Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin mừng CN V MC, A: ĐỨC TIN ĐEM LẠI SỰ SỐNG

Điều kiện cần và đủ để được chữa lành chính là “tin”, Chúa Giêsu không đòi hỏi ở bạn điều gì cao xa cho bằng đức tin: “Ai tin Thầy, thì dù đã chết cũng được sống” (Ga 11,25). Chỉ đức tin đem lại cho ta sự sống và niềm hy vọng, một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống phía sau cái chết, một sự sống viên mãn: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,26). Như vậy, qua sự sống lại của Ladarô, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến đức tin, đồng thời cũng cho các môn đệ được thấy vinh quang Thiên Chúa và giúp cho các ông thêm lòng tin trong hành trình theo Chúa.

 

 

ĐỨC TIN ĐEM LẠI SỰ SỐNG

(Ga 11,1-45)

 

Hoàng Liệu

 

Ngày nay con người đang sống trong tình trạng hoang mang, hoảng sợ vì dịch cúm virus Vũ Hán. Tính đến thời điểm hiện tại virus Vũ Hán đã lan tràn khắp năm châu, theo thống kê vào lúc 16h ngày 26/3/2020 tồng số người nhiễm là 473.010, số người tử vong 21,335. May mắn thay Việt Nam chúng ta chỉ mới 148 ca nhiễm, tử vong 0[1]. Virus Vũ Hán không những gây đau đớn thể xác mà còn làm hỏang loạn tinh thần. Nếu như chúng ta vướng vào tứ chứng nan y phong, lao, cổ, nại hoặc tim mạch, tai biến thì được người thân chăm sóc tận tình, bạn bè thăm hỏi động viên, khích lệ. Thế nhưng không may nhiễm virus Vũ Hán bệnh nhân buộc phải cách ly xa gia đình cũng như cộng đồng. Virus Vũ Hán không chỉ gây tác hại tại nguồn gốc phát sinh Vũ Hán, Trung Quốc mà còn len lỏi trên khắp địa cầu. Đặc tính nổi bật virus Vũ Hán là không phân biệt giai cấp, kỳ thị chủng tộc, màu da, không loại trừ kẻ giàu, người nghèo, già, trẻ, lớn, bé ... tất cả mọi đối tượng đều được “Covid-19” (Có người dịch là: China Original virus in December 2019) viếng thăm. Virus Vũ Hán không những ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật mà còn tác động sâu sắc vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, cũng như tôn giáo.

 

Hẳn thật, con người phải trải qua vòng đời sinh, lão, bệnh, tử. Bởi vậy, thần chết không loại trừ ai, hay độ tuổi nào, nó luôn đồng hành với con người trên mọi nẻo đường, trong những ý tưởng, thời cơ thuận tiện nó sẽ gõ cửa bước tới. Bài Tin mừng hôm nay chúng ta được nghe thánh Gioan trình thuật về biến cố đau thương của gia đình Bêtania (Ga 11,1-45) là một diễn chứng cụ thể về thần chết gõ cửa anh Ladarô. Được gọi là biến cố đau thương vì sự ra đi đột ngột của anh Ladarô vào độ tuổi quá trẻ. Chúa Giêsu đã hành động như thế nào đối với gia đình và người thân của anh Ladarô? Đâu là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa?

 

Theo trình thuật của thánh Gioan khi anh Ladarô lâm bệnh nặng, cô Macta và Maria đã cho người đến báo tin với Chúa Giêsu về bệnh tình nguy kịch của em mình. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu không vội vã lên đường trở về Bêtania để cứu chữa cho anh Ladarô mà còn lưu lại hai ngày và bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này,  Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4). Phải chăng Chúa Giêsu tỏ thái độ dửng dưng, vô cảm trước cơn hấp hối của anh Ladarô?  Xin thưa, Chúa Giêsu không vô cảm, nhưng hành động của Chúa Giêsu là để Danh Thiên Chúa được tỏ rạng, để mọi người tin vào quyền của Đức Giêsu - Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia mà dân đang mong đợi đã đến trần gian để chữa lành.

 

Đức Giêsu là con Thiên Chúa, Ngài đến để chữa lành, Ngài không chỉ chữa lành nỗi đau thân xác mà còn chữa trị nỗi đau tâm hồn. Cụ thể, sau cái chết, anh Ladarô chôn cất được bốn ngày, sự xuất hiện của Chúa Giêsu giống như một vị cứu tinh. Người đến không những động viên, khích lệ gia đình cô Macta trong lúc tang tóc mà còn đến để chữa lành. Bởi vậy, cô Macta ra tận đằng xa để đón Người và nói: “Nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,21). Dẫu biết rằng Đức Giêsu là con Thiên Chúa có quyền năng trên hết quyền thần và cho người chết sống lại, nhưng cô Macta không dám tin vào sự sống lại của em mình ngay lúc này. Do đó, câu nói của cô Macta hàm ý sự trách móc, trách móc vì sự chậm trễ của Chúa Giêsu để lại nỗi đau thương mất mát cho gia đình Bêtania. Nhưng đó lại chính là khởi điểm cho một giáo huấn về đức tin đem lại sự sống: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Thầy, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không”? Bà thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11, 25-27).

 

Sau cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với gia đình Bêtania về cái chết của em mình. Chúa Giêsu đi tới ngôi mộ đã chôn anh Ladarô được bốn ngày, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Thiên Chúa tức khắc anh Ladorô bước ra khỏi mộ (x Ga 11, 41-45). Sự sống lại của anh Ladarô không chỉ minh chứng cho quyền năng của Con Thiên Chúa làm người mà còn nói lên giá trị đích thực của đức tin. Đức tin đem lại sự sống, đem lại niềm vui. Trong trình thuật về phép lạ cho anh Ladarô sống lại, thánh Gioan đã dùng động từ “đem phiến đá đi” tức là “mở cửa mộ”. Vậy ý nghĩa cụm từ “mở cửa mộ” cho ta biết điều gì? Theo giải thích của đức tổng Ngô Quang Kiệt ý nghĩa của cụm từ đó như sau:

 

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Ladarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Ladarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.

 

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Ladarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Ladarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.

 

Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Ladarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.

 

Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “Ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên[2].

 

Như vậy, điều kiện cần và đủ để được chữa lành chính là “tin”, Chúa Giêsu không đòi hỏi ở bạn điều gì cao xa cho bằng đức tin: “Ai tin Thầy, thì dù đã chết cũng được sống” (Ga 11,25). Chỉ đức tin đem lại cho ta sự sống và niềm hy vọng, một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống phía sau cái chết, một sự sống viên mãn: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,26). Như vậy, qua sự sống lại của Ladarô, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến đức tin, đồng thời cũng cho các môn đệ được thấy vinh quang Thiên Chúa và giúp cho các ông thêm lòng tin trong hành trình theo Chúa.

 

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Một lần bất tín vạn lần bất tin”. Để có được chữ tín, Chúa Giêsu đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa, mặc lấy thân nô lệ, để thông chia cuộc sống kiếp phàm trần (x. Pl 2,6-11) và “Yêu cho đến cùng” (Ga 13,1). Trong mùa dịch Covid-19, mọi người đang hoảng loạn vì sự sống gắn liền với cái chết như  “ngàn cân treo sợi tóc”. Tổng thống Donald Trump an ủi dân chúng đừng sợ, và tuyên bố ngày 15 tháng 3 sẽ chính thức là “Ngày cầu nguyện quốc gia” để cầu nguyện cho thế giới vượt qua đại dịch virus Corona: Tôi hy vọng rằng chúng ta, một quốc gia, có thể tận dụng ngày này như một cơ hội để cùng nhau làm điều tốt đẹp. Và mọi người biết đấy, chúng ta đã rời xa việc cầu nguyện và đức tin ở đất nước này quá lâu rồi. Đây là điều khiến nước Mỹ tiến lên đỉnh của thế giới chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Và đây cũng sẽ là điều giữ cho chúng ta tiếp tục ở đó”. Ngoài việc cầu nguyện, Donald Trump còn ban hành đạo luật trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19. Việt Nam chúng ta cũng được tài trợ 37 triệu USD từ ngân quỹ này.

 

Thế nhưng, nhìn vào thảm kịch của đất nước chúng ta trong mùa dịch không thấy hình bóng của vị lãnh đạo quốc gia một chủ hai ghế Tổng, Tịch. Bởi vậy, nhiều người đặt vấn đề Việt Nam chúng có cần chủ tịch nước nữa không? Đâu là nhà nước của dân, vì dân và do dân? Chính vì lý do đó Tổng, Tịch được biệt danh là người lặn lâu nhất trên thế giới. May mắn thay vào mùa dịch virus Vũ Hán có ngày 03/2 là ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, cũng là ngày kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam Tổng, Tịch Nguyễn Phú Trọng xuất hiện để ca ngợi thành tích của Đảng: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác[3].  Để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII ngày 19/3 vừa qua Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện chủ trì trưởng tiểu ban lại nhấn mạnh: “Đây là công việc chiến lược gắn liền với sự sống còn của Đảng ta, chế độ ta và tiền đồ phát triển của đất nước”. Phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ[4]. Trong lúc toàn dân đang mỏi mắt trông chờ vị lãnh đạo xuất hiện để nêu ra đường hướng chống dịch bệnh, cũng như trấn an nhân dân thì Tổng, Tịch chẳng mở một lời đến chống dịch bệnh, mà lại ca ngợi về thành tích của Đảng và sự sống còn Đảng cũng như chế độ. Vậy, làm sao để nhân dân đặt niềm tin vào Đảng và chế độ? Mùa xuân của Đảng ở đâu hả bạn?

 

Là con người, ai cũng được hưởng quyền tự do, quyền được sống thế nhưng mỗi chế độ được hưởng quyền sống khác nhau. Nếu như Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi người dân cầu nguyện cho thế giới chống dịch bệnh và ký đạo luật 104 tỷ USD hỗ trợ cho người dân và các quốc gia khác thì Tổng, Tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngơi thành tích của Đảng và sự sống còn của chế độ. Hỏi rằng trong lúc nguy kịch giữa sự sống và cái chết gắn liền với nhau, còn ai quan tâm đến thành tích của Đảng nữa chăng? Ngoài lời ca ngợi thành tích của Đảng của Tổng, Tịch, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn kêu gọi: “Mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân tùy theo khả năng, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai cấp, kể cả người dân ở nước ngoài, hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, đem lại sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn thử thách để chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”[5]. Quả là một cử chỉ quá cao đẹp, mang tính nhân văn của người dân Việt Nam sống tình cảm, yêu thương bác ái “Lá lành đùm lá rách”. Thế nhưng, bạn thử hỏi xem trong giai đoạn dịch bệnh này được bao nhiêu người có công việc ổn định để nuôi sống gia đình. Có ai lấy cái mình không có để cho không? Chính phủ có điều chỉnh bình ổn giá cả thị trường cho người dân không? Tại sao giá khẩu trang y tế nhảy vọt một cách đột biến, nhưng không đủ để mua? Tại sao giá điện, giá nước lại lên?  

 

Bất cứ sống vào hoàn cảnh nào, con người cũng luôn chú trọng đến sự sống, nhưng sống làm sao để cuộc đời này có ý nghĩa. Qua bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu gợi lên cho chúng ta con đường để sống đó là con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã bước đi. Đường thập giá là con đường của sự sống, con đường của đức tin, con đường của chân lý, ai bước đi trên con đường ấy sẽ nhận được sự sống, sự bình an và niềm vui. Bởi, “chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Thầy, sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25-26).

 

 

______________________________________

 

 

[1] https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/3-o-dich-covid-19-o-viet-nam-ngoi-yen-la-yeu-nuoc-1359806.html

[2] http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20200329055600

[3] https://baoquocte.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-le-.ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-108832.html. 

[4] x. Báo người lao động ra ngày 19/3/2020. 

[5] https://www.thanhuytphcm.vn/tin-tuc/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-keu-goi-toan-dan-tham-gia-ung-ho-phong-chong-dich-Covid-%E2%80%93-19-1491863191

 

 

Thiết kế Web : Châu Á