Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng CN XIV TN, A: KHIÊM NHƯỜNG VÀ TIN TƯỞNG TRƯỚC MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

Không chỉ trong đời sống đức tin, nhưng trong cuộc sống thường ngày, chỉ khi con nguòi biết khiêm tốn thừa nhận những giới hạn của mình và chân thành tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn, khám phá những gì mình chưa biết thì mới có thể tiến bộ và khôn ngoan hơn được.

 

 

KHIÊM NHƯỜNG VÀ TIN TƯỞNG

TRƯỚC MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

(Mt 11,25-30)

 

Đức Thiện

 

Từ xa xưa, Thiên Chúa vẫn luôn nói với con người và mặc khải chính mình cho con người, tác giả thư Do Thái cho thấy điều đó: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1). Đối với người Kitô hữu, đón nhận mặc khải của Thiên Chúa để nhận biết và hiểu biết về Ngài và thánh ý Ngài là một thúc bách và một nhu cầu căn bản, vì hạnh phúc của con người là được biết Thiên Chúa và nhận biết thánh ý Ngài. Điều này giúp con người khám phá ý nghĩa cuộc sống của mình. Tuy nhiên, để hiểu biết thánh ý Thiên Chúa và về chính Ngài qua mặc khải, con người cần có thái độ và điều kiện thích hợp. Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết về điều đó.

 

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (c. 25). Sau khi khiển trách các thành đã chứng kiến những phép lạ mà không sám hối, Chúa Giêsu lên tiếng ngợi khen Chúa Cha vì đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn chứ không mặc khải cho những người thông thái. Chắc chắn Chúa Giêsu không lên án những người khôn ngoan thông thái, bởi có kiến thức hay khôn ngoan thông thái không phải là một điều xấu hay tội lỗi, nhưng nó còn là một tiền đề dễ dàng hiểu biết Thiên Chúa và thánh ý của Ngài hơn. Điều mà Chúa Giêsu lên án chính là thái độ không nên có của những người khôn ngoan thông thái khi tỏ ra tự phụ, tự mãn, cậy vào những hiểu biết của mình rồi xem thường và không biết khiêm nhường đón nhận những điều tốt đẹp khác.

 

Đối với những người thông thái tự mãn, họ thường luôn lấy mình làm chuẩn, luôn cho rằng mình đúng và thiếu tinh thần đón nhận, cầu tiến. Trong thực tế, những gì chúng ta biết thì quá nhỏ bé so với những gì chúng ta không biết. Có lần Chúa Giêsu cũng đã cho thấy mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chỉ được mặc khải cho những người bé mọn, và nước ấy chỉ thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ mà thôi: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Không chỉ trong đời sống đức tin, nhưng trong cuộc sống thường ngày, chỉ khi con nguòi biết khiêm tốn thừa nhận những giới hạn của mình và chân thành tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn, khám phá những gì mình chưa biết thì mới có thể tiến bộ và khôn ngoan hơn được. Còn lúc nào cũng tỏ ra khôn ngoan hơn người, cậy dựa vào khả năng và hiểu biết của mình thì không thể tiến bộ và làm cho mình trở nên đáng ghét trong mắt mọi người. Chính Thiên Chúa cũng không hài lòng với thái độ ấy.

 

Trong đời sống đức tin, có thể chúng ta không phải là những người thông thái, khôn ngoan, nhưng chúng ta cũng có thể có thái độ thờ ơ và coi thường như những người Do Thái xưa khi chứng kiến những phép lạ và mặc khải của Đức Giêsu. Chúng ta dễ bị cám dỗ về điều này khi đọc Kinh Thánh, đọc Lời Chúa. Bởi vì chúng ta vẫn nghe lời Chúa trong thánh lễ, trong các giờ kinh và nhiều lúc khác, chúng ta nghe nhiều đến nỗi có những đoạn Kinh Thánh chúng ta thuộc nằm lòng; hoặc chỉ cần người khác đọc lên câu đầu là chúng ta biết được nội dung của đoạn Kinh Thánh ấy rồi. Chính vì thế mà chúng ta không cần khám phá để hiểu biết hơn về những điều mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trong lời của Ngài. Chúng ta dễ đi đến chỗ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

 

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (c. 27). Qua câu nói này, Chúa Giêsu cho thấy người là Đấng mặc khải về Chúa Cha. Chỉ có Người mới có thể mặc khải về Chúa Cha cách chính xác nhất vì người từ Cha mà đến. Qua Chúa Giêsu, chúng ta biết về Chúa Cha và thấy được Chúa Cha. Tuy nhiên, chúng ta không tự mình khám phá ra được Thiên Chúa nhưng là nhờ Chúa Giêsu mặc khải như chính Người đã nói: “Không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (c. 27). Chúa Giêsu luôn muốn mặc khải về Thiên Chúa cho con người và Người đã mặc khải điều đó trong các Tin Mừng. Để đón nhận được mặc khải của Đức Kitô, chúng ta cần phải có đức tin. Vì mỗi đối tượng đều có cách tiếp cận riêng, và mặc khải cũng cần được đón nhận bằng cách thức riêng. Cách thức đó là đức tin. Con người không thể đón nhận mặc khải bằng giác quan hay lý trí nhưng là bằng đức tin.

 

Khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy chúng ta được lãnh nhận đức tin. Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, tự mình con người không thể có được. Tuy đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban nhưng chúng ta cần phải nuôi dưỡng và cầu xin Thiên Chúa củng cố đức tin của mình. Theo thời gian, dường như chúng ta ít để ý đến đức tin của mình, cũng như không mấy khi xin Thiên Chúa kiện cường đức tin ấy. Chính vì thế, trước mặc khải của Thiên Chúa, trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, chúng ta rất khó tin nhận. Điều chúng ta nhận biết có chăng chỉ trên bình diện của lý trí và tri thức.

 

Qua trình thuật Tin mừng hôm nay, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta xét lại đời sống đức tin của mình, nhìn lại thái độ của chúng ta trước mặc khải của Thiên Chúa, đồng thời trước những mầu nhiệm của Thiên Chúa khi chúng ta tham dự các cử hành bí tích. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á