Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng Thứ 5, Tuần XXIV TN, A: TƯƠNG LAI MỞ RA CHO TỘI NHÂN

Có thể khẳng định, chính tình yêu chứ không phải duy lề luật đã giải thoát tội nhân khỏi quá khứ tội lỗi và u tối: “Lòng tin của chị đã cứu chị” (c. 50a). Chính lòng bao dung tha thứ chứ không phải sự công bằng đến lạnh lùng đã giúp tội nhân gạt bỏ quá khứ tội lỗi, để quay về con đường chính trực, và mở ra một tương lai: “Chị hãy đi bình an” (c. 50b).

 

 

TƯƠNG LAI MỞ RA CHO TỘI NHÂN

(Lc 7,36-50)

 

 

Viết Huy

 

Cổ nhân có câu: “Không có thánh nhân nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai”. Một câu nói xem ra lột trần hết thân phận con người, mặt trái cũng như mặt phải, điểm tốt cũng như điểm xấu, thánh thiện cũng như tội lỗi.

 

Đã là người, ai cũng có tội, không ít thì nhiều, ai cũng đã nếm mùi sự vấp ngã trong cuộc đời. Chính vì vậy, thánh Gioan đã dám nói: “Ai cho mình không có tội là kẻ nói dối” (x. 1Ga 1,8).

 

Thế nhưng, mặc dầu mang trong mình tội lỗi và có khuynh hướng về những gì là “thế gian”, nhưng nơi sâu thẳm của lòng người, lại luôn có một khao khát hướng về Chân - Thiện - Mỹ.

 

Vì vậy, sống trên đời, ai cũng có quyền mơ ước và cố gắng bỏ lại quá khứ để hướng về tương lai; gửi lại những lầm lỡ phía sau, để vươn lên trong đường công chính, thánh thiện.

 

Câu chuyện “Người phụ nữ tội lỗi” trong bài Tin mừng Luca hôm nay là một ví dụ điển hình và hiện thực cho câu nói trên.

 

Để câu chuyện trở nên tình tiết và hấp dẫn hơn, chúng ta cùng nhìn nó dưới lăng kính của một quan tòa đang xét xử.

 

Chúng ta hướng về Đức Giêsu như là vị thẩm phán, ông Simon là người đại diện cho phái Pharisêu tố cáo phạm nhân, thánh Luca đại diện cho quần chúng chứng kiến, còn người phụ nữ là tội nhân.

 

Khi bị điệu ra trước tòa xét xử, người phụ nữ bị vạch trần bao tội lỗi mà mình đã phạm. Chị có một quá khứ xem ra đầy đen tối, tội lỗi. Mọi thành phần tham dự phiên tòa đều xác nhận điều đó. Chính thánh Luca đại diện cho quần chúng xác nhận: “Một người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành” (c. 37a). Đức Giêsu thì nói: “Tội của chị rất nhiều” (c. 47a). Còn ông Simon nhìn chị với một ánh mắt khinh miệt, một tâm thức tẩy chay, và cuối cùng cũng thốt lên: “Một người tội lỗi” (c. 39b).

 

Trước một phiền tòa như thế, theo lẽ thường, ai trong chúng ta cũng có thể mường tượng ra được kết cục sẽ như thế nào đối với người phụ nữ. Vì theo lẽ công bằng có tội thì phải nhận hình phạt. Còn nói như ngôn ngữ Thánh Kinh “ác giả thì ác báo”. Thế nhưng, mọi sự đều được đảo lộn hoàn toàn, người phụ nữ được tha bổng hết tội, còn ông Simon thì bị khiển trách. Tại sao vậy? Chính Đức Giêsu xác nhận, mặc dầu tội của chị nhiều, nhưng vì được tha, nên chị đã yêu nhiều (tình yêu được thể hiện qua những giọt nước mắt, nụ hôn, hành động xức dầu thơm, lau chân). Hơn nữa, chính những giọt nước mắt của chị đã nói lên lòng sám hối, ăn năn. Vì vậy, chị được Chúa tha thứ. Còn ngược lại, ông Simon luôn tự hào và cho mình là công chính, vì đã tuân giữ luật khắt khe; hơn nữa ông tự cao, tự đại, cho mình được cái quyền kết án người khác, mà quên rằng, trước mặt Thiên Chúa, mình cũng là tội nhân, nên ông bị Chúa khiển trách.

 

Xem ra các tình tiết trong câu chuyện cho ta đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác. Cũng có thể nói quan tòa đã đưa chúng ta tới một điều gì đó vừa nghịch lý, vừa không giải thích thấu đáo được. Sự nghịch lý này xem ra kỳ lạ, nhưng nó lại là nét đặc trưng của tình yêu nhưng không nơi Thiên Chúa. Đây là điểm nghịch lý, mà chúng ta chỉ biết thốt lên: “Người là Thiên Chúa tốt lành, nhân hậu và giàu lòng bao dung”.

 

Dưới ngòi bút của thánh sử Luca, ông mở ra cho chúng ta chứng kiến, một lối hành xử phá cách và đầy mới mẻ của Đức Giêsu. Đối với quan niệm trong giới chức trách của tôn giáo Do Thái thời bấy giờ, họ chú trọng đến việc tuân giữ lề luật và sự công bằng (mắt đền mắt, răng đền răng); thì ngược lại, Đức Giêsu lại đề cao tình bác ái, lòng nhân từ, vị tha (tha đến bảy mươi lần bảy). Xem ra, chính chủ tọa phiên tòa xét xử, đã đẩy các tình tiết trong câu chuyện thành ly kỳ, hấp dẫn và đầy bất ngờ. Tội nhân thì tìm lại được bình an, còn người cho mình cái quyền được xứng đáng tố cáo người khác, thì phải cúi đầu thẹn thùng.

 

Có thể khẳng định, chính tình yêu chứ không phải duy lề luật đã giải thoát tội nhân khỏi quá khứ tội lỗi và u tối: “Lòng tin của chị đã cứu chị” (c. 50a). Chính lòng bao dung tha thứ chứ không phải sự công bằng đến lạnh lùng đã giúp tội nhân gạt bỏ quá khứ tội lỗi, để quay về con đường chính trực, và mở ra một tương lai: “Chị hãy đi bình an” (c. 50b).

 

Đến đây, ta có thể đặt ra những câu hỏi: Cuộc đời của chị sẽ thư thế nào, nếu không có tình yêu nâng đỡ và lòng bao dung tha thứ? Tương lai của chị sẽ ra sao, nếu cuộc sống chỉ có duy luật lệ và đòi hỏi sự công bằng một cách vô cảm?

 

Đặt ra câu hỏi cho người mà nghĩ đến ta. Nếu cuộc đời này mà chỉ có công bằng một cách trần trụi, không còn hơi ấm tình thương, thì liệu giáo xứ, cộng đoàn chúng ta sẽ đi về đâu? Mỗi người sẽ như thế nào? Phải chăng nó chỉ còn là nấm mồ băng giá giam giữ chúng ta trong kiếp người?

 

Có thể nói, cuộc sống con người luôn cần có lề luật và công bằng. Vì chính hai chiều kích này sẽ gìn giữ con người sống trong trật tự. Nhưng nếu tuân giữ lề luật và thực thi công bằng mà gạt bỏ đi tình yêu, lòng bao dung, thì chúng chỉ còn là những ràng buộc, bóp chết sự sống nhân loại. Chính vì vậy con người luôn cần đến tình yêu để vươn tới thánh thiện và đạt đến hạnh phúc.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết noi gương người phụ nữ trong bài Tin mừng để chạy đến với Ngài, cho dù còn vương vấn bao tội lỗi. Và cũng xin cho chúng con biết rút ra bài học từ cách sống ích kỷ, vô cảm của ông Simon, để luôn biết sống yêu thương, vị tha với người anh em mình.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á