Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng CN XXXII TN, A: KHÔN NGOAN: CHẾT LÀ SỐNG

Người khôn ngoan chuẩn bị chọn lựa, sống những chân giá trị Kitô giáo như đức tin, giáo lý, luân lý, phong hóa của Giáo hội, ngay cả tiếng lương tâm khao khát chân lý dù chết họ vẫn sống đời, trái lại thật khủng khiếp cho kẻ khờ dại, bàng quan thờ ơ với những chân giá trị ấy, họ sẽ chết muôn đời. Sự chết của họ không chỉ vì lẽ công bằng thưởng phạt của Thiên Chúa nhưng có lẽ họ tự chối từ, xa lìa, xấu hổ với tình thương Thiên Chúa.

 

 

KHÔN NGOAN: CHẾT LÀ SỐNG

 (Kn 6,12-16, Tx 4,13-18; Mt 25,1-13)

 

 

Đình Ủy

 

Dưới ánh sáng mặc khải, chúng ta biết con người được Thiên Chúa tạo dựng có  phẩm giá cao quý và hồn thiêng bất tử nên dù sự chết có đến thì cánh cửa hy vọng hạnh phúc về sự sống đời đời bên Thiên Chúa cũng được mở ra. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết khôn ngoan chọn lựa, chuẩn bị cho sự sống đời đời hay là khờ dại bàng quan là tùy thuộc thái độ sống của mỗi người. Sự chọn lựa ấy hết sức quan trọng, nó là duy nhất và quyết định sự sống đời đời của con người, bởi lẽ mọi người đều phải chết và mỗi người chỉ có chết một lần, không có cơ hội làm lại nếu họ không khôn ngoan chuẩn bị.

 

Thánh Matthêu tường thuật việc Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn về Nước Trời tựa như mười cô trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô thì có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Năm cô khôn ngoan mang đèn và dầu, còn năm cô khờ dại mang đèn mà không có dầu. Vì chú rể đến chậm nên các cô thiếp đi. Nửa đêm có tiếng la lên: chú rể kia rồi. Bây giờ các cô trinh nữ đều thức dậy sửa soạn đèn. Các cô khờ dại mới xin các cô khôn ngoan: các chị cho chúng em xin chút dầu vì dầu chúng em sắp hết. Các cô khôn ngoan cho biết: sợ không đủ cho chúng em và các chị. Lúc các cô khờ dại đi mua dầu thì chú rể đến, các cô khôn ngoan được rước chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng các cô khờ dại đến: thưa ngài xin mở cửa cho chúng tôi với. Người đáp ta không hề biết các cô là ai cả. Vậy anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

 

Mười trinh nữ tượng trưng cho tất cả các tín hữu Chúa Kitô, nam cũng như nữ, phụ, lão, ấu nhi, giáo dân và tu sĩ. Người ta có thể khôn ngoan hay khờ dại với đời sống đạo mà bản thân thủ đắc. Dụ ngôn trong Tin Mừng nhấn mạnh chuyện chàng rể đến chậm nên các cô phải luôn sẵn sàng. Điều này theo thói phong tục địa phương xưa: nhiều khi hai gia đình trai và gia đình gái thương lượng với nhau đến phút chót. Bình thường thì lúc mặt trời lặn, chú rể và đoàn phù rể đến đón cô dâu. Nhưng nếu cuộc thương lượng chưa xong thì sự chờ đợi của nhà gái sẽ kéo dài, có khi tới khuya hay nửa đêm. Trong dụ ngôn chi tiết đóng cửa hay câu đáp của chú rể với các cô trinh nữ tới chậm là không bình thường. Những chi tiết ấy làm nổi bật ý nghĩa thiêng liêng: người ta chỉ có chết một lần thôi, không có cơ hội để làm lại nếu đã không chuẩn bị sẵn sàng.

 

Theo ý nghĩa trên của đoạn Tin Mừng, chỉ có những cô trinh nữ khôn ngoan, mà được hiểu là những Kitô hữu khôn ngoan, sẵn sàng chuẩn bị dầu đầy trong đèn mới được vào dự tiệc cưới. Đó là thái độ sống, chọn lựa theo Đức Khôn Ngoan. Sách Khôn Ngoan cho biết Đức Khôn Ngoan luôn ở ngay bên cạnh, luôn tỏ mình nhưng với điều kiện là con người phải yêu mến, kiếm tìm và khao khát Đức Khôn Ngoan.

 

Đức Khôn Ngoan (x. Kn 6, 12-16) ngoài ý nghĩa tiên trưng về Đức Kitô, thì cũng mang ý nghĩa không chỉ là một giáo lý, đạo lý mà thôi (c. 9) nhưng còn là một chân lý Thiên Chúa chiếu sáng qua giáo lý và khích lệ con người tự trong thâm tâm. Vì thế, thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Chính Thiên Chúa đã tác động đến lòng mến, ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người” (Pl 2, 13). Chân lý đó là Thiên Chúa tình yêu đã yêu thương, kêu gọi và tuyển chọn con người đến thông hiệp, cho con người sống lại hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài. Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Gioan minh chứng rằng: “Chẳng ai đến với Tôi được nếu Chúa Cha là Đấng sai Tôi và lôi lôi kéo người ấy, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,44). Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Thêxalonica cũng cố thêm xác tín hy vọng về sự sống đời đời cho người tín hữu: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại thì chúng ta cũng tin rằng những ai đã an giấc trong Đức Kitô sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Kitô” (Tx 4,14).

 

Như vậy, chúng ta nhận thấy tiệc cưới là sự sống đời đời, là hạnh phúc, là hiệp thông với Thiên Chúa. Đối tượng được Ngài yêu thương, chuẩn bị như tiệc cưới mà chàng rể đã dọn sẵn mời các trinh nữ tham dự là những trinh nữ không ngoan. Còn các cô khờ dại bị khước từ một cách tủi hổ. Do đó mặc dù cánh cửa tử mở ra nhưng cánh cửa sự sống bị đóng lại, họ bị vô thừa nhận, sự chết đời đời đang chờ đợi họ. Đó cũng là hai trạng huống của người Kitô hữu khi mình sẽ là người khôn ngoan chuẩn bị đèn dầu hay là kẻ khờ dại thờ ơ để đón nhận cái chết.

 

Để là người khôn ngoan, chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị đèn đầy dầu, là lòng yêu mến, khao khát, kiếm tìm Sự Khôn Ngoan (x. Kn 6,12-16). Sự Khôn Ngoan là những chân giá trị thuộc về Thiên Chúa, thể hiện qua giáo lý, đạo lý, phong hóa đương thời được Giáo hội chuẩn nhận, hay tiếng nói trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người. Thật là ảo tưởng nếu chúng ta chọn lựa, sống những chân giá trị ấy trên ý niệm, nhưng phải là sống bằng hành động với tất cả lòng mến. Xét cho ngọn nguồn, chiêm niệm đạo lý với người Kitô hữu khôn ngoan vẫn luôn luôn khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa và trở về với tình yêu. Bởi thế, “phần chúng ta chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa yêu thương ta trước” (1 Ga 4,19). Đèn dầu của lòng mến sẽ luôn làm  bừng  cháy chiếu sáng, soi dẫn người Kitô hữu trên đường về quê trời.

 

Đối diện với sự chết một lần duy nhất về thể lý mỗi người sẽ cần tra vấn lương tâm mỗi ngày, nếu hôm nay, hay ngày mai, hay ngày mai nữa tôi sẽ chết, đèn lòng mến, những chân giá trị Kitô giáo còn cháy sáng trong chúng ta nữa không? Hay chúng ta cũng là những kẻ khờ dại vay mượn, bám víu những giá trị giả tạo, tiền bạc, danh vọng hay một sự an toàn giả tạo mong manh nơi vật chất và con người. Người khôn ngoan chuẩn bị chọn lựa, sống những chân giá trị Kitô giáo như đức tin, giáo lý, luân lý, phong hóa của Giáo hội, ngay cả tiếng lương tâm khao khát chân lý dù chết họ vẫn sống đời, trái lại thật khủng khiếp cho kẻ khờ dại, bàng quan thờ ơ với những chân giá trị ấy, họ sẽ chết muôn đời. Sự chết của họ không chỉ vì lẽ công bằng thưởng phạt của Thiên Chúa nhưng có lẽ họ tự chối từ, xa lìa, xấu hổ với tình thương Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin dạy chúng con biết tháng ngày mình sống, để tâm trí chúng con luôn được khôn ngoan và yêu mến, khao khát, kiếm tìm tình yêu Chúa ngay bây giờ - phút hiện tại này đây. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á