Giáo Hội Hoàn Vũ

Suy niệm Lời Chúa CN XXIII TN, A: BẬC THANG GIÁ TRỊ

Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật XXIII hôm nay có thể được coi như kim chỉ nam giúp cho người hướng dẫn cộng đoàn, hay toàn thể những người sống đức tin biết cách đưa người anh em lầm lỗi của mình bước ra khỏi bóng đêm tội lỗi, để đạt đến Ánh sáng của Tin Mừng.

 

 

BẬC THANG GIÁ TRỊ

(Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20)

 

Minh An

 

Trong đời sống làm người, có ai tự cho mình là công chính? Có ai tự cho mình là vô tội? Có ai cảm thấy mình như một vị thánh giữa đời thường?

 

Thánh Gioan Tông đồ, trong thư của mình đã nói rõ cho chúng ta biết: “Nếu ai nói rằng, mình không có tội đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở trong người ấy” (1 Ga 1,8). Đây là lời chân tình và là sự thật được Thiên Chúa soi sáng nên thánh nhân mới dám nói như thế.

 

Đúng vậy, là con người, ai cũng có lầm lỗi; người thì có lỗi nhiều, người thì có lỗi ít; người thì có lỗi này, kẻ thì có lỗi kia; người thì có lỗi nặng, kẻ thì có lỗi nhẹ… Chung quy lại, là con người, ai cũng có những lỗi lầm thiếu sót. Bởi thế, người ta mới nói: “Nhân vô thập toàn”, hay “lầm lạc là phận bạc của con người”. Còn trong Kinh Thú Nhận, các Kitô hữu thường đọc: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…”. Như thế, đã là người, ai lại không có lầm lỗi thiếu sót?

 

Tuy nhiên, lầm lỗi không phải là cái kết cuối cùng để làm tha hóa một đời người, cũng không phải là kết cục quá bi đát làm cho con người mất đi hạnh phúc ngay hiện tại cũng như tương lai. Nhưng, nếu con người biết được lầm lỗi, và bước ra khỏi lầm lỗi đó để đạt được tự do, tâm hồn thanh thản, được bao bọc bởi ân ban của Thiên Chúa, đồng thời cảm nếm được hạnh phúc Ngài ban mới là điều đáng trân quý.

 

Có người ý thức được mình là tội nhân, nên đã tự mình tìm cách rút ra khỏi vòng tục lụy đó mà không cần cậy dựa đến ai giúp đỡ. Đây có thể được gọi là “tội nhân có ý chí anh hùng”, biết tự thân bước ra khỏi lỗi lầm. Chúng ta thật đáng thán phục và quý trọng những con người này, có lẽ sớm muộn gì họ cũng sẽ trở thành những vị thánh.

 

Cũng có những người chỉ thích sống trong tục lụy, thích sống trong những lầm lỗi này đến lầm lỗi khác mà không muốn bước ra. Họ không muốn bước ra khỏi tội, vì có thể họ cố tình như thế, hoặc họ bị “mù lòa trong tội”, nên không nhận ra mình là tội nhân. Những người bị “bệnh” như vậy, họ cần lắm lòng thương xót của Chúa, cần lắm những người khác giúp đỡ họ biết nhận ra lỗi lầm của mình để bước ra. Nhưng, bằng cách nào để giúp họ bước ra khỏi con đường tội lỗi thì không phải ai cũng có một phương pháp tối ưu và lộ trình phù hợp.

 

Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật XXIII hôm nay có thể được gọi là kim chỉ nam cao cả nhất, giúp cho người hướng dẫn cộng đoàn, hay toàn thể những người sống đức tin biết cách đưa người anh em lầm lỗi của mình bước ra khỏi bóng đêm tội lỗi, để đạt đến Ánh sáng của Tin Mừng.

 

Ở bài đọc thứ nhất, trích sách ngôn sứ Edekiel, Đức Chúa đã cảnh báo cho vị ngôn sứ biết, ông phải có trách nhiệm với những người lầm lỗi, phải nhắc nhở họ bỏ đường lối lỗi lầm để quay về với Chúa mà tránh cơn thịnh nộ của Người. Nếu vị ngôn sứ, hay người có trách nhiệm sửa dạy không công bố lời sửa dạy của Chúa cho kẻ lỗi lầm biết hối lỗi để trở về, thì ngôn sứ hay vị hữu trách đều nhận những cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như các tội nhân khác: “Đức Chúa phán như sau: Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.  Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,7-8).

 

Đến bài Tin Mừng, thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta biết, cách sửa dạy anh em lầm lỗi của Chúa Giêsu được tiến triển qua ba bước, hay còn gọi là ba bậc thang giá trị.

 

Bậc thang thứ nhất: Sửa lỗi anh em trong cõi riêng tư, chỉ một mình ta với người anh em mà không cần phải có ai biết đến: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15). Điều này có nghĩa là gặp gỡ người anh em lỗi lầm cách kín đáo, riêng tư và dùng những lời góp ý chân thành, khiêm tốn, tế nhị…để anh em nhận ra lỗi lầm của họ mà sửa đổi. Qua cách sửa dạy đơn giản đó sẽ giúp cho người anh em và cho cả chính ta sám hối về những bất toàn mà mình đã gây nên tội.

 

Bậc thang thứ hai: Nếu lần đầu tiên không có kết quả, tiếp tục lần thứ hai với sự hiện diện của một hay hai người khôn ngoan hơn, để giúp đỡ người anh em đang sai lạc thấu tình đạt lý mà hối lỗi: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (Mt 18,16). Biện pháp này nhằm giúp cho người anh em lỗi lầm tránh khỏi sự sỉ nhục ở nơi công cộng hay nơi cộng đoàn. Và hơn nữa, những người khôn ngoan sẽ có những phương pháp tối ưu để dễ dàng giúp cho người anh em lầm lỗi biết sửa đổi tính khí của họ.

 

Bậc thang thứ ba: Nếu lần thứ hai cũng thất bại, lúc đó mới thưa với cộng đoàn. Nếu người anh em này không chịu nghe cộng đoàn, chỉ lúc đó và chỉ lúc đó thôi, người anh em lỗi lầm này mới có thể bị khai trừ hay bị kể như một người ngoại, hay một người thu thuế, tức là một người ngoan cố, không có tinh thần phục thiện.

 

Như thế, lời dạy của Chúa Giêsu về cách sửa lỗi của anh em theo ba nhịp tăng tiến, nhằm hướng đến tình yêu tha thứ trong mầu nhiệm cộng đoàn hiệp nhất như cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện. Chúa Giêsu đã sửa lỗi người phụ nữ phạm tội ngọai tình mà người Do Thái đem đến cho Người bằng một cử chỉ đơn giản là đưa tay viết lên đất, cuối cùng Người nói với chị ấy bằng những lời an ủi, ân cần và tha thứ: “Tôi không kết án chị đâu, chị hãy ra về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,10). Hay như nơi dinh tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu sửa lỗi Phêrô bằng ánh mắt, bằng cái nhìn đầy âu yếm, đầy yêu thương tha thứ…làm cho Phêrô phải khóc lóc hối hận về những tội lỗi của mình (x. Lc 22,61). Cách sửa lỗi của Chúa Giêsu là thế, chỉ tìm cách sửa lỗi anh chị em của Người bằng tình yêu thương, trìu mến, bằng sự tha thứ…làm cho con người mát lòng, thỏa dạ mà ăn năn sám hối, để trở về.

 

Như vậy, việc sửa sai người anh em phải được đặt nền tảng trên đức bác ái Kitô giáo, chứ không phải là sự bố thí lòng thương hại của người trên với kẻ dưới, càng không phải là sự kết án độc tài, như một quan tòa đối với một tội nhân. Thái độ đặt anh em như là đối thủ để lên án, mà không hề biết tôn trọng, hỏi han lý lẽ, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, chỉ làm cho người anh em của mình, ngày càng đi sâu vào sự hận thù, mất niềm tin và thất vọng. Hay nói như thánh Biển Đức, thay vì làm sao để hàn gắn cái bình bị nứt cho lành thì ta lại làm cho nó bể luôn thì càng thiệt hại hơn biết dường nào (x. Tu Luật 64,12).

 

Suy cho cùng, việc sửa dạy người anh em lầm lỗi phải dựa trên bác ái Kitô giáo và theo đường hướng của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta ba bậc thang giá trị trong việc sửa dạy anh em lầm lỗi của mình là: chính ta (một mình) với người anh em lầm lỗi; chúng ta (hai, hay ba người) với người anh em lầm lỗi; cộng đoàn chúng ta (rộng lớn hơn) với người anh em lầm lỗi. Đó là ba bậc thang giá trị để giúp người anh em bước ra khỏi con đường lầm lạc mà trở về với nẻo chính đường ngay.

 

Khi giúp người anh em bước ra khỏi con người lầm lạc là chúng ta đã thực thi đức bác ái Kitô giáo, đã chu toàn lề luật, và không còn phải mắc nợ Chúa, mang nợ với người anh em về tình yêu, trách nhiệm, bổn phận trong việc sửa dạy. Hay nói như thánh Phaolô: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á