Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng CN XXXIV TN, A: ĐỨC GIÊSU KITÔ - VUA VŨ TRỤ

Đức Giêsu là vua tình yêu, vì Ngài cai quản vũ trụ không dùng roi sắt hay côn trượng, nhưng dùng bằng tình yêu để khuyến dạy và bao bọc chở che. Ngài yêu thương dân của Ngài như người cha yêu thương con mình, như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đàn chiên, biết rõ từng con chiên một. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để cho chiên được sống và sống dồi dào.

 

 

ĐỨC GIÊSU KITÔ - VUA VŨ TRỤ

(Mt 25,31-46)

 

Bảo Hạnh

 

Đức Giêsu là vua vũ trụ, Vua trên các vua, không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua David, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu, sinh động. Vua Giêsu không thiết lập vương quốc của Ngài như vương quốc trần gian, vương quốc của Ngài là Nước Trời. Ngài cũng không cai quản vương quốc bằng những phương thế mà các vua chúa trần gian thường làm như: pháp quyền, luật quyền, độc đoán hay sức mạnh vũ lực, chiến tranh....nhưng Ngài là vị Vua công chính, Ngài hướng dẫn dân chúng bằng con đường tình yêu và lòng thương xót.

 

Xét theo dòng lịch sử, các vua chúa trần gian từ xưa đến nay thường lấy quyền bính, bạo lực để áp chế, để khuếch trương thân thế hay khẳng định địa vị của mình như: Vua Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN) dùng chính sách khắc nghiệt, độc ác để cai trị dân; vua Minh Mạng và vua Tự Đức (thế kỷ XIX) đã dùng bạo lực để bài trừ và tiêu diệt Kitô Giáo, hai vị vua độc ác này đã sát hại hàng ngàn người Kitô hữu vô tội; hay Herode đại đế cai trị Giuđa thời Chúa Giêsu, là một vị vua nổi tiếng ác độc, khát máu, đã tàn sát 14.000 trẻ em vô tội; hoặc vua John cai trị nước Anh cuối thế kỷ XII-XIII, nổi tiếng là vị vua tham lam, bê tha, bạo lực và tàn nhẫn. Vào đầu thế kỷ XX xuất hiện một Hitler độc tài, kiêu ngạo và tàn bạo, ông đã ra lệnh sát hại hàng triệu người Do Thái như một hình thức diệt chủng... Còn trong thế giới ngày nay, những chư hầu, khanh tướng, quan quyền, tướng lãnh... dùng quền lực, tiền tài để áp chế dân chúng, dùng chiêu “cá lớn nuốt cá bé”, đè đầu cưỡi cổ những người yếu thế, cô thân, thấp hèn. Tiếng kêu oai oán của dân oan thấu lên tận trời xanh.

 

Trong khi đó, Đức Giêsu là Vua công chính. Ngài cai quản vũ trụ không theo mô hình chính trị, cũng không sách động dân chúng chống đối chính quyền, hay điều binh khiển tướng hoặc bày binh bố trận như các vua chúa trần gian. Mặc dù Ngài không chối mình là vua, vì chính Ngài nhận mình là vua khi quan Philatô hỏi Ngài: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”. Đức Giêsu trả lời rằng: “Chính ông nói đó”. Nhưng Đức Giêsu khước từ làm vua theo kiểu trần thế và Ngài xác quyết: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Nước mà Đức Giêsu nói tới là vương quốc sự thật, vương quốc của niềm tin, Nước Trời, là vương quốc của Thiên Chúa. Con người muốn vào nước này và đến được với Thiên Chúa thì phải xuyên qua niềm tin, sự phó thác và tình thương[1]. Người dẫn đường cho chúng ta vào Nước này không ai khác ngoài Đức Giêsu. Ngài là vị vua công chính, Ngài không xét xử theo kiểu thế gian, vì Ngài thấu hết lòng dạ con người. Ngài đứng ra bênh vực kẻ đói nghèo, người đau khổ, kẻ cô thế cô thân, nhưng lên án những phường tội lỗi, những kẻ kiêu ngạo đắc thắng... Ngài luôn làm chứng cho sự thật, vì “Ngài là đường là sự thật và là sự sống” và Ngài dạy chúng ta: “Chính sự thật sẽ giải phóng các con”. Ngài loại trừ bóng tối sự dữ, loại trừ mọi cám dỗ thế gian như danh, lợi, tiền tài... Ngược lại, Ngài xét xử công minh, phân biệt tốt xấu rõ ràng: “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt người, và người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,32). Ngài thưởng phạt công bằng, Ngài ban thưởng những ai sống theo giới luật mến Chúa yêu người: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi ngay từ thủa tạo thiên lập địa” (Mt 25,34). Và Ngài lên án những kể sống ngược lại với giới răn của Chúa: “Quân bị nguyền rửa kia, đi đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,41).  Ngài là vua nhưng không bị ràng buộc vào một lãnh thổ, một đất nước như một vị lãnh tụ chính trị của một thời điểm, một không gian. Ngài đến không phải để tiêu diệt nhưng đến để chữa lành tất cả các thực tại, trọn vẹn thực tại của con người, của kiếp người trên mọi bình diện, trong mọi lĩnh vực: vũ trụ, con người, xã hội. Vương quốc của Ngài xây dựng là Nước Trời, một vương quốc không bị giới hạn trong không gian và thời gian, nó mang một ý nghĩa sâu xa hơn “nước đời” mà người Do Thái thời bấy giờ trông đợi. Nước Ngài không bằng lãnh thổ bên ngoài, bằng dinh độc lập nguy nga, sừng sững, nhưng bắt đầu từ tâm hồn, từ đổi mới con tim, đổi mới bên trong. Nước Trời ấy đòi hỏi con người phải đổi mới toàn diện, tận gốc rễ, đòi vượt thoát mọi cam go, mọi hoàn cảnh và đòi một từ bỏ không do dự[2]. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một tình yêu cao độ như Đức Giêsu vua tình yêu, chết đi cho người mình yêu. Đó là điều kiện cần thiết để được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.

 

Đức Giêsu là vua tình yêu, vì Ngài cai quản vũ trụ không dùng roi sắt hay côn trượng, nhưng dùng bằng tình yêu để khuyến dạy và bao bọc chở che. Ngài yêu thương dân của Ngài như người cha yêu thương con mình, như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đàn chiên, biết rõ từng con chiên một. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để cho chiên được sống và sống dồi dào. Đỉnh cao của vua tình yêu đó là Ngài đã hy sinh chết trên thập giá một cách đau đớn và nhục nhã để cứu chuộc nhân loại. Và cũng trên cây thập tự này Đức Giêsu cho cả vũ trụ này biết Ngài là Vua trên các vua, đồng thời cũng là vua của lòng thương xót.

 

Thật vậy, vì lòng thương xót mà Ngài ban cho chúng ta sự sống, đón nhận chúng ta làm nghĩa tử, cúi xuống nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta khi chúng ta vấp ngã. Đức Giêsu nói rằng: Ngài đến không phải cho những ai tốt lành, mạnh khỏe, nhưng là cho những người yếu đuối và tội lỗi. Ngài không đến với những người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng đến vì những người bệnh tật[3]. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu là vua của lòng thương xót như: Ngài chạnh lòng thương người bị phong hủi: “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: tôi muốn anh được sạch” (Mc 1,40-41). Ngài tỏ lòng thương xót hai người mù ở Giêrikhô: Người “sờ vào mắt người mù, tức khắc anh ấy được nhìn thấy và đi theo Ngài” (Mt 20,24). Ngài chạnh lòng thương bà góa mất đứa con trai duy nhất: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,12-13). Đức Giêsu tỏ lòng thương xót với chị phụ nữ ngoại tình khi tha thứ tội lỗi cho chị: “Tội không lên án chị đâu!...từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).  “Ngài chạnh lòng thương đám đông, vì họ lầm than vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9,22). Ngài chạnh lòng thương và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dám đông di theo Ngài đã ba ngày mà không có gì ăn (Mc 8,1-9). Ngài tỏ lòng thương và khóc trước mộ Ladaro (Ga 11,34-36). Ngài chạnh lòng thương xót và an ủi các người phụ nữ theo Ngài trên đường lên núi Golgotha: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì...” (Lc 23,28)[4]. Ngài “không muốn một ai bị hư mất” (Mt 18,14). Môt đức vua "không lên án thế gian, nhưng để thế gian được cứu độ” (Ga 3,17).

 

Như vậy, Đức Giêsu là một đức Vua công chính, đầy tình thương và giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, vua đến để cứu sống chứ không luận phạt. Đấng là vua và là mục tử nhân lành sẵn sàng thí mạng vì xót thương đàn chiên, là Đấng nguyện làm Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian và của lễ hy sinh cho mọi người được cứu độ.

 

Phần chúng ta, chúng ta là môn đệ cũng là người lính canh, người lính can đảm của Vua Giêsu, chúng ta phải sống làm sao để thiên hạ nhìn thấy nơi ta khuôn mặt của vua Giêsu, một vị Vua công chính, tình yêu và giàu lòng xót thương, để họ bước theo Ngài. Để làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta phải sống công chính, ngay thẳng, không toa rập theo cái xấu, là thứ làm hư hoại tâm hồn, nhưng sống công minh chính trực, bênh vực lẽ phải, làm chứng cho sự thật. Không những thế, chúng ta cần phải sống yêu thương, bác ái, bao dung, chia sẻ, cảm thông với tất cả mọi người, đặc biệt với những người nghèo khổ, bệnh tật và bé mọn, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bên cạnh đó, chúng ta là đối tượng của lòng thương xót, chúng ta cần Vua Giêsu xót thương để đứng dậy, để trở về, để được chữa lành, để được tha tội, để trung thành, để đứng vững trước cám dỗ, để thăng tiến, để được bình an và hạnh phúc. Amen.

 

 

________________________________

 

[1] X. LMTV, Chúa Kitô Nguồn Sống Của Tâm Hồn, Nxb Phương Đông, năm 2009, tr. 31 – 32.

[2] X. Jorathe Nắng Tím, Đức Kitô Là Ai Để Tôi Tin, Tâp 4, Nxb Tôn Giáo, Năm 2013, tr. 8-12.

[3] X. Đức Giáo Hoàng Phanxico, Danh Ngài Là Thương Xót, Nxb Hồng Đức, tr. 22 – 27.

[4] X. Nắng Tím, Thiên Chúa Của Lòng Thương xót, Nxb Tôn Giáo, tr. 63-64)

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á