người có khả năng dâng hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân vì tình yêu Thiên Chúa».  (VC, 105). Nhưng muốn sống với vai trò ngôn sứ để đánh thức thế giới thì phải chấp nhận bị bách hại, đau khổ. Vì không có ngôn sứ nào được tôn trọng nơi quê hương mình.

 

2.3 Sứ mạng thứ ba của tu sĩ phải là “những chuyên viên hiệp thông”

Đức thánh cha dùng nhiều kiểu nói khác nhau mời gọi tu sĩ phải trở thành “những chuyên viên hiệp thông”, những người làm chứng và kiến tạo “dự án hiệp thông” (Phần I, số 2). Hãy “làm cho Giáo hội trở thành ngôi nhà và trường học của hiệp thông”. Sự hiệp thông đó được “tăng trưởng ở nhiều cấp độ, tựa hồ những vòng tròn đồng tâm”.

Sự hiệp thông được diễn tiến qua các mức độ khác nhau, từ gần đến xa. Trước hết là ngay trong cộng đoàn, trong hội dòng mình. Đức thánh cha nhắn nhủ rằng: “anh chị em hãy đọc lại điều mà tôi không ngừng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ ở trong nhà của anh chị em”. Trái lại, hãy sống tình bác ái huynh đệ với nhau. Bởi vì, “chính huyền nhiệm chung sống với nhau làm cho cuộc đời trở nên một cuộc lữ hành thánh thiện” (Phần II, số 3). Sự hiệp thông trong cộng đoàn là một điều quan trọng và khẩn thiết. Cộng đoàn (hội dòng) chúng ta có phát triển được hay không là tùy vào mức độ hiệp thông này. Nhất là bề trên (và các vị hữu trách) phải là người kiến tạo và là cầu nối của sự hiệp thông giữa các thành phần trong cộng đoàn (chứ không phải là nguyên nhân để gây chia rẽ hay hiểu lầm nhau). Thực tế cho thấy, sự hiệp thông, tình huynh đệ trong cộng đoàn và trong các hội dòng đang bị rạn nứt nghiêm trọng, nếu không muốn nói là đang rơi vào cơn khủng hoảng. Nguyên nhân là do sự chia rẽ nội bộ; do lối sống cục bộ, ích kỷ, dửng dưng; do khuynh hướng bảo vệ lợi ích của phe nhóm bằng mọi cách kể cả thủ đoạn, bất chấp sự thật, công lý và công bình.

Sau đó là hiệp thông giữa các hội dòng với nhau. (Đây là công việc chúng ta đã và đang thực hiện). Năm đời sống thánh hiến này là cơ hội để chúng ta mạnh dạn đi ra khỏi giới hạn của dòng mình để cùng nhau thảo hoạch những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin mừng, hoạt động xã hội, ở cấp địa phương và hoàn vũ. Có như vậy, chứng tá ngôn sứ mới hữu hiệu. Do đó, đừng có ai sống biệt lập hay dựa vào sức riêng mình, nhưng hãy gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giúp đỡ lẫn nhau, và như vậy giúp chúng ta phòng ngừa khỏi bệnh tự kỷ. Bởi vì “sự hiệp thông và gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau là một con đường hy vọng” (Phần II, số 3).

Cuối cùng là hiệp thông trong Giáo hội và với toàn thể nhân loại, nghĩa là “gia tăng linh đạo hiệp thông trước tiên ở trong nội bộ, rồi đến trong cộng đồng Giáo hội và đi xa hơn nữa” (Phần II, số 3). Khởi đầu là sự hiệp thông giữa linh mục và giáo dân, giữa giám mục với tu sĩ và giáo dân. Sau đó là hiệp thông với các giáo hội ngoài Công giáo, như Do thái giáo, Chính thống, Tin lành, Anh giáo. Cuối cùng là hiệp thông với các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo (x. Phần III).

 

2.4 Sứ mạng thứ tư là “ra khỏi mình để đi về những vùng ngoại ô cuộc đời”.

Đức thánh cha mời gọi tu sĩ thực hiện lệnh truyền của Chúa là “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ” (Mc 16,15), để đem hy vọng cho thế giới. Đừng ai khép lại trong chính mình, đừng để mình bị giam hãm, ngột ngạt trong những chuyện lẩm cẩm của nội bộ. Nhưng hãy đi ra ngoài, đến với “những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh”... (Phần II, số 4). Thế giới hôm nay đang rất cần chúng ta, đặc biệt là những dòng họat động, đem niềm vui Tin Mừng và hy vọng đến cho họ.

Nhất là đón tiếp những người di dân và đến với người nghèo. Vì Giáo hội là của người nghèo như đức thánh cha từng mong ước khi trả lời giới báo chí rằng: “Ôi! tôi mong ước biết bao một Hội thánh nghèo và vì người nghèo”. Đức thánh cha rất chú trọng đến lối sống nghèo của toàn thể Giáo hội, cách riêng là của tu sĩ. Chính bản thân ngài đã nêu gương cho toàn thể Giáo hội sống tinh thần khó nghèo của Tin Mừng. Nhà báo Andrea Tornielli, năm 2013, đã phát hành tại Pháp, cuốn tiểu sử đầu tiên về đức giáo hoàng Phanxicô, với tựa đề: “Phanxicô, vị giáo hoàng của người nghèo”. Tác phẩm dày 200 trang, trong đó tác giả thuật lại cuộc sống đơn sơ, khiêm nhường, khó nghèo và chuyên cần cầu nguyện… của đức Phanxicô từ khi còn là linh mục, giám mục và hồng y tổng giám mục, giáo phận Buenos Aires, Argentina… Cho đến hôm nay, trên cương vị tối cao của một giáo hoàng, ngài vẫn giữ một lối sống đơn sơ, khó nghèo theo phong cách của ngài, khác hẳn với các triều đại giáo hoàng trước.

Vì thế, trong diễn từ ngày 16/05/2013, đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở các giám mục và linh mục phải cẩn thận tránh xa cám dỗ, để có thể trở thành người mục tử hữu hiệu. Ngài nói: “Nếu chúng ta đi với người giàu, là chúng ta đang đi về phía hư vô. Chúng ta sẽ trở thành chó sói, chứ không phải người chăn chiên.” Hơn nữa, sống nghèo chính là dấu chỉ của sự hiệp thông mà thế giới đang mong đợi chúng ta. Vì thế, đức thánh cha gợi ra những việc làm cụ thể cho chúng ta thực hiện:

Đối với các hội dòng chiêm niệm có thể gặp gỡ, liên kết với nhau để trao đổi kinh nghiệm sứ vụ hiệp thông của mình, về cách thức tăng trưởng sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội, về cách thức nâng đỡ những kitô hữu bị bách hại và về việc đón tiếp, đồng hành với những ai đang tìm kiếm đời sống thiêng liêng…

Đối với các dòng hoạt động chuyên lo việc truyền giáo, bác ái, giáo dục xã hội cũng có thể làm như thế, hãy thi hành sứ vụ chuyên biệt của mình trong môi trường xã hội cụ thể. Đức thánh cha còn nhắn nhủ chúng ta rằng “trong năm nay, đừng ai tránh né việc kiểm tra nghiêm túc về sự hiện diện của mình trong Giáo hội và về cách thức đáp ứng những yêu cầu liên tục và mới mẻ đang vang lên chung quanh chúng ta, đáp ứng với tiếng kêu của người nghèo” (Phần II, số 5). Chỉ khi nào chúng ta quan tâm đến những nhu cầu của thế giới, của người nghèo, và ngoan ngoãn nghe theo tác động của Thánh Linh, thì Năm đời sống thánh hiến mới biến thành một thời điểm (kairos) dồi dào ân lộc của Thiên Chúa, làm biến đổi thế giới này (x. Phần II, số 5).

 

* Kết Luận

Trong ngày lễ khai mạc Năm đời sống thánh hiến, Đức thánh cha Phanxicô đã gửi sứ điệp nhắn nhủ chúng ta hãy sống đặc tính ngôn sứ của đời thánh hiến để «thức tỉnh thế giới», qua ba từ mấu chốt là: vui tươi, can đảm và hiệp thông: “Vui tươi để cho thấy sự theo Chúa và thực hành Tin Mừng của Người tràn ngập tâm hồn. Can đảm trong việc yêu mến Chúa và gửi gắm nơi Ngài tất cả niềm tin tưởng của mình, giống như các Đấng sáng lập dòng đã làm. Hiệp thông trước hết phải được bén rễ trong mối tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa để trở nên những người xây dựng tình huynh đệ qua việc thực hành tình bác ái tương trợ xuất phát từ Tin Mừng đối với người nghèo khó”

Đức thánh cha Bênêdictô XVI, trong cuộc gặp gỡ giới linh mục, tu sĩ nhân cuộc viếng thăm Hoa Kỳ  2008 đã nói như sau: “Giáo Hội không cần có nhiều linh mục, tu sĩ chỉ để có nhiều, nhưng cần có nhiều linh mục, tu sĩ hạnh phúc”. Đức tổng giám mục Socrates Villegas khi mới được bầu làm Chủ tịch hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, cũng nói một điều tương tự với các linh mục nước này rằng: “Giáo Hội không thiếu linh mục, chỉ thiếu lòng nhiệt thành”. Chúng ta cũng có thể áp dụng những lời này cho đời sống thánh hiến như sau: “Giáo Hội không thiếu các tu sĩ, chỉ thiếu tu sĩ nhiệt thành”, «Giáo hội không cần có nhiều tu sĩ cho để có, nhưng cần có nhiều tu sĩ hạnh phúc». Khi chúng ta sống nhiệt thành và hạnh phúc là chúng ta đã sống đúng với căn tính và thi hành đúng sứ vụ ngôn sứ của mình. Hạnh phúc và lòng nhiệt thành ở đây không đơn thuần là một thứ tình cảm, mà là hạnh phúc và lòng nhiệt thành trong đức tin, trong đức ái, trong chân lý, trong sự hiệp thông để đánh thức thế giới trong sự hiệp thông với nhân loại.

Vì thế qua tông thư này, đức thánh cha mời gọi mỗi người chúng ta canh tân ba điểm chính yếu sau :

Thứ nhất là canh tân đời sống tâm linh qua việc trở về với linh đạo và đặc sủng của đấng sáng lập để sống đúng với căn tính và sứ mạng của mình hầu thích ứng với thời đại hôm nay.

Thứ hai là canh tân đời sống huynh đệ để trở thành những chuyên viên hiệp thông trong cộng đoàn, trong hội dòng, trong Giáo hội và trong thế giới.

Thứ ba là canh tân đời sống mục vụ để trở thành những ngôn sứ thức tỉnh thế giới, khơi dậy niềm vui và hy vọng cho đời.

Tóm lại qua nội dung Tông thư Năm đời sống thánh hiến này, chúng ta cảm nhận rằng đức thánh cha Phanxicô yêu thương, tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều vào sự đóng góp của giới tu sĩ cho sứ mệnh của Giáo Hội. Ước gì năm đời sống thánh hiến này sẽ là thời điểm đầy hồng ân Chúa giúp chúng ta biến đổi, và tân Phúc Âm hóa bản thân cũng như cộng đoàn để đáp lại kỳ vọng mà Giáo hội và thế giới đang mong đợi nơi chúng ta.

 

Câu hỏi gợi ý suy tư & chia sẻ :

  1. Bạn tâm đắc điều nào nhất trong Tông thư của đức thánh cha Phanxicô về Năm sống Đời thánh hiến?
  2. Đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhạt” và “nguội” trong đời sống thánh hiến? Bạn có sống vui tươi trong ơn gọi và trong sứ mạng của mình không?
  3. Đức thánh cha Phanxicô đã gợi ý cho bạn những đường hướng nào trong việc canh tân đời sống thánh hiến và lòng nhiệt thành, say mê trong sứ vụ của mình?
  4. Bạn có dự phóng gì để “sống đặc tính ngôn sứ” và “sống hiệp thông” theo căn tính và đặc sủng riêng của hội dòng mình?

 

Thiết kế Web : Châu Á