Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng CN XVI TN, A: KIÊN NHẪN VÀ VỊ THA

Điều mà Đức Giêsu đòi hỏi ở các môn đệ là hãy kiên nhẫn và vị tha; hãy để đến ngày phán xét, các thợ gặt sẽ gom cỏ lùng và đốt đi. Khi tiếng kèn cuối cùng vang lên, cũng là lúc Thiên Chúa thưởng công cho kẻ lành và phạt kẻ dữ.

 

 

KIÊN NHẪN VÀ VỊ THA

(Mt 13,24-30)

 

Lam Châu

 

Trong cuộc sống của con người luôn tồn tại hai thực tại đối lập: thiện và ác. Thiện và ác cùng lúc hiện diện trong xã hội, trong Giáo hội, trong cộng đoàn và trong chính nội tâm của mỗi người.

 

Thánh Phaolô đã từng bộc bạch: „Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm“ (Rm 7,19).

 

Như thế, con người chịu sự tác động giữa sự pha trộn „tốt“ và „xấu“, giữa „ân sủng“ và „tội lỗi“.

 

Trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 13,24-30), tuy ông chủ gieo giống lúa tốt, nhưng đồng thời cỏ lùng cũng xuất hiện. Những đầy tớ trình bày với ông chủ, tức khắc, ông chủ cho biết: „Kẻ thù đã làm điều đó“. Họ xin ông chủ đi lượm cỏ lùng, ông đã can ngăn: „Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt“. Thái độ nhanh nhảu của các đầy tớ này nhắc nhớ đến Gioan và Giacôbê cũng đã từng muốn đem lửa từ trời xuống thiêu đốt những người Samari, vì họ không đón tiếp các ông (x. Lc 9,54).

 

Trong khi Đức Giêsu thể hiện thái độ bình thản: „Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt“. Điều này, theo kỹ thuật canh tác của nhà nông, có gì đó không logic. Dẫu biết rằng, đối với Thiên Chúa không gì là không thể, bởi vì đường lối và tư tưởng của Ngài vượt xa con người bội phần (x. Is 55,8-9).

 

„Cứ để cả hai cùng tồn tại cho đến mùa gặt“. Khi nói như vậy, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?

 

Mùa gặt trong dụ ngôn này được hiểu trong viễn cảnh ngày thế mạt, tức ngày tận thế. Dĩ nhiên, kiểu nói „tận thế“ trong trường hợp này mang tính Kitô học chung cuộc, nghĩa là thế giới đạt đến tận điểm của nó. Tận điểm của thế giới ở đây không có ý nói đến cấu trúc vật lý của vũ trụ, mà ám chỉ thế giới con người sẽ có một kết thúc do Thiên Chúa đặt định[1].

 

„Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt“, cách xử sử này của Đức Giêsu có thể trở thành cớ vấp phạm cho những người đương thời. Ngài không cho lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ vô đạo như Gioan và Giacôbê đã yêu cầu; cũng không để kẻ nhiệt thành nhổ sạch cỏ lùng đang mọc khắp nơi. Vì họ không thể tự ý chiếm lấy cho mình đặc quyền của Thiên Chúa, quyền giải quyết vấn đề xem ai là „lúa tốt“, ai là „cỏ lùng xấu xa“.

 

Ngược lại, Đức Giêsu hòa mình với những kẻ tội lỗi, lôi kéo họ đến bên Ngài. Đức Giêsu hòa mình với người tội lỗi đến độ chính Ngài trở thành hiện thân của „tội lỗi“, và chịu chết như kẻ bị Lề Luật chúc dữ: quả thật Ngài chia sẻ đến tận cùng số phận của những kẻ bị hư mất (x. 2 Cr 5,21; Gl 3,13).

 

Như vậy, Đức Giêsu không đứng trong cương vị Thiên Chúa để phán xét con người tội lỗi trước kỳ hạn hoặc tiêu diệt họ, nhưng đã dấn thân vào chốn tội tình trần gian để gột sạch tội đời[2], qua đó mạc khải cho chúng ta thế nào là tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu từng nói với các môn đệ: „Con Người đến không phải để kết án (x. Ga 8,15), nhưng để tìm và cứu những gì đã hư mất“ (Lc 19,10). Vì thế, theo Tin mừng Matthêu, Đức Giêsu chính là Đấng chịu đau khổ, hiền lành và kiên nhẫn. Nhưng Người sẽ thanh toán tất cả, trả mọi người về đúng với phẩm chất của họ qua cuộc tử nạn của Ngài.

 

Điều mà Đức Giêsu đòi hỏi ở các môn đệ là hãy kiên nhẫn và vị tha; hãy để đến ngày phán xét, các thợ gặt sẽ gom cỏ lùng và đốt đi. Khi tiếng kèn cuối cùng vang lên, cũng là lúc Thiên Chúa thưởng công cho kẻ lành và phạt kẻ dữ.

 

Qua trình thuật Mt 13,24-30, Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ mầu nhiệm Kitô học, đồng thời quy tụ họ lại, cho họ biết, qua mầu nhiệm tử nạn của Ngài, thế giới sẽ được biến đổi.

 

Thiên Chúa lúc nào cũng kiên nhẫn, chờ đợi hối nhân trở về, sống cuộc đời công chính. Như cây vả không sinh trái (Lc 13,8-9), được gia hạn thêm một năm, chúng ta cũng được Thiên Chúa cho thêm thời gian ân phúc để hối cải, trở về và sinh hoa trái thánh thiện.

 

Vì thế, „hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên“ (Is 55,6). Trở về, sống công chính và sinh hoa trái thánh thiện là hành trình tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Sống công chính là lời đáp trả của chúng ta đối với Lề luật, thực thi những điều Luật dạy; sống công chính còn là đón nhận trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu luôn hiện diện trong Giáo hội như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung. Người cũng mời gọi chúng ta sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ đối với mọi người. Điều quan trọng, chúng ta có nhận ra điều tốt trong anh em, hay chỉ nhìn thấy „cỏ lùng“ trong tâm hồn họ?

 

 

_________________________________

 

[1] x. Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn giáo 2009, tr. 343.

[2] x. Joseph Ratzinger, Sđd, tr. 367-368.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á