Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng Thứ 6, Tuần IV TN, A: CHỨNG NHÂN

Là chứng nhân, Gioan Tẩy giả sống công chính, mà sống công chính, tức là lời đáp trả của con người đối với Lề luật, thực thi những điều Luật dạy, dám nói lên sự thật, cho dù phải hy sinh mạng sống; sống công chính còn là đón nhận trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, nói theo một công thức quen thuộc, con người muốn „mang lấy ách của Nước Thiên Chúa“.

 

 

CHỨNG NHÂN

Thứ 6, Tuần IV TN, A

(Mc 6,14-29)

 

 

Lam Châu

 

Trong các Phúc âm Nhất lãm, Gioan tẩy giả được giới thiệu như vị ngôn sứ dọn đường cho Đấng cứu thế. Ông sống khắc khổ, rao giảng cho dân chúng và làm phép rửa cho họ (x. Mt 3,1-6). Trong lời tựa của Tin mừng Gioan, tác giả giới thiệu Gioan tẩy giả với một vai trò khác - vai trò chứng nhân: „Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan, ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng“ (Ga 1,6-7), làm chứng cho sự thật.

 

Quả thực, căn cứ vào trình thuật của bài Tin mừng hôm nay của thánh Marcô, ông Gioan tẩy giả đã thực hiện sứ vụ „chứng nhân“ của mình một cách trọn vẹn. Là chứng nhân, ông sống công chính, mà sống công chính, tức là lời đáp trả của con người đối với Lề luật, thực thi những điều Luật dạy, dám nói lên sự thật, cho dù phải hy sinh mạng sống; sống công chính còn là đón nhận trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, nói theo một công thức quen thuộc, con người muốn „mang lấy ách của Nước Thiên Chúa“[1].

 

Trong Cựu Ước, các ngôn sứ khi thực thi sứ vụ của mình, đều phải chấp nhận hy sinh. Vì lòng trung thành với Đức Chúa và việc phụng thờ Người, ngôn sứ Êlia phải đương đầu với các ngôn sứ của Baal và đã chiến thắng (x. 1V 19,1-3). Nhưng sau chiến thắng, ông bị truy đuổi và phải chạy trốn. Các ngôn sứ khác cũng thế, luôn bị hành xử, chống đối và triệt hạ.

 

Cũng vậy, với sứ mệnh ngôn sứ và chứng nhân, Gioan tẩy giả đối diện với những người sống trái với lề luật, luân lý, thuần phong mỹ tục; phải đối diện với kẻ tiểu nhân - Herodia, người gây thù choác oán, âm mưu, tìm cơ hội sát hạ người công chính (c. 19).

 

Gioan tẩy giả còn phải đối diện với những kẻ quyền thế - Herode - kẻ định đoạt sinh mạng con người, sinh mệnh quốc gia dựa trên lời hứa vì sĩ diện (c. 23).

 

Trước những thế lực như vậy, Gioan tẩy giả chấp nhận cái chết để sự công chính, trật tự luân lý... được vãn hồi, sứ vụ được thành toàn và để lại gương cho hậu thế.

 

Suy tư từ trình thuật của bài Tin mừng hôm nay, chúng ta, một cách nào đó, cũng giống Herode trong cách hành xử của mình: sĩ diện, tiếm quyền Thiên Chúa, sở hữu và hứa ban những điều mà nếu Thiên Chúa không ban cho, thì ta chẳng có gì.

 

Chúng ta, một cách nào đó, cũng có thể là Herodia hay cô con gái của bà, đồng lõa với Herode, làm những việc trái với luân thường đạo lý, trái với lương tâm, trái với lề luật.

 

Chúng ta cũng có thể là những thân hào, khách dự tiệc, bàng quan vỗ tay tán thưởng một vũ điệu, nhưng đàng sau vũ điệu đó, là nguyên cớ đưa đến hành động mất nhân tính, giết người, đảo lộn những giá trị có tính chất trường cửu: „Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly“ (Mt 19,6). 

 

Một bước chuyển tiếp từ khung cảnh của bài Tin mừng ra với đời thực, nếu xét lịch sử thế giới, những người mang sứ mệnh ngôn sứ hay chứng nhân là những người dám chống lại những bất công, vô lý, áp đặt của các thể chế chính trị hiện hành và đấu tranh tới cùng để bảo vệ chân lý, bảo vệ chính kiến của mình, thậm chí bỏ cả mạng sống như Socrates, Gandhi...

 

Một cách gần gũi hơn, chúng ta đang phải đối diện với cuộc chiến cam go giữa thiện và ác, giữa những điều phi lý xảy ra trong „cõi người ta“, tức kiếp người. Sống dưới sự cai trị của cường quyền vô thần - những kẻ bạo gan tôn vinh chủ nghĩa vật chất, xua đuổi thần thánh, những người đứng về phía sự thật, công lý, công bằng... đều nhận những kết cục như các ngôn sứ xưa.

 

Những người lên tiếng bênh vực công lý, công bằng xã hội đều lần lượt được mời đi nghỉ mát dài hạn trong „nhà tù nhỏ“ của chế độ; còn chúng ta, cũng chẳng khá hơn, đang sống ngột ngạt trong không gian của „nhà tù lớn“ mang tên Việt Nam, nơi đó những quyền cơ bản như: quyền làm người, quyền sống, quyền tư hữu, quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí...như những khái niệm xa xỉ, khó với tới và khó đạt được.

 

Soi rọi một chút vào mẫu gương của các tiền nhân trong quá khứ và hiện tại, để chúng ta, những người đang sống, có động lực làm chứng, không sợ hãi khi phải đối diện với cái chết vì đứng về phía sự thật, công lý và công bằng trong xã hội. Dù gặp phải bất công nào, trong vai trò chứng nhân, chúng ta „hãy lên tiếng, chứ đừng im tiếng“, dù có hiểm nguy đến tính mạng, cũng không nao núng, lo sợ, vì chính những lúc như thế, luân lý được tái lập, chân lý được tỏa rạng, sự thật được biết đến và được tôn trọng. Amen.

 

 

___________________________

 

[1] x. J. Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, Phần I, Nxb Tôn giáo 2008, tr. 48.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á