Giáo Hội Hoàn Vũ

Triết lý giáo dục Kitô giáo

Nhân đọc bài “Giáo dục ở nước ta hiện nay đi ra bằng con đường nào” của nhà văn Nguyên Ngọc (xem NS Cg & Dt số 158), tôi bèn liên hệ với chủ đề “Giáo dục Kitô giáo” và thấy rằng chính bản thân Kitô giáo cũng cần có cho mình một triết lý giáo dục. Bảo rằng Kitô giáo cần triết lí giáo dục như vậy thật khó mà được chấp nhận, bởi như thế khác nào nói Giáo Hội xưa nay không có triết? Thật sự thì vẫn có triết đấy nhưng đó là triết duy lí vốn vẫn được gọi dưới danh xưng là thần học, là đệ nhất triết học, là khoa học Thánh… Với cái gọi là khoa học này thì Thiên Chúa trước sau vẫn chỉ là một thứ khái niệm, một thứ ý tưởng mà người ta có về Ngài chứ không phải là Ngài.

 

  

Triết lý giáo dục Kitô giáo

 

 

Giáo dục chỉ là một bộ phận thế nên tất nhiên không thể thoát ra ngoài ảnh hưởng của Giáo Hội, hay nói  đúng hơn, nó hoàn toàn nằm trong sự chi phối của các trào lưu tư tưởng thần học. Chính do nơi sự chi phối ấy nên mới có những khác biệt nhau nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, về đường hướng, về quan điểm giáo dục. Ở đây ta thấy có hai quan điểm chủ yếu tạm phân chia ra hai thời kì, trước và sau Công đồng Vatican 2. Trước đây, khi nhấn mạnh vào lòng tin Đấng Thiên Chúa thưởng phạt công minh: có Thiên Đàng, có Hỏa Ngục, Luyện Ngục thì đường hướng giáo dục tập trung vào việc học giáo lí kinh bổn cốt sao cho được rỗi linh hồn. Nhưng càng về sau, nhất là trong những năm gần đây, phương hướng giáo dục ấy tuy không bãi bỏ nhưng mặc nhiên bị coi là không thích hợp và Giáo hội hiện nay muốn canh tân đặt trọng tâm vào giáo dục nhân bản. Niềm tin nơi Đấng Thiên Chúa thưởng phạt đã được thay thế bởi Đấng Thiên Chúa Tình Yêu. Thật sự thì lòng tin chân thành vào Đấng Thiên Chúa chí công cũng là điều rất tốt. Thế nhưng đã đến lúc không nên và cũng không thể duy trì mãi sự tin tưởng ấy nữa, nhất là trong cái thời mà chính thần học lại muốn hợp thức hóa cái chết của Thiên Chúa bằng một thứ quan điểm phải nói là hết sức quái gở: “Thần học về cái chết của Thiên Chúa” (Théologie de la mort de Dieu) Thần học mà lại là về cái chết của Thiên Chúa thì thật không sao hiểu nổi! Thế nhưng đây lại là thực tế v.v…

 

Phong trào tục hóa (Secularisme và ngày nay chúng ta không xa lạ gì với những ngôn từ đại loại như kỷ nguyên hậu Kitô, phi Kitô giáo hóa, tính hiện đại, hậu hiện đại, tục hóa, giải trừ Kitô giáo… Có người còn nói tục hóa là một tiến trình không thể đảo ngược) được khởi phát vào những năm đầu thế kỉ XX bởi những nhà thần học Tin Lành như Harvey Cox, Paul Tillich, Hamilton, Nieburg… Tục hóa không có nghĩa là hoàn toàn chối bỏ tôn giáo nhưng đặt tất cả dưới khía cạnh tương đối kể cả đức tin lẫn đạo đức. Những kẻ chủ trương tục hóa nói rằng mình vẫn tin tưởng Thiên Chúa nhưng không phải là Đấng Thiên Chúa nghiêm khắc chỉ ưa chuyện báo thù mà là Đấng luôn yêu thương tha thứ. Họ nói rằng mình vẫn tin vào Đức Giêsu nhưng là Đức Giêsu làm người, sống và chết cho hạnh phúc con người. Với những lập luận như thế tất nhiên không thể không đưa tới hệ quả là đạo đức Kitô đã bị thay thế bởi một thứ nhân bản giả hiệu, lấy cái học làm người để thay cho cái học làm Thánh. Cùng đích của cái học làm người chỉ có thể làm người. Không ai học làm người mà có thể làm một thứ gì đó khác hơn là làm người. Đang khi ấy một khi chúng ta đã thuộc về Giáo hội mà Giáo hội cũng tức là Hội Thánh thì hết thảy Kitô hữu chẳng trừ một ai đều được ơn kêu gọi để nên Thánh: “Bây giờ tôi giao thác anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo ân sủng Ngài là đạo có thể gây dựng và ban cho anh em cơ nghiệp trong vòng hết thảy những người được nên Thánh” (Cv 20,32).

 

Nên Thánh là ước vọng vô cùng cao trọng đáng lẽ phải theo sao lại bỏ đi để học lấy cái học… làm người? Nên Thánh cũng tức là con đường trọn lành, Đức Kitô muốn ta phải theo. Lần kia có người đến hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm chi để được sự sống đời đời? Chúa đáp nếu ngươi muốn vào sự sống hãy giữ các giới răn chớ gian dâm giết người chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, hãy yêu kẻ lân cận như mình. Gã trai trẻ đó thưa rằng: mọi điều ấy tôi đã vâng giữ rồi, còn thiếu chi nữa? Chúa Giêsu phán rằng: nếu ngươi muốn nên trọn lành hãy đi và bán hết của cải ngươi mà cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời rồi hãy đến theo Ta” (Mt 19,16-21).

 

Chúng ta ai cũng biết gã trai đó sau khi nghe Chúa nói đã buồn rầu bỏ đi vì người có tài sản nhiều lắm” (Mt 19,22) Gã trai trẻ ấy đã vẫn giữ tất cả các giới răn cần giữ đó là điều rất tốt. Dẫu vậy đó cũng mới chỉ là cái đạo làm người. Đức Kitô xuống thế chịu biết bao khổ nhục đến nỗi phải bị chết treo trên thập giá không phải để cho ta chỉ sống cái đạo làm người nhưng là để nên Thánh. Nói vậy không có nghĩa nên Thánh tức đương nhiên có thể bỏ qua đạo làm người. Tuy vẫn sống và sống tốt cái đạo làm người là đằng khác, nhưng không thể chỉ dừng ở đó mà cần phải siêu việt khỏi nó. Người thanh niên sau khi thưa rằng mình đã giữ tốt các giới răn nhưng khi nghe Chúa nói phải bán hết gia sản để theo Ngài thì anh ta bèn tháo lui. Như vậy là chưa siêu việt được mình tức có nghĩa còn thấy có mình cùng với tài sản của mình. Chưa siêu việt được mình dù cho là có tuân giữ chặt chẽ các giới răn thì đó vẫn còn ở trong phạm vi luân lí chứ chưa phải là đạo giải thoát xuất thế. Muốn siêu xuất thế gian thì chẳng có cách nào khác ngoài con đường bỏ mình theo Chúa: “Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16,24).

 

Bỏ mình không có nghĩa là đánh mất mình (vong thân) nhưng là để tìm lại con người thật (chân nhân) của mình. Toàn bộ giáo dục Kitô giáo như vậy cần phải hướng tới mục đích để sao cho mỗi người có thể nhận biết và sống với Con Người Thật ở nơi chính mình.

 

Nói cần nhận biết và sống với Con Người Thật. Vậy chẳng hóa ra trong bấy lâu nay chúng ta vẫn chưa nhận biết và sống với con người thật hay sao? Quả có như vậy, bởi lẽ rằng nếu đúng là con người thật thì ta đâu có ngu muội dốt nát với bao nhiêu thứ dục vọng thấp hèn cùng với hậu quả của nó là phải sống thường trực trong đủ mọi thứ lo âu sợ hãi. Sợ đói khát, sợ thiên tai dịch bệnh, sợ kẻ thù khủng bố, sợ cô đơn, sợ nghèo, sợ chết v.v.. và v.v…

 

Tôn giáo có mặt là để đem đến cho con người giải thoát tức hết sợ. Thế nhưng người ta chỉ thật sự đặt vấn đề về sự giải thoát khi họ đã nhận thức được sự trói buộc và khổ đau bởi sự trói buộc ấy. Chính bởi lẽ đó nên Đức Kitô mới tuyên bố một lời mà xét ra cũng không mấy dễ hiểu: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ có tội” (Mt 9,13). Tại sao Chúa không kêu gọi kẻ công chính lại là kẻ có tội? Lí do kẻ công chính được nói tới ở đây ám chỉ những người đã và đang an tâm với cuộc sống luân lý của mình cũng giống như gã trai trẻ kia tuân giữ các giới răn. Có lòng yêu thương bố thí cho người… Đối với những người này thì họ sống như thế là được lắm rồi đâu có cần chi đến cứu vớt giải thoát? Ngược lại những kẻ nghèo hèn tội lỗi cảm thấy mình khổ sở điêu đứng bị người khinh chê chèn ép mới cầu được cứu vớt và Chúa cũng chỉ cứu được những người ấy bởi vì họ muốn. Dụ ngôn hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện đã cho ta thấy tính chất cứu độ là như vậy. Phải muốn phải xin thì mới được. Trái lại không muốn không xin thì không thể mặc dầu Thiên Chúa vốn dĩ là Cha vô cùng nhân từ, Đấng là Tình Yêu (1Ga 4,8).

 

Đạo Chúa là đạo cứu rỗi: “Hỡi anh em là con cái thuộc dòng dõi Apraham và kính sợ ĐCT trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi này đã truyền đến cho chúng ta rồi” (Cv 13,26). Đúng đạo Chúa là đạo cứu rỗi nhưng đạo ấy chỉ để dành cho những kẻ kính sợ “Thiên Chúa ở trong” có nghĩa một Đấng Thiên Chúa nội tại. Tính chất nội tại của Thiên Chúa (Deus abconditus) là vô cùng quan hệ. Bao lâu còn chưa nhận biết Đấng Thiên Chúa ở nơi mình thì bấy lâu việc cầu khẩn van xin chỉ là vô vọng. Đức Kitô nói với người phụ nữ xứ Samari: “Đàn bàn kia ơi, hãy tin Ta giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Giêrusalem, các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết còn chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết. Vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ sắp đến và nay đã đến rồi khi kẻ thờ lạy thật hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha vì Cha hằng tìm kiếm người như vậy để thờ lạy Ngài” (Ga 4,21-23).

 

Sống tôn giáo là sống trong cuộc tìm kiếm nhẫn nại lâu dài. Dẫu vậy vẫn có điểm an tâm đó là trong cuộc tìm này ta không hề đơn độc. Chúa vẫn hằng tìm và kêu mời ta trở lại với Ngài: “Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” (Ml 3,7). Trở lại với Đấng Chúa ngay ở nơi mình đó phải là toàn bộ công cuộc giáo dục Kitô giáo cần phải nhắm tới.

 

I. Giáo dục như một khai mở

 

Trong ý nghĩa sâu xa nhất của giáo dục Kitô giáo đó phải là việc khai mở tâm linh. Thật vậy chính Đức Kitô đã mở đầu công cuộc khai mở ấy với việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Sau khi Chúa Giêsu rời Capharnaum dân chúng chạy theo muốn giữ lại nhưng Ngài từ chối: “Ta còn cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” (Lc 4,42-44). Lý do khiến dân thành muốn giữ Chúa là để Ngài chữa trị bệnh tật làm phép lạ trừ quỉ cho họ. Đức Kitô dứt khoát ra đi bởi sứ mệnh của Ngài ở cõi thế này không phải để chữa bệnh hoặc lo cho đời sống phần xác nhưng là phần hồn. Với phần xác thì cái cần cho nó là cơm áo gạo tiền, thuốc men, phương tiện này nọ. Còn với phần hồn thì cái cần thiết không phải những thứ đó mà là trí tuệ. Có chữa trị bệnh tật làm cho có cơm ăn áo mặc đầy đủ đến đâu thì rồi người ta ai mà chẳng chết, rút cục cũng chẳng giải quyết được gì.

 

Trái lại một khi có được trí tuệ thì có tất cả cho đến cả cái chết cũng chẳng còn nữa (Ga 11,26) Đức Kitô khai mở trí tuệ bằng cách rao giảng Tin Mừng Nước Trời có nghĩa Ngài đem đến cho con người một cái tin đáng để mừng để vui: Nước Trời hiện hữu ngay ở trong tâm hồn của mỗi người. Nói đến Nước Trời tức là nói đến một cõi nước vô cùng cao sang vinh hiển. Nước ấy lại có ngay ở nơi mình, thử hỏi còn có nỗi mừng vui nào có thể lớn hơn? Nước Trời vẫn luôn đầy đủ ở nơi mỗi người, bậc Thánh không tăng kẻ phàm không giảm, thế nhưng bởi vô minh che lấp phàm nhân chúng ta không một ai nhận biết. Đức Kitô rao giảng Nước Trời với hai điều kiện. Một là ăn năn chừa cải tội lỗi và hai là phải có đức tin: “Thời đã mãn Nước Trời đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

 

Sám hối và tin vào Tin Mừng của đức Kitô đó là hai điều kiện không thể thiếu để nhận biết Nước Trời ở nơi mình và đồng thời đây cũng phải là toàn bộ công cuộc giáo dục Kitô giáo cần phải nhắm tới. Hiểu như vậy thì giáo dục Kitô giáo không thể giống người đời. Người thầy thế gian dù dạy chữ nghĩa hay nghề nghiệp thì mục đích cũng là để kiếm sống. Mặt khác họ học ở nơi người nơi sách vở được những gì thì dạy lại như thế. Người thầy có thể học rộng hơn trò nhưng nhiều khi ngược lại, chúng ta vẫn chẳng nghe người ta nói “Hậu sinh khả úy” đó sao? Học chữ nghĩa hay nghề nọ nghề kia khoa học kĩ thuật này nọ mục đích cao tột thì cũng chỉ để có sự hiểu biết thõa mãn cho tính hiếu tri. Còn thấp cũng chỉ để cho có công ăn việc làm, sống một cuộc sống thoải mái sang giàu. Trái lại trong giáo dục Kitô giáo người thầy cần phải có vai trò khai mở. Để có thể làm người thấy như thế thì sự học và dạy của họ phải khác hẳn với thế gian. Người thế gian học là học với nhau, còn người khai mở thì học với chính Đức Kitô: Người Thầy duy nhất phải học. Chúa nói: “Các ngươi đừng chịu ai gọi mình bằng thầy (rabi) vì chỉ có một Đấng là Thầy các ngươi còn các người thảy là anh em” (Mt 23,8).

 

Trên phương diện tâm linh cần phải học với Đức Kitô bởi chưng chỉ có Ngài mới thực là Thầy, là Đấng khai mở để cho ta nhận biết Đấng Cha “Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Một khi Chúa đã nói chỉ có Ngài mới dẫn đưa ta đến được với Đấng Cha thì tuyệt nhiên phải đúng như vậy. Không thể có triết gia, thần học gia, đạo gia, thiền sư hay học thuyết nào có thể làm được điều ấy. Tuy nhiên làm sao để có thể học được với Đức Kitô. Ngài ở đâu để cho ta theo mà học? Vâng Ngài vẫn ở luôn với chúng ta: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đức Kitô vẫn ở cùng chúng ta qua các Bí Tích và cách cụ thể hữu hình nhất trong tư cách Người Thầy đó là các linh mục, các thầy giảng các giáo lý viên. Khi những người này biết cách học hỏi ở nơi Đức Kitô thì họ sẽ là những người được sai đi để làm việc khai mở. Còn đối với người học thì nếu biết nhìn nhận những người ấy là hiện thân của Đức Kitô thì chính họ cũng sẽ được khai mở.

 

II. Giáo dục như một kiếm tìm

 

Từ việc dạy giáo lý thiếu nhi cho tới các khoa thần học xưa nay vẫn chỉ có tính cách một chiều. Sách giáo lý trước đây vẫn gọi là sách bổn hỏi. Từ đầu chí cuối toàn là những câu hỏi và thưa đã được soạn sẵn và học viên chỉ có việc học thuộc lòng. Cao hơn một bậc gọi là thần học về đại thể cũng thế. Một khi nó đã được khẳng nhận là khoa học hiểu biết Thiên Chúa rồi thì người học chỉ biết tiếp thu một cách thụ động chứ làm sao mà dám có ý kiến quan điểm lập trường nào khác? Với cái học một chiều như thế đương nhiên là nó không thể không khiến cho việc tìm kiếm chân lý bị ngưng trệ. Đang khi ấy điều cốt lõi của đạo Chúa lại chính là ở nơi việc tìm kiếm. Chẳng những tìm mà phải hết lòng tìm: “Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng” (Gr 29,13).

 

Với cái học mang tính thụ động như vậy thì người học khó có thể đi đến chỗ thấu đáo. Mạnh Tử nói “Có biết tại sao thì mới biết được làm cách nào” Thiên Chúa đòi hỏi ta phải hết lòng tìm kiếm, điều ấy cũng có nghĩa con người được phép tra vấn về Ngài. Chính Chúa Giêsu chẳng những Ngài lưu tâm tới thái độ của quần chúng mà còn thẳng thắn đặt câu hỏi với các môn đệ: “Còn các ngươi thì nói Ta là ai” (Mc 8,29). Đặt dấu hỏi về ai, về vấn đề nào không phải là ta có sự nghi ngờ gì về đạo đức về khả năng của người ấy. Hoặc ngay trong vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa, quả thật Ngài là đấng nào, Ngài có thật hiện hữu hay chăng. Nếu hiện hữu thì Ngài quan hệ ra sao với cuộc sống của tôi… Những tra vấn này thực sự cần thiết bởi nó chứng tỏ sự thao thức trong ta. Trên bước đường tâm linh thao thức là một điều hết sức cần thiết, nó cũng giống như sự đam mê trong nghệ thuật. Dẫu vậy việc này cũng chẳng đi đến đâu, hoặc tệ hơn, ngày càng chống trái chân lý. Đương thời Đức Kitô người Do Thái cũng rất muốn tìm cho mình một con đường cứu độ. Có lần họ chất vấn “Thầy để chúng tôi vơ vẫn cho đến chừng nào? Nếu thầy là đấng Kitô thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi đi” (Ga 10,27).

 

Con người có một điểm chung này là ai cũng mong mỏi kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Thế nhưng nếu hỏi hạnh phúc là gì thì chẳng có ai đồng ý với ai về câu trả lời. Hạnh phúc dường như một cái chi đó hết sức tương đối, khi còn nghèo túng thì nghĩ có được cơm no áo ấm là hạnh phúc. Nhưng khi đã có đủ đầy cơm áo thì lại nghĩ có danh tiếng địa vị mới thật là hạnh phúc v.v… Dẫu vậy trong tận cùng thâm sâu con người vẫn ẩn chứa cái khát vọng khôn nguôi về tuyệt đối. Tiêu biểu cho hạng người thao thức thánh Augustin có lần đã thốt lên lời nguyện cầu: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng lên con vì Chúa nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi được nghĩ yên nơi Ngài”. Thao thức ước muốn cái tuyệt đối là điều hết sức cần. Không có nguyện ước ấy thì không thể bước đi trên con đường trọn lành. Tuy nhiên dù lòng muốn có thiết tha đến đâu nhưng nếu không làm gì để thực hiện nó thì cũng chẳng đi đến đâu. Bởi đó lòng muốn cần phải đi đôi với thực hành.

 

III. Giáo dục như một chuyển hóa

 

Với cái học một chiều như vừa nói tất nhiên không thể tránh khỏi thái độ thụ động cho cả người dạy lẫn người học. Đối với người dạy thì yên trí là mình đã làm xong bổn phận, còn người học thì cũng chỉ biết nghe vậy thôi. Nghe hết bài này đến bài khác hoặc khen hoặc chê nhưng cũng chỉ như nước đổ lá khoai chẳng gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống. Học cần phải đi đôi với hành. Cả hai cần phải bồi bổ cho nhau. Có học mà không có hành thì cũng như có đầu mà không có chân, chẳng thể bước đi một bước. Trái lại chỉ có hành mà không có học thì cũng như có chân mà không có đầu, có cố mà bước đi thì khó mà tránh khỏi sa hầm sụp hố. Chúa nói: “Hễ ai nghe lời Ta đây mà làm theo thì giống như người khôn ngoan xây cất nhà mình trên nền đá. Dù có mưa tuôn nước đổ gió thổi bổ vào nhà ấy song không thể sập vì đã lập trên nền đá. Còn hễ ai nghe lời Ta đây mà không làm theo ví như kẻ ngu dại xây nhà mình trên cát có mưa tuôn gió thổi nước đổ ập vào nhà ấy thì bị sập đổ nát rất lớn” (Mt 7, 24-27).

 

Có hai nguyên nhân khiến cho việc thực hành lời Chúa có được kết quả. Một là do nơi lòng tin, có tin vào Chúa mới thực hành lời Chúa, và hai là chính do việc làm ấy mới nhận ra được rằng Lời Chúa là chân thật. Cả hai việc này củng cố lẫn nhau càng ngày càng kiên cố, bền chặt giống như xây nhà trên đá. Ví dụ như khi nghe Lời Chúa: “Vì TA có sự nhu mì khiêm nhường nên hãy mang lấy ách của TA. Học theo TA thì linh hồn các ngươi sẽ được nghỉ ngơi. Vì ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11, 29-30). Nói đến “ách” đến “gánh” thì ai mà chẳng ngán, ngại vậy mà Chúa lại phán ai muốn hết khổ, hết đau thì hãy mang lấy ách của Ngài, gánh cái gánh của Ngài. Thật khó để mà tin nhưng nếu cứ vững lòng tin và đem ra thưc hành trong đời sống thì sẽ thấy thật là thần diệu. Nghe một câu chửi rủa, thóa mạ nếu không chịu nổi thì thể nào cũng có phản ứng. Nhẹ thì chửi qua chửi lại. Nặng thì đánh đấm đâm chém, chẳng mất mạng thì cũng vào tù. Ngược lại nếu nhịn nhục tin Lời Chúa, học theo Chúa, cố mà nuốt giận mang lấy “ách” của Ngài thì mọi sự sẽ yên lành, linh hồn được nghỉ ngơi hết bị phong ba bão táp.

 

Mang ách, mang gánh nặng nói thì nói vậy chứ thực hành trong đời sống thật chẳng dễ chút nào. Về việc thực hành có hai quan điểm khác nhau. Một là nói biết thì dễ, thực hành mới là khó (tri dị hành nan). Một đàng thì nói ngược lại biết mới khó, làm thì dễ (tri nan hành dị). Thật ra thì biết và làm không thể phân ra làm hai như vậy được. Vương Dương Minh (1472 – 1528) một danh nho đời Minh đã xướng xuất ra thuyết “Tri hành hợp nhất” thế này: “Người đời nay học vấn nhân vì đã phân tri hành ra làm hai việc cho nên khi có một niệm phát động tuy là bất thiện nhưng bởi chưa thi hành thì không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết tri hành hợp nhất chính là để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát sinh tức đã là hành rồi” (Trần Trọng Kim – Nho giáo – quyển hạ).

 

Thuyết “Tri hành hợp nhất” của Vương tiên sinh là do ảnh hưởng của Thiền học nhưng khi áp dụng thực hành thì bất khả. Sự bất khả chính là ở cái chủ trương muốn ngăn cấm niệm bất thiện (tư tưởng xấu ác) không cho nó phát sanh. Không thể ngăn cấm niệm bất thiện mà nếu cứ cố ngăn thì cũng chỉ giống như lấy đá đè cỏ. Cỏ có thể héo úa dường như chết nhưng cái gốc vẫn còn nguyên. Bỏ đá ra cỏ còn mọc mạnh hơn trước. Vấn đề ở đây chính là cái gốc. Cũng như cỏ cây phải có gốc, tư tưởng xấu ác (niệm bất thiện) cái gốc của nó là do Tâm “Vì từ lòng mà ra những ác tưởng tàn sát, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp làm chứng gian và lộng ngôn” (Mt 15,9). Gốc của mọi thứ ác tưởng đều do bởi TÂM và Tâm này là tâm phân biệt ngã chấp. Bao lâu còn thấy có ta có người, thấy có giàu nghèo sang hèn, xấu tốt v. v… thì ác tưởng không thể không sanh. Ác tưởng sanh khởi là do còn ôm giữ có một cái tôi (ngã). Vậy chính cái “tôi” là gốc của mọi thứ tư tưởng xấu xa ác độc. Trừ bỏ được cái tôi đi thì ác tưởng dù không cố ngăn cấm thì nó cũng tự tiêu trầm lý do là vì gốc không còn. Toàn bộ đạo lý Đức Ki tô cũng không ngoài việc phá chấp: “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo TA. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai hễ vì cớ TA mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được” (Mt 16,24-25) Cứu lại mất, bỏ lại được. Đây là một nghịch lý của Ki tô giáo. Nghịch lý ấy chính là cái cơ màu chuyển hóa từ ác sang thiện, từ mất sang được. Cơ chuyển hóa ấy chỉ trong Đức Kitô mà ta mới có thể thực hiện.

 

IV. Giáo dục với người thầy là Đức Kitô

 

Nếu giáo dục là chuyển hóa thì sự chuyển hóa trong Kitô giáo chính là làm sao để cho mọi thành phần Dân Chúa đều được trở nên những Ki tô hữu đích thực. Có quan điểm cho rằng tất cả những ai đã chịu phép rửa cũng đều là Kitô hữu (Chrétien) hiểu theo nghĩa là Có (Hữu) Đức Ki tô. Thật sự thì hoàn toàn không phải như vậy, chẳng một ai mặc nhiên là Ki tô hữu. Nên nhớ danh xưng Kitô hữu bắt đầu được khởi xướng ở thành Antiokia ám chỉ cho những người đi theo (môn đồ) Chúa Giêsu (Cv 11,26). Mặt khác chính Chúa đã gọi các tông đồ là bạn hữu: “Ví thử các ngươi làm theo những điều TA đã truyền thì các ngươi là bằng hữu của TA. TA chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa, vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng TA gọi các ngươi là bạn hữu vì TA từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều TA đã nghe, biết nơi Cha TA” (Ga 15, 14-15).

 

Bạn hữu khác với tôi tớ ở chỗ tôi tớ không biết việc chủ làm, còn bạn thì biết. Chủ ở đây tất nhiên là Đức Ki tô còn việc Ngài làm là bày tỏ (mạc khải) về Đấng Cha. Chỉ khi đã được dự vào hàng ngũ bằng hữu thì mới được Chúa mạc khải Đấng Cha, còn với thế gian thì không. Đối với những kẻ đã hết lòng theo Chúa và được Chúa chọn thì đều đã nên bằng hữu và được mạc khải về Đấng Cha. Thế nhưng được mạc khải không có nghĩa là đã nhận biết về Cha. Có môn đồ thưa với Chúa: “Kìa bây giờ Thầy nói tỏ tường không nói bằng dụ ngôn nữa. Nay chúng tôi biết thầy biết mọi sự. Không cần ai hỏi thầy bởi đó chúng tôi tin Thầy ra từ Đức Chúa Trời. Chúa Giêsu đáp “Bây giờ các ngươi tin chăng? Ngày giờ sắp đến và thật đã đến rồi, cac ngươi sẽ tan tác ai đi đường nấy bỏ TA lại một mình” (Ga 16, 29-32).

 

Trong cuộc đàm đạo cuối cùng nơi bàn tiệc ly. Sau khi Chúa đã cho biết những điều tâm huyết. Các Tông đồ dường như đã nhận thức được điều gì đó trọng đại sắp diễn ra và tưởng rằng mình đã… biết, đã hiểu được Người Thầy bấy lâu gần gũi. Thế nhưng cho đến những giây phút đó và thậm chí ngay cả đến khi Chúa đã sống lại, các vị vẫn còn lầm tưởng khi đặt câu hỏi: “Thưa Chúa, có phải đây là lúc Ngài khôi phục lại nước Itsraen chăng?” (Cv 1,6) Để nhận biết Đấng Giêsu là Đấng Cứu Chuộc, là Con Thiên Chúa, là Người Thầy không phải là cái việc đương nhiên nhưng cần phải trải qua một quá trình chuyển hóa. Quá trình ấy diễn ra ở nơi mỗi người mỗi khác. Phêrô thì khác với Gioan, Thomas lại khác với Philliphê v.v… sự chuyển hóa ấy có khi diễn ra một cách quyết liệt chẳng hạn Phaolô từ người bắt bớ giết hại Đạo lại đã trở thành một chứng nhân dám chết cho chân lý. Lý do đưa đến chuyển hoá của Phaolô cũng là của bất cứ người nào. Trước đó có thể đánh giá, tưởng rằng Ngài như thể là một nhà yêu nước, một lãnh tụ giải phóng quân hoặc kẻ nổi loạn v. v… nhưng sau đó thì cái nhìn đã hoàn toàn khác. Phao lô khi trở lại đã đoan quyết: “Bởi đó cho nên từ nay chúng tôi không còn nhận biết ai theo xác thịt nữa. Dầu chúng tôi từng nhận biết Đức Ki tô theo xác thịt song hiện nay chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy nữa. Vậy nếu ai ở trong Đức Ki tô thì nấy là người đã được dựng nên mới. Những sự cũ đã qua đi. Này mọi sự đều trở nên mới” (2C 5, 16-17).

 

Qua đây ta thấy có điều hết sức quan trọng đó là khi được ơn trở lại Phao lô đã không nhận biết ai kể cả Đức Kitô theo xác thịt. Nhận biết theo xác thịt có nghĩa chỉ thấy con người như là thân xác. Cái thấy này là thấy trong mê. Thật sự thì con người không phải là thân xác nhưng đích thực nó là “hình ảnh” của Thiên Chúa và là anh em cùng Cha với Chúa Giêsu không một mảy may khác biệt. Đức Ki tô Phục Sinh nói với Maria Madalena: “Ta lên cùng Cha TA cũng là CHA các ngươi, cùng Đức Chúa Trời TA cũng là ĐCT các ngươi” (Ga 20,17).

 

Phao lô trở lại cũng có nghĩa Ngài đã trở nên một Ki tô hữu đích thực. Còn chúng ta một khi đã “ở trong” Đức Ki tô (in Christo Jesu) thì tất cũng đã được dựng nên mới. Công việc “dựng nên mới” đây chính là nhiệm vụ của Đức Maria.

 

V. Giáo dục với vai trò của Đức Maria

 

Từ thuở đời đời con người đã được dựng nên giống “Hình ảnh Thiên Chúa” (STK 1, 26). Thế nhưng do bởi nguyên tổ cố tình ăn trái cấm nên đã bị xua đuổi khỏi Địa Đàng: “Vậy Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía đông vườn E đen các thần Cherubin với lưỡi gươm chói lòa để giữ con đường đi đến Cây sự sống” (St 3,24). Với sự thể bị ngăn cấm bởi các Thần Cherubin cầm gươm trấn giữ như thế lẽ ra con người sẽ không bao giờ còn được trở lại vườn xưa Địa Đàng. Thế nhưng nếu quả như vậy thì làm gì còn có trình thuật sáng tạo tức Thánh kinh lưu truyền cho tới ngày nay? Sau khi nguyên tổ phạm tội Giavê Thiên Chúa có lời trách phạt con rắn: “TA sẽ làm cho mày cùng NGƯỜI NỮ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi NGƯỜI NỮ nghịch thù nhau. NGƯỜI sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân NGƯỜI” (St 3,15).

 

Qua đây ta thấy Thiên Chúa tiên báo về một cuộc chiến ác liệt dai dẳng giữa NGƯỜI NỮ và con Rắn. NGƯỜI NỮ có lẽ ai cũng hiểu là nói về Đức Maria nhưng còn con rắn? Chắc chắn đó không phải… một con vật bởi như thế thực phi lý. Tuy nhiên nếu chẳng phải con vật thì thực chất nó ám chỉ cho cái gì? Để có thể giải mã cho câu chuyện đầy tính chất bí hiểm gây tranh cãi trong bấy lâu nay thì không thể không xoay về nguồn TÂM. Vườn Địa Đàng đó chính là TÂM (Địa) ở nơi vườn ấy: “Giavê ĐCT khiến đất mọc lên các thự cây đẹp mắt và trái thì ăn ngon. Giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Những thứ cây cỏ trong vườn tức các chủng tánh (hạt giống) thiện, ác, vô ký và đặc biệt giữa vườn có hai thứ cây. Một cây sự sống hay còn gọi là cây trường sinh ám chỉ cho sự sống đời đời cũng tức là tâm vô phân biệt. Còn cây kia là cây kia là cây biết phân biệt thiện ác tức tâm phân biệt, tức lý trí. Giavê Thiên Chúa cấm nguyên tổ không được… ăn cây phân biệt “Các ngươi được ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết thiện, biết ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc chắn phải chết” (St 2,16-17).

 

Lý trí là cái khả năng duy chỉ con người mới có. Tuy nhiên khả năng này như một con dao hai lưỡi, lợi cũng nhiều mà hại cũng lắm. Suy nghĩ phán đoán để làm việc phải, việc tốt thì nó đem lại rất nhiều lợi ích. Trái lại cũng lí trí ấy được dùng để tính toán mưu mô làm việc bạc ác, bất nhân thì tai hại vô kể. Mặc dầu có cả lợi và hại như thế nhưng xét trên bình diện đạo đức tâm linh thì lý trí chỉ có thể là tội. Tại sao thế? Bởi vì thuộc tính của lý trí là phân biệt mà phân biệt tức có nghĩa là còn thấy có ta có người. Nói một cách khác bởi vì còn thấy có ta có người, ta khác với người nên mới phân biệt. Bao lâu còn lấy ta làm một thứ trung tâm điểm (quy kỷ) cho mọi nghĩ suy lời nói hành động thì bấy lâu vẫn còn chìm đắm trong mê. Đạo Chúa là đạo giải thoát và sự giải thoát ấy chính là ở chỗ không còn thấy có mình. Còn thấy có mình là còn mê, bởi đó Chúa dạy những ai muốn theo Ngài thì phải bỏ mình là vậy.

 

Bỏ mình không có nghĩa là bỏ thân xác hay bỏ linh hồn nhưng là không chấp xác thân, không chấp những suy tư nghĩ tưởng này là mình. Con người được dựng nên giống “Hình ảnh Thiên Chúa” là con Thiên Chúa y như Chúa Giêsu không khác một mảy. Một khi là anh em với Chúa Giêsu thì hết thảy chúng ta những Kitô hữu đã chẳng phải là con của Đức Maria hay sao? Lần kia Đức Mẹ đã nói với thánh Gietruđê: “Giêsu con rất dịu dàng của Mẹ không là con độc nhất (unigenitus) nhưng thật là con đầu lòng (Primo genitus) vì Mẹ đã thụ thai đầu hết trong dạ. Nhưng sau Ngài đúng hơn bởi Ngài, Mẹ đã thụ thai chúng con tất cả khi nhận lấy chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con nên anh em Ngài, đồng thời là con Mẹ”  (Bernadot – 0P Mẹ trong đời tôi).

 

Làm con của Đức Maria ngay từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội và tội ở đây không phải là tội chi khác mà đó chính là tội nguyên tổ. Tuy nhiên phép rửa không phải là một thứ phù phép khiến kẻ lãnh nhận nó đương nhiên khỏi được tội. Nhưng ta nên hiểu đó là một điều kiện tối cần để cho Đức Maria trong tư cách NGƯỜI NỮ có thể thực hiện và đem lại thắng lợi trong cuộc giao chiến với Satan: “Con rắn xưa gọi là ma quỷ và Satan đứa lừa dối cả và thiên hạ” (St 12,9).

 

NGƯỜI NỮ đã dùng thứ vũ khí nào để có thể chiến thắng Satan đứa lừa dối cả và thiên hạ? Xin thưa đó là sự khiêm nhường sâu thẳm tượng trưng bằng gót chân người phụ nữ. Gót chân thì luôn ở vị trí thấp nhất trong thân thể. Còn người nữ biểu thị cho sự yếu mềm. Sự khiêm hạ sẽ thắng được kiêu căng, đây là lẽ tất yếu của nguyên lý “Nhu thắng cang nhược thắng cường”. Điều này tuy nói ra ai cũng biết nhưng lại chẳng có ai làm được: “Nhu thắng cương nhược thắng cường. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành” (Lão Tử ĐĐK chương 78).

 

Cái điều chẳng một ai làm được nhưng Ki tô giáo thì lại có thể với điều kiện là toàn bộ công cuộc giáo dục ấy cần phải đặt trên nền tảng Đức Maria. Nói một cách khác tính chất giáo dục tâm linh không thể cậy dựa vào các ông thầy bà thầy bên ngoài nhưng cần phải có NGƯỜI THẦY bên trong gọi là vô sư trí. NGƯỜI THẦY bên trong đó không phải ai khác ngoài Đức Kitô: “Các ngươi gọi TA bằng Thầy, bằng Chúa, các ngươi nói đúng đó vì TA thật là như vậy” (Ga 13,13) Quả NGƯỜI THẦY tối tôn là Đức Ki tô nhưng chúng ta đâu có nhận biết Ngài? Không nhận biết được Thầy thử hỏi làm sao mà theo được Thầy?

 

Ngay từ khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội tín hữu chúng ta không ai là không có Chúa Giêsu nơi mình. Thế nhưng Đấng Chúa ấy chỉ như một mầm sống mong manh yếu ớt, Đấng ấy cần phải được cưu mang bảo dưỡng mới có thể lớn lên được. Vả lại cái mầm mống Chúa ấy sở dĩ được sinh ra ở trong ta cũng là do Đức Maria. Không có Mẹ thì làm sao ta có thể có Chúa là con của Mẹ? Mặt khác Chúa có ở trong ta không như một cái hột lúa lép nhưng đó là sức sống Thần linh. Sức sống ấy nhất thiết cần phải có được sự dưỡng nuôi chăm sóc và yêu mến của Mẹ. Người bảo vệ ta, yên ủi ta, giáo dục ta trong từng giây từng phút cuộc đời. Mặc dầu chúng ta có nhận thức được điều ấy hay không. Ôi! Việc nhận biết để rồi hết lòng đặt niềm cậy trông phó thác vào Đức Maria NGƯỜI MẸ của nhân loại và của từng mỗi Ki tô hữu chúng ta cần thiết biết bao nhất là trong những ngày này là NGÀY CỦA CHÚA ngày: “Con Người đến thật gần như đang ở trước ngưỡng cửa” (Mt 24,33).

 

 

 

Phùng Văn Hóa

Nguồn: conggiao.info

 

 

Thiết kế Web : Châu Á