Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng CN XXXIV TN, A: VUA GIÊSU

Hôm nay Giáo hội mừng kính Chúa Kitô là vua để cho chúng ta nhìn lại các phẩm tính của Ngài. Đồng thời mời gọi chúng ta ngước nhìn lên thập giá để đồng cảm nỗi đau thương của Ngài qua cuộc sống hằng ngày. Đức Giêsu được tôn vinh là Vua, vì Người đã chấp nhận cái chết để ban cho nhân loại sự sống, như một mục tử hy sinh mạng sống để đàn chiên được bình an. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: quyền lực vương đế của Người không phải để thống trị, mà là để phục vụ và yêu thương.

 

 

VUA GIÊSU

(Mt 25,31-46)

 

Hữu Quỳnh

 

Hôm nay Chúa Nhật XXXIV Thường Niên, cũng là Chúa Nhật cuối của năm phụng vụ, Giáo hội cho chúng ta mừng kính Chúa Kitô vua vũ trụ. Khi nói đến vua chắc hẳn chúng ta thường nghĩ đến vị lãnh tụ của một quốc gia dưới thời quân chủ. Một vị vua quyền uy, lính tráng hầu hạ túc trực hằng ngày, vương miện dát ngọc… Mặt khác, khi nghe đến danh xưng là vua thì chúng ta thường nghĩ đến một vĩ nhân được thần tượng, tôn vinh như: vua bóng đá, vua âm nhạc, vua khoa học, vua toán học… Vậy Chúa Giêsu làm vua như thế nào?

 

Khác với quan điểm của vua chúa trần gian, Chúa Giêsu làm vua 5 “không”: không vương quốc, không vương trượng, không ngai vàng, không quân đội, không kẻ hầu người hạ. Đối nghịch với 5 “không”, Chúa Giêsu làm vua 5 “có”: tình yêu, công bằng, tha thứ, khiêm hạ và phục vụ.

 

Chúa Giêsu Kitô là vua Tình yêu. Ngài được Thiên Chúa sai đến trần gian để mang ơn cứu độ cho nhân loại bằng con đường tình yêu. Bởi vậy, vương quốc của Ngài là vương quốc của tình yêu. Tình yêu không biên giới, vô điều kiện, đặc biệt là những người nghèo khó, bệnh tật. Trong ba năm công khai rao giảng Tin mừng, Ngài không những loan báo sứ điệp Tin mừng hồng ân cứu độ, mà còn nuôi dân chúng bằng cơm bánh qua các phép lạ, chữa lành bệnh tật cho những người phong cùi, bại liệt, khử trừ ma quỷ, tha thứ cho những người tội lỗi, phá vỡ ngăn cách hàng rào phân biệt chủng tộc, tôn giáo… Chính vì lẽ đó, Ngài đã đồng hoá Ngài với những người bất hạnh trong xã hội: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36). Một Thiên Chúa vốn dĩ giàu sang nhưng đã tự hạ sống khó nghèo để thông phần cái nghèo của nhân loại. Một Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng bị xét xử, cầm tù để nâng con người lên “làm chúa”. Đó chính là Thiên Chúa của lòng thương xót vị tha, yêu và yêu cho đến cùng.

 

Chúa Giêsu là vua công bình, Ngài đến trần gian để đem bình an cho nhân loại chứ không phải để lên án hay luận phạt.  Bài Tin mừng hôm nay thánh sử Mathêu trình bày bối cảnh người mục tử tách rời chiên ra khỏi dê để cho ta thấy sự công bình xét xử của một vị vua. Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê (x. Mt 25,31). Chiên và dê là hai hình ảnh phản diện tốt và xấu sẽ tách biệt nhau bởi tiêu chuẩn dựa trên những việc làm bác ái yêu thương, chứ không phải dựa vào danh giá, chức vụ, địa vị xã hội hay tình cảm cá nhân để xét xử. Câu chuyện người phục nữ ngoại tình (Ga 8,4-5) cho ta thấy sự công bình của vua Giêsu. Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Trong sách luật ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,4-5). Chúa Giêsu chính là quan tòa xét xử cho họ, khi Ngài nói: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Và không còn ai đứng đó, vì lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi u mê, họ bỏ đá xuống và từ từ rút lui. Chúa ngẩng đầu lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không còn ai lên án chị sao?” và với lòng nhân hậu và sự công bình của Chúa, Chúa nói: “Tôi không kết án chị đâu, chị về đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

 

Sự nhân hậu và công bình của Đức Giêsu thể hiện trong vụ án trên rất khác so với vụ án điển hình đang xảy ra trong đất nước chúng ta. Trong thời gian vừa qua ai trong chúng ta cũng trông ngóng kết quả xét xử vụ án Hồ Duy Hải dưới pháp quyền đảng cộng sản Việt Nam. Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, và về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2011, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao.  Ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau ba ngày xét xử, giám đốc thẩm phán, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối thông qua bỏ phiếu công khai, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

 

Chúa Giêsu là vua lòng vị tha: Lòng vị tha là một phẩm tính cao đẹp phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu đã đến trần gian và phác hoạ hình ảnh đó bằng tình yêu và lòng tha thứ. Mức độ của tha thứ là không biên giới, thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không”? Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22). Hẳn thật, lòng bao dung của Thiên Chúa vô bến bờ, không mức độ và không cần sự đáp trả. Bởi vậy, Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Khi giáo huấn các môn đệ, Chúa Giêsu rất chú trọng đến sự tha thứ. Ngài dùng rất nhiều hình ảnh qua các dụ ngôn để cho các môn đệ hiểu lòng bao dung của Thiên Chúa điển hình là ba dụ ngôn trong chương 15 trong Tin mừng Luca: Dụ ngôn con chiên bị mất, Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất và Dụ ngôn hình ảnh người cha nhân hậu. Sự cao đẹp khi nói về lòng bao dung của ba dụ ngôn này cố đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã ca ngợi rằng “Thiên Chúa không biết làm toán”. Hình ảnh khi “Người con còn ở đàng xa, người cha trông thấy, ông chạnh lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Lòng nhân hậu của người cha quên tất cả những lỗi lầm của người con. Bởi vậy, trước khi người con xin cha tha thứ, thì ông đã chạy vọt ra để ôm chầm lấy anh ta. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 8/3/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tín hữu và du khách hành hương: “Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội bằng sự tha thứ”.  Cuối cùng đỉnh cao của sự tha thứ chính là trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu tha thứ cho tên trộm lành, và xin Chúa Cha tha tội cho những người đã kết án Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

 

Chúa Giêsu là vua của sự khiêm hạ và phục vụ. Ðức Giêsu là Chúa, là Thầy và cũng là Tôi tớ. Ngài đã mặc lấy thân phận tôi tớ như thánh Phaolô nói (Pl 2,7). Ngài đã lấy sứ mạng của người tôi tớ Giavê làm sứ mạng của mình. Ngài sống giữa các môn đệ như một người tôi tớ để phục vụ, và đã đi đến tận cùng nỗi khổ đau của kiếp người để phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

 

Khi nói về sự phục vụ của Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong bài giảng Chúa nhật lễ lá ngày 05/4/2020 tại Vatican như sau: “Chúa Giêsu trao ban sự sống vì chúng ta. Đối với Thiên Chúa, chúng ta rất quý giá và Ngài đã phải trả giá đắt vì chúng ta”. Thánh Angela thành Foligno đã làm chứng là đã nghe được những lời này của Chúa Giêsu: “Ta không yêu con như một trò đùa”. Vì yêu thương Chúa đã hy sinh cho chúng ta, Ngài nhận lấy tất cả sự xấu xa của chúng ta. Điều làm chúng ta kinh ngạc: Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta bằng cách gánh lấy mọi án phạt tội lỗi chúng ta. Ngài không phản ứng, nhưng với sự khiêm nhường, kiên nhẫn và vâng lời của một người tôi tớ cùng với sức mạnh của tình yêu. Và Chúa Cha đã nâng đỡ sự phục vụ của Chúa Giêsu: Chúa Cha không đánh bại cái ác đã nghiền nát Chúa, nhưng đã nâng đỡ Chúa trong đau khổ, để cái ác của chúng ta chỉ có thể chiến thắng bằng điều tốt, bằng một tình yêu cho đến cùng”. Thiên Chúa đã phục vụ chúng ta cho đến mức phải trải qua những tình huống đau đớn nhất của người yêu: sự phản bội và bị ruồng bỏ.

 

Hôm nay Giáo hội mừng kính Chúa Kitô là vua để cho chúng ta nhìn lại các phẩm tính của Ngài. Đồng thời mời gọi chúng ta ngước nhìn lên thập giá để đồng cảm nỗi đau thương của Ngài qua cuộc sống hằng ngày. Đức Giêsu được tôn vinh là Vua, vì Người đã chấp nhận cái chết để ban cho nhân loại sự sống, như một mục tử hy sinh mạng sống để đàn chiên được bình an. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: quyền lực vương đế của Người không phải để thống trị, mà là để phục vụ và yêu thương.

 

Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã xác tín như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy xác phàm…và chết trên cây thập giá” (x. Pl 3,6-11). Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, vị tha, yêu cho đến cùng.

 

Ngài là Vua công bình và đầy yêu thương. Vương quốc của Ngài là vương quốc của tình yêu. Dân của Ngài phải là những người biết sống yêu thương. Lẽ đương nhiên, muốn vào Vương quốc của Ngài, phải là người biết sống yêu thương, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em thật sự. Vì thế “chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu mến”. Yêu mến cụ thể là phục vụ Chúa Kitô Vua trong tha nhân, những người đang sống chung quanh chúng ta, đang cần chúng ta giúp đỡ, đặc biệt là những người nghèo khó, bé nhỏ.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á