Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng CN XVII TN, C: XIN ƠN THA THỨ

Tác giả Luca đã nhấn mạnh sự đòi buộc phải có lòng tha thứ giữa các môn đệ với nhau và với tha nhân như một điều kiện để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

 

XIN ƠN THA THỨ

(Lc 11,1-13)

 

Minh An

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XVII hôm nay là lời cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, được trích từ Tin mừng Lc 11,1-4. Nhưng để có được Kinh Lạy Cha cho chúng ta đọc hằng ngày, trước nhất, chúng ta phải cám ơn các môn đệ của Chúa Giêsu.

 

Có thể nói được rằng các môn đệ của Chúa Giêsu là những con người rất dễ thương. Vì các ông đã nhìn thấy các kinh sư cầu nguyện trong các Hội đường hay ngoài ngã ba, ngã tư, hay nơi công cộng. Các môn đệ cũng đã nhìn thấy Gioan dạy cho các đồ đệ của mình cách thức cầu nguyện. Và có khi chính các ông đã cầu nguyện nhiều lần, nhiều nơi… nhưng không có một phương thức, hay công thức nào để cầu nguyện cho đúng, nên các ông đã xin Chúa dạy cho mình cách thức cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như ông Gioan đã dạy cho các môn đệ của ông” (c.1). Chúa Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

 

Trong Kinh Lạy Cha, Luca viết gồm sáu lời cầu xin ngắn gọn:

 

- “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển

- Xin cho triều đại Cha mau đến

- Xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày đó

- Xin tha tội cho chúng con

- Xin cho chúng con cũng biết tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con 

- Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

 

Có năm lời xin liên quan trực tiếp đế Chúa Cha và chỉ một lời xin trực tiếp đến con người với nhau: “Xin cho chúng con cũng biết tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Lời cầu xin này rất quan trọng với thực tại mà con người ta đang sống và xây dựng cộng đoàn. Nên, chúng ta cùng suy niệm về lời cầu xin này. 

 

Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ khẩn khoản nài xin Chúa tha lỗi cho họ và chính họ cũng tha thứ cho những người mắc lỗi với họ: “Xin Cha tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”.

 

Sự tha thứ cho người khác vừa là hiệu quả vừa là điều kiện của ơn tha thứ mà Thiên Chúa đã ban xuống cho các môn đệ. Người môn đệ tỏ lòng tha thứ không phải là biểu lộ tính cách của sự kiêu căng, nhưng là ý thức việc mình đã đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên các ông cũng cần có lòng thương xót như Thiên Chúa để tha thứ cho anh em của mình: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha là Đấng xót thưong ” (Lc 6,36).

 

Lòng nhân từ của con người là dấu chỉ nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động mạnh mẽ trong tâm hồn của họ. Nhờ lòng nhân từ, con người mới có thể dễ dàng tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Tuy nhiên, con người không dễ dàng để thực thi sự tha thứ một cách mau mắn; không dễ dàng “nuốt trôi những lỗi lầm mà tha nhân biếu tặng cho mình”. Do vậy, cần lắm ơn Chúa, sức mạnh của niềm tin vào Chúa, người ta mới dễ dàng tha thứ cho nhau, chứ không lại rơi vào tình cảnh mà yếu tố con người quyết định là: “một lần tha, ba lần chém”. Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi có vẻ như hồ hởi nói với Chúa khi anh em xúc phạm đến con, con tha thứ tới bảy lần là quá lắm rồi chư? Chúa nói “Không”, nhưng phải tha thứ tới bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ luôn mãi (x. Mt 18,21-22).

 

Trong kinh Lạy Cha, chúng ta nhận thấy như Chúa Giêsu đã nhìn ra được sự yếu đuối của các môn đệ về sự tha thứ cho anh em mình là một điều đầy khó khăn, nên Ngài dạy cho các ông hãy xin Chúa Cha ban cho họ có một tấm lòng bao dung, biết tha thứ: “Xin Cha tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”.

 

Tác giả Luca đã nhấn mạnh sự đòi buộc phải có lòng tha thứ giữa các môn đệ với nhau và với tha nhân như một điều kiện để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Với Matthêu, tha thứ không những chỉ một lần nhưng là phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, một con số trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa (x. Mt 18,21-22). Với Tin Mừng Luca là Tin Mừng của lòng thương xót, nên sự tha thứ đó không chỉ dừng lại ở các con số, nhưng phải tha nữa, tha mãi, tha đến vô bến bờ, không giới hạn: “Nếu người anh em xúc phạm đến anh thì hãy tha thứ cho nó, dù mỗi ngày đến bảy lần, rồi bảy lần đến xin, thì anh phải tha cho nó” (x. Lc 17,4).

 

Và với thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê, cũng đã khẩn khỏan nài xin anh em trong Hội Thánh này, hãy noi gương Thiên Chúa và hãy mở rộng tấm lòng của mình ra để tha thứ những lỗi lầm cho anh em: “Như Chúa Cha đã tha thứ cho anh em thế nào thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau như vậy”(Cl 3,13).

 

Nếu mỗi người đều có một tấm lòng bao dung, biết tha thứ như Chúa Giêsu đòi hỏi thì thật là hạnh phúc biết bao! Vì chính lòng bao dung đó sẽ hướng dẫn con người xây dựng mối tương quan thân tình với tha nhân trong ân sủng và trong tình thương của Chúa Cha.

 

Tắt một lời, nhờ sự cầu tiến và muốn có phương thức cầu nguyện một cách tốt nhất của các Tông đồ, mà chúng ta có Kinh Lạy Cha để cầu nguyện hàng ngày, chúng ta cám ơn các ngài và tạ ơn Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha. Xin cho chúng ta ý thức được khi cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha, là chúng ta gắn bó tâm tình thiết thân với Chúa Cha và với tha nhân. Chúng ta xây dựng mối hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và với nhau qua trung gian là Đức Kitô trong ân sủng và bình an của Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa, xin mở rộng tấm lòng cho chúng con, để chúng con đón nhận ơn Chúa, biết tha thứ và tha thứ luôn mãi cho những người anh em đã lỡ xúc phạm đến chúng con. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á