Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm TM CN Chúa Giêsu chịu phép rửa, A: PHÉP RỬA CỦA GIOAN VÀ PHÉP RỬA CỦA ĐỨC KITÔ

Phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức tỏ lòng sám hối để được Thiên Chúa tha thứ. Còn phép rửa của Đức Kitô không chỉ đem lại ơn tha tội, mà còn được tái sinh, được trở nên con người mới (x, 2 Cr 5,17), được đón nhận ơn cứu độ (Mc 16,15a), và được trở nên con Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7).

 

 

PHÉP RỬA CỦA GIOAN VÀ PHÉP RỬA CỦA ĐỨC KITÔ

(Mt 3,13-17)

 

Viết Huy

 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mát-thêu trường thuật lại biến cố Đức Giêsu xin thánh Gioan làm phép rửa cho mình tại sông Gio-đan. Một biến cố thật sững sờ, kinh ngạc và không thể thấu hiểu đối với phàm nhân. Chính thánh Gioan cũng không thể đón nhận sự việc này, khi ngài nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa” (c. 14a). Một điều trái ngược đã xảy ra: “Thiên Chúa để cho phàm nhân làm phép rửa, Đấng tọa hóa đến xin thụ tạo thanh tẩy”. Xem ra đây là môt nghịch lý mà con người không thể suy thấu. Đến thánh Phê-rô Kim Ngôn cũng quy phục, khi nói: “Hôm nay, tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gioan đóng vai Đức Kitô” (Các Bài Đọc Giờ Kinh Sách, Quyển 1, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, thứ 2 sau Chúa Nhật Hiển Linh, tr. 181). Còn thánh Pơ-róc-lô phải thốt lên: “Thiên Chúa để cho con người thánh hóa”.

 

Tại sao Đức Kitô lại xin thánh Gioan làm phép rửa cho mình? Phải chăng vì Người cũng có tội và cần được đón nhận phép rửa của thánh Gioan như bao người khác?

 

Một điều chúng ta cần khẳng định ở đây, là Đức Kitô không có tội! Vì Người là Thiên Chúa (x. Mt 16,16), là Đấng Thánh (x. Lv 19,2), là Thầy nhân lành (x. Mc 10,17). Vì vậy, Người không cần chịu phép rửa sám hối của thánh Gioan, không cần phải được thánh hóa. Nhưng Người muốn bày tỏ cho chúng ta biết, vì liên đới với nhân loại trong thân phận con người, là thân phận yếu đuối, đang bị “tội lỗi” thống trị; hơn nữa, Người đã vui lòng gánh lấy tội trần gian (x. Ga 1,29), và chấp nhận đền bù cân xứng với hậu quả tội lỗi nhân loại gây ra (x. Dt 10,12). Thế nên, mặc dầu không có tội, nhưng một khi đại diện cho nhân loại tội lỗi, thì Người mặc lấy tâm tình của tội nhân và sám hối như người có tội trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, Người đã đến với thánh Gioan xin chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối: “Bấy giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (c. 15). 

 

Chính khi Đức Kitô ôm trọn tội lỗi nhân loại dìm vào dòng sông Gio-đan để tỏ lòng sám hối, là lúc chính Người cũng nâng nhân loại lên cao với Người và giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. Điều này được minh định qua biến cố: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước đi lên, thì kìa các tầng trời mở ra” (c. 16). Khi tổ tiên nhân loại phạm tội, thì tất cả cửa trời bị đóng lại, Thiên Chúa và con người không còn tương giao, nhưng nay nhờ Đức Kitô, nhân loại lại được giao hòa với Thiên Chúa, các ân sủng từ trời lại được ban xuống (x. Ep 2,11-18).

 

Đức Kitô không chỉ giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, nhưng Người còn thanh tẩy cả dòng sông Gio-đan và biển cả. Chính thánh Pơ-róc-lô đã nói: “Biển hân hoan tưng bừng; biển hân hoan vì nhận được phép lành thánh hóa nhờ sông Gio-đan”.

 

Tóm lại, chính hành vi sam hối của Đức Kitô, đã đem lại cho con người ơn tha tội và chuẩn bị cho mọi người đón nhận phép rửa của Người trong Thánh Thần: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8b).

 

Để chuẩn bị cho nhân loại đón nhận phép rửa và quy tụ mọi loài dưới quyền Thủ Lãnh là Đức Kitô. Thiên Chúa đã ban Thánh Thần như Người đã hứa, mà người đầu tiên lãnh nhận là Đức Kitô, tiêu biểu cho nhân loại được đổi mới. Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1,32).

 

Sở dĩ Đức Kitô đã nhận lấy Thần Khí, là vì Người đã làm người và trong tư cách là thân phận con người, Người đã nhận lấy Thần Khí để canh tân và phục hồi lại trọn vẹn bản tính nhân loại đã bị hư mất bởi tội nguyên tổ. Hay nói như thánh Sy-ri-lô: “Đức Kitô có nhận lấy Thần Khí thì không phải cho chính mình, vì Thần Khí đã thuộc về Người và vốn ở trong Người, nhưng Người đón nhận Thần Khí là cho loài người và vì loài người ở trong Người” (Các Bài Đọc Giờ Kinh Sách, Quyển 1, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, thứ 5, sau Chúa Nhật Hiển Linh, tr. 194).

 

Sau khi Thần Khí ngự xuống trên Người thì có tiếng Chúa Cha làm chứng về Người: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (c. 17). Lời chứng này xác thực Đức Giêsu chính là Con Một yêu dấu của Chúa Cha và là Thiên Chúa thật; cũng như xác nhận Đức Giêsu chính là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia được sai đến để cứu chuộc muôn dân.

 

Có thể khẳng định một lần nữa, hôm nay Đức Kitô đại diện cho nhân loại chịu phép rửa của thánh Gioan để tỏ lòng sám hối trước mặt Chúa Cha và lãnh nhận Thánh Thần để thánh hóa nhân loại trong phép rửa ban ơn cứu độ của Người.

 

Phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức tỏ lòng sám hối để được Thiên Chúa tha thứ. Còn phép rửa của Đức Kitô không chỉ đem lại ơn tha tội, mà còn được tái sinh, được trở nên con người mới (x, 2 Cr 5,17), được đón nhận ơn cứu độ (Mc 16,15a), và được trở nên con Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7). Nhất là được đón nhận Thánh Thần để Ngài giúp chúng ta sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về hồng ân Bí tích Rửa Tội mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cách nhưng không. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được tha hết mọi tội lỗi và được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được kết hợp với Đức Kitô và liên kết với Giáo hội là chi thể của Người; được thông phần vào đời sống thần linh và thân xác chúng ta được trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19).

 

Chính vì vậy, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là lúc chúng ta được mời gọi sống sứ vụ tư tế, vương đế, ngôn sứ của Đức Kitô ngay ở đời này, để làm chứng cho Đức Kitô.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết mặc lấy tinh thần khiêm nhường, tình liên đới của Ngài, để chúng con sống xứng đáng là con của Cha trên trời, và là anh chị em với nhau trong Ngài. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á