Lịch sử

SỬ LƯỢC - ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ

chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc sống của Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý suốt một dĩ vãng hơn 60 năm trong cái nhìn của niềm tin, để nhận ra và xác tín rằng tất cả là hồng ân để tri ân cảm tạ Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

 

SỬ LƯỢC

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ

(Viết trong dịp mừng Ngọc Khánh thành lập Đan Viện)

M. Montfort

 *********************

 

Trên chiều dài cuộc sống, có những mốc thời gian cần ghi nhận, để đọc lại những biến cố vui buồn, may rủi, thành công thất bại, đã xẩy ra trong cuộc sống dĩ vãng của một cá nhân hay một tập thể. Ghi nhận những biến cố dĩ vãng là điều hữu ích, trong đó chắc hẳn có những kỷ niệm gắn liền với cuộc sống khó quên. Những biến cố dĩ vãng có thể là quan trọng, có thể đem lại niềm vui, phấn khởi, hay những kỷ niệm đau buồn, để từ đó rút ra những bài học hiện sinh hữu ích cho tương lai.

Trong khi nhìn lại những mốc thời gian quá khứ, chúng ta không nhìn với cái nhìn vô tư hay tệ hơn với nhãn quan tiêu cực bi quan, nhưng là với tâm tình cảm tạ tri ân Đấng là chủ thời gian và lịch sử.

Đời người cũng như lịch sử thế giới, luôn ở dưới sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử và hướng dẫn lịch sử. Ngài luôn hiện diện trong suốt dòng chảy lịch sử của đời người cũng như của lịch sử thế giới. Với niềm tin vững chắc đó, mọi biến cố trong  thời gian dĩ vãng luôn là tín hiệu tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải đọc ra chiều kích niềm tin đó mới cảm nghiệm được niềm vui, an bình và hy vọng, dẫu cho dĩ vãng có những đám mây mù đen tối. Tắt một lời, tất cả những biến cố trong cuộc sống quá khứ, hiện tại hay tương lai ở những mốc thời gian dặc biệt, với người có niềm tin, cần phải được đọc dưới ánh sáng tình ỵêu của Thiên Chúa. Chúng ta cần luôn tin tưởng và xác tín vào sự hiện diện quan phòng đầy tình thương của Thiên Chúa trong từng giây phút  cuộc sống, trong lịch sử của từng cá nhân hay của một tập thể, bởi lẽ tên Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Với niềm tin đó, chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc sống của Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý suốt một dĩ vãng hơn 60 năm trong cái nhìn của niềm tin, để nhận ra và xác tín rằng tất cả là hồng ân để tri ân cảm tạ Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Nhìn lại quá trình thành lập Đan Viện qua những biến cố vui buồn, may rủi, hạnh phúc, bất hạnh, chúng ta không thể không ghi  nhận với tất cả tâm tình cảm tạ  tri ân Thiên Chúa, bởi lẽ trong niềm tin, chúng ta xác tín rằng tất cả những sự kiện xảy ra cho Đan Viện đều do sự quan phòng tình thương  của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã dạy: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những kẻ yêu mến Ngài”  (Rom 8,28).

Nếu chúng ta hân hoan đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng đọc ra những điều không may hay bất hạnh cũng là hồng ân củá Cha trên trời, bởi lẽ Thiên Chúa  luôn có mặt trong mọi biến cố cuộc đời và luôn đồng hành bên cạnh con cái của Người. Niềm tin giúp chúng ta ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng bước đi, từng giây phút cuộc đời. Như vậy, chúng ta lụôn cảm thấy bình an cho dẫu cuộc đời có nhiều khó khăn, thử thách. 

 

I - Một thoáng lịch sử 

 

1/ Người ta thường nói: Cái gì phải đến, thì sớm muộn cũng sẽ đến. Khi hoàn cảnh và thời thế chín muồi đã thúc đẩy cộng đoàn nhà mẹ Phước Sơn quyết định xúc tiến việc lập dòng mới, và sau nhiều ngày bàn luận góp ý, Hội Đồng Đan Viện nhà Mẹ đã quyết định, gửi một phái đoàn  vào  miền Nam để thành lập dòng mới.

Phái đoàn gồm cha Viện Phó Casimir Hồ Thiên Cung, làm trưởng đoàn, cùng các cha Vitalis, Albericô, Sylvester và Saveriô, thầy phó tế Gioan Nguyễn Văn Luận, các đan sĩ Louis, Irénée, Gabriel, Paulinô, Pascal, Clementê, Hardingô, Egidiô, Leô, Antôn Padua các tu sĩ Robertô, Phêrô, Luca và Adrianô, với một em đệ tử là Phạm Văn Trí, và một chú dòng ba là Nguyễn Văn Tài.

Đúng ngày 23-10-1950, phái  đoàn chính thức xuất hành hướng về miền nam Việt Nam.

Sau ba tuần lễ hành trình, ngày 17 -11-1950 phái đoàn đã đặt chân tới giáo xứ Chà Và, thuộc giáo phận Vĩnh Long, tại tỉnh Trà Vinh. Đây là địa điểm do Đức Giám Mục Vĩnh Long giới thiệu. Nhờ lòng hảo tâm của giáo dân xứ Chà Và, phái đoàn được tiếp đón rất nồng hậu và được tạm thời tá túc tại giáo xứ trước khi tìm được địa điểm định cư.

Sau ba tháng dò tìm, cha trưởng đoàn đã may mắn tìm được địa điểm thích hợp ở Mặc Bắc, quê hương của ngài. Đó là sở đất 50 mẫu tây, nằm trong địa hạt giáo họ Tân Thành, là sở hữu của ông bà Chín Nghiệm và người cháu là Tư Châu. Là một sở đất ruộng màu mỡ, tọa lạc tại giao điểm hai giòng sông, sông Vàm Cỏ và sông Hậu Giang. Phong cảnh địa thế ở đây thật hữu tình. Hai giòng sông giao nhau như muốn nói lên cuộc gặp gỡ duyên tình giữa Thiên Chúa và các đan sĩ. Sở hữu chủ rất vinh dự tình nguyện dâng sở đất cho các đan sĩ để lập dòng.

Hạ tuần tháng 3-1951, phái đoàn từ gĩa giáo xứ Chà Và và chuyển đến địa điểm an bài để khởi công xây dựng.

Từ đây các đan sĩ bắt tay vào công việc. Sau nhiều tháng miệt mài lao động, anh em đã hoàn thành ngôi nhà nguyện và các căn nhà dã chiến tối thiểu cần cho sinh hoạt đan tu. Tất cả đều bằng cây chà là và lá dừa nước.

Ngày lễ Trái Tim Đức Mẹ (tháng 6), cộng đoàn hân hoan tổ chức thánh lễ tạ ơn trọng thể đầu tiên, dâng hiến nguyện đường và các cơ sở hạ tầng cho Đức Mẹ đồng thời đặt tên cho nhà mới là “Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước”. Từ đây các đan sĩ đi vào nếp sống bình thường theo luật dòng, ngày đêm cất lên  những giờ kinh nguyện ngợi khen ca tụng Thiên Chúa.

Cuộc sống mới nơi đất lạ xứ người diễn tiến an vui êm đềm, mọi người đều quyết tâm thực hiện châm ngôn bất hủ của đời chiêm niệm là “Lao động và cầu nguyện”. 

2/  Khúc quanh lịch sử : Tiến về Phước Lý.

Thời gian ở Tân Thành mọi sự đều ổn định: vấn đề vật chất đất ruộng không thiếu, tình cảm dân địa phương dành cho cộng đoàn cũng nồng nhiệt, cuộc sống được an vui. Nhưng rồi với thời gian, nhiều khó khăn xuất hiện khó lòng vượt qua, nên một số các cha các thầy, vì không thích nghi được với hoàn cảnh địa thế, nên đã xin trở về nhà mẹ Phước Sơn. Đó là cha Vitalis và Sylvester cùng các đan sĩ Egidiô, Lêô, Louis, Antôn Padua với các tu sĩ Robertô và Phêrô. 

Sau hơn một năm hiện diện và sinh hoạt tại Tân Thành, cha bề trên Casimir Hồ Thiên Cung xin từ chức vì lý do sức khỏe. Chấp thuận nguyện vọng của đương sự, cha Tân Viện Trưởng nhà mẹ Emmanuel Chu Kim Tuyến, đã đề cử  cha quản lý Stanislas Trương Đình Vang thay thế cha bề trên Casimir với trách nhiệm di chuyển Thiên Phước về Phước Lý. Đây là một sứ mệnh quan trọng không dễ dàng cho vị tân cử.

Sở đất Phước Lý có diện tích 286 mẫu tây, tọa lạc giữa thôn Ông Kèo và thôn Xoài Minh, nay thuộc xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Sở đất này do cô tám Trinh Thị Dung, giáo xứ Chợ Quán - Sài Gòn dâng cúng để lập dòng.

Đồng thời Cha Viện Trưởng nhà mẹ Phước Sơn cũng tăng cường nhân sự tháp tùng cha Stanislas trong nhiệm vụ mới Đó là cha Berchmans Nguyễn Văn Quy, các thầy Martinô Trần Văn Đổng và Gulielmô Nguyễn Văn Nhơn  và một em đệ tử Nguyễn Vinh, sau này là  cha Montfort.

Lãnh nhiệm vụ mới ngày 08-12-1951, thì ngày  15, tức sau một tuần, cha Stanislas và các vị tháp tùng lên đường vào Nam để thi hành sứ mệnh.

Sau một tuần dừng chân tại nhà Cô Tám Dung tại Chợ Quán để nghe ngóng tình hình, ngày 07-01-1952 các vi đi tham quan sở dất Phước Lý.

Thời bấy giờ Phước Lý là vùng “xôi đậu”, ít có người qua lại, vì ở đấy thường xẩy ra những trận chiến ác liệt giữa quân đội Pháp và quân Cách Mạng. Tuy nhiên dân chúng địa phương vẫn có thể sống yên ổn trong vùng này. Đó là một tín hiệu tốt làm an tâm các vị. Sau một tuần quan sát địa thế sở đất Phước Lý, các vị trở về Sài Gòn để làm thủ tục hành chánh, đăng ký nhân sự và tạm trú.

Ngày 03-02-1952, các vị đến Phước Lý khởi công xây dựng. Sau hơn 10 ngày lao động với sự trợ giúp thân tình của người dân địa phương Xoài Minh, một ngôi nhà đầu tiên đơn giản, thô sơ được dựng lên, đánh dấu từ đây có sự hiện diện nhân chứng Nước Trời của các đan sĩ chiêm niệm tại một góc trời hẻo lánh, cô tịch.

Ngày 01-05-1952,  cộng đoàn Thiên Phước rời bỏ Tân Thành, theo đường thủy, trực chỉ Phuớc Lý. Thế là một giai đọan trong thời lập dòng mới ở Tân Thành kết thúc. Thiên Phước ở Tân Thành, Vĩnh Long đã đi vào lịch sử và giờ này chỉ còn là một kỷ niệm quá khứ đẹp gợi nhớ cho các thế hệ tương lai khi đọc lại lịch sử này.

 Phước Lý lúc bấy giờ thật hoang vắng, cô tịch, ít có người vãng lai như đã nói trên. Và giờ đây các đan sĩ đã ổn định trong cảnh đơn sơ của buổi ban đầu. Ngày tháng trôi qua êm đềm trong cuộc sống bình lặng trên một không gian cô tịch. Có thể nói đây là một linh địa mà Thiên Chúa Quan Phòng đã dẫn đưa con cái Ngài đến để ngày đêm từ giữa cảnh trời lồng lộng hoang vắng vang lên những lời kinh tiếng hát chúc tụng ngợi khen Đấng Tối Cao.

Đây là những mốc ngày tháng đáng ghi nhớ: Ngày 06-05-1952 Cộng đoàn nhận được Sắc Chỉ của Toà Giám Mục Sài Gòn cho phép chính thức hội nhập vào Giáo Phận Sài Gòn. Và sau 3 tháng, ngày 15-08 cộng đoàn lại  hân hoan nhận được Sắc Chỉ Toà Thánh chính thức chấp nhận việc lập dòng mới. Thật là những biến cố vui mừng vô cùng phấn khởi. Thế là từ nay Phước Lý vinh dự có tên trong danh sách các dòng tu trong Giáo Hội. Liền sau đó, ngày 20-08, lễ thánh phụ Bênađô, Phước Lý chính thức khai mạc Tập Viện theo Giáo Luật, để thu nhận các ứng sinh vào dòng.

Sau hơn hai năm sống trên vùng đất đồng ruộng ẩm thấp, anh em nhận thấy vùng đất ruộng này không thích hợp cho sức khỏe của anh em, vì một số anh em thường xuyên bị sốt rét, ốm liệt và sa sút thể lực. Hơn nữa việc kiến thiết cơ sở kiên cố cũng gặp nhiều khó khăn. Đang khi đó thì ở bên kia đường cái, đối diện với Đan Viện là một đồn điền cam quýt, rộng 20 mẫu tây, địa thế mặt bằng rất thích hợp, có giếng nước trong lành, không bao giờ cạn, nên anh em đề nghị Bề Trên nên vận động mua sở đất này để kiến thiết Đan Viện. Đề nghị thật hợp lý và thú vị. Cuối cùng thì Bề Trên đã xúc tiến tiếp xúc vời chủ đất và đã thành công mua được sở đất với giá 40.000 đồng VN (giá vàng là 2.500-3.000). Và ngân khoản này được Đức Tổng Phụ Xittô Sighard Kleiner cung cấp. Thật là một ân huệ lớn lao Cha Trên Trời ban tặng cho con cái.

Thế là một lần nữa ngày 08-09-1954 anh em Phước Lý lại nhổ neo cuốn gói rời đất cô Tám Dung, chuyển sang khu đất mới và hăng hái khởi sự  xây dựng lại từ đầu.

Từ đó các cơ sở dần dần xuất hiện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đoàn, đặc biệt Ngôi Thánh Đường được hoàn thành năm 1960  và được thánh hiến do Đức Tổng Phụ Xitô Dom Sighard Kleiner và Đức Giám Mục Sài Gòn Simon Nguyễn Văn Hiền đồng chủ sự. 

a, Phát triển 

Với thời gian, cuộc sống dần dần ổn định và phát triển cùng với nhân sự được gia tăng. Vì thế đã đến lúc qui chế Đan Viện  được nâng lên theo đà tiến của cuộc sống.

Năm 1964 đơn thỉnh nguyện nâng cấp của 3 Đan Viện Phước Sơn, Châu Sơn và Phước Lý lên qui chế Đan Phụ Viện được Toà Thánh chấp thuận.

Tháng 2 năm 1964, Đức Tổng Phụ Xitô Dom Sighard Kleiner từ Roma đã đến Việt Nam để thực hiện Sắc Chỉ của Toà Thánh, chính thức  nâng 3 Đan Viện Phước Sơn, Châu Sơn và Phước Lý thành Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam và 3 Đan Viện được nâng lên qui chế Đan Phụ Viện. Đây là một biến cố trọng đại đánh dấu sự trưởng thành của Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

Riêng đối với Phước Lý thì ngày 25-02-1964 Đức Tổng Phụ chính thức đến Phước Lý chủ tọa việc bầu Viện Phụ và cha Viện Trưởng Stanislas Trương Đình Vang đã đắc cử Viện Phụ tiên khởi của Đan Viện Phước Lý.

Ngày 19-03-1964 lễ thánh Giuse, Đức Tổng Phụ Xitô đã long trọng cử hành lễ chúc phong 3 Tân Viện Phụ Phước Sơn, Châu Sơn và Phước Lý tại Vương cung thánh đường Sài Gòn. Biến cố trọng đại này đã mở ra cho Hội Dòng Xitô Thánh Gia một trang sử mới cũng như giới thiệu rộng rãi cho bà con về sự hiện diện và khuôn mặt của Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

Kể từ năm 1964 đến hôm nay, Đan Viện Phước Lý đã trải qua một đời Viện Phụ tiên khởi và tiếp đó là 2 đời Viện Trưởng, rồi 2 đời Viện Phụ. Viện Phụ đương nhiệm là linh mục Gioan Baotixita Trần Văn Chuyên, đắc cử ngày 22-09-08 lúc ngài còn ở Đan Viện Orsonnens - Thụy Sỹ.  Ngài vốn là một linh mục của Đan Viện Phước Lý, du học tại Thụy Sỹ, nhưng sau Cách Mạng 1975 không về lại được Phước Lý. Ngày 22-09-08 công đồng Phước Lý đã bầu ngài làm Viện Phụ thay thế Viện Phụ Igance Trần Ngân, đã từ chức vì lý do sức khỏe.

Từ ngày 11-10-2014, Cộng đoàn đã bầu cha M. Bảo Tịnh Nguyễn Đức Chánh làm Viện phụ... 

b, Lập dòng mới:

Sống là phát triển và thay đổi. Dù cuộc sống luôn vẫn có những khó khăn, nhưng Phước Lý cũng đã cố gắng phát triển những mầm sống mới. Đó chính là thực hiện sứ mệnh truyền giáo của Dòng. Do đó lần lượt Phước Lý đã sinh hạ những những đưa con cho Giáo Hội.

1/ Đan Viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước:

Có thể nói Đan Viện Vĩnh Phước là Trưởng Nữ của Phước Lý (xin xem bài viết của Đan Viện Vĩnh Phước).

2/ Đan Viện Thánh Mẫu An Phước:

Sau Cách Mạng 1975, Đan Viện Phước Lý đã gặp không ít khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội của Chúa Quan phòng để Đan Viện Phước Lý mạnh dạn cho chào đời năm 1972, một nhóm Xuân Sơn thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu  và một nhóm An Phước trong địa hạt huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Về nhóm An Phước, xin xem bài viết của Đan Viện An Phước.

Riêng nhóm Xuân Sơn, được khai sinh ngày 19-03-1979 do linh mục Montfort Nguyễn Vinh, lúc đó là tập sư tại Đan Viện Phước Lý. Nhóm này đã sinh hoạt và đón nhận ơn gọi khả quan từ năm 1979 đến 1993. Nhưng sau này nhà mẹ Phước Lý thiếu hụt nhân sự trong việc đào tạo ơn gọi, nên Tổng Hội Hội Dòng tháng 12 năm 1993 đã yêu cầu 2 nhóm Xuân Sơn và An Phước rút về nhà mẹ Phước Lý để tăng cường nhân sự và đảm bảo việc huấn luyện giới trẻ. Cuối cùng, trong một buổi họp, Hội Đồng Đan sĩ của Phước Lý đã quyết định giải thể nhóm Xuân Sơn và duy trì nhóm An Phước.

3/ Đan viện Phước Hiệp: Tại xã Phước Hiệp, thuộc huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Phước Lý đã tậu được một sở đất 17 mẫu tây, Phước Lý đã thành lập Đan viện Phước Hiệp và Tổng Hội khóa 2014 đã nâng lên hàng Đan Viện Đơn Lập (xem bài viết về Đan viện Phước Hiệp). 

Trên đây là những thành quả tốt đẹp đáng khích lệ mà Thiên Chúa đã ban cho Đan Viện Phước Lý. Xin chúc tụng tạ ơn Người. 

 

II. Những biến cố thử thách…

 

Đã nêu lên những thành quả tốt đẹp, thì cũng không nên bỏ qua  những thử thách Đan Viện đã trải qua trong thời gian 60 năm qua, để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh .

Xin được ghi lại đây một vài biến cố nghiêm trọng đã tác động mạnh vào cuộc sống của các đan sĩ: 

*  Cuộc thăm viếng hữu nghị kỳ lạ.

Trời đã về đêm, Đan Viện đã lên đèn. Bên ngoài trời đen như mực, bầu khí thinh lặng bao trùm cả không gian Đan Viện. Bên trong thánh đường giờ kinh cuối ngày sắp kết thúc. Khi câu hát cuối cùng của ca vãn “Salve Regina” vừa dứt, thì  từ cửa dưới thánh đường, một tiếng đập cửa mạnh làm mọi người kinh ngạc, nhốn nháo. Nhìn xuống, thì kìa một đoàn quân bộ đội, mũ cối, khăn quàng đỏ, hừng hực tiến lên, súng trong tay, thao tác  lắc cắc. Ai nấy đều sợ hãi kinh hoàng, run như run thần tử thấy long nhan. VC, chết rồi!!! Cha bề trên vội bảo thầy tập sinh ở ngay trước mặt ngài quỳ xuống đọc ba kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cứu giúp, nhưng thầy quá sợ, run lập cập, ấp úng chẳng đọc nổi. Lúc đó một thầy tập sinh đang ngồi trên ghế đàn liền phóng như bay, kịp ghé về phòng ngủ ôm chiếc mền, rồi lẹ làng lom khom chạy ra một góc vườn tìm chỗ ẩn núp. Để cho chắc, thầy chui vào nằm gọn giữa đám cỏ tranh, chờ đợi, nghe ngóng. Đang suy nghĩ  mộng lung thì bỗng một hồi chuông Đan Viện vang lên. Rõ ràng đây là hồi chuông báo thức lúc  2 giờ. Có thực không, mình đang tỉnh hay đang mơ…

Thực ra mọi chuyện đã kết thúc từ lâu rồi. Ai nấy đã thở phào nhẹ nhõm và đã an giấc từ lúc 11 giờ đêm rồi. Đoàn bộ đội cách mạng chỉ đến thăm hữu nghị. Lúc ập cửa vào họ thị uy thôi. Rồi họ đến giữa hai ca tòa, có cả nữ đồng chí xinh đẹp nữa, và họ bắt đầu tâm sư rất thân thương. Họ nhã nhặn chào và hỏi thăm sức khỏe quí cha quí thầy. Rồi họ nói chuyện về tình hình chính trị đất nước và kêu gọi nhà dòng đứng về phía cách mạng, đấu tranh chống giặc ngọai xâm. Họ thay nhau nói thao thao bất tuyệt, đến cả hơn 2 tiếng đồng hồ. Rồi họ rút lui. Có thế thôi. Vậy mà một phen làm các cha các thầy hêt hồn hết vía. May quá! Tạ ơn Chúa, cám ơn bộ đội cách mạng. Trước khi rút lui, họ không quên nhắn nhủ các cha các thầy phấn đấu tu hành đắc đạo cầu nguyện cho đất nước. Lời nhắn nhủ đẹp làm sao!!!  

* Một đêm hãi hùng.

Từ  ngày khai sinh đến cuộc cách mạng 1975, Phước Lý vẫn sống trong một hoàn cảnh đặc biệt, ngoài vòng cương tỏa, giữa hai thế lực đối kháng: một bên được mệnh danh là quốc gia, và bên kia là lực lượng cách mạng. Thực tế thì ban ngày Đan Viện ở dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, ban đêm thuộc quyền Cách Mạng.

   Năm 1955, quân đội Bình Xuyên dưới quyền chỉ huy của trung tướng Nguyễn Thành Phương, được chính quyền Sài Gòn điều về trấn giữ vùng chiến thuật từ Phước Lý đến Vũng Gấm, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Sự việc xảy ra là vào đêm 30 tháng 06 năm 1955, một toán lính Bình Xuyên đột nhập khuôn viên Đan Viện. Đầu tiên chúng ập vào Đệ Tử Viện, cách xa Đan Viện 100m. Chúng uy hiếp cha giám đốc Nguyễn Văn Luận và khủng bố các em đệ tử. Chúng lục soát tất cả các vali của các em và lấy tất cả những gì chúng muốn. Sau đó chúng trấn lột hết áo quần cha Giám Đốc và bắt ngài dẫn chúng vào Đan Viện. Vào đến Đan Viện lúc các cha các thầy đang an giấc. Chúng la hét ầm ĩ, khiến mọi người thức dậy hoảng hốt kinh hoàng. Chúng tập trung tất cả các cha các thầy lại và dồn vào một góc nhà, bên cạnh phòng cha Bề Trên, rồi một tên lính kề dao găm vào bụng cha Bề Trên Stanislas Trương Đình Vang, yêu cầu ngài trao cho chúng tất cả tiền nong vàng bạc của Đan Viện. Cha Bề Trên vội vã lấy chìa khóa mở tủ cho chúng vơ vét, nhưng chẳng có bao nhiêu. Đan Viện đang buổi đầu, nghèo khó làm gì có nhiều tiền bạc. Tất cả các cha các thầy đứng đó, im lặng, chứng kiến hành động dã man của chúng, thấp thỏm lo sợ không biết việc gì sẽ xảy ra. Rốt cục, đây là những tên đi cướp của, chứ không phải là bọn cướp của giết người. Thi hành xong thủ đoạn chúng bỏ đi, nhưng không quên đe dọa nếu tiết lộ sự việc, sẽ bị đền mạng cả đám. Biến cố rùng rợn qua đi, cộng đoàn một phen hú vía, hồn xiêu phách lạc. Sau đó sự việc đã đến tai trung tướng Nguyễn Thành Phương. Vô cùng hối hận vì thuộc hạ đã hành động gian ác, ông đã gửi một phái đoàn về Phước Lý điều tra vụ việc và bồi thường cho Đan Viện không những là những gì đã bị cướp, mà còn đền bù hậu hĩnh. Thế là Đan Viện lại được hưởng lợi. Tội có phúc là thế đó. 

* Vừa ăn trộm vừa la làng,

Mùa xuân năm 1977, tiết trời đang vào cuối mùa lúa đông xuân, cũng là thời điểm thuận lợi cho các chú Tý tung hoành trong cánh đồng lúa chín.

Một biến cố không may đã xảy ra. Đó là vào tối 27 tháng 02 năm 1967, sau giờ Kinh Tối, khoảng 20 giờ, thầy Phêrô Nguyễn Hải Quân xin phép Bề Trên để cùng với thầy Bích Đăng Trần Đình Vấn, qua nông trại của Đan Viện đánh bẫy chuột. Hai thầy cùng đi cầm theo một đèn pha để soi đường và cũng để làm ám hiệu  cho thầy Bảo Mỹ Nguyễn Văn Hiền đã ở nông trại đặt bẫy từ chiều.

Sau khi gặp nhau, cả ba cùng giúp nhau dồn vào một thùng các chiến lợi phẩm mà thầy Bảo Mỹ đã thu được, rồi cùng ngồi vào bàn tròn hàn huyên, nhưng mỗi người quây nhìn một hướng. Gần 21 giờ, thầy Bích Đăng đề nghị cả ba cùng đi thăm bẩy một lần nữa rồi cùng về Đan Viện. Vừa đứng lên, thầy Quân liền phát hiện có ba người ở trần đang lấp ló nơi đám ruộng ao cá, thầy buột miệng la lên: “Ai kìa”, tức thì những tiếng súng nổ vang trời. Sợ quá, thầy Bích Đăng liền bỏ chạy băng qua ruộng rau lang, vượt hàng rào kẽm gai cao 1.6m hướng về Đệ Tử Viện. Sau khi lọt vào hàng rào Đệ Tử Viện, thầy phân vân không biết chạy về đâu cho an toàn: vào Đệ Tử Viện hay ra Nữ Đan Viện ngoài Bầu Sen. Cuối cùng thầy quyết định chạy vòng lối sau về Đan Viện.

Cả nhà đang thấp thỏm không biết chuyện gì xẩy ra bên nông trại mà có tiếng súng nổ bên đó, không biết các thầy có sao không? Sao mà cây rơm lớn bên đó lại bị đốt cháy sáng rực cả một bầu trời. Lúc đó thầy Bích Đăng vừa về tới nhà và thuật lại cho Bề Trên và cả nhà nghe về sự việc mới xảy ra. Cha Bề Trên liền bảo thầy Bích Đăng mặc áo dòng vào và bảo thầy Malaki lấy xe máy cày chở ra UB xã trình bày sự việc cho họ biết. Vừa tới cổng Đan Viện thì gặp ngay một nhóm du kích, họ yêu cầu dừng xe lại. Ngay lúc đó một nhóm khác gồm phó bí thư, trưởng công an và một vài nhân viên khác vừa đến. Thấy thầy Bích Đăng, ông phó bí thư yêu cầu thầy xuống xe, cởi áo dòng rồi dẫn độ thầy về Hơp Tác Xã (nay là Trường Học Vĩnh Thanh II). Trên đường đi họ đấm đá thầy túi bụi, rồi kê nòng súng lên mang tai thầy và bắn chỉ thiên. Về tới Hợp Tác Xã, họ tiếp tục đánh thầy, có anh du kích lấy đũa ăn cơm chọc vào tai thầy.

Đánh đập chán, họ trói ngược hai tay thầy ra sau, trói cả 2 chân và quẳng thầy vào một phòng, úp mặt xuống đất rồi đóng cửa lại. Khoảng 2 tiếng sau, một người quen biết thầy Bích Đăng vào cởi trói cho thầy và dìu thầy về Đan  Viện, mình đầy thương tích, mặt sưng phù, hai mắt đỏ lòm và tít lại, trông rất thê thảm. Thầy đau đớn lắm. Khi đi ngang qua UBND xã, ông bí thư và một số người cùng ra đưa thầy về và ông nói với thầy Bích Đăng: “Thầy về nhắn lại quí cha quí thấy cho chúng tôi xin lỗi về chuyện vừa xẩy ra, vì không có lãnh đạo nên cấp dưới làm bậy”. Thầy Bích Đăng phải nghỉ dưỡng thương gần hai tháng. 

 

III. Cảm tạ hồng ân

 

Khi nhìn lại dĩ vãng trong 60 năm - chiều dài cuộc sống của Đan Viện Phước Lý, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng đến lạ lùng, vì tình thương của Chúa Quan Phòng đã ấp ủ Đan Viện thật quá lớn lao!  Bao nhiêu tâm tình hân hoan cảm tạ tràn dâng ngập cõi lòng dâng lên Thiên Chúa cùng với những tâm tình tri ân cảm mến vì những hy sinh vất vả của các bậc tiền bối đã đem  lại cho Đan Viện và hậu thế những thành quả tuyệt vời mà chúng ta an hưởng hôm nay... Thế là thắm thoát hơn một nửa thế kỷ đã đi vào dĩ vãng, tâm tình chủ yếu của chúng ta, của những con cái Đan Viện, phải là tâm tình cảm tạ tri ân dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Thánh Phaolô trong thư Êphêsô nhắc nhở chúng ta: “Trong mọi sự, anh em hãy tạ ơn Chúa” (Eph 5,20). Tạ ơn Chúa là một sự công bằng, hợp tình hợp lý và phải đạo. Tạ ơn Chúa phải là một điệp khúc không ngừng phải được hát lên suốt cuộc đời chúng ta. Điều quan trọng là biết đọc, biết khám phá và nhận ra ân huệ tình thương của Chúa trong mọi biến cố, trong từng giây phút cuộc đời, trong cảnh vật thiên nhiên cũng như trong từng cảnh ngộ vui buồn, may mắn hay rủi ro trong từng ngày. Nhận ra sự hiện diện và ân huệ của Chúa là một lời mời gọi cảm tạ tri ân. Hãy noi gương thánh Phaolô khi Ngài nói: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi về anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Giêsu Kitô” (1Cr 1,4).

 Nếu chúng ta dành cả một năm hay cả một đời người để tạ ơn Chúa cũng không bao giờ đủ. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, trong Tông Thư  “Trước Thềm Thiên Niên Kỷ III”, ở đoạn 3, có viết: “Trong Kitô Giáo, thời gian có một tầm quan trọng căn bản. Chính trong chiều kích thời gian mà thế giới được tạo thành. Cũng chính trong thời gian mà lịch sử cứu độ được mở ra, đạt tới tuyệt đỉnh của nó trong sự viên mãn của thời gian, nơi biến cố nhập thể và khám phá ra mục tiêu của nó trong sự tái lâm vinh quang của Con Thiên Chúa tại điểm tận cùng của thời gian”. Ta có thể hiểu rằng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã biểu lộ Lời Người là Chúa Kitô, Đấng đã đến để khai mở một trời mới đất mới, là kỷ nguyên của ơn cứu độ. Như vậy kỷ niệm Ngọc Khánh của Đan Viện là một ngày, một năm đại hồng phúc, trọng đại vô cùng. Chính vì thế, chúng ta đặt lễ kỷ niệm này, năm kỷ niệm này và cả tương lai của Đan Viện chúng ta vào trương độ tình thương của Chúa Quan Phòng. Vậy thì:

- Việc làm và thái độ của chúng ta hiện tại là cảm nhận hồng ân và tri ân cảm tạ. Tâm tình đầu tiên là lòng biết ơn. Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra ân huệ của Chúa  và biết không ngừng cám ơn Chúa về những ân huệ  Ngài ban.

 - Có biết bao ân huệ Chúa hằng ban cho chúng ta mà nhiều khi chúng ta không ý thức để cảm tạ Chúa.

- Có biết bao biến cố may lành chúng ta được hưởng mà chúng ta không  ý thức được là do tình thương của Chúa để cảm tạ tri ân.

- Có biết bao khó khăn, thử thách xảy đến trong cuộc sống chúng ta mà chúng ta may mắn đã vượt qua, nhưng lại không ý thức đó là hồng ân của Chúa.

Đây hơn nữa là thời gian vàng ngọc để chúng ta sám hối về tất cả những thiếu sót và quyết tâm đền bù bằng tận tâm yêu mến Chúa, vì như Chúa đã dạy: “Ai yêu nhiều thì được tha nhiều”.

Cuối cùng công việc chính yếu của chúng ta trong dịp kỷ niệm Ngọc Khánh của Đan Viện hôm nay, là sốt sắng dâng lên Chúa lời nguyện tri ân cảm tạ Chúa về muôn vàn  hồng ân Ngài đã ban cho Đan Viện trong 60 năm qua. Hãy cùng với thánh Phaolô: “Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban” (2Cr9,15). Và tạ ơn Chúa, chúng ta không quên tạ ơn Mẹ Maria, vì mọi hồng ân Chúa ban cho Đan Viện đều qua sự can thiệp của lòng hiền mẫu của Mẹ. Xin tạ ơn Mẹ ngàn trùng.

Đồng thời chúng ta tha thiết xin Chúa thứ tha những thiếu sót, những bất trung bất tín của chúng ta trong suốt thời gian qua và xin Chúa chúc lành và gìn giữ Đan Viện chúng ta trong tình yêu và bình an của Ngài.

 

Thiết kế Web : Châu Á