Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng CN XXXIII TN, C: NGÀY CỦA CHÚA

Chúa Giêsu đã không đến để báo trước cho nhân loại biết ngày tận thế, Người chỉ tiên báo cho biết có “ngày của Chúa”, nhưng đang nằm trong sự huyền nhiệm. Bởi vậy, con người phải đề phòng cảnh giác kẻo bị lừa gạt.

 

NGÀY CỦA CHÚA

 (Lc 21,5-19)

Minh An

 

Khi nói đến “ngày của Chúa” có lẽ nhiều Kitô hữu sẽ nghĩ ngay đến ngày tận thế, hay ngày cánh chung, ngày kết thúc thế giới này. Ngày đó được loan báo cho biết thật rùng rợn, khiếp sợ. Chính thánh sử Luca đã diễn tả cách cụ thể về “ngày đó” rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào, sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời bị lay chuyển. bấy giờ, người ta sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang, ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-27).

 

Như thế, “ngày của Chúa” là có thật, chứ không phải chuyện đùa do Kinh Thánh viết khơi khơi cho vui. Nhưng, người ta đã hiểu Lời Chúa không đúng, nên đồn đóan “ngày Của Chúa” cách sai lạc làm cho nhiều Kitô hữu phải băn khoăn lo lắng, phải chạy đôn, chạy đáo để đối phó với ngày đó.

 

Ngày của Chúa là có thật trong tương lai, nhưng xảy ra lúc nào lại là chuyện của Thiên Chúa, con người không thể biết được cách chắc chắn. Chính Đức Giêsu cũng chưa được mạc khải cho biết ngày này: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được ngay cả các thiên sứ trên trời, hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36).

 

Nếu có ai đó nói rằng, họ biết trước ngày của Chúa và loan báo về ngày này, thì hãy xem chừng, vì đó là tiên tri giả, là ngôn sứ đi lừa bịp, làm hoang mang cho nhiều người có niềm tin. Chúa Giêsu đã cảnh báo rằng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng ‘chính ta đây’, và: ‘thời kỳ đã tới gần’; anh em chớ có theo họ” (Lc 21,8).

 

Ngày của Chúa là có thật, nhưng là ngày nào, chẳng ai biết trước được. Từ xa xưa, ngôn sứ Ma-la-khi đã báo cho biết trước có “ngày của Chúa”, nhưng ông không nói rõ về sự xuất hiện của ngày đó. Ông chỉ biết rằng, ngày đó sẽ đến bất ngờ, đầy sợ hãi: “Này, ngày của Đức Chúa đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng - Đức Chúa các đạo binh phán- không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào” (Ml 3,19).

 

Ngôn sứ Ma-la-khi đã loan báo về “ngày của Chúa” đến đầy khiếp sợ, nhưng cũng chỉ vì muốn kêu gọi con cái Israel đặt niềm hy vọng vào Đức Chúa để được đón nhận ơn cứu độ của Ngài, chứ không phải báo cho họ biết trước ngày đó, để tìm cách đối phó hay tránh né.

 

Đến bài đọc Tin Mừng, thánh sử Luca đã minh họa “ngày của Chúa” bằng cách chép lại lời Chúa Giêsu loan báo về ngày sụp đổ của thành Giêrusalem. Thực ra, đây không phải là Chúa Giêsu loan báo về ngày cùng tận của thế giới, nhưng Người biết trước được do lòng dạ con người đã gây ra cuộc tàn phá đền thờ Giêrusalem, và nhằm nhắc nhở con người phải đề phòng cảnh giác kẻo bị lừa gạt.

 

Quả thế, sau biến cố năm 70 sCN, Đền thờ Giêrusalem từng là niềm kiêu hãnh của người Do Thái, đã không còn hòn đá nào trên hòn đá nào; mọi thứ đều sụp đổ, tiêu tan, vì bị tàn phá bởi người Rôma. Đối với các Kitô hữu đầu tiên, phải chăng đó là dấu hiệu báo cho biết, đã đến “ngày của Chúa”? Phải chăng Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo đã đến gần? Họ tưởng như vậy và nôn nóng chờ đợi. Nhưng, thời gian cứ mãi trôi qua, và cảnh chờ đợi cứ mãi kéo dài không ngừng nghỉ, để rồi bắt đầu chán nản, thất vọng.

 

Thật ra, Chúa Giêsu đã không đến để báo trước cho nhân loại biết ngày tận thế, Người chỉ tiên báo cho biết có “ngày của Chúa”, nhưng đang nằm trong sự huyền nhiệm. Bởi vậy, con người phải đề phòng cảnh giác kẻo bị lừa gạt. Khi bị lừa gạt mà không xảy ra đúng như lời tiên báo thì các Kitô hữu dễ đánh mất đức tin của mình: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng, chính ta đây”. Hơn nữa, đề phòng cảnh giác và thức tỉnh, để chuẩn bị tâm hồn đón “ngày của Chúa” trong bình an, thì tốt hơn là tin vào lời đồn đoán ngày tận thế của các tiên tri giả.

 

Tất nhiên, bản văn Tin Mừng của thánh sử Luca cũng nói rõ, trước “ngày của Chúa” cũng xảy ra những hiện tượng khiếp vía, nhưng không phải là lúc Chúa đến trong những hiện tượng đó. Những hiện tượng đó phải xảy ra trước để đánh thức con người chuẩn bị, sẵn sàng để đón nhận “ngày Của Chúa” trong niềm vui hân hoan: “Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu” (Lc 21,9).

 

Hơn nữa, Kitô hữu của Chúa thì thuộc về Chúa và luôn làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Cho dù, đời sống chứng tá đó phải gặp nhiều khó khăn gian khổ, kể cả chịu bắt bớ và giết chết trước khi ngày Chúa đến. Tuy nhiên, Chúa vẫn kêu gọi hãy can đảm, đừng sợ! Vì có Chúa luôn gìn giữ và đồng hành trong mọi hoàn cảnh khi làm chứng tá cho Ngài. Nhưng, những cuộc bách hại, gây họa đó cũng không phải là ngày chung cuộc của thế giới, nhưng có thể chỉ là ngày khải hòan của các cá nhân khi làm rạng danh Chúa (tử đạo). Chính Chúa Giêsu đã tiên báo như thế: “Nhưng trước khi các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa, quan quyền, vì danh Thầy. đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy…nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,12-13.18.19).

 

Tóm lại, “ngày Của Chúa” sẽ đến, nhưng ngày nào, giờ nào không ai biết, chính Chúa Giêsu cũng chẳng hay biết về ngày này. Điều quan trọng và cốt yếu là Kitô hữu luôn đề phòng cảnh giác để không bị lừa bịp qua lời của các tiên tri giả. Đồng thời, hãy luôn sẵn sàng dọn mình để đón nhận ngày Chúa đến trong hân hoan và bình an. Nhất là luôn can đảm trong đời sống đức tin khi làm nhân chứng cho Chúa, cho dù phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ, kể cả chịu bắt bớ…nhưng có Chúa đồng hành và nâng đỡ.

 

Nếu Kitô hữu trong từng giây phút cố gắng sống trung thành với đời sống đức tin, trung thành trong mọi bổn phận, chuẩn bị tâm hồn cho thanh thoát, can đảm vì danh Chúa…thì “ngày của Chúa” đến lúc nào không thành vấn đề. Vì, chúng ta đã giữ được lòng kiên trung, như Chúa Giêsu đã phán: “Ai bền chí đến cùng, thì sẽ được cứu thoát”.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á