Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm C (Minh An)

Lòng thương xót của Thiên Chúa thật cao cả, Ngài quên đi quá khứ lỗi lầm của tội nhân, cho họ có cơ hội để sám hối, biết trở về để được sống hạnh phúc viên mãn trong tình thương của Ngài.

 

THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG

(Lc 15,1-3.11-35)

 

Minh An

Bài Tin Mừng hôm nay của thánh Luca nói về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhất là những tội nhân. Dụ ngôn „người con hoang đàng“, hay „người cha nhân hậu“ diễn tả một Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ con người tội lỗi trở về với Ngài.  

Lòng thương xót của Thiên Chúa thật cao cả, Ngài quên đi quá khứ lỗi lầm của tội nhân, cho họ có cơ hội để sám hối, biết trở về để được sống hạnh phúc viên mãn trong tình thương của Ngài. Lòng xót thương của Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể qua:

1. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đem đến sự công bằng

Hình ảnh người cha trong dụ ngôn chia tài sản cho hai người con nói lên sự công bằng của ông: Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia tài sản cho hai con” (c.12). Khi chia tài sản cho hai con, chính người cha đã chia sẻ tài sản của ông được tích góp trong nhiều năm. Ông tích góp cũng chỉ muốn dành cho con cái, muốn chúng được hưởng gia sản đó trong niềm vui và hạnh phúc. Như vậy, cha mẹ nào cũng mong ước cho con cái được điều lành, điều tốt…nên suốt cuộc đời họ làm lụng vất vả để tích góp cho con.

Thiên Chúa là Cha, Đấng giàu lòng thương xót, Ngài tạo dựng vũ trụ, tinh tú cùng muôn loài cho chúng ta được hưởng dùng trong sự công bằng. Nhưng, hỡi ôi! Con  người đã dùng sức mạnh, vũ lực và lòng tham để chiếm đoạt nhiều của cải vật chất cho mình, nhưng lại ngại chia sẻ cho người nghèo, và như vậy, họ lỗi đức công bằng, không giống như Thiên Chúa là Đấng công bằng, Người „cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính“ (Mt 5,45).

2. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên sự tự do của con người

Có lẽ cha mẹ nào cũng rất đau đớn khi nhìn thấy con cái của mình hư mất. Người cha trong dụ ngôn cũng rất đau khổ khi thấy đứa con khuân hết tài sản để đi tìm “hạnh phúc” mới. Thứ hạnh phúc trước tiên là thóat khỏi gia đình, thóat khỏi sự chăm lo của người cha, đến một nơi xa lạ, ở đó, anh làm những gì mình muốn. Người cha đã tôn trọng tự do của anh, để anh ra đi theo ước muốn: “Ít ngày sau, người con thứ thu gom tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó, anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (c.13).

Khi anh ta đã phung phí hết sạch tiền của và lâm cảnh khốn khó, phải đi chăn heo, và muốn ăn đồ dư của heo cũng không có. Bây giờ, anh mới nghĩ về người cha, muốn trở về với cha chỉ để làm công cho cha thôi. Khi con người lạm dụng tự do một cách thái quá thì dễ dẫn đến những bất hạnh. Thiên Chúa luôn ban cho con người có sự tự do, nhưng tự do trong ý thức, ý chí, lề luật..., lúc đó họ mới thành công và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống và trong việc mình làm. Vì lòng thương xót, Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người và để cho họ tự quyết định về số phận của mình. Người con thứ đã dùng tự do để làm những điều sai lầm, lẽ ra anh đáng phải nhận hậu quả do mình làm, nhưng cha của anh giàu lòng thương xót, luôn đợi anh trở về để phục hồi phẩm vị làm con cho anh.

3. Vì lòng thương xót, Thiên Chúa luôn đợi chờ

Người cha trong dụ ngôn có lẽ như cảm nhận được cuộc đời bi đát của đứa con thứ đi hoang. Tâm trí ông lúc nào cũng hướng về người con thứ ở nơi xa xôi ấy. Ông đứng ngồi không yên, luôn mong chờ từng giây phút nó trở về để có được hạnh phúc bên ông.

Ông nhìn thấy đứa con tiều tụy trở về, và như vậy, sự mong đợi của ông đã được đền đáp. Ông ôm và hôn đứa con lưu lạc trở về. Luca đã diễn tả niềm vui tột đỉnh của người cha: “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy, hôn để” (c.20b). Người ta có thể hiểu hành động của người cha thật kỳ quặc, nhưng đó lại là hành động của lòng thương xót, hành động tràn đầy niềm vui trong yêu thương và tha thứ.

Thiên Chúa cũng kiên nhẫn. Ngài chờ đợi những người lầm đường lỡ bước trở về với Ngài, để Ngài phục hồi và trao yêu thương. Chúng ta thật vui mừng vì có một Thiên Chúa giàu lòng thương xót như thế. Chúng ta được an ủi rất nhiều vì sự kiên nhẫn của Ngài.

4. Lòng thương xót trở thành niềm vui hoan lạc

Quả thật, người cha trong dụ ngôn rất giàu lòng thương xót. Chính nhờ lòng thương xót mà ông đã trở thành người đón nhận được niềm vui. Người con thứ ông tưởng chừng như đã hư mất, đã chết…nhưng với niềm hy vọng, ông đã tìm lại được nó, ông vui mừng hân hoan: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. và họ bắt đầu ăn mừng” ( c.22-24).

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của niềm vui. Người rất vui mừng khi đón nhận những ai lầm đường lạc lối trở về. Niềm vui đó được diễn tả qua bàn tiệc huynh đệ. Bàn tiệc không những diễn tả niềm vui, mà còn là dấu chỉ của sự no thỏa. Vào được bàn tiệc của Thiên Chúa là được đón nhận „thần lương“ mang đến sự sống vĩnh cửu. Vậy, chúng ta - những người tội lỗi, còn chần chờ gì nữa, hãy chỗi dậy, gạt bỏ mọi quá khứ đau buồn, trở về với Cha, để được Ngài đưa vào bàn tiệc của niềm vui và hạnh phúc.

Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta cảm nhận được Đức Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, con người sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn khi tin tưởng vào Ngài. Đức Giêsu không những kể dụ ngôn này cho người biệt phái và các kinh sư, mà Ngài còn nhắc nhở chúng ta cũng phải biết thương xót và đối xử với người khác như vậy, nhất là những người tội lỗi. Ngài dạy chúng ta không được phân biệt đối xử bất công với họ, vì họ cũng cần lắm lòng thương xót và tha thứ để họ có cơ hội trở về.

Vì thế, trong Mùa Chay thánh này, mùa của lòng sám hối ăn năn, chúng ta hãy thành tâm trở về với Chúa, qua bí tích Hòa Giải, chúng ta sẽ được đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa, để Ngài phục hồi phẩm giá và ban thưởng Nước Trời trong tương lai. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á