Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng CN XIV TN, A: KHÔN NGOAN THẬT

Người khôn ngoan đích thực là con người minh triết, người khôn ngoan thật là người say mê đi tìm chân lý mà chân lý chính là Thiên Chúa. Vậy, ai dùng sự khôn ngoan của mình mà tìm kiếm và nhận biết Thiên Chúa đó là người khôn ngoan thật sự.

 

 

KHÔN NGOAN THẬT

(Mt 11,25-30)

 

Đức Dũng

 

Ý muốn của Thiên Chúa là tìm kiếm và cứu độ con người, như lời xác tín của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi Timôthê: “Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,3-4). Thế nhưng, trong bài Tin mừng hôm nay lại cho chúng ta biết Thiên Chúa chỉ mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn, còn những bậc khôn ngoan thông thái thì không được. Phải chăng các bậc thông thái đã được hưởng đặc quyền đặc lợi nào đó rồi, còn những người bé mọn thì chịu nhiều thiệt thòi nên họ được diễm phúc nhận biết mầu nhiệm Nước Trời? Hay những người khôn ngoan thông thái tự cao tự đại khước từ lời rao giảng của Đức Giêsu còn những người bé mọn thì khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa nên được Ngài chúc phúc? 

 

“Kính sợ Ðức Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Cn 9,10) mà không ngoan là đích mà con người nhắm tới. Người khôn ngoan đích thực là con người minh triết, người khôn ngoan thật là người say mê đi tìm chân lý mà chân lý chính là Thiên Chúa. Vậy, ai dùng sự khôn ngoan của mình mà tìm kiếm và nhận biết Thiên Chúa đó là người khôn ngoan thật sự. Ngược lại, ai không dùng sự khôn ngoan để nhận biết Thiên Chúa nhưng dùng để tìm kiếm những thực tại trần gian thì đáng bị nguyền rủa như Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu?” (1Cr 1,19-20).

 

Có những người khôn ngoan theo kiểu tự cao tự phụ, cho mình là người hiểu biết và nắm bắt chân lý. Thời Chúa Giêsu có những trường phái lãnh đạo trong Do Thái giáo luôn chống đối và coi thường giáo huấn của Chúa Giêsu, họ là những kinh sư, Pharisêu. Niềm tin của các tầng lớp lãnh đạo tôn giáo thời đó chỉ tin vào Lời của Thiên Chúa đã được mặc khải trong Cựu Ước, thông ông Môsê và các ngôn sứ. Họ quên rằng lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được tỏ lộ cách tiệm tiến, trước hết là các ngôn sứ và đến Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là mặc khải trọn vẹn nhất.

 

Những người "khôn ngoan, thông thái" mà Chúa Giêsu nhắm đến là những kẻ dùng trí tuệ riêng để xây cho mình một Thượng đế quan, một vũ trụ quan hoàn toàn đóng kín và nhất định không muốn thay đổi chúng để học thêm điều gì mới lạ. Họ tưởng mình đã biết hết về Thiên Chúa, đã nắm trọn học thuyết đích thật về Ngài. Nhưng người ta có bao giờ mà nắm bắt trọn vẹn được chân lý đâu! Cơn cám dỗ ngàn đời của tâm trí con người, khởi từ câu chuyện biểu tượng của Adam và Eva, bao giờ cũng vẫn là một: Đó là tin rằng "mắt chúng ta sẽ mở ra" và "chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa" bằng cách ăn trái cây hiểu biết, bằng cách vận dụng trí tuệ của mình, thay vì chấp nhận rằng chính trong khi tự biến đi trong tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta trở nên giống Ngài nhờ ân sủng[1]

 

Còn những người bé mọn tức là những người sẵn lòng mở rộng tâm hồn để đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu. Đồng thời, họ biết tin theo và lệ thuộc vào Chúa Giêsu như trẻ em lệ thuộc vào người lớn. Dựa vào chú giải của nhóm Các giờ kinh Phụng Vụ về đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết: “Lời Chúa ở đây gợi lại chuyện các thiếu niên Do Thái trong sách Đaniel; tất cả các bậc khôn ngoan thông thái Babylon không ai nắm được bí nhiệm của Thiên Chúa, chỉ có các thiếu niên Do Thái mới được Thiên Chúa mặc khải cho (Đn 2). Cũng thế, Chúa Giêsu ngợi khen Thiên Chúa như Cha đã tỏ mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn, tức là những kẻ tin theo và chỉ biết lệ thuộc vào Chúa Giêsu như trẻ nhỏ lệ thuộc vào người lớn”[2]. 

 

Không phải các bậc thông thái đều bị Chúa khước từ trong việc mặc khải mầu nhiệm Nước Trời. Đồng thời, không phải những ai bé mọn cũng đều được ơn hiểu biết mầu nhiệm này. Bởi vì, những ai khiêm nhường nhìn nhận thân phận mong manh hữu hạn của mình và cần sự nâng đỡ chở che của Chúa đều được Ngài ban ân sủng. Con người dù thông thái đến đâu thì cũng chỉ là thụ tạo bất toàn. Như Pascal nhận định: “Con người là cây sậy biết suy tư”. Nhờ suy tư mà con người trở nên khôn ngoan, qua sự khôn ngoan mà con người nhận ra giới hạn và sự chóng qua của kiếp người. Từ đó, con người sẽ biết cậy dựa vào Đấng uy linh cao cả hơn mình. Emmanuel Kant, một triết gia cận đại, cũng là bậc thông thái miệt mài tìm kiếm chân lý và ông đưa ra hai loại lý trí: Lý trí thuần túy và lý trí thực tiễn. Đối với lý trí thực tiễn mà đối tượng bao gồm Thiên Chúa, thế giới và linh hồn thì trí khôn con người phải công nhận là có chứ không thể chứng minh, giải thích hết được. Thời Chúa Giêsu mới sinh ra đời thì có ba đạo sĩ Phương Đông, là ba nhà chiêm tinh và chính là ba người khôn ngoan thông thái đã lần theo ánh sao lạ để tìm đến và bái lạy Người. Có lẽ, những người có thành tâm thiện chí như triết gia Kant hay ba đạo sĩ Phương Đông cũng được diễm phúc biết về mầu nhiệm Nước Trời. Cũng vậy, những người bé mọn mà sống trong bế tắc tuyệt vọng và đóng kín cõi lòng trước sứ điệp của Chúa thì không thể được phúc hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời được.

 

Tóm lại: cho dù là bậc khôn ngoan thông thái hay bé nhỏ hèn mọn mà biết khiêm hạ cậy trông và tín thác vào Chúa thì sẽ luôn được Chúa ban ơn chúc phúc.

 

 

____________________________

 

[1] Tgphanoi.org. Học Viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt, Tin Mừng Mặc Khải cho người hèn mọn, Suy Niệm Chúa Nhật XIV Thường Niên, Năm A.

[2] Nhóm phiên dịch các giờ kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Trọn Bộ, Nxb Tôn Giáo, Ấn bản 2011, tr. 2150.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á