Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng CN XXXI TN, A: TỪ LỜI NÓI ĐẾN HÀNH ĐỘNG

Bài Tin Mừng nhắc nhở chúng ta nhìn lại lời nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau không? Chúng ta phê bình, yêu cầu người khác phải sửa sai, nhưng chính mình lại không tự sửa sai. Chúng ta yêu cầu mọi người phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhưng mình lại cứ ăn thua đủ, không ai nhường ai.

 

 

TỪ LỜI NÓI ĐẾN HÀNH ĐỘNG

(Mt 23,1-12)

 

Bảo Tâm

 

Người ta thường nói con đường xa nhất là con đường từ miệng tới tay. Thật thế, từ tư tưởng đến lời nói, rồi tới việc làm là cả một con đường dài xa tắp. 

 

Một người dù có nói hay đến mấy mà không thi hành lời mình nói thì cũng như một bông hoa không bao giờ kết trái.

 

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp:

 

Có người nói nhưng không giữ lời, có kẻ nói mà không làm, hoặc có người nói thì rất hay nhưng làm dở, thích dạy người và dạy đời, nhưng lại không sống điều mình dạy. Ngạn ngữ Việt nam có câu: “Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”.

 

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án, quở trách lối sống giả hình, đạo đức giả của nhóm người luật sĩ và Pharisêu. Họ lợi dụng lề luật để sống giả dối, không trung thực, sống thiếu công bằng đối với tha nhân như sau:

 

- Họ nói mà không làm

 

- Họ bó những gánh nặng lên vai người khác, còn chính họ không động ngón tay vào.

 

- Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ trông thấy và khen ngợi.

 

- Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi công cộng, và được người ta xưng hô là Thầy.

 

Khi nghe Đức Giêsu quở trách những lời trên, có lẽ ai trong chúng ta cũng ít nhiều cảm thấy xấu hổ vì nhận ra hình ảnh con người thật của mình trong đó. Nếu không háo danh thì cũng thích khoa trương; nếu không hay kể công thì cũng muốn được khen ngợi; nếu không ích kỷ thì cũng nói nhiều làm ít; nếu không sống tốt thì cũng tỏ ra là người đạo đức; … 

 

Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng, chỉ cách nhau có một tích tắc, nhưng lại xa cách ngàn trùng. Hay nói một cách khác, cách nhau một chữ ‘và’: ‘lời nói và hành động’. Vì thế, người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa. Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời, để khoe mẽ và trục lợi với cái vẻ bên ngoài.

 

Lời nói mang một giá trị rất quan trọng trong cuộc sống của con người: lời nói mang đến những lời chúc mừng, những lời chia sẻ, an ủi, động viên, khích lệ, và cả những lời sửa dạy nữa. Tuy nhiên, lời nói sẽ mất giá trị khi chúng ta ‘nói mà không làm‘ hoặc làm ngược lại những điều mình nói thì không những chúng ta trở thành những kẻ nói dối, mà còn đánh mất niềm tin nơi người khác. Chính hành động sẽ minh chứng cho lời nói, bởi vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Do đó, lời nói phải đi đôi với việc làm.

 

Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái vỏ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt nhằm che đậy cái không thật bên trong: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả… Cũng thế, đời sống nội tâm, không có chiều sâu, không kinh nghiệm sống thiêng liêng với Chúa, thì tâm hồn trở nên trống rỗng, giống như các thứ đồ giả mà thôi. Để che lấp ‘thứ đồ giả’ này, người ta thường tìm cách khỏa lấp sự yếu kém nội tâm đó bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương, tạo một lớp vỏ đạo mạo bên ngoài: “Cốt để cho người ta thấy như: đeo những hộp kinh thật lớn, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất,…”

 

Bài Tin Mừng nhắc nhở chúng ta nhìn lại lời nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau không? Chúng ta phê bình, yêu cầu người khác phải sửa sai, nhưng chính mình lại không tự sửa sai. Chúng ta yêu cầu mọi người phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhưng mình lại cứ ăn thua đủ, không ai nhường ai. Chúng ta đòi hỏi người khác sống thành thật, nhưng mình lại quanh co, gian dối với người khác. Trước lối sống như vậy, mỗi người chúng ta cần phải khiêm nhường, nhìn nhận mình yếu đuối bất toàn, để tránh thái độ phê bình, chỉ trích người khác.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á