Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng CN XXXIII TN, C: NGƯỜI KITÔ HỮU VÀ THẾ GIAN

Người Kitô hữu là người môn đệ của Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô, sống và chiến đấu dưới lá cờ của Đức Kitô; người thuộc về chân lý và sống cho tình yêu.

 

NGƯỜI KITÔ HỮU VÀ THẾ GIAN

(Lc 21,5-19)

 

Viết Huy

 

Ánh sáng không bao giờ đồng tồn tại với bóng tối, chân lý luôn đối lập với giả dối; yêu thương, bác ái đối nghịch với ích kỷ, thù hận. Thế nên, chúng sẽ không bao giờ gặp gỡ hay hòa hợp được với nhau. Trong ý nghĩa này, cũng có thể nói, lý tưởng sống của người Kitô hữu và quan niệm sống của “thế gian” cũng sẽ không bao giờ có điểm chung. Vì vậy, người Kitô hữu luôn phải lội ngược dòng với thế gian và phải đương đầu với sức mạnh của nó.

 

Vậy, “thế gian” ở đây phải hiểu như thế nào? “Thế gian” có phải là thế giới thực tại không?  Còn người Kitô hữu là ai?

 

Thưa, thế gian ở đây không phải là thế giới hay vũ trụ chúng ta đang sống. Nhưng “thế gian” ở đây phải hiểu là “thế giới tội lỗi, thế giới khước từ Thiên Chúa”, hay có thể nói, thế gian là “vương quốc của ma quỷ”! Dưới một khía cạnh nào đó, cũng có thể nói thế gian là những con người khước từ và chống lại Thiên Chúa, nhưng sống dưới ách thống trị của ma quỷ.

 

Người Kitô hữu là người môn đệ của Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô, sống và chiến đấu dưới lá cờ của Đức Kitô; người thuộc về chân lý và sống cho tình yêu.

 

Giữa những người thuộc về Đức Kitô và những kẻ thuộc về “thế gian” luôn có một sự ngăn cách (x. Lc 16,19-21), đối nghịch (x. Mt 6,24). Vì vậy, người Kitô hữu phải đương đầu với những thế lực thù ghét, bắt bớ,... mà thế gian gây ra.

 

Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu xác định cho chúng ta điều đó, khi Người nói:  “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy” (c. 12)  hay “vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (c. 17).

 

Vậy, tại sao thế gian lại thù ghét người Kitô hữu? Chính Đức Kitô trả lời cho chúng ta qua câu: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy” (Ga 15,20-21a). Có thể nói, những ai thuộc về Đức Kitô thì luôn chọn cách sống khác hẳn với lối sống thế gian, chấp nhận đi ngược với lối sống của thế gian. Thế gian chìm sâu trong trụy lạc, trong vinh hoa phú quý, thì người môn đệ Đức Kitô sống trong tỉnh thức và chờ đợi ngày Chúa đến (x. Lc 12,13-21; 21,34-36); thế gian luôn đi tìm những gì thuộc về trần thế, mau qua, chóng tàn, thì người môn đệ Đức Kitô phải từ bỏ tất cả những gì mình đang có, để chỉ tìm những gì thuộc vĩnh cửu (x. Mc 10,17-27); thế gian sống trong giả dối, lừa gạt, thì người môn đệ Đức Kitô phải sống cho sự thật, công bằng và bảo vệ chân lý (x. Mc 6,14-29). 

 

Đời sống của những người Kitô hữu luôn theo giáo huấn của Chúa Kitô, là bước đi trong ánh sáng, tình yêu và sự thật. Họ sống cuộc đời công chính, thánh thiện, vượt ra ngoài bóng tối tội lỗi. Trong khi đó, thế gian thuộc về Satan, luôn sống trong tội lỗi, gian dối, lừa bịp, chia rẽ, ghen ghét, hận thù. Chính đời sống thánh thiện của những người theo Đức Kitô là lời kết án những ai sống trong tội lỗi. Khi người theo Đức Kitô sống trung thực, dám bảo vệ công lý, thì sẽ làm cho những ai sống trái với chân lý thấy chướng tai, gai mắt, bị tòa án lương tâm xét xử, bị ánh sáng công lý vạch trần những tội ác của họ. Vì thế, họ tìm cách né tránh, loại trừ, và ngay cả giết hại.

 

Ngay từ những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo hội, các nhà cầm quyền Do-thái và chính quyền La-mã đã có những bất đồng chính kiến, những va chạm, thù hận đối với người Kitô hữu. Vào năm 64 sCN, Hoàng đế Nero, để dẹp bỏ những lời tố cáo ông là người đốt thành Rôma, đã đổ tội đốt thành cho các Kitô hữu và ra lệnh lùng bắt họ. Các Kitô hữu lúc bấy giờ không những bị tố cáo gây ra cuộc hỏa hoạn, mà còn mang tội thù nghịch chống lại các thần minh. Tất cả bị đem ra chế diễu, bị hành hạ cho đến chết, một số người bị thú dữ cắn xé, một số người bị thiêu sống, một số người bị đóng đinh và nhiều người chết dưới nhiều hình thức khác. Điển hình trong số này là thánh Phêrô đã bị đóng đinh ngược, Stêphano bị ném đá cho đến chết…

 

Hôm nay Giáo hội Việt Nam cho con cái mình mừng kính trọng thể “Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”. Tại đất nước Việt Nam chúng ta, Đạo Công giáo cũng bị cấm đoán, bách hại trên mấy trăm năm. Các nhà cầm quyền tàn sát, giết hại người theo Đạo Chúa; dữ dằn và ghê rợn nhất là trong ba triều vua nhà Nguyễn là: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (1833-1862). Sử sách ước lượng khoảng ba trăm nghìn người tín hữu đã bị chết tử vì đạo. Các cực hình họ phải chịu là: tống vào ngục, bị bỏ đói, xẻo thịt, chém đầu, phải uống thuốc độc... Chính vì không thỏa hiệp vời “thế gian”, sống kiên vững trong “Đức tin” và tuân giữ “Giáo huấn của Giáo hội” mà các ngài bị vua chúa, quan quyền thù ghét và giết chết.

 

Đứng trước những bách hại và thù ghét của thế gian, các tín hữu thời sơ khai và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam luôn giữ vững niềm tin và hiên ngang tiến ra pháp trường. Vì các ngài luôn tâm niệm rằng: “Có kiên trì, thì mới giữ được mạng sống” (c. 19), và “lúc chịu đau khổ, là cơ hội để làm chứng cho Đức Kitô” (c. 13). Vì vậy, các ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống để làm chứng cho chân lý. Chính dòng máu Các Thánh Tử Đạo đã khơi nguồn và làm trổ sinh hạt giống các tín hữu.

 

Ngày nay, dưới nhiều hình thức, người Kitô hữu vẫn còn bị thế gian thù ghét, ngay cả bị giết hại. Chính vì vậy, trong huấn từ với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin, trưa Chúa Nhật, ngày 25/6/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng: “Ngay cả ngày nay bách hại chống lại các Kitô hữu vẫn còn tồn tại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh chị em chúng ta đang bị bách hại và hãy ngợi khen Chúa, vì mặc dầu vậy, họ vẫn tiếp tục làm chứng tá cho đức tin bằng tất cả lòng can đảm và trung tín”.

 

Con đường theo Thầy Giêsu là con đường thập giá và hy sinh (x. Mt 16,24). Chính Đức Giêsu và các thánh đã đón nhận đau khổ và cái chết để làm chứng cho tình yêu và chân lý. Hôm nay, đến lượt chúng ta, là con cháu của các ngài, chắc chắn chúng ta cũng phải đi theo con đường đó, vì không còn con đường nào tốt hơn con đường đón nhận hy sinh, đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô. Muốn vậy, chúng ta phải có một niềm tin sắt đá, một tinh thần hăng say, một con tim kiên vững và hiên ngang trong mọi nghịch cảnh.

 

Chúng ta không những bảo vệ đức tin, chân lý và đời sống thánh thiện của các ngài để lại, mà còn phải phát triển những gia sản thiêng liêng cao quý đó.

 

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và lòng dũng cảm cho chúng con, để chúng con dám sống và làm chứng cho chân lý trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á