Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng CN XV TN, A: HẠT GIỐNG LỜI CHÚA VÀ MẢNH ĐẤT TÂM HỒN

Nói về hạt giống, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ đến người gieo, hạt gieo và đất để gieo trồng. Đây là những yếu tố mà cây trồng nào cũng cần phải có để duy trì và tồn tại. Hạt giống Lời Chúa cũng vậy, cũng phải có người gieo, có hạt (Lời) và có đất (lòng con người) để gieo thì Lời Chúa mới lan rộng khắp nơi.

 

 

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA VÀ MẢNH ĐẤT TÂM HỒN

(Mt 13,1-23)

 

 

Bảo Hạnh

 

Thiên Chúa luôn luôn gieo vãi Lời Ngài khắp nơi, với mọi người, với mọi hoàn cảnh. Và các tín hữu đều được tiếp xúc, gần gũi với kho tàng vô giá này, đó là điều thật đáng mừng.

 

Tuy nhiên, từ chỗ tiếp xúc, gần gũi đến chỗ hiểu biết, thấm nhuần Lời Chúa, và nhất là sống Lời Chúa, là cả một hành trình dài và khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực, suy nghĩ và cố gắng của mỗi người chúng ta.

 

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về giá trị của Lời Chúa. Lời Chúa được gieo khắp nơi. Có hạt rơi xuống bên vệ đường, chim trời ăn mất. Có hạt rơi xuống trên sỏi đá, không đâm rễ sâu, bị khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai bị chết ngạt. Nhưng Chúa không chú trọng đến những hạt mất mát đó cho bằng đến sự phát triển mạnh mẽ của hạt giống rơi vào đất tốt. Hạt giống lớn lên và đem lại một mùa gặt phong phú: “Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13,8).

 

Nói về hạt giống, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ đến người gieo, hạt gieo và đất để gieo trồng. Đây là những yếu tố mà cây trồng nào cũng cần phải có để duy trì và tồn tại. Hạt giống Lời Chúa cũng vậy, cũng phải có người gieo, có hạt (Lời) và có đất (lòng con người) để gieo thì Lời Chúa mới lan rộng khắp nơi.

 

Người gieo giống: Chúa Giêsu chính là Lời Của Thiên Chúa và cũng là người gieo giống. Ngài gieo một thứ hạt giống vào lòng nhân loại. Ngài gieo Lời hằng sống của Ngài một cách hào phóng cho hết mọi người, không trừ một ai, Ngài gieo khắp nơi, mọi chốn. Nhưng để hạt giống Lời Chúa đến được với tâm hồn mỗi người, tạo được lòng tin và tình mến, từ đây làm phát sinh cuộc sống mới, Chúa Giêsu đã phải trải qua những đau khổ, đặc biệt là cái chết nhục nhã trên thập giá. Nhờ đó hạt giống Lời Chúa được lan rộng khắp nơi.

 

Noi gương người gieo giống trong Tin Mừng, người mục tử ngày nay cũng không ngừng ra đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi. Các ngài mặc lấy tinh thần Đức Kitô, sống đơn sơ, thánh thiện, bác ái yêu thương để đem Lời Chúa đến với mọi người. Vì danh Đức Kitô, nhiều mục tử đã phải chịu đau khổ: bị chống đối, cấm cách, bắt bớ, thậm chí chịu chết để Lời Chúa được triển nở nơi cung lòng mỗi người. Họ là những người gieo giống can đảm, trung tín, và giàu lòng xót thương, họ dám ra đi đến với đàn chiên và “ngửi thấy mùi của chiên và chiên nghe tiếng họ”.[1]

 

Đây cũng điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxico hằng thao thức và mong mỏi nơi các mục tử ngày hôm nay cần thực hiện. Dẫu biết rằng nhiều mảnh đất tâm hồn còn cằn cỗi, khô cứng nhưng hạt giống vẫn được các ngài gieo vãi với niềm hy vọng là hạt giống Lời Chúa sẽ đâm chồi nẩy lộc, đơm bông kết hạt để mùa lúa bội thu. Thánh Justinô, khi suy niệm về dụ ngôn người gieo giống đã khuyên bảo những người rao giảng Tin Mừng đừng thất vọng, đừng chán nản, bởi vì: “Chính Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đã được gieo vào cánh đồng thế giới chúng ta, Ngài cũng đã bị hiểu lầm, bị chống đối, và nhiều lần thất bại…Nhưng sau khi bị chôn vùi vào lòng đất như hạt giống, Ngài đã nẩy sinh bao hoa trái sự sống dồi dào”.

 

Tuy nhiên,  bên cạnh những người gieo giống nhiệt thành và can đảm, vẫn còn đó một số người gieo hạt giống Tin Mừng chỉ vì danh lợi, coi trọng thân xác, bám víu vật chất, không theo tinh thần Đức Kitô - Người Mục Tử nhân lành, dẫn đến đánh mất căn tính người mục tử, làm cho hạt giống Lời Chúa không đến được với người nghèo, không đến được với những vùng đất khô cằn sỏi đá.

 

Hạt giống: Hạt giống là Lời của Chúa. Hạt giống lời Chúa là lời hằng sống, lời đem lại sự sống đời đời, vì: “Chúa có những lời ban sự sống đời đời”. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Do Thái cũng khẳng định: “Thực vậy, Lời Thiên Chúa là Lời sống động, sắc bén và hữu hiệu hơn cả con dao hai lưỡi” (Dt 4,12).  Hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp nơi, nó nảy mầm và đơm bông kết hạt nhằm ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại: “Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng ta giao phó” (Is 55,11).

 

Hạt giống Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên nẻo chính đường ngay và tránh xa bóng tối tội lỗi: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105). Hạt giống Lời Chúa là nguồn mạch ơn thiêng và hạnh phúc cho con người. Tiên tri Giêrêmia đã cảm nghiệm được và diễn tả niềm hạnh phúc đó như sau: “Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn, gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào. Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con, thành niềm vui của lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16). Hạt giống Lời Chúa có sức mạnh vô biên: hòa giải mọi hận thù, nối kết yêu thương, đem niềm vui và bình an trong tâm hồn mỗi người. Hạt giống Lời Chúa có sức biến đổi những tâm hồn lầm lạc trở về như:  Thánh Augustinô, một người từng theo lạc giáo và sống trong tội lỗi, nhờ Lời Chúa biến đổi đã trở thành một vị giám mục tốt lành, thánh thiện, hết mình phục vụ vì dân Chúa, vì Giáo hội. Hay Lời Chúa đã biến đổi một chàng thanh niên Phanxicô thành Assisio sống trong giàu sang, quyền thế, từ bỏ tất cả để trở thành một người nghèo khó, sống giữa người nghèo và sống vì người nghèo.

 

Hạt giống Lời Chúa một khi đã được gieo vãi, tự bản Chất Hạt giống có khả năng ban sức mạnh, tăng cường và nuôi dưỡng đức tin cho các Kitô hữu và nhiệm thể Giáo hội: “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội” (DV 21)[2].

 

Bổn phận của chúng ta là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Không phải chỉ nghe suông rồi để đấy, nhưng phải cố gắng tìm hiểu cho biết Chúa muốn ta phải làm gì. Thánh Giacôbê tông đã từng nhắc nhở rằng: “Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Hạt giống Lời Chúa có giá trị trường tồn và là nguồn sống của con người. Nhưng hạt giống Lời Chúa có sinh hoa kết quả hay không cũng còn tùy thuộc vùng đất (tâm hồn con người), vào thái độ đón nhận của con người.

 

Mảnh đất: bao gồm mảnh đất bên vệ đường, đá sỏi, bụi gai và đất tốt mà Hạt giống Lời Chúa được gieo vào chính là tâm hồn của con người. Tâm hồn con người có thể là mảnh đất bên vệ đường hạt giống Lời Chúa gieo xuống, chim trời đến ăn mất: đó là những kẻ “nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì bị quỷ dữ cướp đi…” (Mt 13,19). Vì tâm hồn họ chai đá, trái tim họ nguội lạnh, họ nghe rồi bỏ sau lưng, hoặc họ thấy Lời Chúa khó nghe hay khó thực hiện, quá viễn vông. Bởi họ là những người không tin vào Thiên Chúa và phủ nhận lời Ngài. Đó là những kẻ vô thần. Thái độ này đôi khi cũng là thái độ của Chúng ta, vì thế hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng ta nhưng như gieo trên vệ đường. Ta nghe mà không hiểu. Không hiểu vì cố tình không muốn hiểu, vì cố tình né tránh, bởi lẽ Lời Chúa đòi hỏi ta phải hoán cải và từ bỏ mình. Thế là lời Chúa trôi đi như nước đổ ra biển...

 

Tâm hồn con người có thể là mảnh đất sỏi đá: đó là những người “nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận; nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nỗi nhất thời” (Mt 13,20-22). Hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng ta như rơi trên sỏi đá. Ta vội vã, hớn hở đón lấy ngay không cần suy xét. Nhưng chỉ dừng lại ở bên ngoài hời hợt. Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất tâm hồn ta. Khi gặp chuyện khó khăn hay gặp thử thách trong cuộc sống, chúng sẽ bị ngã quỵ, té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Chúa.

 

Hạt giống gieo vào tâm hồn ta như gieo vào bụi gai, vì nỗi lo âu chuyện đời, đam mê của cải thế gian, tâm hồn gai gốc của chúng ta bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa, làm cho hạt giống Lời Chúa không thể đơm bông kết hạt.

 

Hạt giống được gieo vào lòng ta như gieo vào mảnh đất tốt. Đó là khi ta đón nhận, lắng nghe, thấu hiểu, tin cậy và khiêm tốn sống Lời Chúa thì hứa hẹn sẽ là một mùa gặt bội thu.

 

Ngày hôm nay, con người vì ham chạy theo sức hút của cuộc sống, ma lực của vật chất, dụ dỗ của dục vọng làm cho Lời Chúa không triển nở trên cuộc đời chúng ta. Nói đúng hơn, ngày nay người ta không còn dành cho Lời Chúa phát triển trong đời mình nữa. Thay vào đó, các kiến thức về khoa học, về tin học, về xã hội đã chiếm hết mảnh đất của đời ta.

 

Như vậy, chỉ mảnh đất tâm hồn nào sẵn sàng nhận lấy hạt giống được gieo với tinh thần sẵn sàng, lắng nghe, suy gẫm, thấu hiểu, mảnh đất đó hạt giống Lời Chúa mới đâm hạt nảy mầm, sinh hoa kết quả, đem lại mùa màng bội thu: “Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13,8).

 

Xin mượn lời bài hát “Gieo và Gặt” của cố nhạc sĩ Thông Vi Vu để thay cho lời kết:

 

Gieo dối trá, ra ngờ vực.

Gieo ích kỷ, sẽ chỉ cô đơn.

Gieo kiêu hãnh, sẽ nhận đau thương.

Gieo đố kỵ, là ky cóp muộn phiền.

Gieo cay đắng, sẽ tăng hủy diệt.

Gieo biếng lười, ra người buông trôi.

Gieo lo lắng, tay trắng âu lo.

Gieo tội lỗi, suốt đời gặt tội lỗi

Gieo thành thật, gặt được niềm tin.

Gieo lòng tốt, gặt về thân tình.

Gieo kiên nhẫn, sẽ gặt quang vinh.

Gieo tha thứ, sẽ gặp được an bình.

 

 

________________________________

 

[1] x. Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, Nxb Tôn giáo, Tr. 18.

[2] X. Hiến Chế Tín Lý Về Mặc Khải Của Thiên Chúa.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á