Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng CN XXII TN, A: GIÁ TRỊ CỦA LÒNG TRUNG THÀNH

Con đường của Chúa Giêsu đi là con đường thập giá, và Người đã trung thành với thập giá đó để ơn cứu độ được thành toàn. Nên lời kêu gọi mọi người hãy bỏ mọi sự, vác thập giá để đi theo Người thật có giá trị: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống”.

 

 

GIÁ TRỊ CỦA LÒNG TRUNG THÀNH

(Mt 16,21-27)

Minh An

 

“Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống”.

 

Lời mời gọi của Chúa Giêsu, từ bỏ mọi sự, vác thập giá để đi theo Ngài dường như là một sự cản trở to lớn đối với nhiều người muốn hiến thân trong đời sống đức tin cũng như trong đời thường?

 

Cách đây không lâu, một anh thanh niên nói rằng: “Tại sao Chúa dạy con người phải mến Chúa yêu người. Nay Chúa lại đòi hỏi ai muốn theo Người phải từ bỏ tất cả, vác thập giá mà theo. Chúa đòi hỏi thật là nghịch lý quá! Tôi đã có vợ và có hai con nhỏ. Tôi là trụ cột chính trong gia đình. Tôi phải lo đủ mọi thứ cho gia đình của mình… Thế mà Chúa bắt tôi phải từ bỏ tất cả như thế để đi theo Người sao? Tôi bỏ vợ, bỏ các con… để đi theo Chúa, thế là tôi đã phạm đến giới răn của Chúa dạy: mến Chúa yêu người sao? Không thể nào!”.

 

Đây quả đúng là một thắc mắc quá khó khăn, không dễ dàng để đưa ra câu trả lời làm cho người ta hài lòng được. Nếu người ta chỉ hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen thì đúng là khó chấp nhận, khó thi hành Lời Chúa sát nghĩa như vậy được. Có lẽ, không ai đủ can đảm mà bỏ gia đình, bỏ mọi thứ để đi theo Chúa với một lời hứa không chắc chắn trong tương lai cả.

 

Tuy nhiên, khi đọc Lời Chúa và được soi dẫn bởi ánh sáng Lời Chúa, hay được mạc khải để cho hiểu theo nghĩa Tin mừng thì người ta sẽ nhận thấy Lời Chúa không có gì là khó hiểu cả. Thậm chí, người ta sẽ say mê, yêu mến và thi hành Lời Chúa cách trọn vẹn hơn nữa.

 

Đúng thế, trở lại với thắc mắc của người thanh niên kia, chúng ta sẽ nhìn nhận được rằng, nếu anh “bỏ mọi sự mà theo Chúa” theo nghĩa Tin mừng, tức là anh trung thành với mọi đường hướng của Thiên Chúa thì anh ta thật có giá trị biết bao, và Lời Chúa anh đón nhận còn có giá trị cao cả hơn. Anh đã có gia đình, có vợ và con cái… anh trung thành với gia đình mình, chăm lo mọi bổn phận của mình cách tốt nhất thì đó là anh đã vác thánh giá của mình cách trọn vẹn rồi. Và như thế, Lời Chúa mời gọi anh “hãy vác thập giá đi theo Người” thật là giá trị, hay còn gọi là giá trị cao cả của lòng trung thành.

 

Còn ngày nào, anh không trung thành với bổn phận của người làm chủ gia đình, không trung thành với vợ, không chăm lo bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục con cái, hay không bỏ cái “tôi” thì đó là anh đã không bỏ mình và chưa vác thập giá mình cách đúng nghĩa nhất để đi theo Đức Giêsu. Và có lẽ Lời Chúa “hãy bỏ mình…” đối với anh thật là vô nghĩa.

 

Lời Chúa sẽ rất có giá trị và ý nghĩa đối với tất cả những ai có lòng trung thành và yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân. Trung thành với Chúa, trung thành với lề luật, trung thành với những quyết định mà mình đã lựa chọn trong ơn gọi làm Kitô hữu, đó là cách tốt nhất khi đáp lời: “Hãy từ bỏ mọi sự, vác thập giá đi theo Chúa”.

 

Tuy nhiên, người sống đúng Lời Chúa, trung thành với lề luật, trung thành với quyết định chọn lựa thánh thiêng… thì cũng dễ làm cớ cho người khác ghét bỏ, chế giễu, thậm chí là bị hành hạ, cáo gian. Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I cũng chỉ vì yêu mến Lời Chúa, bị Chúa quyến rũ trung thành với Người, nên ông đã gặp đôi điều rắc rối. Ông đã phải kêu lên thật thảm thương: “Lạy Ðức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: "Bạo tàn! Phá huỷ!" Vì lời Ðức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.” (Gr 20,7-8). Nhưng do lòng trung thành với Chúa, đã làm cho ông vững vàng và chẳng có gì xô ngã được ông.

 

Đúng là Lời Chúa có sức quyến rũ, nhưng cũng là Lời dễ làm cho con người khó thi hành và khó chấp nhận, vì có khi Lời Chúa như đi ngược lại với thực tế. Đến như tông đồ Phêrô cũng muốn ngăn cản Thầy của mình lên Giêrusalem thi hành sứ vụ cứu thế: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Chúa đã phải quở trách Phêrô là đồ Xa-tan vì dám ngăn cản Chúa: “Hỡi Xa-tan, hãy lui ra đàng sau Thầy…”.

 

Con đường của Chúa Giêsu đi là con đường thập giá, và Người đã trung thành với thập giá đó để ơn cứu độ được thành toàn. Nên lời kêu gọi mọi người hãy bỏ mọi sự, vác thập giá để đi theo Người thật có giá trị: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống”.

 

Quả thế, Đức Giêsu đã đón nhận và thi hành ý muốn của Cha cách trọn vẹn trên con đường cứu độ thế gian. Đến lượt các môn đệ đi theo Người, phần vì muốn được cứu độ, phần vì muốn cộng tác với Người trên hành trình cứu độ nhân loại, thì đòi hỏi họ cũng phải biết từ bỏ chính mình, vác thập giá và đi theo Người. Đó là mấu chốt mà Thiên Chúa thể hiện rõ ràng để các môn đệ quyết định lựa chọn mà đi theo. Không những người môn đệ theo Chúa chỉ dừng lại ở đòi buộc từ bỏ, vác thập giá, nhưng có khi còn phải liều mất mạng sống vì lý tưởng của Tin Mừng nữa: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25b).

 

Từ bỏ chính mình là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn cho Chúa và trung thành với những quyết định lựa chọn của mình. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã hiểu rõ điều này và nói lên kinh nghiệm của mình: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần vơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Từ bỏ chính mình còn là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh đời mình để sống triệt để cho Tin Mừng và ưu tiên cho việc đi theo Chúa hơn là tìm kiếm những công việc của Chúa.

 

Suy cho cùng, Đức Giêsu mời gọi người môn đệ phải vác thập giá và đi theo Người hằng ngày, không gì khác hơn chính là chu toàn những công việc bổn phận của mình trong hoàn cảnh sống cụ thể cách trung thành và hợp lý.

 

Chúng ta luôn ý thức rằng, mình là con người khiếm khuyết và bất toàn, nên mọi tư tưởng xuất phát ra, đối với mình có khi là tốt, là hoàn hảo, nhưng đối với Chúa, đối với người khác thì có khi đó lại là một sự cản lối, nhất là về việc thi hành Lời Chúa. Phêrô đã bị Chúa khiển trách vì bộc bạch tư tưởng của loài người: “Xa-tan hãy lui lại đàng sau Thầy, vì tư tưởng của anh chỉ là tư tưởng của phàm nhân, chứ không phải tư tưởng của Thiên Chúa”.

 

Vậy nên, hãy để Thiên Chúa điều khiển, hướng dẫn chúng ta theo ý của Ngài là tốt hơn hết. Hay nói như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo hơn” (Rm 12,2).

 

  

Thiết kế Web : Châu Á