Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng CN V PS, A: “AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA”

Chính Đức Giêsu nói nhiều về về mối quan hệ giữa Ngài và Chúa Cha cho người Do Thái và các môn đệ biết đó là mối liên hệ Cha Con: “Ta và Cha ta là một”, ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha và ai thấy được Chúa cha là thấy Đức Giêsu.

 

 

 

“AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA”

(Ga 14,1-12)

 

 

Bảo Hạnh

 

Khao khát của con người, đặc biệt là những người thiện chí, là không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng mà họ gọi bằng những tên khác nhau như: Đấng Tối Cao, Giavê, Adonai, Đức Chúa hay Đấng Hằng Hữu, Đấng Tuyệt Đối, Đấng vượt trên mọi danh hiệu…Thiên Chúa đã đáp lại khát vọng đó của con người, khi ban cho họ Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu xuống thế làm người, để mặc khải cho con người biết Đấng mà họ đang tìm kiếm là Thiên Chúa Cha.

 

Câu hỏi con người thường đặt ra là: Chúa Cha có hình dạng như thế nào và con đường nào đưa chúng ta đến với Chúa Cha khi mà ta với Ngài có khoảng cách xa vời về địa lý và phẩm tính?

 

Thật vậy, Con người thường có cảm tưởng Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt chắc hẳn sẽ ngự trị ở chốn cao thẳm ngàn trùng. Nhưng thực ra, Thiên Chúa đâu chỉ cư ngụ ở nơi ngàn trùng cao thẳm? Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi, mọi lúc và thời sau hết Ngài hiện diện nơi con người khiêm hạ là Đức Giêsu, Con của Ngài. Chính Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta biết Đấng mà con người hằng tôn thờ và ca tụng là Thiên Chúa Cha.

 

Phương thế mà Đức Giêsu dùng để mặc khải về Chúa Cha chính là bản thân Ngài. Để mặc khải về Cha Ngài, trước hết ngài mặc khải cho các môn đệ và chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài đến từ Chúa Cha và sẽ trở về với Chúa Cha. Từ đây Đức Giêsu mặc khải về Chúa Cha: Ngài với Chúa Cha là một, và “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Không những thế, qua lời nói và việc làm của Đức Giêsu, đều mặc khải cho nhân loại biết Chúa Cha luôn hiện diện nơi Ngài: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11) [1].

 

Thật vậy, lời của Đức Giêsu chính là lời Chúa Cha: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việccủa mình” (Ga 14,10). Ngoài ra, mọi việc làm của Đức Giêsu đều phát xuất từ Cha Ngài: „Anh em hãy tin Thầy… bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm ” (Ga14,10). Quả thế, những phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện như: cho người câm được nói, điếc được nghe, mù được thấy, què được đi… hay quỷ ám bị trục xuất, kẻ chết được sống lại... tất cả những việc này đều phát xuất từ quyền năng Thiên Chúa chứ không dùng sức con người, vì sức con người không thể làm được. Điều này minh chứng Đức Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa để thực hiện, quyền năng phát xuất từ Chúa Cha. Thánh sử Gioan cũng minh định cho chân lý này rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

 

Nhưng làm sao chúng ta nhận biết Chúa Cha qua dung mạo Đức Giêsu?

 

Khi thấy ông Philiphê hỏi: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8), Đức Giêsu đáp lại: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha…” (Ga 14,9). Câu nói này của Đức Giêsu chắc hẳn đã làm cho các tông đồ và cả chúng ta nữa hết sức ngạc nhiên và lạ lẫm, vì nó quá trừu tượng và vượt xa cách hiểu và suy tư của con người. Nhưng Đức Giêsu muốn chúng ta phải nhìn bằng con mắt đức tin, và với một sự cảm nghiệm sâu xa trong tâm hồn, khi đó chúng ta mới nhận ra Chúa Cha đang hiện diện nơi Ngài. Bởi vì, một khi chúng ta tin vào Đức Giêsu, nhìn nhận lời Ngài nói và việc Ngài làm đều phát xuất từ Cha Ngài, khi đó chúng ta Thấy Đức Giêsu cũng chính là thấy Chúa Cha, vì Đức Giêsu là hiện thân, là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, “Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,150. Nói đúng hơn, mối tương quan giữa Đức Giêsu và Chúa cha là mối quan hệ Cha và Con. Chính Đức Giêsu nói nhiều về về mối quan hệ giữa Ngài và Chúa Cha cho người Do Thái và các môn đệ biết đó là mối liên hệ Cha Con: “Ta và Cha ta là một”, ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha và ai thấy được Chúa cha là thấy Đức Giêsu. Ngài diễn dãi cho họ biết rằng: Thiên Chúa mà họ thường nhắc tới là Chúa Cha, còn Chúa Con chính là Ngài. Đó là mối quan hệ nội tại, Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha, cả hai trở nên một.                                       

 

Như vậy, Đức Giêsu mặc khải Chúa Cha nơi chính Ngài, qua lời nói và việc làm của Đức Giêsu chúng ta nhận ra Chúa Cha hiện diện ở đó, nơi Ngài Chúa Cha được tỏ hiện. Nói cách khác, Chúa Cha tự tỏ mình qua Đức Giêsu, “Thiên Chúa tự tỏ mình như mình là trong Đức Kitô”, nhìn vào Đức Giêsu chúng ta sẽ nhận biết Chúa Cha [2]. Về phần chung ta, chúng ta là chi thể còn Đức Giêsu là thân mình, do đó Chúa Cha tỏ lộ nơi Đức Giêsu và Đức Giêsu được tổ lộ nơi chúng ta. Thánh tiến sĩ Athanasio đã diễn tả chân lý này như sau: “Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo Hội”. Theo nghĩa này, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con, mà những người tín hữu chúng ta là thành phần của Gíao Hội, nên cũng là hình ảnh trung thực của Đức Giêsu nếu chúng ta sống theo lời Ngài dạy. Một khi đã mang nơi mình hình ảnh Đức Giêsu, chúng ta phải sống sao cho xứng với danh hiệu ấy, để mọi người nhìn vào chúng ta, họ cảm nhận được Đức Giêsu đang hiện diện ở đó. Muốn được như vậy, chúng ta cần phải sống kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu như chi thể gắn liền với thân thể, đồng thời sống theo gương Ngài để cùng Ngài về với Chúa Cha, cùng Ngài hưởng phúc vinh quang. Vì Đức Giêsu là đường là sự thật và là sự sống. Chính Ngài là đường dẫn chúng ta về cùng Chúa Cha.

 

Thật vậy, Đức Giêsu thấu hiểu được ước vọng của con người sống ở đời này: đó là họ khát vọng không ngừng tìm về với Chúa cha, Đấng là nguyên nhân và cùng đích của con người. Chính Đức Giêsu sẽ là đường dẫn con người tìm về và khỏa lấp khát vọng đó. Vì Ngài là đường chân lý, đường dẫn về Nhà Cha, đường dẫn về quê hương Nước Trời. Để về với Chúa Cha, chúng ta không chỉ đi theo, đi với, đi cùng mà còn phải đi trong Đức Giêsu. Đi trong Ngài để ta ở với Ngài như Ngài ở trong Chúa Cha. Đi trong Ngài để ta mang hình ảnh của Ngài, mang dáng dấp Ngài, mang tinh thần Ngài đến với mọi người, để mọi người thấy ta cũng như thấy Ngài, và thấy ta là thấy Chúa Cha, vì “ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy” (Ga 14, 11).

 

Lạy Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, Cha muốn muôn dân được cứu độ nhờ nhận biết Con Cha là Đức Giêsu Kitô, để qua đó họ nhận biết Cha để họ được cứu độ. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống noi gương Đức Giêsu, sống thánh thiện, công chính, yêu thương và phục vụ để đem hình ảnh trung thực của Cha đến  cho mọi người. Amen.

 

 

 _____________________________________

 

 

[1] x. Lm. Hoàng Minh Tuấn Cssr, Đọc Tin Mừng theo Gioan, tập V, NXB Tôn Giáo, năm 2004, 256. 

[2] x. Joratha Nắng Tím, Tôi Tin, NXB Tôn Giáo, 2013, tr. 109.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á